“Tiếng quê hương” là tập thơ sáng tác sau tập “Hương Thu” của nhà thơ Mạc Đích. Một đời tâm huyết với thơ, bởi thơ luôn là niềm vui, là sở thích của ông trước cánh cửa học đường. Tình yêu đời, yêu người, yêu đất nước… sau những tháng, năm dạy học ở miền núi vùng cao Tây Bắc đã truyền cho ông thêm cảm hứng sáng tác.
Tập thơ “Tiếng quê hương” có 47 bài, do nhà xuất bản văn hóa dân tộc ấn hành quý I năm 2019. Tập thơ phản ánh nhiều mặt đời sống, nhưng xuyên suốt vẫn là quê hương, đất nước, con người.
Nhà thơ Mạc Đích sinh năm 1933 ở Thủy Nguyên (Hải Phòng), lớn lên trên đất cảng với ước mơ hoài bão như bao chàng trai cùng trang lứa. Đến với nghề dạy học, với ông như một cơ duyên,nghe theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ năm 1960, ông có mặt trong đoàn giáo viên xung phong lên miền núi dạy học. Ông đã sống “ba cùng” với đồng bào, học sinh các dân tộc thân yêu, được đồng bào và các em học sinh yêu mến. Nhiều thế hệ học sinh của ông trưởng thành phục vụ đắc lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển miền núi, nhiều người làm cán bộ chủ chốt địa phương Lai Châu.
Chuyện ngày ấy với bây giờ đã khác xa lắm. Ngày ấy – năm 1960 rời quê hương Thủy Nguyên với nhiệt tình cháy bỏng của tuổi thanh xuân. Ra đi là sự quyết tâm, là cống hiến. Môi trường mới là sự trải nghiệm cuộc đời, quên sao được những lời dặn dò, nhắn nhủ hò hẹn ngày trở lại của bạn bè người thân, quên sao được hình ảnh thành phố đầy ấn tượng sâu sắc:
Ngày ấy lên đường tạm biệt quê hương
Thành phố Cảng cháy trời hoa phượng đỏ.
(Đã mấy mươi năm – Hương thu)
Khi những khó khăn gian khổ buổi đầu đã lùi xa vào dĩ vãng, môi trường xung quanh gần gũi, thân thương thì tình yêu Lai Châu càng sâu sắc, Lai Châu đã trở thành quê hương thứ hai của ông:
Thành phố trẻ Lai Châu ngàn lần yêu biết mấy
Đua tài sức dựng xây không biết mỏi
Dòng điện Sông Đà công nghiệp hóa quê ta
Cho Lai Châu thắm mãi điệu xòe hoa.
(Lai Châu quê tôi).
Tình yêu quê hương từ sự cảm nhận của ông với cảnh, với người. Cái đẹp của quê hương Lai Châu không phải ngẫu nhiên hay sự cảm xúc nhất thời mà kết tụ thấm sâu, thầm kín thiết tha từ máu thịt “Tự bao giờ tha thiết trong tim, yêu Tây Bắc tình yêu quê mẹ”; vương chút lãng mạn trữ tình:
Phong cảnh đẹp nhưng lòng anh sao tiếc nuối
Bức tranh kia còn thiếu chút gam màu
Có hai ta bên nhau, – cùng tựa song cầu hàng mi cong vắt, thông, liễu rủ đôi bờ Thủy Sơn xanh biếc
Non nước hữu tình ngào ngạt hương hoa.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn với giáo dục. Một đời dạy học, ông đã trải nghiệm cuộc sống bao thăng trầm mà cũng vô cùng phong phú, tích tụ trong lòng bao tâm sự, nỗi niềm riêng tư trăn trở lo toan. Phải chăng thơ đã giúp ông trải lòng và cân bằng cuộc sống? Là một người bản lĩnh, ông đã gồng mình đối chọi với thử thách nghiệt ngã. Ông là một công dân hoàn thành bổn phận, là mẫu mực của người chồng thủy chung, của người cha đầy trách nhiệm, cũng là một hoàn cảnh để ta suy ngẫm. Là một người đàn ông tuổi trung niên góa vợ khi đàn con bảy đứa hầu hết còn nhỏ mồ côi mẹ. Người đàn ông bản lĩnh chống chọi với hoàn cảnh “gà trống nuôi con” thời bao cấp vất vả, nhọc nhằn. Ông như cây tre dẻo dai trước bão tố. Vậy mà ông đã nuôi dạy đàn con qua bốn mươi năm khôn lớn, trưởng thành, ai cũng học hành đến nơi đến chốn, ai cũng thành đạt và có việc làm. Gia đình ông được nêu tấm gương “Gia đình hiếu học”.
