Đã nhiều đêm như thế. Trong khi mọi người đang ngủ say thì ông Tương bỗng kêu ú ớ: “Ông đi thật à! Sao lại bỏ chúng tôi vội thế!” Bà Xuyên – vợ ông vội tung chăn quay ngoắt lại vừa gọi, vừa vỗ vào lưng ông rồi nói: “Ông mê sảng cái gì mà tôi sợ hết hồn, hồi này người ông thế nào mà cứ hay nói lảm nhảm về ban đêm như thế”. Ông Tương dần tỉnh lại rồi thở hổn hển như bị ai đuổi và vẫn cái dọng mơ mơ màng màng nói với vợ: “Tôi nói mê gì đâu, mê người ta biết chứ”. Bà Xuyên đặt bàn tay lên trán ông thấy mồ hôi ướt đầm đìa cứ như vừa mới tắm gội xong. Bà nói với chồng: “Ông chả nói mê mà mồ hôi trán đẫm thế này à, để tôi lấy khăn giải gối lau cho ông”. Đến lúc này ông Tương đã tỉnh hẳn, tự nhiên ông thở sượt một cái, ông nói với vợ: “Đúng tôi mơ thật đấy, nghĩ mà kinh khủng, có lẽ hôm ông Hội chết tôi vuốt mắt cho ông ấy, rồi bỗng dưng tôi khóc vì thương ông ấy quá nên có khi hồn ông Hội nhập vào tôi nên thi thoảng cứ về gọi tôi ở ngoài cổng thì phải”. Bà Xuyên nghe ông Tương đang nói vội gạt phắt và nói lại ngay tức thì: “Ông chỉ nghĩ vớ vẩn, làm gì có chuyện ấy, chết là hết, làm gì mà chui từ mồ mả lên về gọi ông, nếu thế thì có ma thật à!”. Lúc này, cái đồng hồ quả lắc treo trên tường đã điểm ba tiếng, thế là đã ba giờ sáng. Vậy là cả hai ông bà vẫn nằm trên dường nói chuyện rầm rì với nhau.
Ông Tương nhớ những lần nằm mơ đang trò chuyện với cô Nhưỡng, người yêu đầu tiên khi tiễn ông lên đường nhập ngũ cách đây mấy chục năm. Giấc mơ ấy cứ dấu kín trong lòng, nói ra sợ bà Xuyên nổi cơn ghen, tình cảm vợ chồng đang tốt đẹp lại rạn vỡ cũng có khi. Còn giấc mơ hôm nay, ông Tương thấy ông Hội về gọi rất to, hình dáng của ông cứ hiện lên mồn một không khác gì như khi ông Hội còn sống. Mấy chục năm sống với nhau, ông Tương và ông Hội là người lính, có một thời ở cùng một đơn vị với nhau. Ông Hội là người thứ nhất đảm bảo lý lịch để kết nạp ông Tương vào Đảng. Ông Tương tiến bộ khi nghỉ hưu đeo quân hàm Trung tá là nhờ có ông Hội giúp đỡ tận tình. Khi hai người tạm biệt nhau, ông Hội vào nam chiến đấu suốt chín năm trời, vài năm đầu còn có thư từ gửi cho nhau, sau cứ dần bẵng đi. Bà Nhung, vợ ông với hai đứa con ở nhà đằng đẵng mong ngóng tin chồng, nhưng càng mong càng thấy vắng. Đến một ngày, ba mẹ con nhận được tin báo tử, ông Hội đã hy sinh ở mặt trận phía nam. Gia đình đau đớn, thôn xã làm lễ truy điệu, thế là trên bàn thờ gia đình có thêm một bát hương thờ ông Hội.
Năm tháng trôi qua, vợ con ông lấy ngày báo tử làm giỗ, đến lần giỗ thứ năm thì có chuyện không ngờ. Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, ông Hội lững thững trở về và mang trên mình hai vết thương ở lưng và đùi. Gia đình làng xóm đón ông trong niềm vui vô tận. Ông Hội trở về địa phương nghỉ ngơi được một năm thì được Đảng, Chính quyền giao việc làm cán bộ lãnh đạo hết phố đến thị trấn huyện. Một con người tận tụy trách nhiệm với việc dân, việc nước nên được địa phương ca ngợi hết lời. Riêng chuyện gia đình thì ông Hội là người vất vả. Bà vợ của ông đang yên lành thì đột ngột mất vì nhồi máu cơ tim, hai đứa con trai thì một đứa làm giám đốc doanh nghiệp xây dựng, đi kiểm tra công trình bị giàn giáo sập đè chết tại chỗ, để lại đứa con hai tuổi. Thằng thứ hai lấy vợ sáu, bẩy năm nay mà chưa kiếm được một mụn con, nhiều lúc ông Hội cảm thấy buồn. Nhớ ngày ông lâm bệnh nặng, chẳng biết có phải linh tính hay không. Ông đã gọi con trai, con dâu căn dặn: “Nếu không may bố có làm sao thì các con nhờ ông Tương đến giúp, lo toan cùng các con nhé! Các con phải nhớ lấy”. Không ngờ lời dặn sau mấy tháng đã diễn ra đúng như thế. Tiếp câu chuyện để chờ trời sáng, ông Tương còn nói với vợ: “ngày ấy bà về thăm quê ngoại, không được chứng kiến đám tang ông Hội thật cảm động vô cùng! Tôi mất hàng tuần sang nhà ở với các cháu để làm chỗ dựa cho chúng nó”. Ông Hội mất đến nay đã sáu cái giỗ, vậy mà thi thoảng trong giấc mơ cứ như ông còn sống, hai anh em luôn bên nhau thế mới lạ.
