Huyện mới Tam Đường đã trải qua mười sáu năm tuổi hình thành và phát triển. Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ thứ XX thành công tốt đẹp, ghi nhận một chặng đường phấn đấu xây dựng và phát triển của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc nơi đây.
Tam Đường hôm nay, đi từ thành phố Lai Châu theo quốc lộ 4D về phía Đông Bắc. Mười sáu năm tuổi, đó là ngày chia tách huyện, thành lập huyện mới Tam Đường. Người dân bản địa từ bao giờ đã gắn bó với nhau thân thiết như anh em, có truyền thống đoàn kết giữa các dân tộc, các xã, bản qua các thời kỳ.
Người lái xe ôm đưa tôi đi chậm, vừa sôi nổi chuyện trò. Chuyên chạy xe ôm tuyến này, anh hiểu từng đoạn, cua, con dốc và chuyện bên đường. Đoạn đường không xa cũng đã ẩn chứa bao huyền thoại. Phía bên trái là dãy núi Pu Ta Leng hùng vĩ có đỉnh cao thứ nhì Việt Nam, dãy núi chạy dài khuất tầm mắt. Bên dãy núi là những cánh rừng, đồng cỏ, thung lũng bạt ngàn. Một thời cách mạng có đội du kích Pu Ta Leng của bộ đội Việt Minh Tả Lèng – Hồ Thầu hoạt động từng gây bão cho giặc trong những trận chúng đi càn. Các thế hệ người dân sống nơi đây đã truyền lại cho nhau câu chuyện đồn giặc Pháp trên đèo Giang Ma bị bộ đội du kích đánh cho tan tành, tiêu diệt nhiều tên địch. Ta dụ hàng, bắt sống hàng chục tên lính Âu Phi, giải phóng ba mươi cán bộ, đồng bào ta bị chúng giam giữ tra tấn.
Thị trấn Tam Đường ẩn hiện trước mắt, bên trái thấy núi Tiên có đám mây trắng bồng bềnh quanh đỉnh. Chân núi có dòng suối nước trong quanh năm, nước chảy ra cửa thác. Tương truyền những đêm trăng đẹp trời trong, các nàng tiên nữ trên trời xuống tắm, nô đùa ca hát hòa trong tiếng ồn ào của thác Tắc Tình… Nơi này, vùng đất không chỉ mang trong mình bao huyền thoại mà còn là nơi con người giỏi giang cần cù năng động, tài nguyên phong phú đa dạng.
Tam Đường trong mắt tôi thật đẹp, ở đây tôi cũng có nhiều người quen biết, giáo viên, đương chức, nghỉ hưu, một số em học sinh cũ công tác ở các phòng, ban, mấy người dân ở bản. Thị trấn Tam Đường trước năm 2004 có tên Bình Lư – một thị tứ nhỏ, người dân trong vùng vẫn quen gọi nơi đây là Mường Lự. Cái tên mộc mạc dân dã đã khắc sâu vào tâm trí nhân gian bao đời; nơi ấy có bản mường yên ấm, dòng suối trong xanh ôm ấp ru hát ngày đêm, cánh đồng vàng nuôi sống con người. Diện mạo thị trấn trẻ, năng động, với đại lộ Võ Nguyên Giáp thênh thang. Nhiều nhà cao tầng hoành tráng, trung tâm hội nghị, trụ sở cơ quan; ba khách sạn lớn cao tầng hạng hai sao và ba sao…
Đây là vùng đất thiêng. Đài tưởng niệm bao anh hùng đã hóa sử xanh như: Mường Cấu, Giang Ma, Nguyễn Chương… những tên đất, tên người đã đi vào lịch sử. Tam Đường hôm nay như một bông hồng đẹp, mỗi xã, mỗi dân tộc là một cánh hoa thắm giữa vườn hoa xuân mới Lai Châu. Trong vườn hoa xuân ấy, hương thơm đã tỏa ngát khắp vùng: Hương lúa đồng nội, hương chè đồi nương, và màu ngô khoai, thảo quả, dong riềng… xanh rờn trên cao dưới thung, các trang trại. Cuộc sống nông thôn miền núi bây giờ đổi thay đáng kể. Đời sống văn hóa làm bộ mặt bản mường tươi thắm hơn, nảy sinh nhu cầu hưởng thụ trong cuộc sống, nhất là lớp trẻ thay đổi cách nghĩ cách làm để có thu nhập. Nhiều xã phát triển vườn rừng, trang trại trồng cây ăn quả, nuôi cá nước lạnh phát triển nhanh đàn ong mật… Không chỉ những xã ở ven quốc lộ, hay đường giao thông thuận lợi như xã: Bản Bo, Hồ Thầu, Bình Lư… mà các xã xa hơn như: Bản Hon, Nà Tăm, Bản Giang…, đến nay các mặt cũng không còn chênh lệch khoảng cách là bao. Nông dân phấn khởi thi đua lao động sản xuất, cạnh tranh lành mạnh, thực hiện nghiêm túc sự chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đưa nông nghiệp phát triển. Đảng bộ huyện có Nghị quyết số 02-NQ/HU Về phát triển nông nghiệp hàng hóa tập trung gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm giai đoạn 2021 – 2025, với nhiệm vụ vừa kiểm soát, vừa xác định rõ vùng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, duy trì nâng cao hiệu quả sản xuất lúa hàng hóa, cây dong riềng, cây mắc ca… Thực hiện tốt các hình thức liên kết, chính sách hỗ trợ đầu tư, huy động nguồn vốn đầu tư, nâng diện tích sản xuất, sản lượng. Những con số ấn tượng về sự phát triển trong tương lai: năng suất, sản lượng, tổng diện tích lúa 5050ha, sản lượng 26383 tấn, ngô 4655ha sản lượng 16817 tấn. Quan tâm đầu tư vùng cây công nghiệp, cây chè 1762,5ha, chè chất lượng cao 863,1ha trồng mới 400ha, nâng tổng diện tích chè kinh doanh lên 2200ha sản lượng 9656 tấn năm, tăng 5720 tấn so với năm 2015.
