Giữa một vùng non cao, tiếp giáp với dãy Hoàng Liên Sơn – là Tà Mung cao 1300m so với mực nước biển, khí hậu khắc nghiệt, đất khô cằn sỏi đá. Thế mà vẫn mươn mướt một màu xanh trong vườn trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) THCS Tà Mung…
Một ngày cuối đông, chúng tôi men theo con đường quanh co ven chân núi đi lên xã Tà Mung (thuộc huyện Than Uyên, tỉnh Lai Châu). Giờ đường đã được trải cấp phối dễ đi hơn vậy mà vẫn là cả một thử thách với những tay lái yếu như tôi. Trời mỗi lúc một trưa, con đường mỗi lúc một hướng lên cao mãi. Bầu trời xanh, trong vắt điểm thêm vài đám mây trắng. Bầu trời ở xứ sở này vào cuối đông đầu xuân là vậy, hanh hao nhưng dễ làm xao xuyến lòng người. Giữa trưa thì cả đoàn cũng đến trung tâm xã Tà Mung ở độ cao hơn 1300m so với mực nước biển. Nắng vừa đó mà bất chợt trốn mất, thay vào đó là hơi sương, là mây bay là là mặt đất, như thể với tay ra là chạm tới được.
Từ trung tâm, chúng tôi đi bộ chừng năm phút thì tới trường PTDTBT THCS Tà Mung. Điều thật sự ngỡ ngàng là ở một xã vùng sâu vùng xa như Tà Mung, mà lại có ngôi trường khang trang, sạch đẹp nhường này. Tôi bắt gặp ở ngay lối cổng chính vào trường là giàn hoa giấy, sử quân tử… đang được ươm uốn thành vòm. Trường có khu lớp học hai tầng, khu làm việc của thầy cô giáo, khu kí túc xá của học sinh bán trú, sân chơi thể thao, khu vệ sinh… Tất cả đều sạch sẽ, quy củ… và đặc biệt là khu “nông trại” xanh – sạch – đẹp vô cùng ấn tượng.
Khu vườn rau của các em học sinh trường PTDTBT THCS Tà Mung.
“Nông trại” là tên gọi của khu nuôi trồng nằm ngay trong khuôn viên trường. Trường có cả vườn rau, ao cá, chuồng chăn nuôi gia súc. Khu vườn khá rộng (1400m2) nhưng vuông vắn, gọn gàng, xanh mát mắt với những luống rau đang vụ đông: bắp cải, su hào, cải xanh… Ở mảnh đất cao vút và đầy đá sỏi này, đông dài, thu ngắn, xuân chẳng bao nhiều. Cho nên cảm giác mùa đông kéo dài từ suốt cuối thu cho đến gần hết mùa xuân. Vậy nên rau vụ đông là chiếm ưu thế và có thể trồng được dài ngày. Chúng tôi thấy các lứa rau cải lớn bé khác nhau trong khu vườn, dự kiến sẽ thay phiên để thu hoạch. Phía trên khu trồng rau là giàn su su được bắc ngay ngắn đang độ trổ ngọn, lá mướt xanh mơn mởn. Su su cũng là loại rau đặc trưng của xứ lạnh, nên nếu ai từng nghỉ mát ở các vùng như Sapa, Tam Đảo cũng sẽ thấy rất nhiều. Giàn su su khiến con đường trong khu vườn trường trở nên mát mẻ hơn.
Bên cạnh vườn rau xanh mướt ấy là khu chăn nuôi gia súc, dù không quá rộng nhưng cũng đảm bảo vệ sinh. Trong năm học này, nhà trường đã nuôi được gần ba mươi con lợn. Cách đó một đoạn, ngoài khuôn viên trường là ao thả cá, kết hợp mặt nước hiếm hoi trên núi cao để chăn thả vịt. Được biết, nhà trường trong thời gian qua đã thả tới năm tấn cá và năm trăm chú vịt. Ở một nơi địa danh hiểm trở, địa hình núi đá cao như Tà Mung thì những con số đó là cả một thành quả lớn đối với thầy và trò nơi đây.
