Tập tục săn bắn của người La Hủ.
Người La Hủ quen với truyền thống du canh, du cư trên núi cao, phụ thuộc vào tự nhiên, vì vậy việc săn bắn là không thể thiếu được trong đời sống. Người La Hủ có hai hình thức săn bắn: Săn bắn tập thể, săn bắn cá nhân. Khi đi săn không phải làm lễ cầu khấn gì cả, săn về được con gì thì chia cho cả bản cùng hưởng. Người La Hủ cho rằng:
Tê ga chồ tê khá gà cha
Tê dề mư hả tê khá le a ga ba.
Dịch nghĩa: Một người có cả bản được nhờ
Một người ốm đau thì cả bản biết đến.
– Săn bắn tập thể: Săn bắn tập thể thường là săn những con thú lớn như: lợn rừng, gấu, hổ,… nhờ vào sức mạnh của tập thể mới giết được những con thu lớn như vậy. Hình thức săn bắn tập thể cũng có hai cách.
Cách 1: Đặt bẫy đâm theo đường đi của con thú, khi người đặt bẫy phát hiện con thú mắc bẫy nhưng vẫn chưa chết, nó đang chạy được thì người đó về bản báo với mọi người cùng đi săn con thú ấy. Đoàn người đi săn cử ra một người khoẻ mạnh, tháo vát và nhanh nhẹn đi đầu để đối chọi với con thú. Những người còn lại im lặng theo sau sẵn sàng giúp người đi đầu đối phó với con thú giữ. Khi thấy con thú, thì người đi đầu báo hiệu cho nhóm người đi sau biết để tìm cách bắn chết con thú. Con thú bị hạ gục thì người đặt bẫy được quyền đến rờ con thú ấy trước. Người La Hủ kiêng đưa cả con vật về bản, vì vậy mà mổ thịt ngay tại chỗ, rồi mang thịt về bản chia phần. Một nửa con thú thì chia cho người đặt bẫy làm con thú bị thương. Nửa còn lại thì chia cho những người đi săn cùng người đặt bẫy và chia cho các hộ gia đình trong bản.
Cách 2: Khi một người đi rừng phát hiện có con thú lớn, thì chạy về báo vớí mọi người trong bản cùng đi săn. Trước khi đi vào rừng săn con thú thì nhóm người này hội ý để chuẩn bị kỹ về súng, dao và cử ra người đi theo vết chân con thú để xua đuổi nó đến đầu kia có người rình sẵn để bắn. Số người còn lại thì đón đầu, rình trên cây và sẵn sàng khi thấy con thú là bắn ngay. Người nào bắn trúng con thú đầu tiên thì người đó là chủ của con thú và có quyền sờ vào con thú trước, sau đó những người khác mới được động vào con thú ấy. Cả nhóm người cùng mổ con thú và đưa thịt về bản để chia phần. Cách chia cũng giống như cách 1.
– Săn cá nhân: Đi săn cá nhân thường là săn những con thú nhỏ như: chim, khỉ, hoẵng, sơn dương… Khi về thì không được mang con thú chết vào nhà, mà phải làm thịt con vật ở bên ngoài nhà. Người La Hủ cho rằng con thú là một cơ thể giống con người, nếu nó chết mà mang vào nhà thì mình đang mang một xác chết vào nhà mình, đó là việc tối kị không được làm. Nếu không làm như vậy, gia đình sẽ xảy ra nhiều chuyện tai ương, xui xẻo.
Thiếu nữ dân tộc La Hủ. Ảnh: Văn Thắng
* Những quy định đối với người thợ săn.
Người đàn ông nào mà có vợ đang mang thai thì tuyệt đối không được đi săn cùng nhóm. Người đó cũng không bao giờ đí săn một mình. Vì người La Hủ cho rằng những người đàn ông như vậy thì dù có bắn hàng trăm phát đạn, hàng trăm mũi tên thì cũng không trúng và không tiêu diệt được con vật.
