Nhành lan nở lúc giao thừa

Chiều tất niên, Trọng nhẹ nhõm khi đã dọn dẹp xong nhà cửa. Trọng bắc ghế lau dọn ban thờ, đây là việc anh sẽ làm cuối cùng bằng tất cả tình cảm thiêng liêng nhất dành cho người cha đã mất. Trọng dùng một chiếc khăn mặt mới mua ngâm vào bát nước thơm được đun từ ngũ vị để lau khung ảnh bố. Xong tất cả các công việc dọn dẹp nhà cửa và sắp đặt ban thờ, Trọng và vợ bắt tay vào nấu cơm cúng tất niên.

Ngoài cổng có tiếng gọi thất thanh của chị hàng xóm:

– Trọng ơi! Ngọt ơi! Có nhà không em?

Trọng vừa ra đến sân thì chị ấy đã chạy xộc vào tới nơi. Vịn vào người Trọng, chị nói nhanh với giọng đầy hớt hải:

– Em ra chợ Trung tâm xem có phải học sinh của em không? Nó đi tìm thầy giáo tên là Trọng, trông nó tội lắm…

– Ai hả chị? – Trọng hỏi lại.

– Có một thằng bé bị ngất vì đói ở ngoài chợ. Mọi người xúm lại cấp cứu, cho nó ăn, cho nó uống… mãi mới tỉnh. Hỏi ra nó nói ở trên bản xuống thành phố tìm thầy giáo Trọng để chúc tết. Nhưng nó không biết địa chỉ nhà thầy giáo ở đâu. Chị nghĩ ra em cũng dạy học ở trên bản nên chạy về báo cho em xem có phải học sinh của em không.

– Nhìn nó trông thế nào hả chị?

Trọng hỏi thế thôi chứ linh tính đã mách bảo anh có khi đó là thằng Sơn, anh chưa kịp định thần lại thì chị hàng xóm nói tiếp:

– Nó bảo tên Sơn, tầm 8, 9 tuổi, người Mông, ở trên bản nào đấy chị nghe nhưng cũng không nhớ lắm, người bé thôi, mặt cũng khôi ngô…

Chưa để chị hàng xóm dứt lời Trọng chạy vội lên nhà lấy chìa khóa xe và mũ bảo hiểm phóng ra chợ. Giữa dòng người xe đông đúc đang chen lấn như giành giật từng phút giây cuối năm hối hả. Trọng thấy cậu trò nhỏ của mình ngồi ngay lối rẽ vào chợ, xung quanh có rất nhiều người đang hỏi han lẫn hiếu kỳ. Đỗ xịch xe lại, Trọng rẽ đám người ra ngồi xuống bên thằng bé:

– Sơn!

– A, thầy giáo

Cậu bé hét lên sung sướng trong ánh mắt hân hoan rạng ngời:

– Em tìm thấy Thầy rồi!

Bộ quần áo lấm bẩn, mặt nhem nhuốc, sau lưng đeo theo một giò phong lan, nhìn thằng bé mà Trọng ứa nước mắt.

Khi đưa Sơn về đến nhà Trọng hỏi vừa như quát:

– Em xuống đây từ bao giờ? Xuống đây làm gì?

– Em đi từ sáng hôm qua, em xuống chúc tết thầy.

Câu trả lời của Sơn làm Trọng đang bực bội bỗng xúc động nghẹn ngào. Trọng vừa hỏi nhưng cũng vừa như là trách mắng Sơn:

– Sao em không nói với thầy trước. Mà em đã xin phép ai trước khi đi chưa?

– Trước hôm nghỉ tết thầy nói lên đón em xuống, em chờ mãi không thấy! Em đã xin chị cho xuống tìm thầy…

Câu trả lời của Sơn khiến Trọng nhớ lại buổi học cuối cùng trước hôm cho học sinh nghỉ tết. Hôm đó Trọng có dành ra một tiết học để giảng cho các em nghe về ý nghĩa ngày tết cổ truyền. Trọng giới thiệu với các em về ngày tết của người Kinh như thế nào, trẻ em được mua quần áo mới, được người lớn cho tiền mừng tuổi, tục lệ đi chúc tết, các món ăn thường được nấu trong ngày tết, rồi hỏi các em ngày tết của người Mông có gì khác? Tiết học hôm đó rất sôi nổi khi các em nhỏ kể về việc được mặc quần áo mới, ăn bánh chưng, thịt lợn, gà, được đi chơi ngày tết… và các em ai cũng mong muốn và háo hức chờ đợi tết về. Chỉ riêng Sơn thì không nói gì. Đến khi cho lớp nghỉ, các bạn về hết rồi, Sơn vẫn ở lại lớp. Cậu bé tiến lại bàn Trọng đang thu dọn sách vở và hỏi nhỏ:

– Thầy ơi, tết em xuống nhà thầy được không?

Trọng vừa làm việc vừa trả lời:

– Ừ, thế để gần tết thầy lên xin phép ông bà và chị rồi đón em nhé!

