Tết nguyên đán dân tộc Thái hiện nay được tiến hành cùng cả nước từ mồng 1 đến 15 tháng giêng âm lịch. Theo truyền thuyết, ngày xưa người Thái trắng không ăn tết tháng giêng mà ăn tết vào tháng bảy âm lịch vì tháng bảy ruộng đã cấy xong, lúa lên xanh mượt đồng. Thóc nương sớm đã được thu hoạch. Thời tiết vào thu mát mẻ vì thế ăn tết vào tháng bảy là hợp lý.
Nhưng có điều bất tiện trong những ngày tết vì phải đi lại thăm hỏi chúc tết nhau, nhất là các vị quan chức. Đường giao thông đi lại khó khăn, chủ yếu dùng thuyền đi trên những con sông lắm thác nhiều ghềnh. Tháng bảy sông suối vẫn chưa cạn, nhiều vụ đắm thuyền chết chóc thương tâm đã xảy ra trong những chuyến chơi xuân chúc tết. Vì thế người Thái mới bỏ tục ăn tết tháng bảy, chuyển sang ăn tết vào tháng giêng cùng với người Kinh như ngày nay.
Bằng chứng về sự kiện này là lời cúng tết lúc giao thừa thường được bắt đầu như sau:
“Ờ…mết pi hại khảu pi đi
Chiêng đi pi maứ
Chiêng tạo chiêng quan
Chiêng Hán chiêng Keo…”
Nghĩa là:
“Ờ…hết năm sui vào năm lành
Tết tốt năm mới
Tết tạo, tết quan
Tết người Hán, tết người Kinh…”
Tuy ăn tết cùng người Hán người Kinh nhưng phần lễ, phần hội vẫn giữ được bản sắc của dân tộcThái. Xin nêu một số lễ, hội và những trò chơi dân gian đặc sắc sau:
- Phần lễ
Để có vật chất làm lễ cúng tổ tiên cũng như làm thực phẩm trong những ngày tết, trong năm nhà nào cũng cố gắng nuôi một con lợn thiến thật to. Sáng ba mươi tháng chạp tầm bốn rưỡi năm giờ cả bản đồng loạt mổ lợn, làm lông tại nhà rồi khiêng ra suối mổ. Đây là dịp để so sánh với nhau con lợn ai to nhất, để tôn vinh sự chăm chỉ chịu khó mát tay chăn nuôi của người phụ nữ trong nhà.
Lễ đầu tiên trong dịp tết là Lễ gội đầu tết (Áp hô chiêng): Đây là lễ quan trọng nhất trong các lễ trong dịp tết năm mới.
Lễ gội đầu tết, được tiến hành lúc 12 giờ trưa ngày 29 hoặc 30 tháng chạp. Đến giờ, lãnh đạo bản gõ ba hồi trống báo, nhà nào cũng chuẩn bị chậu nước bồ kết, mang theo súng gươm, ngọc quý đến tập trung ở sân bản. Ở giữa sân, thầy mo bày lễ khấn trời đất cùng thần thánh bản mường. Mâm lễ có đôi chén rượu, kẹo bánh, trầu cau. Sau khi thắp hương rót rượu thầy mo cầu khấn xin phép trời đất, thần thánh bản mường: “Pú chảu bản pá pương
Da chảu mướng pá pơk
Mết pi cáu khảu pi máư
Mết pi hại khảu pi đi
Khay chắng mi mak pu chuông lung lau
Xiêng cúng chí họng
Cọng tséng chí đăng
Chí bén tsúng xen tao
Chí bén fáo xen khảng
Hảư dú dương khon
Nón dương khu
Nha tỷ kham na
Nha ta xăng kham thí
Fi phạ nha hảư lúng
Fi đin nha hảư khẩn
Đếch nọi mả pe
Thảu ké mả pe.