Bây giờ con đã lớn khôn
Những mong báo đáp đền ơn sinh thành
Nào ngờ phận rủi xui nên
Con mồ côi mẹ khi còn tuổi thơ
Xa vòng tay mẹ bơ vơ
Thương cha – gà trống bây giờ nuôi con
(Tiếng gọi mình ơi)
Thơ Mạc Đích chân chất tình người, lối diễn đạt giản dị mà thâm thúy nhưng cũng cẩn trọng trong từng câu chữ. đọc thơ cảm nhận được tính người. Ông có dáng dấp của cụ đồ ngày trước, cái bộc bạch dân dã dễ gần, sự chăm sóc quan tâm của thầy giáo bản. Ông làm thơ không nhiều, phần lớn do cảm xúc ngẫu hứng trước cảnh vật, con người và xã hội nhưng nàng thơ luôn ở bên ông.
“Tiếng quê hương” là niềm tin yêu gắn kết tình cảm của tác giả với Đảng, Bác, quê hương, đồng bào và gia đình, vợ con là đề tài chính. Bày tỏ thái độ trước thực tế cuộc sống trong việc nước, việc nhà đồng nghiệp, bạn bè…
Pác Bó nơi đầu nguồn cách mạng
Bác chỉ đường đánh Nhật đuổi Tây
Lãnh đạo toàn dân ta kháng chiến
Giành lại non sông gấm vóc này
(Về thăm Pác Bó)
Hay những câu;
Hết rồi cái cảnh tối tăm
Đời đời ơn Đảng, quang vinh tự hào
Dẫu rằng chưa hết gian lao
Kỷ cương đổi mới giương cao ngọn cờ
(Mừng Đảng mừng xuân)
“Tiếng quê hương” là tình yêu thương, nỗi nhớ sâu thẳm của người con xa quê nhớ về nơi mảnh đất mình được chôn nhau cắt rốn, nhớ về xóm làng, về những kỷ niệm thời thơ ấu; về người mẹ kính yêu tần tảo thuở nào: “Quê hương hai tiếng trong tôi/ Lời ru của mẹ à ơi thuở nào/ Lũy tre cây khế, cầu ao/ Mái đình, giếng nước xuyến xao trong lòng /Mùa vàng lúa chín trĩu bông/ Nhà tranh cơm mắm rau đồng quê ta/ Chợ trưa đón mẹ xin quà/ Mẹ chia bánh đúc, bánh đa ,kẹo vừng… Lời ru nuôi dưỡng tuổi thơ/ Lời ru, ru cả ước mơ đợi chờ”.
Quê hương có người vợ yêu dấu thủy chung, tay trong tay sánh bước trên con đường xây dựng gia đình hạnh phúc, chia sẻ vui, buồn. Vậy mà nỗi đau đớn tột cùng ập đến, vợ ra đi để lại cho ông đàn con côi cút. Vợ mất! Tiếng gọi vợ, cũng là đồng nghiệp của ông, nỗi đau xé lòng:
…Về hưu chưa trọn năm tròn
Vội chi vĩnh biệt chồng con hỡi mình
Mình đi tôi ở một mình
Sớm hôm phận lẻ bóng hình cô liêu
Ba mươi năm ấy bấy nhiêu
Trong mơ tiếng gọi một điều… mình ơi!
Thơ Mạc Đích với cái nhìn đa chiều về cuộc sống, mối quan hệ hài hòa trong mỗi con người với xã hội, thiên nhiên làm cho cuộc sống thăng hoa. Với ông cuộc sống đẹp vô cùng nếu ta biết trân trọng gìn giữ những gì ta có với cảm quan rộng lớn bao dung. “Nẻo về nguồn cội sáng soi/ Âm vang một cõi giống nòi rồng tiên”. Đặc biệt với thầy giáo và nhà trường, ông đã dành nhiều tình cảm và nhắc đến với lòng trìu mến:
Ba mươi năm ấy trong tôi
Thầy, trò đồng nghiệp, bao người mến thương
Lai Châu cảnh sắc biên cương
Gió xô sóng núi, mây vương mái đầu
Thơ Mạc Đích là tâm sự của một người từng trải qua sóng gió cuộc đời. Ông là một thầy giáo làm thơ. Thơ ông là sự kết nối tâm hồn tình cảm của ông với xã hội, quê hương, đất nước, bạn bè… quá khứ, hiện tại và tương lai. Ở tuổi xưa nay hiếm, “Tiếng quê hương” của Mạc Đích đi vào lòng người bằng tình cảm chân thành, câu từ diễn đạt mộc mạc giản dị, giàu hình ảnh, vần điệu dễ hiểu dễ nhớ. Tuổi đã cao nhưng thơ ông vẫn trẻ. Chúc nhà thơ tuổi cao gương sáng luôn là niềm tin yêu của con cháu bạn hữu.
Huỳnh Nguyên