Con người ta sinh ra chỉ cần có thị giác là biết đến mây trời, và có lẽ rất nhiều người đã gửi những ước mơ của mình rong ruổi theo những áng mây suốt cả thời thơ ấu. Mây trời như một thế giới kì diệu mà mỗi đứa trẻ khao khát được chạm tới, được bồng bềnh ngao du… Ka Lăng, vùng đất biên giới Việt Trung thuộc huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu là vùng đất của mây. Vùng đất mà bất kì tay nhiếp ảnh và phượt thủ nào cũng muốn một lần đặt chân đến để thưởng thức một lần trong đời – thưởng thức những mùa mây Ka Lăng.
Tại sao tôi không nói là lên Ka Lăng để săn mây, ngắm mây mà là để thưởng thức mây. Bởi vì đi đến Ka Lăng không phải dễ dàng. Nếu đến đấy chỉ đề tìm kiếm thứ mà bạn chưa thấy thì chả có gì thú vị cả. Đến Ka Lăng là để tìm thứ mà bạn không thể thưởng thức ở nơi khác. Từ Hà Nội đến Lai Châu hơn 400km bạn chỉ đi một đêm, nhưng từ Lai Châu vào Mường Tè 130km, bạn mất một buổi sáng ngồi xe khách. Còn từ Mường Tè lên Ka Lăng, 70km, bạn mất chừng ba tiếng đồng hồ. Con đường quanh co ven sườn núi, một bên là rừng, vách đá còn một bên là dòng sông Đà hoặc vực thẳm. Bạn không thể trở thành tay đua tốc độ trên con đường này nếu bạn không muốn bị rơi xuống sông…
Ka Lăng cao khoảng hơn 2000m so với mực nước biển, trung tâm xã nằm trên sống lưng núi nên mây thường đùn lên từ hai bên khe núi phía đông và phía Tây, cả hai phía mây đều bay nhanh với tốc độ chóng mặt, thật gấp gáp che phủ Ka Lăng từ sáng sớm. Ka Lăng, mây cả bốn mùa. Mùa nào trong năm, mùa mưa hay mùa khô Ka Lăng cũng có mây, chỉ là nhiều hay ít, nhanh tan hay bồng bềnh cả nửa ngày. Nhưng mây đẹp nhất là tháng 11 hàng năm. Mây mùa hè cũng đẹp. Mây Ka Lăng khiến người ta ngây ngất nhất là sau một ngày mưa, hôm sau nắng lên rực rỡ, từ sáng sớm, mây đã đùn lên từ khe núi, dưới tán rừng già, mây xô đẩy nhau để chóng lên đỉnh núi gặp người Ka Lăng. Người Ka Lăng đi chợ trung tâm xã, váy áo xúng xính, những đồng xu trên áo rung rung những tiếng vui tai. Mây lăn theo chân lũ trẻ ríu rít đến trường, mây theo bước chân người lên nương. Mây sà vào quán chợ, đậu trên bàn ăn, mây ùa theo nhưng đàn dê, đàn trâu qua đường. Mây đậu trên cây sữa già giữa đường, bám vào từng chùm quả lắc lắc như đùa vui, ghé vào những chậu hoa ven đường, thổi làn hơi mát cho hoa thêm tươi tắn… Tất cả bao trùm trong một lớp sương mù mờ ảo. Cô gái Hà Nhì má ửng hồng trong bộ đồ thổ cẩm dịu dàng, dường như mây cũng ngẩn ngơ… Người Ka Lăng quen thuộc với mây như thế, ngày nào cũng gặp nhau từ sáng sớm, gần trưa mới chia tay. Cứ thế, cả buổi sáng, Ka Lăng bồng bềnh, bâng khuâng như đang trôi…
Mặt trời dần vươn mình khỏi dãy núi Pu Si Lung ở phía đông, tất cả dần dần bừng sáng rực rỡ. Mặt trời kia rồi, mặt trời trồi lên sau biển mây dày đặc, vàng óng và chói lọi như một quả bóng đang tung hứng trên một thúng mây khổng lồ mà cạnh thúng phía xa xa là những dãy núi, những cánh rừng Ka Lăng. Cả thung lũng ngập màu mây trắng, những đỉnh núi nhấp nhô, bạn sẽ thấy mình như lạc vào tiên cảnh, phải gắng hết sức mình để cảm nhận, để nhìn ngắm, hít thở thật căng vào lồng ngực làn gió mát mang hơi mây buổi sớm. Bạn hãy đưa tay sờ lên má, lên tay, khi những làn mây bay qua bạn và nhẹ nhàng ve vuốt, bạn sẽ muốn giang tay ra ôm lấy cả biển mây trước mặt, muốn vốc từng vốc mây đặt lên tay để tung… Tất cả là một màu trắng đến nao lòng. Trong phút giây nào đó, bạn quên mất mình là người trần thế mà thấy mình như một vị tiên ngao du giữa đất trời bát ngát. Mây mang hơi mát từ khe suối, chở lên theo nó cả hương vị của đất rừng, của cây cỏ, hoa lá Ka Lăng. Ta thấy trong gió mùi ngai ngái của cây cỏ, ta khẽ liếm môi khi mây vừa chạm, để thấy vị man mát của núi rừng, và bạn cứ bâng khuâng mãi không muốn rời xa.
Ka Lăng, đến dù chỉ một lần trong đời, nhưng đến không phải để quên. Đến để nhớ suốt đời một biển mây sớm nơi tuyến đầu Tổ quốc. Đến để yêu thương một vùng đất còn nhiều gian khó mà vẫn đẹp mộc mạc và giản dị, nồng hậu và thân thương. Hãy đến đây để thưởng thức những mùa mây của xứ sở này – một phần không thể thiếu, một phần quen thuộc như một sản vật đặc biệt mà đất trời riêng tặng Ka Lăng.
Đinh Hồng Nhung