Nghĩa là:
“Ông chủ bản đầu mường
Bà chủ mường cuối bãi
Hết năm cũ vào năm mới
Qua năm xấu đến năm tốt
Có trầu cau kẹo bánh dâng lên
Xin phép tiếng trống sẽ rền
Cồng, chũm chọe sẽ ngân
Sẽ bắn súng nghìn phát
Sẽ đốt pháo ngàn phong
Ma tà, thánh thần
Ở yên như khúc gỗ
Nằm im như khúc cây
Không cựa quậy quấy phá
Đừng chê trách nặng lời
Đừng chê bai nhiều lẽ
Đừng cho ma trời xuống
Ma đất không cho lên
Trẻ nhỏ thêm sinh sôi
Người già thượng thọ”.
Khấn xong thầy mo vẩy rượu bốn phương trời rồi cả đoàn ra suối làm lễ gội đầu. Đi đầu đoàn người là người cầm cờ Tổ quốc, thanh niên khênh trống gỗ bịt da trâu (ngày xưa người Thái làm trống bằng nguyên thân cây gỗ rỗng bịt da trâu, trống là tài sản chung cả bản, không có nhà nào sở hữu trống riêng) vừa đi vừa gõ trống theo nhịp: Tùng!tùng!…tùng!, Tùng!tùng!…tùng!…Ra đến bến, thầy mo bầy mâm lễ xuống bãi cát và cầu khấn:
“ Pú có đin dệt bản
Da có lạn fa ke dệt mướng
Pựn pi síp xong bơn
Chắng mi mak pu chuông lung lau
Khảu dú hay nha hảư tai phoi
Hoi dú ná nha hảư tai lẹng
Đếch nọi mả pe
Thảu ké mẳn nhứn.
Nghĩa là:
“Ông kè đất xan bãi lập bản
Bà xếp đá tảng đá hộc lập mường
Trọn năm mười hai tháng
Hết năm cũ sẽ vào năm mới
Có trầu cau dâng lên cầu khấn
Xin Phù hộ muôn dân bản mường
Lúa trên nương không khô héo
Ốc dưới ruộng không chết vì hạn
Cho trẻ nhỏ sinh sôi
Người già thượng thọ.
Cầu khấn xong, thầy mo nâng chậu nước bồ kết làm lễ “Xak hô”1, thầy mo vẩy nước lên đầu mọi người để xua tà ma, sui xẻo năm cũ đi. Thầy mo vừa vẩy nước vừa khấn:
“Sủm pói pộ tinh hô, cu xak
Nặm bô ngưn bô khắm, cu xak
Tưng bản pói da lương, cu xak
Tưng mướng pói da khắn da cái, cu xak
Xak lay xeo nặm cảu ta
Xak lay quoa cảu mướng
Cu xak pay cá hin sam sảu
Xak pay tạu pak tek U, Khong
Sốp cu dăm cắm cu khớt.
Nghĩa là:
“Chùm bồ kết trên đầu, ta xua đi
Nước nụ vàng nụ bạc, ta xua đi
Cả bản thả bệnh vàng vọt, ta xua đi
Cả mường thả bệnh dịch ngứa, ta xua đi
Xua trôi theo nước chín bến
Xua trôi qua chín mường
Ta xua đi đến ba mỏm đá chụm
Ta xua trôi đi đến cửa suối sông Đà
Ta xua trôi đến Nặm U, Nặm Khong2
Miệng ta hiệu nghiệm, lời ta trôi chảy!
Tiếp theo, tất cả cùng vẩy nước trong chậu bồ kết của mình để sua tà sui xẻo năm cũ cho nhau. Ai cũng vui vẻ đón nhận những giọt nước bồ kết vẩy lên đầu lên người mình, rồi nam nữ tách ra bến tắm riêng để tắm rửa, gội đầu sạch sẽ. Đàn ông có súng, nỏ thì bắn thi, gươm giáo thì rửa, mài, có ngọc quý thì đem ra rửa.
Tan lễ, nhà nào cũng lấy cát sạch ở bờ sông về để thay cát trong bát hương năm cũ, vì gội đầu xong mới được phép quét dọn “Khọ lọ hóng”2 và lấy ấm chén bát hương trên bàn thờ xuống rửa thay cát mới.