Khi đi săn tập thể, khi bắt được con thú thì đầu tiên, người chủ của con thú phải cắt một miếng thịt nhỏ nướng ăn trước mặt mọi người trong đoàn đi săn, nếu cho người khác ăn trước thì lần sau người ấy sẽ không may mắn săn được thú nữa.
Khi săn được con thú thì dù to hay nhỏ, săn cá nhân hay săn tập thể thì ngoài phần chia cho người đi săn, chia cho các hộ thì phải cắt phần chia cho Tạo bản và người thợ rèn. Ngày xưa, đất Pa Ủ chỉ có một Tạo bản nên dù ở xa cũng phải để phần mang đến, đó là tỏ lòng tôn trọng, chứng tỏ rằng đất này, thú này, rừng này là do Tạo bản cai quản; bắn được thú chia phần cho Tạo bản là lẽ đương nhiên. Đồng thời họ cũng cho rằng, nhờ có người thợ rèn mà họ mới có dụng cụ để sản xuất và săn bắt thú, nên săn được con thú thì mang biếu người thợ rèn để tỏ lòng tôn trọng.
Ngày xưa ở một bản chỉ có ít hộ gia đình nên việc chia phần thịt con thú săn được cho mọi người là đủ. Nhưng hiện nay do yếu tố kinh tế, và trong bản rất đông hộ nên việc chia phần là không thể. Dù săn tập thể, hay cá nhân thì họ chia phần cho người đi săn, số thịt còn lại thì bán lấy tiền.
Nghề rèn đúc công cụ săn bắn của người La Hủ.
Công cụ, vũ khí chế tác từ rèn đúc mà ngày xưa người La Hủ hay làm như:
+ Dao (a khô): dùng để phát, chặt, vót, sắt, thái…
+ Rìu (xê chê): dùng để chặt, đẽo, bổ…
+ Liềm (gừ cố): dùng để gặt gianh, gặt lúa.
+ Súng hỏa mai (sủ): dùng để săn bắn, không dùng để phòng vệ hay chiến đấu.
Theo ông Thàng Phí Xè, 61 tuổi, ở bản Pa Ủ (xã Pa Ủ) thì người La Hủ không có tổ nghề rèn, mà đi học từ các dân tộc khác lân cận, nhưng hiện nay không ai còn nhớ tổ tiên mình học nghề rèn từ dân tộc nào. Ngày xưa cả vùng thì mới có một đến hai người làm nghề rèn đúc. Trong khi làm nghề rèn đúc thì người thợ cũng không phải kiêng kị gì. Ngày xưa cũng có câu chuyện kể lại rằng: “người thợ rèn được mọi người rất tôn trọng, nếu đi săn được thú rừng to thì lấy một miếng thịt bằng 3 cái xương sườn mang đến biếu. Nếu ở xa thì phải sấy khô, khi rảnh thi mang đến, hoặc gửi ai đó đến cho thợ rèn. Họ quan niệm rằng mình phải mang ơn người thợ rèn, vì có người thợ rèn thì mình mới có dụng cụ để đi săn bắn”.
Nguyên liệu để chế tác, cánh chế tác, cách sử dụng vũ khí, bẫy… dùng để săn bắn của người La Hủ.
Người La Hủ ngày xưa có 3 loại vũ khí để săn bắn như: súng (xủ), bẫy (va), nỏ (khá).
– Súng (xủ): Súng chủ yếu được làm từ sắt và gỗ; nòng súng được làm trước và làm từ sắt; còn bệ súng thì làm từ gỗ cứng như cây gỗ lim, gỗ dổi… rồi dùng thép khóa nòng và bệ súng vào phía trên; sau đó rồi làm cò, làm cái mổ đá phát lửa để đốt thuốc súng. Đạn súng thì dùng dây thép 1,5 ly cắt từng đoạn ngắn khoảng 1,5 – 2 mm bỏ vào nòng súng, dùng thuốc súng kích nổ đẩy đạn sắt ra ngoài. Súng dùng để bắn những con thú lớn. Súng bắn tầm xa khoảng 150m đổ lại.