Còn mơ về đồng đội thì nhiều lắm bao năm chiến đấu gian khổ hy sinh là bấy nhiêu kỉ niệm không bao giờ quên, nó đã ngấm vào máu thấu vào xương. Cũng cái lần ông khóc to làm bà sợ cuống cuồng là mơ về cái đêm giữa rừng biên giới, ông và một cậu lính phải coi bảy thi hài đồng đội hy sinh, mỗi anh em phải mắc một cái võng cao hơn mặt đất hai mét phòng hổ về cướp xác. Nghĩ mà thương cho thân phận mỗi người đồng đội. Trong số ấy, có cậu mẹ mất nhưng đang ở chiến trường không được về tiễn biệt mẹ và sau một năm mới biết tin đau buồn. Có cậu là anh nuôi, cậu ta nài nẵng rồi viết mấy lá đơn xin ra chiến đấu, qua mấy trận không sao, vậy mà khi đi đưa mệnh lệnh của chỉ huy cho chốt ở phía trước đã vướng vào mìn tại đường đi tắt bị cụt cả hai chân. Có cậu quê ở Hưng Yên, người yêu bỏ đi lấy chồng, cậu ta buồn bã hàng tuần tôi phải gần gũi động viên, vậy mà trận này… Những giấc mơ mà ông Tương nhớ và kể lại cứ vanh vách thế mới lạ cho cái đầu của người già. Còn nhiều giấc mơ rất kì quặc ông định kể tiếp cho đến khi sáng, nhưng thấy bà Xuyên nằm yên, không cựa quậy tưởng bà ngủ rồi. Vậy mà ông Tương vừa ngừng câu chuyện thì bà quay lại nằm sát vào ông rồi nói: “Đấy là ông mơ về đồng đội của ông, mỗi giấc mơ là một câu chuyện tôi nghe thấy lòng dạ rạo rực nỗi buồn đối với anh em. Thế mới biết – tôi và ông cũng như bao người được sống thế này, đất nước hòa bình như hôm nay là nhờ cái chết và sự hy sinh của nhiều người đã ngã xuống. Vậy mà hôm nay nhiều kẻ có cuộc sống sung sướng, giầu sang mà sao họ sống nhạt, sống vô cảm không có một chút nào gọi là an ủi, quan tâm giúp đỡ người nghèo khổ hoạn nạn, số phận đau đớn rủi ro bất hạnh, thật là vô lương tâm”. Để làm vơi đi nỗi xúc động của vợ, ông Tương lái sang chuyện khác và hỏi bà: “Tôi thì như thế. Còn riêng bà. Tôi hỏi thật, bà có bao giờ mơ đến cái người mà bà yêu thương đầu tiên trước khi lấy tôi không? Nghe nói ông ấy bây giờ khá giả lắm” Bà Xuyên như gằn giọng phản ứng: Giấc mơ của tôi bây giờ là những lúc ông vắng nhà dù năm ngày bẩy bữa. Và nhất là cái đợt ông cùng anh em đi tìm đồng đội ở bên nước bạn Lào. Tôi ở nhà đêm nào cũng mơ tới ông, thấy ông vừa khóc vừa cười. Khóc vì tìm thấy anh em có người chỉ còn mảnh xương và nắm đất đen; cười vì vui sướng đã tìm được nhiều hài cốt đồng đội đưa về với gia đình, quê hương đất nước.
Ông Tương được những lời vợ khen trong lòng cảm thấy phấn khởi, khoan khoái. Trong đếm tối, bàn tay ông nhẹ lướt trên mặt chiếu nắm lấy tay vợ. Hai bàn tay da nhăn nheo nhưng nóng, và nhận thấy trên bàn tay của nhau những sợi gân nổi lên nếu là ban ngày nhìn thấy mầu xanh như chiếc gân lá cứ phập phồng bởi máu trong nó đang lan tỏa theo nhịp đập con tim.
Hai người bạn đời cứ mải mê câu chuyện về những giấc mơ đến khi nhìn ra cửa đã thấy ánh sáng rọi qua khung kính, thế là trời đã sáng. Ông Tương bật dậy ra mở cửa đón ánh sáng một ngày mới, một ngày sống đẹp như những giấc mơ.
Thanh Luận