Hiện nay, lễ gội đầu tết ở nhiều nơi đã bị bãi bỏ. Thật tiếc lắm thay.
Chú thích:
1.“Xak hô”: Là từ thầy mo làm phép xua tà ma cho người ốm đau, xua điềm gở, sui xẻo cho con người.
- Nặm U, Nặm Khong: là tên hai con sông Nậm U và sông Mê Công ở Lào.
- “Khọ lọ hóng”: là gian nhà đặt bàn thờ cúng tổ tiên của người Thái.
- Phần hội chơi Còn tết
Tung Còn, là trò chơi giao duyên ngày tết giữa con trai và con gái, trò chơi có phân biệt độ tuổi giới tính, thanh niên chơi riêng, trung niên cao tuổi chơi riêng. Chiếc Còn được con gái làm bằng mảnh vải trắng 20cm2 gấp chéo khâu rồi nhồi bằng hạt bông, kỹ thuật nhồi cũng cần lưu ý, nếu nhồi chật quá, quả Còn cứng lúc tung sẽ bay nhanh khó bắt và người bắt sẽ đau tay, nhồi lỏng thì tung không chính xác. Qủa Còn, được đính dây khâu bằng vải dài khoảng 60cm, bốn góc và chính giữa mặt dưới quả Còn được đính tua vải mầu, dọc dây Còn cũng được đính 5 chùm tua vải màu để trang trí.
Có hai hình thức chơi tung Còn: là chơi Còn vòng (tọt con duống) và chơi Còn giao duyên.
- Chơi còn vòng
Đây là cách chơi thi có thưởng, ở giữa sân chơi được cắm cây sào cao khoảng 10-15m gắn vòng tròn đường kính khoảng 60cm. Người chơi thi tung còn lọt qua chiếc vòng. Đây là cách chơi không phổ bến, cả dịp tết chỉ được tổ chức chơi một buổi thôi.
- Chơi Còn giao duyên
Đây mới là cách chơi chính, vì kiểu chơi này diễn ra suốt mùa tết. Vào tầm năm giờ chiều người chơi kéo nhau ra bãi cát ven sông hay bãi cỏ rộng, nam nữ đứng riêng dàn hàng ngang quay mặt vào nhau, cách xa khoảng 20m. Cách tung Còn cũng phải đúng cách, cầm dây Còn quay ba vòng lấy đà, vòng thứ tư mới tung. Người tung theo dõi quả Còn mình ai bắt, nếu người bắt trượt để rơi thì đến đòi quà, quà là những thứ đồ mang trên người (vòng tay, vòng cổ, khăn, cặp tóc…). Chính vệc đòi quà này làm trò chơi thêm hấp dẫn, vui nhộn. Những đôi trai gái tình ý với nhau thì cố ý nhằm cho nhau và cố tình bắt trượt để được tặng quà cho nhau.
Sau buổi chơi, quà chiến lợi phẩm được liệt kê và trả lại chủ cũ, trừ trường hợp có tình cảm với nhau thì quà để lại kỷ niệm luôn (người lớn tuổi thì chơi vui không lấy quà).
Trò chơi tung Còn, được chơi buổi cuối cùng vào chiều 15 tết, tan buổi chơi, tất cả quả Còn đều được tung xuống sông, không ai giữ lại vì hai lý do: Ai giữ quả Còn lại sau tết sẽ bị bướu cổ! và ném Còn đi là tiễn biệt tết vui vẻ đi để bước vào lao động sản xuất mùa xuân năm mới.
Hiện nay trò chơi tung Còn giao duyên không còn nữa, chỉ còn trò chơi Còn vòng là được duy trì chơi trong các dịp lễ hội và thi đấu dạng thể thao.
Chiếc Còn vẫn tồn tại vì may mắn được sử dụng làm đạo cụ trong điệu múa xòe dân tộc Thái.
ĐIÊU VĂN THUYỂN