Mùa xuân về, khắp các bản làng Tây Bắc đang từng bừng trong sắc thắm, hoa đào hoa mận đua nở. Mùa xuân như đến sớm hơn với người vùng cao biên giới. Chúng tôi có dịp lên thăm các anh, những người con của núi của rừng đang ngày đêm canh trời, giữ đất. Các anh là những chiến sĩ quân hàm xanh bộ đội Đồn Biên phòng (ĐBP) Sin Suối Hồ, thuộc Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Lai Châu.

“Đất Phong Thổ ta tự hào có đỉnh Sơn Bạc Mây cao lắm, nghe đâu chạm cả vào đỉnh mây. Ở dưới chân núi ấy, giữa bao la màu rừng màu núi có một chấm son đỏ chói phần phật tung bay trong gió – chính là lá cờ Tổ quốc ĐBP Sin Suối Hồ đóng trên bản ta đó!” – Là câu nói của các cao niên trong bản Sin Suối Hồ vẫn thường kể mỗi khi có khách ghé bản, hỏi thăm đường lên ĐBP.

 Các chiến sĩ biên phòng Sin Suối Hồ tuần tra biên giới

 Thiếu tá – Đồn trưởng ĐBP Sin Suối Hồ Nguyễn Văn Đạt đón chúng tôi bằng ấm trà nóng, ngai ngái hương vị núi rừng vùng biên. Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ đóng chân trên địa bàn xã Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ, nơi có vị trí đặc biệt quan trọng trong bảo vệ chủ quyền lãnh thổ và giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Đồn trưởng Đạt quê gốc Hưng Yên, nhưng có lẽ với anh, vùng quan ải “Đất gió” Phong Thổ từ lâu đã thành quê hương thứ hai rồi. Qua câu chuyện, chúng tôi biết, anh có 14 năm khoác lên mình màu áo biên phòng, trong đó 11 năm nhận nhiệm vụ tại các ĐBP như: cửa khẩu quốc tế Cầu Treo, thuộc Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Hà Tĩnh; đồn biên phòng cửa khẩu Hoành Mô (tỉnh Quảng Ninh). Năm 2017, anh tốt nghiệp Cao học Học viện Biên phòng và tháng 6 năm đó có đợt tăng cường bộ đội lên các tỉnh phía Bắc thời gian là 30 tháng. Chẳng kịp gặp vợ con để chia tay, một mình khăn gói tức tốc lên vùng biên giới xã Dào San (Phong Thổ) nhận nhiệm vụ. Hết thời gian tăng cường, anh xin ở lại gắn bó với vùng đất này và được điều động về công tác tại Đồn Sin Suối Hồ đến nay.

 Các chiến sĩ BĐBP Lai Châu khám chữa bệnh chăm sóc sức khở cho bà con biên giới

 ĐBP Sin Suối Hồ cách các xã bàn từ 4 đến 6km, nằm dưới chân núi Sơn Bạc Mây, có độ cao trên 1500m so với mực nước biển, quanh năm mây mù bao phủ. Công tác tuần tra hàng ngày là nhiệm vụ thường xuyên của BĐBP: kiểm tra người, phương tiện ra vào khu vực biên giới, khai báo lịch di chuyển, thì định kỳ 6 tháng một lần các anh có một nội dung hội đàm với lực lượng bảo vệ biên giới nước bạn. Phó Chính trị viên – Đại úy Đỗ Văn Thủy, một trong những người chưa khi nào vắng trong các chuyến tuần tra định kỳ, cũng như hoạt động phối hợp với lực lượng biên giới nước bạn trong công tác tuần tra song phương. Anh cho biết: “Đồn Sin Suối Hồ quản lý 9,272km đường, với 3 mốc giới là 83 (2), 84 và 85 (2) thuộc địa bàn 3 xã Sin Suối Hồ, Nậm Xe và Bản Lang. Ngoài công tác bám, nắm địa bàn hàng ngày, là công tác tuần tra phối kết hợp với lực lượng biên giới phía đối diện. Với các các chiến sĩ biên phòng, bất kể thời tiết, cứ đến lịch là lên đường. Bới công tác tiến hành tuần tra khép kín đoạn biên giới Việt – Trung là nhiệm vụ trọng yếu”. Được biết, địa bàn các anh phụ trách có những điểm cao, mốc giới xa phải đi bộ xuyên rừng hàng tuần, đường đi lại gặp nhiều khó khăn, nhiều đêm tuần tra bất chợt mưa rừng suối lũ ùa về, khi ấy dù, màn luôn sẵn bên người, lại thành nhà, thành giường ngay tại chỗ. Đêm đó, các anh lại thao thức với rừng, với núi cốt để kịp đúng hẹn với lực lượng biên phòng nước bạn trong hoạt động tuần tra song phương. Cũng vẫn là nhiệm vụ thường xuyên về hoạt động kiểm tra tình trạng mốc giới, phát quang đường biên thông thoáng tầm nhìn và cùng trao đổi các nội dung liên quan về công tác bảo vệ biên giới… Và chỉ khi kết quả không có dấu hiệu mốc giới bị xê dịch, không có điểm bất thường xảy ra tại đường biên giữa hai nước, không vi phạm quy chế, xâm nhập, không có đối tượng vượt biên trái phép, khi ấy những bước chân người lính quân hàm xanh mới vững vàng trở về.

