Khung cửa phía Sông Đà

Nhà tôi rộng chừng hơn trăm mét vuông nhưng vốn là một cái kho nằm áp tường với những nhà khác. Khi cải tạo lại để ở, cánh thợ cũng lắc đầu vì chỉ thiết kế được một cái cửa sổ duy nhất đón ánh sáng. Trước khi đón mẹ con tôi dưới miền châu thổ lên, cha tôi thường ngồi đọc những bản in rô-nê-ô (ronéo) mang sang từ xứ bạch dương và đốt những điếu thuốc lá sông Cầu.

Khi tôi lớn lên, một ngày, cha nhường lại cho tôi ô cửa ấy cùng chiếc giường, chiếc bàn học gỗ thông xinh xắn. Tôi nhận ra, khung cửa sổ quay ra mặt sông Đà. Tôi thấy sông, sông lại như nhìn thấy tôi mà ào ạt một cơn gió mát. Bao năm rồi, vẫn nhận ra những tàn thuốc mắc kẹt trong khe gỗ nứt. Chắc ngày xưa cha thường ngồi ở đây ngắm cầu vồng sau mưa bắc ngang sông. Tôi thì ước, cầu vồng bảy sắc ấy biến thành cây cầu bê tông nối với bờ bên kia nơi phố Phương Lâm.

Gió sông nhè nhẹ giúp tôi mở từng trang nhật kí của người cha. Tôi nghe như có tiếng ghi-ta gỗ vọng đâu đây, như có tiếng dế mèn từ bãi cỏ ngày xưa xanh mướt giờ đã bị “đóng băng” trong cái sân bê tông, tiếng những mái chèo khua nước sông một trưa thu vắng. Cứ thế, nhìn sông và đọc “trộm” nhật kí, tôi sống những mùa thu mát rượi, trong lành và đẹp như một miền cổ tích…

Vậy mà cái hôm tôi khoác chiếc túi, theo bố đi thi đại học, nước sông bỗng đỏ ngầu dâng lên cao lắm. Nhìn sông, nhìn con đò, tôi biết ông cũng đang lo âu lắm. Ngày nước cả, lại đúng dịp ứng thí, chợt nhớ đến câu thơ ông chép của thi nhân nào trong nhật kí “Ta trú non cao nhìn gió nổi/ Người xuôi sông lớn mộng kinh kỳ” (Và ngắn ngủi – Nguyễn Thiên Ngân). Bỗng dưng, trước lúc bước xuống con đò, cha tôi ngước nhìn lên phía Tây Bắc xanh um và núi đá vôi bạc cao vời vợi:

– Trên ấy, những đêm rồi chắc mưa dữ lắm.

Sau này được đi nhiều nhưng tôi vẫn có chút nuối tiếc là chưa được ngược lên phía ấy để hiểu lòng cha với Tây Bắc thao thiết nhường nào. Cũng chừng ấy năm, dẫu vẫn luôn tay đóng mở  hai cánh cửa nhưng chẳng mấy khi tôi  để tâm đến khung cửa quay ra phía sông ấy. Cũng như tôi, hình như nhường ấy tháng ngày sông cũng bộn bề tất bật. Những xà lan chở xi măng về xuôi chuyến cuối trước khi nhà máy được di rời, máy nổ vang mặt nước xanh biêng biếc. Những trụ nổi trên sông, kết thúc những buổi chiều đò ngang, một sớm mai cây cầu mới hợp long.

Rồi một ngày tôi chợt nhận ra, khung cửa của mình không còn nhìn được ra sông nữa. Ở phía trước mặt, nơi có những mùa xuyến chi bình dị ấy đã mọc lên những ngôi nhà cao tầng, trắng toát phản quang trong nắng như gương soi vào cửa sổ nhà tôi. Có một chút buồn man mác như nắng thu, dòng sông nào nằm khuất lấp phía ấy, đêm đêm tiếng sóng không còn vọng vào ô cửa. Giờ có ra bờ kè ngồi ngắm cũng đâu còn một con thuyền mái chèo khỏa nước…

Rồi khung cửa nhà tôi phải đóng lại, tôi đi lấy chồng xa, lâu lâu mới về thăm nhà. Trong khi cậu em tôi, cái đứa trẻ đầu tròn, mũn mĩm như em bé trong tranh Đông Hồ thầm lớn lên trong những ngày khung cửa vắng tôi. Nó phải mở rộng cái cửa gỗ để lắp đặt một cái cửa cuốn lớn, nuốt trọn cả phần cửa sổ. Thời buổi lòng tin đặt vào ổ khóa cũng chẳng trách được, cha đã từng cải tạo cái kho thành nhà, giờ đến lượt em tôi lại cải tạo nhà thành cái kho của muôn vàn thứ linh kiện đồ điện. “Cuộc đời còn ngổn ngang những tháo ra, lắp lại, đâu có dĩ thành bất biến như chữ nghĩa của bố và chị” – em tôi vẫn thường đùa thế.

Ngày mai, khung cửa sổ quay ra phía sông Đà sẽ chẳng còn, cũng từ bao giờ không còn nhìn thấy dòng sông ấy, không được tận hưởng những cơn gió mát ấy. Vậy mà, trong lòng tôi cứ dạt dào bao vĩ thanh tiếc nuối, mênh mang như nước Đà Giang xanh ngắt dưới nắng vàng Tây Bắc óng như mật ong rừng.

Bùi Việt Phương


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.