Cách bảo quản: Khi không sử dụng thì súng cất giữ trên mái nhà của gác bếp, nhằm giữ ấm cho nòng súng không bị han dỉ và thuốc súng khô không bị ẩm ướt, sử dụng thuốc súng phát cháy dễ dàng.
– Nỏ (khá): Vật liệu làm thân nỏ làm bằng gỗ cứng như cây gỗ lim, gỗ ngứa, gỗ dổi; cánh cung làm bằng cây tre đực già có độ dẻo và cứng; dây nỏ làm bằng dây rừng, nãi nỏ làm bằng sừng nai hoặc loại gỗ tốt như gỗ lim, tên nỏ làm bằng tre. Nỏ thường dùng để bắn thú trên cây.
Khi đàn ông làm nỏ thì không cho phụ nữ đến gần và người mình không được bước qua nỏ. Vì ngày xưa người phụ nữ La Hủ rất kín đáo, khi đến kỳ kinh nguyện thì mọi người đều không biết, mà họ xem loại hành kinh của đàn bà thì là loại bẩn và kị nhất. Khi làm nỏ mà người phụ nữ đang kỳ kinh nguyệt thì chiếc nỏ đang làm xem như bỏ đi, nếu có sử dụng thì cũng không bắn được con thú nào cả. Ngoài ra, người La Hủ cũng quan niệm rằng khi làm ra chiếc nỏ thì chiếc nỏ ấy sẽ có hồn, mình phải làm tốt và kính trọng nó. Nếu bước qua thì mình không lễ phép với thần nỏ, và thần nỏ sẽ không cho bắn trúng con thú nào cả.
Cách bảo quản: Nỏ thì không để gần bếp vì sợ nóng sẽ làm giãn dây nỏ, khi sử dụng sẽ không căng và bắt không chính xác.
– Bẫy (va): Qua tìm hiểu một số người cao tuổi như: ông Thàng Ly Phà, 74 tuổi, ở bản Pa Ủ; ông Giàng Xè Pơ, 56 tuổi, ở bản Xà Hồ (xã Pa Ủ, huyện Mường Tè) thì được biết ngày xưa người La Hủ đi săn thú thì họ làm và sử dụng bẫy đá (há vả), bẫy kẹp (va nhú), bẫy sập (già va), bẫy đâm (gô va).
+ Bẫy đá (há vả): Lấy một cây có bán kính khoảng 2cm, độ dài tùy vào người đặt bẫy, lấy một tảng đá bằng, rồi chống cây lên và bỏ mồi vào phía dưới tảng đá như hạt ngô để khi con thú vào ăn chạm vào cây chống, cây chống sập đè lên con thú. Loại bẫy này thì người La Hủ đi đặt quanh năm và bẫy các loại thú nhỏ như chuột, sóc, dúi…; khi bẫy được thú thì tiếp tục đặt bẫy lại.
+ Bẫy kẹp (va nhú): Dùng cây tre, chẻ ra từng thanh dài ngắn tùy vào người làm bẫy, nhưng thường là gần 1m, bề rộng khoảng 2,5 – 3cm, gồm hai thanh ngang ép vào nhau, một thanh dọc và dùng dây lạt, hay dây rừng buộc vuông góc với nhau; tiếp tục dùng một thanh tre mỏng và dẻo đầu trên buộc chặt vào đầu phía trên của thanh dọc, còn đầu dưới không buộc để kéo ra dùng chốt giữ. Khi con thú đi qua chạm vào chốt thanh sập ấy sẽ tự sập vào và kẹp con thú lại. Loại bẫy này cũng đi đặt quanh năm và phải tìm đường đi của con thú để đặt bẫy. Bẫy kẹp thường giữ được khoảng một tháng, trong thời gian này nếu không bẫy được con thú nào thì làm cái mới, bẫy các loại thú nhỏ như chuột, cầy, dúi…
+ Bẫy sập (già va): Loại bẫy này là bẫy lớn dùng để vẫy các thú lớn. Vật liệu chủ yếu làm bằng gỗ, xẻ gỗ hay ghép các cây gỗ lại với nhau, chiều dài khoảng 5m, chiều rộng khoảng 4m và dùng dây treo một đầu lên, rồi làm chốt dữ dây treo; cắm một cây cọc bên đối diện với thanh sập để làm dây ngang khi con thú đi qua mắc dây thặc chốt giữ thì bẫy sẽ sập đè lên con thú.