Theo chân Đại úy Thủy, chúng tôi về bản Giàng Ma Pho (xã Sin Suối Hồ) thăm già bản Lý A Dế, người đã hơn 20 năm cùng với các chiến sỹ biên phòng băng rừng lội suối, giúp các anh phân định địa giới rõ ràng, chính xác hơn. Năm nay tuy tuổi cao, nhưng tinh thần biên giới trong ông vẫn dồi dào như dòng thác Trái tim của bản. Già Dế tâm sự: “Địa bàn ĐBP Sin Suối Hồ quản lý có những mốc giới cao và xa như mốc 85, giáp với bản Hồng Ngài, xã Y Tý (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai), phải là người thông thổ bản địa mới nắm vững địa phận. Bất kể thời điểm nào, cứ các anh cần đến là mình có mặt ngay”. Bởi là người vốn thông thạo thạo địa bàn, với già bản Dế mỗi con suối, gốc cây, bìa rừng có dấu hiệu thay đổi khó có thể qua mắt ông được. Ngoài công tác tuần tra biên giới, những vấn đề khó cần tháo gỡ trong các đợt tuyên truyền già bản Dế luôn sát cánh cùng các anh. Mỗi khi có dịp quây quần, ông thường xuyên dặn con cháu và bà con dân bản phải nâng cao ý thức bảo vệ biên giới, không nghe lời xúi giục kẻ xấu mà làm điều có hại cho bản, cho nước.

Sùng A Chư, dân tộc Mông thuộc bản Sì Cha Chải và Tẩn Láo Lở, dân tộc Dao bản Chí Sáng (xã Sin Suối Hồ) cha mẹ mất sớm, các em phải cậy nhờ tới họ hàng và bà con trong bản, nhưng ngặt nỗi ai cũng nghèo khó, các em không thể tiếp tục ước mơ học chữ. Với mô hình “Con nuôi của Đồn” và Chương trình “Nâng bước em đến trường”, những người chiến sĩ BĐBP Sin Suối Hồ có thêm một mái ấm – mái ấm đấy được nhen lên từ những trái tim nồng hậu, sự yêu thương, bao dung của những trái tim người lính. Sự sẻ chia của các anh và toàn xã hội đã thực sự giúp những trẻ em nghèo vùng cao có cơ hội thắp sáng được ước mơ tìm con chữ. Thầy giáo Đồng Tất Thắng – Bí thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Sin Suối Hồ chia sẻ: “Cùng với các thầy các cô giáo ở trường, giờ đây các em đã có thêm những người cha biên phòng hàng ngày chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ”. Thầy Thắng cho biết: Mới đây nhà trường phối hợp với Đồn mới hoàn thiện hồ sơ cho 4 em vào trong chương trình “nâng bước em đến trường”; hàng tháng mỗi em được hỗ trợ 500.000đ/, số tiền này được các chiến sĩ cùng thầy cô trao vào ngày thứ hai tiết chào cờ đầu tháng và chương trình sẽ hỗ trợ các em cháu học xong cấp ba.