Thầy Bùi Duy Nam – Hiệu trưởng trường PTDTBT THCS Tà Mung trầm ngâm chia sẻ: “Nhà trường và khu nông trại được như ngày hôm nay là bao công sức của thầy và trò”. Những kỉ niệm về thời gian khó khi xưa dường như thầy có kể mãi cũng không hết. Đường đi toàn đá hộc. Nước nôi thì khan hiếm do mùa đông hanh khô kéo dài. Thầy cô cắm bản phải hứng nước mưa dùng tiết kiệm qua mùa. Có mạch nước từ trong khe núi thì xa xôi, đi mất cả gần nửa ngày đường mới tới. Lấy được can nước về thì cũng chỉ đủ vệ sinh cá nhân. Nước sinh hoạt còn không đủ dung thì việc trồng trọt ở nơi đây là cả một thách thức. Thế mà thầy trò nhà trường đã cố gắng từng bước, từng bước, khắc phục bao nhiêu khó khăn. Nghe những câu chuyện kể, chúng tôi không khỏi thán phục. Nhà trường đã phải dọn bớt đá sỏi đổ đi rồi lại chở nhiều xe đất màu đến vườn trường. Học sinh người dân tộc đa số nhà các em đều làm nông nghiệp nên có gì góp nấy, các em mang phân chuồng tới cải tạo đất. Những ngày đầu chưa có nước thì trường phải đào hố, lấy bạt cho xuống hố hứng nước. Sau này, nhờ có sự quan tâm, chỉ đạo của chính quyền xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới nên nhà trường đã có được đường nước dẫn từ khe núi về nông trại trường, giúp cho việc nuôi trồng hiệu quả hơn.
Được biết mô hình “trường học nông trại” được nhà trường tổ chức triển khai từ năm 2015. Bốn năm qua là khoảng thời gian để thầy trò thử nghiệm, khắc phục bao nhiêu khó khăn mới có được khuôn viên nuôi trồng và kết quả như ngày hôm nay.
Tất cả những thành quả tăng gia sản xuất của khu nông tại, nhà trường đều đã sử dụng để tăng chất lượng bữa ăn cho học sinh bán trú. Được biết trường PTDTBT THCS Tà Mung hiện khá đông học sinh gồm 370 em, chia làm 12 lớp (100% các em là người dân tộc thiểu số). Trong đó, có 276 em ở bán trú tại trường. Đây đều là những em nhà rất xa trường, có em đi mất hai ngày một đêm mới tới trường. Thầy Hoà – một thầy giáo trẻ tại trường trong lúc dẫn chúng tôi thăm quan ngôi trường có kể: Nhớ lại ngày xưa, học sinh cứ cuối tuần về nhà, đầu tuần lên trường, đường núi thì xa mà còn phải mang theo gạo, theo rau ăn học qua ngày. Những ngày đầu thực hiện công tác bán trú, các thầy cô vẫn phải lóc cóc mua rau, mua thực phẩm từ phố huyện chở lên bản để dành ăn cả tuần. Nhưng giờ thì không phải như thế nữa rồi. Khu nông trại giúp bữa ăn của các em được cải thiện. Mặc cho ở đâu đó có nguy cơ về ngộ độc do thực phẩm không an toàn thì ở đây, các em học sinh trường THCS Tà Mung vẫn được ăn thực phẩm sạch, đầy đủ dinh dưỡng từ chính sản phẩm do các em sản xuất dưới sự hướng dẫn tận tình của thầy cô.
Bên cạnh đó, việc triển khai mô hình nông trại còn mang lại nhiều giá trị khác. Vườn trường cũng chính là nơi các em thực hành những lí thuyết đã được học trong một số môn học tích hợp như sinh học, kĩ thuật, thậm chí cả tính toán, hình học, văn học, địa lý… Mười hai lớp của nhà trường được phân công lao động rõ ràng trong nông trại. Cuối kì, cuối năm dựa vào kết quả nuôi trồng để phân loại thi đua giữa các lớp. Các em cũng được gây quỹ lớp từ sản phẩm mình làm ra. Bằng cách đơn giản ấy, các em đã tham gia vào quy trình sản xuất, kinh doanh mô hình nhỏ. Điều này giúp ích cho vận hành những mô hình lớn hơn trong tương lai.