Loại bẫy này làm để bẫy các loại thú lớn như: khỉ, gấu, lợn rừng, tê tê… và thường đặt vào mùa thu hoạch ngô (tháng 8 đến tháng 10), dùng cả bắp ngô hay xương thú buộc với đầu dây dữ chốt đặt dưới thanh sập để con thú vào ăn tha mồi đi thì chốt nhả ra và thanh sập đè lên người. Bẫy sập khi bắt thú được một lần là bỏ đi không dùng nữa.
+ Bẫy đâm (gô va): Loại bẫy này cũng dùng để bẫy những con thú lớn như: con gấu, hổ, sơn dương, lợn rừng, hoẵng, con don, con nhĩm… Dùng cây gỗ để làm bẫy, chôn 2 cọc song song với đường con thú đi cao cách mặt đất khoảng gần 40cm và làm một thanh bắc ngang để làm thanh trượt của thanh lao; làm một thanh đẩy bằng cây gỗ có bán kính khoảng 2cm và dùng cây cọc chôn song song với cọc thứ 2, khoảng cách bằng với cây đẩy thanh lao và khóa chặt một đầu gốc của thanh đẩy bằng độ cao của thanh trượt. Vít thanh đẩy về phía cọc thứ nhất và dùng chốt giữ, rồi đặt thanh lao vót nhọn một đầu lên trên thanh trượt, đầu gốc để sát thanh đẩy; bên kia đường cắm một cọc và buộc dây nối với chốt bẫy; khi con thú đi qua mắc dây dẽ kéo chốt bẫy và thanh đẩy sẽ nhả ra đẩy thanh lao phóng về phía con thú.
Khi đặt bẫy phải tìm lối đi của con thú rồi mới cắm bẫy. Nối đoạn dây với chốt bẫy và một đầu cọc bên kia chắn ngang lối đi của con vật. Khi con vật đi qua mắc dây, chốt bẫy trượt đẩy mũi lao về phía con vật làm con vật bị thương, hay chết tại chỗ.
Thanh lao to bằng ngón chân cái, còn chiều dài khoảng 1 – 1,5m, đặt bẫy phải dấu bởi lá cây để con vật không phát hiện ra bẫy. Bẫy đâm mùa nào đặt cũng được và đặt bẫy được thú một lần là bỏ đi không sử dụng lại nữa, nếu đặt nữa thì lại làm mới ở chỗ khác. Kể cả bẫy sập, bẫy kẹp, bẫy lao khi đặt bẫy mà mãi không có con thú mắc bẫy thì bỏ đi và làm cái mới ở nơi khác.
+ Kiêng kị khi đặt bẫy: Làm bẫy và đặt bẫy không kiêng kị gì cả, nhiều lúc làm bẫy sập, bẫy đâm to thì người chồng một mình không làm được thì vợ con cũng đi giúp. Đa số đàn ông La Hủ ngày xưa đều biết làm các loại bẫy, nhưng có người làm thì săn được nhiều thú, có người làm bẫy thì săn được ít hay không được con nào.
Ngày xưa, ở đất Pa Ủ rất nhiều thú rừng, nên người La Hủ đi đặt bẫy quanh năm để kiếm thức ăn. Nhưng ngày nay thì thú rừng gần như cạn kiệt, nên rất ít người đi đặt bẫy, và họ đặt loại bẫy sắt kẹp bán ngoài chợ về để đặt không còn làm các loại bẫy như ngày xưa nữa, và một số gia đình còn dùng súng kíp để đi săn.
Triêu Huy