Chỉ chờ câu trả lời đó của Trọng, Sơn mừng ra mặt rồi “vâng” ngay và chào thầy chạy về nhà. Nghĩ đến đây Trọng mới tự trách mình. Sao lại hứa với trẻ con mà không thực hiện. Có thể với Trọng đó chỉ là lời hứa bâng quơ rồi quên luôn ngay lúc đó. Nhưng với những đứa trẻ lời hứa luôn có hiệu lực rất mạnh mẽ. Rồi Trọng đâm ra nghĩ quẩn, nhỡ hôm nay Sơn đi lạc hay bị tai nạn thì sao? Nếu có vấn đề gì xảy ra với cậu bé thì chính là do lỗi của anh… Ôm cậu bé vào lòng, nhìn bộ quần áo lấm bẩn Trọng càng thấy thương Sơn hơn và trách bản thân vô cùng. Vậy là cậu bé đã đi bộ gần bốn mươi cây số từ nhà xuống thành phố để tìm thầy giáo và có một đêm dài lạnh giá ngủ ngoài góc chợ.

Sơn là học sinh lớp bốn của Trọng tại điểm bản Trù Khèo nơi anh đang dạy học. Nó mồ côi cha khi đang học lớp một. Lên lớp ba thì mẹ bỏ đi lấy chồng ở xã khác. Nhà còn có chị gái năm nay mười hai tuổi tuổi đã bỏ học. Hai chị em nương tựa vào nhau mà sống. Ngôi nhà của hai chị em Sơn thực ra chỉ giống như một túp lều canh nương rộng gần mười mét vuông dựng bằng tre nứa tuềnh toàng và lợp cỏ tranh mong manh, lụp xụp. Tài sản giá trị nhất trong nhà là hai cái nồi nhôm. Sơn vẫn còn ông bà nội đang ở với cụ và gia đình nhà chú – em bố Sơn. Mười một nhân khẩu chen chúc nhau trong căn nhà chú. Ông bà có thương cũng không thể đón cháu về ở cùng vì nhà quá chật. Chỉ có thể chu cấp phần nào lương thực cho chị em Sơn sống qua ngày. Cứ chiều khi Sơn tan học về hai chị em lại dắt nhau lên nương bẫy chuột. Bốn giờ sáng thức dậy lên thăm bẫy, nếu được con chuột nào thì hôm đó bữa sáng có chút thịt tươi, nếu không lại ăn cơm không với nước lã.

Dạy học ở vùng cao, chứng kiến nhiều cảnh nghèo khổ của đồng bào nhưng ở hoàn cảnh bi đát như chị em Sơn thì Trọng ít gặp. Từ khi biết hoàn cảnh của Sơn, Trọng thương cậu trò nhỏ vô cùng. Trọng đi xin từng tấm áo manh quần cho Sơn mặc. Dù đồng lương eo hẹp nhưng Trọng bàn với vợ dành ra một phần hàng tháng mua cho Sơn chút gạo, đồ ăn, muối mắm, đồ dùng sinh hoạt tối thiểu để hai chị em Sơn cải thiện cuộc sống. Nhờ sự quan tâm của thầy giáo mà Sơn chăm ngoan, học hành tiến bộ rõ rệt. Sơn cũng bớt đi tính nhút nhát và tự ti về hoàn cảnh thiệt thòi của mình. Sơn luôn nghe lời Trọng. Trong lòng cậu bé, thầy giáo Trọng như là bố mình vậy.

Buổi chiều cuối năm trở lên gấp gáp hơn khi Trọng gác lại những công việc bộn bề đưa Sơn ra chợ mua cho cậu bé bộ quần áo mới. Ướm từng chiếc áo lên người, đo chiếc quần xem chiều dài có hợp không, xỏ thử đôi dép tổ ong xem có vừa chân, mua cho cậu bé một chiếc mũ len… nhìn thấy cái gì Trọng cũng muốn mua cho cậu bé. Trọng muốn bù đắp cho cậu bé quá ư thiệt thòi nhưng cũng như bù đắp cho khoảng thiếu hụt trong tuổi thơ của chính mình. Trọng nhớ về bố, nhớ về tuổi thơ khi anh còn bố. Mỗi khi tết đến, Trọng được bố cho đi chợ chơi, được mua quần áo mới, được cho ăn một bát phở thơm nức, sau đó lại được bố cho mấy nghìn đồng để mua bi, mua dây nịt về chơi với đám trẻ cùng xóm. Tuổi thơ êm đềm của Trọng chấm dứt khi bố mất đột ngột vì bạo bệnh. Lúc ông mất, Trọng cũng tầm tuổi Sơn bây giờ. Một mình mẹ chật vật lo cho cuộc sống của ba chị em Trọng đang tuổi ăn tuổi lớn nên rất thiếu thốn và khó khăn. Những ngày tết thấy bạn bè được bố mẹ sắm sửa quần áo mới, được mua quà bánh mà mình không có, Trọng thấy tủi thân lắm. Nhưng anh chị đã dặn Trọng từ trước là không được đòi mẹ cái gì nên dù có muốn Trọng cũng không dám. Ngày tết, không có đồ mới nên Trọng không muốn đi đâu vì xấu hổ. Trọng lủi thủi quanh nhà chơi một mình chờ đến bữa rồi ăn cơm. Khi nào chán quá thì chạy lên những đồi chè nông trường hay tha thẩn ra suối nghịch nước. Nghĩ về bố, nghĩ về tuổi thơ của mình và về cậu trò nhỏ, Trọng không kìm được dòng cảm xúc. Ôm trầm Sơn vào lòng và dòng nước mắt cứ thế chẩy ra. Chiều cuối năm chùng lại trong những xúc cảm dạt dào…