Nhà trường đã thành lập tổ tư vấn nông trại để giúp các em học sinh các kiến thức cơ bản về kĩ thuật nuôi trồng, về lên kế hoạch, phân công lao động, đánh giá kết quả lao động, sử dụng thành phẩm… Bằng tình yêu nghề, sự nhiệt huyết mà các thầy cô đã truyền được tình yêu, sự hứng thú lao động, nuôi trồng cho các em học sinh thân yêu. Mô hình này đã kích thích hứng thú học tập và lao động của học sinh. Ngoài giờ học, các em được rèn luyện trong môi trường lao động lành mạnh, hữu ích. Hoạt động sản xuất, kinh doanh này còn góp phần giáo dục kĩ năng sống ở học sinh như kĩ năng giao tiếp, hợp tác nhóm, chịu trách nhiệm,…, giúp các em có ý thức tập thể, tinh thần đoàn kết, tự lập và thêm gắn bó với mái trường bán trú thân yêu.
Em Lò Thị Thanh, học sinh lớp 8A1 trong bộ váy Mông vừa cười vừa nói với chúng tôi: “Em rất thích những buổi chiều được cùng các bạn chăm sóc vườn rau. Nhìn vườn rau xanh tốt mỗi ngày, lại được thi đua với lớp khác, chúng em vui lắm. Thấy trường như nhà của mình vậy. Ở trường vui cũng khiến chúng em thích đi học hơn, không bỏ học ở nhà nữa”.
Chủ tịch xã Tà Mung – anh Hoàng Văn Thiết qua thời gian chứng thực cũng khẳng định: “Mô hình trường học nông trại của trường PTDTBT THCS Tà Mung rất hiệu quả và thiết thực”.
Để có được những kết quả ấy, có lẽ điều thuận lợi duy nhất của trường có lẽ chỉ là ở tinh thần vượt khó của toàn thể cán bộ giáo viên, nhân viên và học sinh. Đặc biệt là sự chỉ đạo tâm huyết của người đứng đầu – thầy hiệu trưởng Bùi Duy Nam. Học sinh người dân tộc thiểu số từ bé đã được tiếp cận với nghề nông nên dễ thích nghi với việc nuôi, trồng. Các em chăm ngoan, khoẻ mạnh và nhanh nhẹn. Thầy cô thì nhiệt thành. Không chỉ “gieo cái chữ” mà còn dạy các em “gieo hạt” như một nhà nông học thực thụ.
Có thể nói, trường PTDTBT THCS Tà Mung là một điểm sáng về mô hình trường học nông trại ở huyện Than Uyên nói riêng, tỉnh Lai Châu nói chung. Những thành quả của thầy và trò nhà trường thật đáng khích lệ và nhân rộng. Khó khăn là điều không thể tránh khỏi ở vùng cao, vùng xa như Tà Mung, nhưng không có gì là không thể vượt qua, để xây dựng một môi trường học tập và sinh hoạt tốt nhất cho trẻ em vùng cao. Việc tăng gia sản xuất kinh doanh trong mô hình “trường học nông trại” không chỉ là một hoạt động ngoại khoá mà còn có ý nghĩa thiết thực với chính đời sống hàng ngày của các em. Hơn nữa, mô hình này là góp phần tư vấn định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Đây cũng chính là một khía cạnh của mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà, mà ở đây là đối với đối tượng đặc biệt – học sinh dân tộc thiểu số ở vùng biên giới phía Tây Bắc của tổ quốc.
Chúng tôi xuống núi, rời khỏi Tà Mung. Nắng chiều chiếu xiên qua những đoá hoa dã quỳ đang nở vàng bên đường rồi lùi lại sau lưng chúng tôi. Ngôi trường PTDT THCS Tà Mung xa khỏi tầm mắt, nhưng những tình cảm của thầy trò, của người dân xã Tà Mung và khu “nông trại” nơi đây vẫn còn nguyên vẹn trong tâm trí mỗi chúng tôi. Hẹn năm học mới gặp lại, những rặng hoa và cây trái của nhà trường lớn lên sẽ tô thắm hơn nữa một góc núi Tà Mung./.
Giang Thanh