Sau bao tháng năm hằng ao ước, hôm nay tôi đã có một ngày trải nghiệm đầy ngọt ngào, lãng mạn và thi vị trên sông Đà (thuộc địa phận huyện Nậm Nhùn).
Họa sỹ Nguyễn Văn Khang, cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện dẫn đoàn văn nghệ sỹ tỉnh vượt một đoạn đường đến với Trạm bảo vệ vùng nước thượng lưu Thủy điện Lai Châu. Chúng tôi nghỉ chân ở một ngôi nhà nổi khá đẹp, chẳng khác nào phòng khép kín trong khách sạn nơi phố thị.
Đón chúng tôi là các anh: Hà Văn Hưng và Quàng Văn Thịnh quê ở huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La), trẻ nhất là anh Pờ Văn Văn, 20 tuổi, quê ở xã Mường Mô (huyện Nậm Nhùn), anh cả là Chu Văn Thuần, 28 tuổi quê ở xã Lê Lợi. 4 chàng trai trẻ rán hai đĩa cá ngão sấy mời đoàn nhắm với rượu ngô thơm lừng. Cảm kích trước tấm tình hiếu khách của họ nhưng chúng tôi cũng không dám nấn ná ở lại lâu. Đảo Mường Mô phía trước đang vẫy gọi đoàn lên đường khám phá.
Người lái ca – nô chở đoàn đi là anh Khoàng Văn Đức, quê ở xã Nậm Hàng. Anh Đức công tác ở Công an huyện. Anh cùng ba chiến sĩ nữa được giao nhiệm vụ thường xuyên tuần tra bảo vệ lòng hồ và nhắc nhở, xử phạt những thuyền của bà con chở lúa, măng, vớt củi quá trọng tải (5 tạ/chuyến). Vượt khúc sông có lưới ngăn lại rác củi từ trên núi dồn về sau các trận mưa lũ, chúng tôi đến dòng sông trong xanh thơ mộng in bóng mây trời lồng lộng và những hàng cây rủ bóng soi gương duyên dáng điệu đàng. Hai bên bờ, những cây chuối rừng san sát nối đuôi nhau lướt qua loang loáng.
Đoàn văn nghệ sỹ tỉnh nói chuyện trong nhà nổi. Ảnh: Văn Thắng.
Nhìn những ngấn nước rút chừng 5m suốt dọc hai bờ sông, tôi cũng hình dung số lúa và cây cối mất trong đợt mưa lũ kéo dài suốt tháng 6, 7 vừa qua lớn biết chừng nào. Ca – nô chạy với vận tốc vừa phải đủ làm tôi liên tưởng đến câu thơ nổi tiếng của nhà thơ Xuân Diệu: “Tổ quốc tôi như một con tàu/ Mũi thuyền xé sóng mũi Cà Mau”. Đi thuyền trên sông nước Cà Mau cho ta cảm giác mạnh mẽ, hứng thú khám phá vẻ đẹp ngang tàng của sông nước thì đi ca – nô ở khúc sông Đà mùa này, mũi thuyền rẽ nước nhẹ nhàng khiến ta cảm giác bồng bềnh, thư thái. Mong sao sông Đà cứ hiền lành, thân thiện như thế để người dân nơi đây được bình yên lo làm lo ăn, lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn.
Xa xa, thấp thoáng những túp lều nhỏ nuôi cá lồng trên sông, tôi chợt nhớ đến lời giới thiệu của anh Tạ Quang Trung – Trưởng Ban Tuyên giáo Huyện ủy Nậm Nhùn: “Toàn huyện hiện có hơn 100 lồng nuôi cá, đem lại nguồn thu nhập đáng kể”.
Đảo Mường Mô là những quả đồi nhỏ nhân dân trong vùng trồng lúa nương bao bọc xung quanh là nước. Ca – nô cập bến, chúng tôi ngắm bản Mường Mô nhấp nhô như tạc vào thung mây xa xa. Chị Lường Thị Nhọm địu cậu con trai nhỏ trên lưng xuống kiểm tra thuyền cá neo đậu ở bến. Chị cho biết: “Trung tâm huyện có hai bản Mường Mô (một bản có 130 hộ và một bản có 150 hộ). Vài ba chiếc thuyền nhỏ đậu sát nhau ngay bờ sông là của những nhà chưa đi làm nương, hái măng, vớt củi. Nhìn những chiếc xe máy xếp hàng dài trên bờ kia là biết gia đình nào đã đi làm ăn rồi!”.
– May mà có thêm nghề bắt cá – chị Nhọm nói – chứ trông vào thu hoạch lúa thì vụ này bà con không thể đủ ăn được.