Khi Trọng đưa Sơn đi chợ về thì mâm cỗ tất niên cũng được mẹ và vợ nấu xong. Trọng lên hương mời tổ tiên về ăn tết. Ngọt đã đun sẵn ấm nước chờ Sơn về tắm cho cậu bé. Ngọt dạy cậu bé đây là dầu gội đầu, đây là xà phòng tắm. Khi xoa dầu gội lên đầu thấy bọt ngầu lên, Sơn cười thích thú. Nhìn nụ cười hồn nhiên của cậu bé như chưa hề biết đến buồn đau Ngọt cũng thấy vui lây đến nhói lòng. Tuy chưa lần nào gặp Sơn, chỉ nghe chồng kể về cậu bé nhưng từ lâu Sơn đã là một phần trong cuộc sống của hai vợ chồng Ngọt. Hai vợ chồng đều làm giáo viên nhưng mỗi người dạy ở một huyện, Trọng dạy cách nhà bốn mươi cây số, đường đi lại được đổ nhựa và bê tông đến đầu bản nên sáng đi tối về. Ngọt thì dạy xa hơn mà đường đi khó khăn nên ở luôn tại bản cuối tuần mới về nhà. Hai vợ chồng ở chung với mẹ trong ngôi nhà cấp bốn lợp ngói được cha anh xây từ khi anh chưa chào đời. Những mảng tường đã bong tróc không thể quét vôi hay gia cố thêm được đậy điệm bằng những tờ giấy dán tường. Còn trần thì được đóng lót một lớp bạt dứa để hạn chế những bụi bặm, vụn ngói. Cũng đã có lúc Trọng muốn đập đi xây lại ngôi nhà mới nhưng không đành bởi bố anh đã tự tay đóng từng viên gạch để xây nên ngồi nhà đó. Trong từng góc nhà, chỗ nào cũng chứa đựng bao ký ức thời thơ ấu của gia đình anh.

Chiều tắt lịm mang những làn sương từ đâu lùa về phố núi. Những bụi mưa li ti bay theo gió đông se sắt đang rắc hạt trước sân nhà. Bữa cơm tất niên được dọn ra trong sự quây quần đoàn tụ. Ăn cơm xong cũng đã tám giờ tối, Trọng đèo vợ và Sơn đi ra quảng trường xem ca nhạc chờ xem pháo hoa. Mặc cho cái lạnh, mưa phùn giăng mắc, dòng người xe vẫn tấp nập xuống phố chờ đón giao thừa. Quảng trường mỗi lúc một đông hơn quanh sân khấu chính. Người người thảnh thơi trong những giờ phút cuối năm chậm rãi. Cậu bé Sơn thì thấy cái gì cũng lạ, cũng hay, tò mò khám phá. Lần đầu tiên từ khi sinh ra Sơn được xem pháo hoa, cậu bé nín từng hơi thở khi mỗi quả pháo được bắn lên và bung sáng những chùm lấp lánh. Trong Sơn trào dâng những niềm vui và hạnh phúc ngọt ngào. Pháo hoa tan trong thời khắc, nhưng có lẽ trong Sơn đây mãi là giao thừa đáng nhớ nhất bởi cậu bé được bảo bọc trong vòng tay của vợ chồng thầy giáo Trọng.

Trọng đưa Sơn và vợ về đến nhà khi hương thắp trên mâm lễ cúng sang canh đã hết tuần. Mẹ Trọng hóa vàng và hạ lễ, theo lệ cả gia đình ngồi bên nhau ăn lộc đầu năm. Mẹ anh lấy tiền mới để mừng tuổi cho con các con và Sơn. Hai vợ chồng Trọng cũng mừng tuổi lại mẹ. Sau đó Trọng mừng tuổi cho Sơn rồi hỏi:

– Sơn đã bao giờ được mừng tuổi tiền vào năm mới chưa?

Sơn cười tủm tỉm rồi trả lời:

– Em chưa.

Sau đó cậu bé chạy ra ngoài sân mang vào nhà giò phong lan hai tay đưa Trọng:

– Em tặng thầy giáo!

Trọng đón nhận món quà đầy bất ngờ của cậu trò nhỏ trong niềm xúc động dạt dào. Những nụ hoa bé nhỏ chiều nay vẫn còn khép nụ giờ đã nở ra từng cánh trắng tinh khôi đầy kiêu hãnh. Trọng nhớ tới lời một bài hát mà anh yêu thích: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…. phải đâu may nhờ rủi chịu… và em như cụm lan mọc, từ những cành cổ thụ già kia”.

Trương Huy


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.