Giữ vững và phát huy hiệu quả thương hiệu chè Tam Đường. Mở rộng và duy trì diện tích cây dong riềng 120 -150ha, xây dựng nhãn hiệu miến dong Bình Lư. Trồng mới 800ha mắc ca, nâng tổng diện tích lên 1200ha, xây dựng nhãn hiệu mắc ca Tam Đường. Cũng theo tinh thần Nghị quyết 02-NQ/HU về phát triển chăn nuôi thủy sản, tăng đàn gia súc. Làm tốt công tác quản lý khoanh nuôi bảo vệ rừng. Bảo tồn phát triển vùng chè cổ thụ gắn với du lịch. Không chỉ vậy, tiềm năng của rừng rất lớn, sản phẩm nông nghiệp phong phú và đa dạng. Lai Châu nói chung và huyện Tam Đường có tiềm năng rất lớn, đó là cây dược liệu: từ cây sa nhân, thảo quả, đan sâm, đương quy, tam thất, hà thủ ô, chè dây, giảo cổ lam, nấm linh chi, ngọc cẩu… vô cùng phong phú, các dược liệu này này có nhiều ở các xã: Khun Há, Sơn bình, Hồ Thầu, Nùng Nàng, Thèn Sin. Không chỉ dược liệu, nay Tam Đường còn trồng hoa và có nhu cầu thưởng hoa. Có diện tích đất rộng, người dân cho các cơ sở thuê trồng hoa kinh doanh tạo thu nhập.
Bản Bo tham quan cọn nước. Cảnh quan đẹp, rừng bao quanh xanh biếc, suối nước trong veo, hình cung ôm ấp và bản mường tạo nên một quần thể hài hòa. Hàng guồng nước thẳng tắp quay đều đưa nước dưới mương lên chảy vào máng, nước ào ào tràn ra. Khách du lịch có cả khách nước ngoài ngắm xem, chụp ảnh, quay phim tỏ ra thích thú. Bãi đất cao ở giữa là một dãy nhà lán to rộng bằng tre lá cho du khách nghỉ chân. Người dân được dịp phát triển dịch vụ ẩm thực, quảng bá các sản vật địa phương mình
Huyện Tam Đường không chỉ có động Tiên Sơn với cọn nước Bản Bo, có động Bản Hon, động Nà San…, thác nước cũng đẹp như: thác Cầu Mây, Cổng trời, thác Tắc Tình. Còn có các điểm du lịch cộng đồng như Lao Chải 1, Sì Thâu Chải, Bản Thẳm, Nà Khương. Các loại hình du lịch phong phú: từ du lịch sinh thái gắn với thiên nhiên; du lịch thể thao mạo hiểm là môn dù lượn, leo núi; du lịch cộng đồng; du lịch tâm linh, lễ hội truyền thống… và có nhiều dịch vụ phục vụ khách.
Tam Đường – vùng biên ải đầu sóng ngọn gió củaTổ quốc, Đảng Bộ, nhân dân các dân tộc huyện đã trải qua khó khăn, đã đổ xương máu, mồ hôi và cả nước mắt và luôn giành thắng lợi để có một huyện Tam Đường ngày hôm nay. Con đường phát triển trước mắt còn rộng dài, còn nhiều việc cũng có việc khó khăn nhưng nhất định thành công là Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới (NTM). Ông Nguyễn Hồng Sơn – Trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển Nông thôn huyện Tam Đường trao đổi với tôi một vài thông tin về thực hiện chương trình NTM của huyện. Trong gần mười năm thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM trên địa bàn huyện, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được nâng lên, an ninh nông thôn được đảm bảo, bộ mặt nông thôn đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, huyện có 6 xã đạt 19 tiêu chí như các xã: Bình Lư, Bản Hon, Bản Bo, Bản Giang, Nùng Nàng, Hồ Thầu, năm 2020 có thêm 2 xã đạt NTM nữa là xã Thèn Sin, Khun Há, đưa tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 8 xã. Triển vọng đến năm 2025, huyện Tam Đường sẽ hoàn thành chương trình NTM toàn diện. Thật vui quá! Nếu điều ấy trở thành hiện thực, Tam Đường sẽ là huyện về đích sớm đích chương trình NTM.
Vùng đất tôi đã sống, đã yêu vọng mãi dư âm của một thời đấu tranh Cách mạng. Nay vẫn vang lên khí thế hào hùng trên chặng đường mới…
HUỲNH NGUYÊN