Cùng với công tác bảo vệ an ninh biên giới là công tác giúp dân phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Năm qua, Đồn kết hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Phú Thọ trong chương trình “Dê giống sinh sản”, bước đầu là 45 con dê bố mẹ, hỗ trợ 4 hộ ở bản Siàng Ma Pho (xã Sin Suối Hồ), nay đàn dê phát triển lên gần 70 con. Mô hình “nuôi cá nước ngọt” ở xã Nậm Xe, trồng chuối thương phẩm ở xã Bản Lang, “bò giống giúp người nghèo nơi biên giới”; trồng cây địa lan, xây dựng bản du lịch cộng đồng tại xã Sin Suối Hồ. Trước đây, mỗi khi có dịp về bản, ai cũng ái ngại chuyện gia súc thả rông, chuồng trại mất vệ sinh ảnh hưởng đến môi trường. Kết hợp với cấp ủy chính quyền xã trong chương trình xây dựng Nông thôn mới (NTM), không ngại khó, bằng công tác tuyên truyền khéo léo và phong trào 4 cùng “cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc, cùng nói tiếng dân tộc”, với bà con. “Mưa dầm thấm lâu”, thấy bộ đội miệng nói tay làm, nhiều người đã ngộ ra: bộ đội làm thì ai được hưởng lợi, làm cho ai…, thế là không ai bảo ai, mỗi người một tay, cát đá, xi măng, hiến đất mở đường như một phong trào lan tỏa khắp xã, chuồng trại chăn nuôi được quy hoạch làm xa nhà ở. Mỗi khi có các anh biên phòng về, từ đầu bản đến cuối mường, đã thấy bà con ríu rít, ai cũng vui như người thân đi xa ngày trở về.

Như đã thành thông lệ, cứ vào ngày cuối tuần, Phó Chính trị viên Đỗ Văn Thủy lại tay cuốc, tay dao cùng các chiến sĩ xuống bản giúp bà con kỹ thuật chăm sóc lan, tạo cảnh quan cho bản. Hiện giờ, bản Sin Suối Hồ có 20 hộ gia đình tham gia làm dịch vụ homestay phục vụ du khách nghỉ qua đêm, có khả năng đón hơn 100 khách mỗi ngày, có đội hướng dẫn viên du lịch, đội văn nghệ bản phục vụ biểu diễn khi có khách tham quan. Để có cơ ngơi như ngày hôm nay, mỗi khi có đoàn khách về thăm bản, Trưởng bản Sin Suối Hồ, Vàng A Chỉnh lại say sưa kể câu chuyện bộ đội sát cánh cùng bà con làm NTM, làm du lịch cộng đồng. Anh đưa đoàn tới thăm các gia đình có mô hình homstay, thăm mô hình Hợp tác xã du lịch Trái Tim. Nhưng có lẽ ấn tượng nhất là mô hình trồng địa lan của bản. Hàng trăm chậu địa lan đang vươn ngồng đợi ngày trổ bông. Trưởng bản Chỉnh cho biết: Bản có khoảng 5 nghìn chậu lan trần mộng, giờ lan Sin Suối Hồ đi khắp cả nước, nhất là vào dịp tết nguyên đán, mang lại thu nhập trung bình từ 50 triệu đến 70 triệu đồng/năm/hộ, và Sin Suối Hồ là địa phương được Hiệp hội Du lịch Việt Nam vinh danh là “Làng du lịch cộng đồng tiêu biểu”.

Những gương mặt chiến sĩ trẻ măng tuổi đôi mươi bên những luống rau xanh mơn mởn trong giờ tăng gia, thi thoảng lại cưới nói trêu đùa cùng đồng đội. Nghe các cán bộ kể, những ngày đầu nhập ngũ nhiều chiến sĩ còn lạ lẫm, lần đầu xa nhà, mọi sinh hoạt thay đổi, có em rát ít nói vì bỡ ngỡ. Ngơi tay cuốc, chiến sĩ Lò A Túng, dân tộc Mảng chia sẻ: “Ngày đầu nhập ngũ, thời gian chủ yếu là huấn luyện, mọi người ai cũng mới chưa có nhiều thời gian tâm sự nên ai cũng có niềm chung là nhớ nhà. Nhưng những câu chuyện trong giờ giải lao, được các cán bộ trao đổi trong các buổi sinh hoạt chính trị. Đặc biệt là những ngày xuống bản giúp bà con phát triển kinh tế, em cảm giác như được về với gia đình”. Giờ đây, cứ đều đặn vào chợ phiên thứ bảy, Túng và đồng đội đội lại xuống chợ cắt tóc cho bà con bản và du khách thực hiện mô hình “tay kéo biên phòng”…