Qua lời kể của chị, tôi hình dung ra cứ tầm 3 giờ chiều, cái bến vắng vẻ đìu hiu này bỗng trở lên tấp nập, nhộn nhịp, náo nức lạ thường. Ấy là lúc bà con đánh bắt cá trở về, tập trung bán cho xe từ Hà Nội và các tỉnh: Vĩnh Phúc, Sơn La lên thu gom, vận chuyển tôm cá đi các nơi. Bà con đánh bắt được các loại: cá lăng, cá trôi, cá chép, cá ngão… Cá ngão rẻ nhất, giá chỉ có 20.000 đồng/kg, tôm tươi cũng chỉ bán với giá 40.000 đồng/kg. Còn loại cá nhỏ, người dân cho hết vào lồng bát quái làm mồi bắt tôm. Trước đây khi gia đình chưa sắm thuyền nhỏ, chị Nhọm đi nhờ thuyền hàng xóm lên nương chăm sóc lúa, lên rừng hái măng, ra sông vớt củi, bắt cá phiền hà lắm! Nay thì anh chị vay được Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện 29 triệu đồng mua chiếc thuyền nhỏ này, rất tiện lợi!
Tạm biệt người phụ nữ Thái vui tính, chúng tôi quay lại điểm xuất phát. Quãng sông đi về dài hơn 30km chúng tôi nhẩn nha trong vòng bốn tiếng đồng hồ trong khi vận tốc tối đa ca – nô được phép chạy 35km/giờ.
Trên đường về, chúng tôi ghé thăm một gia đình nuôi cá lồng trên sông. Ngôi nhà nổi đầy đủ tiện nghi hiện đại. Chủ nhà đi vắng, hai người giúp việc đon đả mời chúng tôi lên nhà. Hiên nhà treo giò phong lan, chim cảnh và trồng các loài hoa mười giờ. Hiên sau có nhiều hộp xốp trồng các loại rau thơm… Nhà nổi đậu sát bờ nên gia đình nuôi gia cầm trên khu đất trống và bắc giàn mướp lúc lỉu quả. Hấp dẫn nhất là khoảng bè kết nối trước hiên nhà nổi nuôi tới 10 lồng tôm cá các loại, chủ yếu là cá lăng. Mỗi lồng nuôi cá chỉ 6m2 bề mặt nước, đầu tư kinh phí 20 triệu đồng, nhà nước hỗ trợ 50% để khuyến khích các gia đình phát triển tôm cá. Người làm thuê là 2 thanh niên tên Tùng và Ngọc được trả công 6 triệu đồng/tháng. Hàng ngày các anh lên rừng lấy chuối, dùng máy thái chuối trộn lẫn ngô hạt cho cá ăn. Qua làn nước trong xanh, mỗi loại cá nổi lên ăn từng tầng cao thấp.
Lồng cá trên sông Đà. Ảnh: Văn Thắng.
Trở lại điểm xuất phát – Trạm Bảo vệ vùng nước thượng lưu Thủy điện Lai Châu, đoàn chúng tôi thưởng thức bữa cơm có tôm, cá tươi bắt ngay tại sông ngon ra trò.Vừa ăn cơm vừa trao đổi, chúng tôi được biết: Hàng ngày, cán bộ trong Trạm có nhiệm vụ bảo vệ khu vực cấm dài 300m và điều khiển tàu kéo xà lan, máy quặp kéo củi lên bờ sông làm sạch sẽ môi trường nước. Ngoài mức lương cố định, cán bộ ở đây còn được nhận tiền làm thêm, tiền thưởng. Hỏi các anh có nhớ nhà, nhớ người yêu không? Bốn anh em nhỏ nhẹ:
– Dạ, nhớ nhiều chứ ạ. Nhưng vì nhiệm vụ thì chúng cháu động viên nhau chung sức chung lòng làm cho thật tốt thôi!
– Thế lãnh đạo có thường xuyên lên thăm và kiểm tra các cháu làm việc không?
– Có ạ. Thi thoảng có lãnh đạo lên. Nhưng dù có lãnh đạo lên kiểm tra hay không, chúng cháu cũng tự giác làm tốt nhiệm vụ được giao. Vài tháng, chúng cháu cũng bố trí thay nhau về thăm gia đình một lần.
Nhìn dáng vẻ thư sinh thanh cảnh như học trò thành phố của bốn chàng trai trẻ, tôi cảm phục các em lắm!
Cám ơn các em – những chàng trai trẻ dám rời xa gia đình bám trụ ở nơi vắng vẻ này để bảo vệ vùng nước thượng lưu Thủy điện Lai Châu – Công trình Thủy điện quốc gia lớn thứ ba trên sông Đà.
Bùi Thị Sơn