Người dân tộc Lự ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu có cuộc sống gắn bó với nông nghiệp trồng lúa nước. Bởi vậy, con trâu đối với họ không chỉ là một tài sản có giá trị lớn mà còn giống như một người cộng tác, giúp đỡ họ trong công việc, một người bạn chia sẻ vui buồn trong cuộc sống.
Đối với người Lự, trâu là người bạn, có suy nghĩ, có tâm tư như con người. Quan niệm ấy không chỉ được thể hiện trong cách người Lự chăm sóc tỉ mẩn cho trâu sau giờ làm việc, mà còn thể hiện trong các hoạt động văn hóa, tinh thần có sự xuất hiện loài vật này của người Lự. Trong đó, phải kể đến lễ hội Cúng trâu “Mo khoăn khoai” của người Lự được tổ chức nhằm tỏ lòng biết ơn tới loài trâu khi đã cùng người dân Lự chăm chỉ làm việc, mang lại sự no ấm cho bản làng.
Quang cảnh Lễ hội cúng trâu của dân tộc Lự
Để chuẩn bị cho lễ hội, các thầy cúng sẽ tổ chức một buổi họp cộng đồng để phân công công việc cho từng người, từng hộ dân. Buổi họp có sự tham gia của tất cả đàn ông trong bản. Trong cuộc họp, các thầy cúng thống kê số hộ gia đình có nuôi trâu, từ đó, kết luận số lượng trâu có mặt trong lễ hội để chuẩn bị đồ vật cho đầy đủ. Sau đó, thầy cúng chính thông báo tới mọi người những công việc cần thực hiện. Về không gian tổ chức, bản cần dựng các gian chuồng để tách biệt từng con trâu, ngăn cho chúng không húc nhau tại bãi hội. Về lễ vật, lễ hội cần có 1 con lợn đực đen tuyền, nặng khoảng hơn 1 tạ; 6 con gà trống; một cuộn chỉ đen; một bó cỏ to; một chậu đựng nước; cơm, gạo, thóc. Ngoài ra phải chuẩn bị cho mỗi con trâu một túi muối nhỏ, một đôi nến sáp ong bé và một đôi miếng vải 1 màu trắng, 1 màu đỏ.
Ngoài các lễ vật, thầy cúng chính cũng thống nhất việc chuẩn bị vật dụng cho các trò chơi dân gian như kéo co, đẩy gậy, đánh yến… và đặc biệt là trò chơi “khoai tùng tàng” tức là kéo trâu.
Sáng sớm ngày chính lễ, các thầy cúng cùng những người phụ giúp việc và các gia chủ nuôi trâu đã có mặt đầy đủ tại khu vực làm lễ.
Những con trâu to khỏe được kéo đến thành hàng tập trung tại bãi hội. Chúng thủng thẳng bước đi, tiếng mõ phát ra từ đàn trâu lớn làm rộn ràng cả đường đi và sân hội. Ở bãi hội, các thầy cúng cùng những người giúp việc đã có mặt đầy đủ trong trang phục truyền thống của dân tộc.
Sau khi buộc trâu ngay ngắn trong từng gian chuồng, các gia chủ cùng nhiều người khác bắt tay vào chuẩn bị lễ vật giúp thầy cúng thực hiện nghi thức cúng sống.Thầy cúng chính bày lễ lên mâm cúng “tạo bản quan mường” gồm: 1 con lợn; 2 con gà; 1 bát cơm; 1 bát gạo; 1 bát thóc; 27 chén rượu xếp hàng ngang, chén giữa đội đáy một chén khác tạo thành 9 bộ chén; 9 đôi đũa; 1 chậu đựng nước, một bó cỏ to; 1 túi muối.
Ở 4 mâm cúng còn lại, 4 thầy cúng khác tiến hành dọn dẹp và bày biện lễ vật gồm: 1 con gà; 1 bát cơm; 1 bát gạo; 1 bát thóc; 1 chai rượu; 18 chén rượu xếp hàng ngang, chén giữa đội đáy một chén khác tạo thành 6 bộ chén; 4 đôi đũa.
Sau khi bày biện mâm lễ xong, thầy cúng chính thông báo cho tất cả mọi người sẵn sàng làm lễ. Ông cầm trên tay bát thóc đứng lên trước đàn lễ, 4 người phụ lễ xếp đằng sau và cuối cùng là đại diện các hộ gia đình dắt theo trâu của mình đứng lần lượt đợi thầy cúng làm lễ cho trâu của gia đình mình. Nội dung cúng khấn đại ý đề cao sức lao động của con trâu, cảm ơn con trâu đã vất vả để cày cấy, cho gia chủ một năm mùa màng thu hoạch tốt. Ngày lành tháng tốt, hôm nay thầy cúng, đại diện cho gia chủ mời trâu một mâm cỗ đầy gồm gà, xôi, rượu, thịt… Mong cho trâu được mạnh khỏe và tiếp tục giúp đỡ gia chủ trong một năm tiếp theo.
Thấy cúng đang thực hiện nghi lễ trong Lễ cúng trâu.
Kết thúc phần lễ, ngay tại bãi đất ruộng đó, bà con nhân dân trong bản cùng nhau vui chơi trong các trò chơi dân gian của dân tộc như đi cà kheo, kéo co, đánh cầu lông gà và đặc sắc nhất là trò trâu húc nhau.
Trò trâu húc nhau là trò chơi cổ xưa của người Lự. Để chơi trò này, cần có 6 người tham gia. Lấy 5 sợi dây rừng buộc vào một khúc gỗ. Người ở giữa vào vai con trâu bị kéo đi thì giữ khúc gỗ. 5 người còn lại, mỗi người cầm 1 đầu dây và kéo như tranh nhau giật lấy con trâu. 5 người cùng nhau giật cho đến khi các sợi dây đứt chỉ còn 1 người. thì người cầm khúc gỗ sẽ đuổi theo bắt lấy người đó và người đó phải làm trâu. Trò này có thể trao giải thưởng cho người cuối cùng.
Các trò chơi dân gian, đặc biệt là trò chơi Trâu húc nhau mang lại không khi vui tươi rộn rã cho cả bản người Lự trong ngày lễ Cúng trâu “Mo khoăn khoai”.
Dường như khi được tạ lỗi và bù đắp cho trâu sau khi phải làm việc vất vả, người Lự mới cảm thấy lòng mình thanh thản và nhẹ nhõm hơn. Từ nội dung lời khấn cho đến cách đối đãi, chăm sóc trâu của những người chủ nhà đều toát lên tâm hồn nhạy cảm và lý tưởng nhân văn đáng quý của người dân tộc Lự. Bởi vậy, lễ hội “Mo khoăn khoai” chắc chắn là một lễ hội mang ý nghĩa tốt đẹp cần được gìn giữ và lưu truyền.
Ngọc Thắng