Ngoài công tác tuần tra bảo vệ an ninh biên giới quốc gia, giúp dân phát triển kinh tế, xây dựng thế trận lòng dân, thì các anh chính là lực lượng xung yếu trên tuyến đấu chống dịch bệnh covid 19 ngăn chặn tình trạng vượt biên trái phép mang theo dịch bệnh vào Việt Nam qua biên giới. Cán bộ chiến sỹ ĐBP Sin Suối Hồ đang phải vượt qua biết bao khó khăn vất vả, nhiều ngày qua rừng đã trở thành nhà, lều bạt thành nơi để nghỉ ngơ, tất cả sẵn sàng cho một cuộc chiến lâu dài và phức tạp. Tại điểm chốt covid bản Nà Vàng, xã Bản Lang, một chiếc lều dã chiến được dựng lên. Đón chúng tôi với cái bắt tay chắc nịch cùng nụ cười hòa trong làn gió se sắt vùng biên, Phó trưởng ĐBP nghiệp vụ Sin Suối Hồ Mai Tuấn Anh, đồng thời là Tổ trưởng Tổ covid chốt Nà Vàng, anh chia sẻ: “Cùng với nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, thì không chỉ có các chiến sĩ biên phòng trên tuyến đầu chống dịch mà mỗi người dân ai cũng phải thực hiện nhiệm vụ kép”.

Ngay từ khi nhận nhiệm vụ lập chốt covid, anh em chiến sĩ thực hiện ăn ngủ tại chỗ, bất chấp cái nắng như đổ lửa hay cái lạnh buốt những đêm sương muối trắng trời. Các anh xác định đây là một cuộc chiến phức tạp lâu dài chưa có ngày kết. Mỗi một chốt, mỗi tổ công tác nêu cao tinh thần chống dịch như chống giặc. Là địa bàn rộng, địa hình hiểm trở, có nhiều đường mòn lối nên công tác tuần tra, kiểm soát người dân hai bên biên giới qua lại rất khó khăn. Các chiến sĩ biên phòng luôn xác định: vừa thực hiện nhiệm vụ chính trị vừa nâng cao công tác chống dịch. Đêm nào cũng vậy điệp khúc tuần tra, đổi ca, rồi lại tuần tra được các chiên sĩ biên giới đồn SSH lặp đi lặp lại 24/24h. Địa bàn rộng, lưc lượng biên phòng thì mỏng, các anh thay nhau canh giữ, chỉ cần bất cẩn có thể làm hệ lụy lây lan dịch bệnh sẽ khung khiếp như thế nào. Cũng từ những buổi tuần tra đêm trên đường mòn, lối mở trong khi làm nhiệm, các anh cùng với các lực lượng đấu tranh, ngăn chặn, bóc gỡ thành công nhiều tụ điểm ma túy, hàng cấm. Năm vừa rồi, trực tiếp Phó Đồn trưởng Mai Tuấn Anh phối hợp với các lực lượng bóc dỡ thành thành công tụ điểm buôn bán, tổ chức sử dụng ma tuy tại bản Tràng Phàng.

“Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là anh em ruột thịt” không chỉ còn là khẩu hiệu mà giờ đây trên mỗi vùng đất xa hình chữ S, các đơn tuyến một mình trong công tác bảo bện an ninh biên giới. Tình quân – dân gắn bó ấy đã xây nên một thế trận lòng dân, một phòng tuyến biên giới vững chắc trước mọi âm mưu quấy phá, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ quốc gia. Đêm miền rừng như xuống nhanh hơn, sương phủ đỉnh Mây Sơn Bạc, cái lạnh miền biên viễn càng thêm thấu. Tiếng nhịp bước tuần tra trong đêm vẫn vững vàng nơi địa đầu Tổ quốc, để mỗi nếp nhà nơi bản xa vẫn ngày ngày nhen lên lửa ấm, để đất đai cương thổ thêm dày, thêm vững.

Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.