Này em, em có nghe mùa xuân đến bên lưng đồi, lưng núi rồi không? Phải rồi, gió vẫn lạnh, đàn chim tránh rét phương nam chưa quay trở về. Chỉ có người dần quay trở về bản làng xa tít tắp này để ăn bữa cơm núi, uống ché rượu ấm cùng nhau.
Xuân mới chớm, khí trời xuân ở đây hòa lẫn với đông nên em chưa thấy xuân về đấy thôi. Nhưng kìa, từ những cây cành khẳng khiu nơi sườn núi đã lấp lánh những mắt hoa trắng tinh khôi. Ở nơi rẻo cao này, mùa xuân đến đầu tiên từ những đóa hoa lê. Em thấy không, dường như trong những thân cành xù xì, im lặng suốt mùa đông băng giá ấy, vẫn có một nguồn sống đang sinh sôi, vận hành, chắt chiu dâng cho đời những gì đẹp đẽ nhất. Đó là sức sống tiềm tàng, mãnh liệt của bao đời ông cha, của bố, của mẹ… nơi đây. Và của cả chúng ta nữa. Em nhìn xem xứ sở của mình vào xuân đẹp lắm. Hoa lê trắng muốt thanh khiết, bình yên và ấm áp. Mà lạ lắm nhé! Cây càng già, càng cổ thụ, thân cành càng khô mộc, mốc meo thì hoa lại càng trắng đến nao lòng. Hoa thường kết thành chùm từ ba đến năm bông như biểu tượng của sự kết đoàn, chống chọi lại sự lạnh giá trên núi cao. Em thấy không? Đến hoa còn cần có nhau. Hay tại anh vẫn còn xa nên em vẫn chưa thấy mùa xuân về trên rẻo cao.
Nhìn xuống lưng chừng thung lũng, đào rừng, mận trắng cũng khoe sắc cùng hoa lê trên núi cao. Rồi những mầm chồi xanh biếc lá. Bức họa quê mình đẹp lắm, nhiều màu sắc xinh tươi lắm mà em vẫn lặng im.
Kìa nhé, có Páo với Súa, có Vừ với Sính, có Mẩy với Lở… đang rủ nhau đi chợ phiên, chợ tết. Chợ phiên có bạn mới vui, ai lại đến chợ phiên một mình, không mua, không bán gì thì phải có bạn chơi cùng chứ! Mà bố dặn mua nhiều đồ đón tết. Không có ngựa thồ thì anh làm ngựa cho. Chúng bạn đi chợ ăn bát phở cùng nhau, mua cuộn chỉ bảy màu cho vào lu cở, rồi về ngồi thổi sáo cho nhau nghe dưới gốc lê, gốc mận cổ thụ rồi em. Mùa xuân của họ ở trong tán ô ấy, chẳng quan tâm ngoài kia tết nhanh hay chậm. Em chưa thấy mùa xuân vì còn mải đợi chờ tiếng sáo xa xôi của ai.
Con người cần đủ khổ đau mới thấu giá trị của hạnh phúc. Cũng như để đến được mùa xuân tươi đẹp, vạn vật phải đi qua được mùa đông băng giá. Mùa xuân mới đến ở xứ sở mình chưa phải là nắng ấm, chưa phải là hoa lá căng tràn nhựa sống. Sương mù vẫn che kín lối đi xuống chợ, đến nhà người thương. Mưa xuân phải lây phây rắc, gió vẫn thổi rét căm căm luồn lách trong thung lũng này. Nhưng mà mùa xuân cho ta hi vọng. Đợi thêm chút nữa thôi, qua đoạn này là sẽ tới những tháng ngày rực rỡ, tươi đẹp như trong cổ tích. Quang cảnh chan hòa, đầy ánh sáng, đầy nắng ấm, đầy tình thương yêu. Ta nghe được trong em niềm hi vọng của sự chờ đợi: Em có thể chờ anh suốt mùa đông, chỉ cần mùa xuân anh nhớ đến.
Đạo Phật trong cái nhìn từ bi, thương xót kiếp người từng nói: Đời là bể khổ. Nhưng con người ta sống bằng hi vọng, rằng qua thời tận khổ rồi sẽ tới thời cam lai. Những ngọt ngào hạnh phúc có được sau những khổ đau luôn cho con người những cảm xúc trân trọng khác thường. Cái gì dễ dãi cũng nhanh chóng bị làm rơi, đánh mất. Cho nên ở đời, gặp khó, gặp khổ đừng chùn bước, đừng sợ hãi, còn đó quy luật nhân sinh tạo hóa. Tận cùng của sự hủy diệt lại là cái gốc của sự hồi sinh. Mùa xuân, từ sự hồi sinh của tạo vật, đất trời lại rót vào lòng người bao sức sống mới. Chính vì vậy mà một lẽ tự nhiên, rằng ai cũng yêu mùa xuân, mong đợi mùa xuân trong kiếp sống hữu hạn này. Nhà văn Nguyễn Khải từng nói: “Sự sống nảy sinh từ cái chết, hạnh phúc hiện hình từ trong những hy sinh, gian khổ, ở đời này không có con đường cùng, chỉ có những ranh giới, điều cốt yếu là phải có sức mạnh để bước qua những ranh giới ấy” là vì vậy (Mùa lạc).
Này em! Xuân đến trên bản mình chầm chậm thôi. Ở xứ sở này chẳng ai vội vã. Tết đến là khi lúa ngô đã ngủ im trong bồ nơi góc nhà, là khi củi khô đã chất đầy hai bên trái bếp. Thế rồi tết đến thật thảnh thơi, thật yên lành. Như cái cách mà những người đàn ông núi ngồi uống với nhau bát rượu ngô gần đống lửa. Như cái cách những người đàn bà Mông, Dao… kiên nhẫn thêu từng mũi chỉ cho tấm thổ cẩm dài cả năm trời. Như cái cách mà khói bếp chầm chậm vương lên nhành cây, lẫn với bảng lảng sương trời. Ở cái nơi mà bốn mùa mây, không thể nào xuân thiếu những sương mây. Nhưng dù sương trắng có làm mờ dáng em thì ta vẫn nhận ra em nhỏ bé trên con đường mòn quanh co, xa ngái về bản. Duy chỉ tình yêu trong ngực trái kia là không thể chậm chễ. Chậm là em về nhà chồng trong một buổi bắt vợ vu vơ nào đó hoặc một buổi nói chuyện của bố của mẹ. Tuổi trẻ của người con gái như mùa xuân. Rực rỡ thanh xuân, má thắm như cánh đào phai, e ấp, trinh nguyên như cánh hoa lê trong khe núi.
Mùa xuân như nàng công chúa chợt thức tỉnh khi hoàng tử đến mang theo niềm hi vọng. Tiếng sáo mùa xuân gọi ai dập dìu sau tường đá, vút lên cành đào trước ngõ rồi rơi vào khung cửa sổ gỗ có người con gái còn thao thức mong chờ. Mùa xuân và tình yêu, và niềm tin, hi vọng luôn gắn liền với nhau. Thấy mùa xuân là hồn ta như trẻ lại, như thêm sức sống, như lại muốn bắt đầu, như tự nhủ sẽ mang đến thật nhiều yêu thương.
Khúc xuân ngắn ngủi mà tha thiết bao điều kì diệu của cuộc đời. Xuân về trên núi cao cùng những tiếng lòng, hơi thở của thiên nhiên mang những dư vị riêng khác, đắm say.
Giang Thanh