Dù thường xuyên đi công tác biên giới nhưng chuyến đi nào với chúng tôi cũng vô cùng xúc động. Xúc động vì được trở về gặp những người dân bản địa chân chất, những người lính biên phòng yêu biên giới Quốc gia như yêu những người ruột thịt, bảo vệ đường biên như bảo vệ tài sản gia đình. Đi biên giới, để chúng tôi biết thêm một điều: Tổ quốc Việt Nam rộng lớn bao la, đẹp đẽ vô ngần, đó cũng là lí do để những người dân coi đường biên, cột mốc như tài sản để giữ gìn cho con cháu, những chiến sĩ biên phòng coi đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào các dân tộc là người thân ruột thịt, nắm chắc tay súng sẵn sàng cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. Đối với họ: “Tổ quốc luôn ở trong trái tim”.
Những “cột mốc sống” nơi vùng biên
Huyện biên giới Phong Thổ có lẽ là địa phương của tỉnh Lai Châu được mệnh danh là có nhiều “cột mốc sống” nhất. Cho đến giờ, khi đến Pa Nậm Cúm, người dân trong bản vẫn kể lại câu chuyện ông Thùng Văn Bơn – cột mốc sống, sẵn sàng bảo vệ từng tấc đất biên giới không để bên ngoài xâm lấn. Năm 2004, khi ở tuổi 80, ông Thùng Văn Bơn, bản Pa Nậm Cúm, xã Ma Ly Pho vẫn dẫn đầu người dân trong bản xuống suối Pa Nậm Cúm để đấu tranh giữ đất, giữ suối khi phát hiện phía bên kia biên giới tập trung máy xúc múc đất, nắn dòng chảy. Dù bị dội nước lạnh đến ướt đẫm chiếc áo bông đang mặc trên người nhưng ông Bơn vẫn nhất định “cố thủ” trước gầu của máy xúc, thậm chí còn không sợ trèo lên ngồi hẳn vào lòng gầu khiến phía bên kia không dám hạ gầu múc đất dưới lòng suối. Trước sự dũng cảm của ông, bà con trong bản và 2 xã lân cận là Hoang Thèn, Khổng Lào đã cùng ra đấu tranh, bảo vệ đất. Phía bên kia đã phải rút lui trước sự can trường, dũng cảm của dân bản.
Cờ đỏ sao vàng trên đường lên xã Thu Lũm.
Hay có những tình yêu biên giới, đường biên trở nên thiêng liêng, trở thành linh tính. Ông Lý A Sa, dân tộc Hà Nhì, ở bản Tỷ Phùng, xã Ma Ly Chải, huyện Phong Thổ là một trường hợp như thế. Sinh ra ở bản vùng biên, mặc nhiên với ông, dù đi làm cũng là đi bảo vệ biên giới, đường biên nên cột mốc 70 luôn gắn liền với ông mỗi ngày. Được bộ đội biên phòng hướng dẫn, ông nắm chắc về quy chế biên giới, không chỉ tuyên truyền cho bà con trong bản, ông còn coi đó là “cẩm nang sống” để sử dụng khi có sự cố. Ông cho biết, không hiểu sao bản thân ông luôn linh cảm được những điều khác lạ tại khu vực biên giới mà mình thường hay đi. Điển hình nhất là một lần ông bị ốm, không đi nương và cũng không đi thăm đường biên được nhưng trong lòng rất sốt ruột, day dứt. Cảm thấy không yên tâm, cứ thắc thỏm, ông cố gượng dậy gọi con cả cùng mình đi lên đoạn biên giới. Và đúng là khi tới nơi, ông thấy một nhóm người lạ đang phát nương lấn sang đất mình. Một mặt ông đến giải thích rõ cho họ hiểu về quy chế biên giới, mặt khác bảo con quay về báo với bộ đội biên phòng, nhờ đó ông đã kịp thời ngăn chặn được vụ việc xâm canh từ bên ngoài vào.
Đến xã Ma Ly Pho, chắc chắn khi hỏi, bạn sẽ được dẫn tới nhà ông Lý A Nhị, dân tộc Dao ở bản Hùng Pèng. Điểm khác biệt nhất là cột mốc biên giới Quốc gia 67(2) nằm ngay giữa sân nhà ông. Cũng vì điều đặc biệt này, ngôi nhà của ông Lý A Nhị luôn đông người qua lại để thăm cột mốc, ngày hè thì là nơi tụ tập của lũ trẻ, vừa chơi chúng vừa đọc sách xung quanh đó. Cột mốc luôn được ông Nhị và người nhà quét dọn hàng ngày và trông giữ cẩn thận. Khi còn là trưởng bản, ông Lý A Nhị nói với bà con “Cột mốc không chỉ đơn thuần là điểm đánh dấu, phân định ranh giới giữa các nước mà còn là hình ảnh quốc gia. Không chỉ bộ đội biên phòng mà mỗi người dân Hùng Pèng chúng ta đều phải có trách nhiệm bảo vệ đường biên, mốc giới”. Và mỗi người dân trong bản đến nay vẫn nhớ lời của ông Nhị để bảo ban con cháu mình, coi cột mốc đường biên là tài sản để gìn giữ, bảo vệ.
Không chỉ ông Thùng Văn Bơn, ông Lý A Sa, ông Lý A Nhị mà mỗi hộ dân nơi biên giới họ đều mặc nhiên coi việc đi thăm, kiểm tra, bảo vệ đường biên, cột mốc là việc làm không thể thiếu hàng ngày. Nó như nhu cầu cần ăn cơm, nước uống, cần không khí để hít thở mỗi ngày. Yêu Tổ quốc với họ là gắn với nơi họ sinh ra, là yêu từng gốc cây, ngọn cỏ, từng tấc đất biên cương, họ ghi nhớ lời Bác Hồ dạy, phải đoàn kết, gắn bó xây dựng quê hương. Họ đặt tình yêu Tổ quốc trong trái tim mình.
Chắc tay súng bảo vệ Tổ quốc
Gắn bó máu thịt với bà con vùng biên, mỗi người chiến sĩ biên phòng đã và đang cống hiến tuổi xuân cho Tổ quốc. Họ hiểu rằng, “xây dựng thế trận lòng dân” là cốt lõi trong bảo vệ biên giới Tổ quốc, bởi vị, mỗi người dân vùng biên chính là một viên gạch, những người chiến sĩ là mạch vữa để gắn kết trở thành một bức tường thành bền vững mà không kẻ thù nào có thể xâm phạm.
Từ huyện Mường Tè, chiếc ô tô của Đoàn công tác đưa chúng tôi tới điểm đầu của chuyến công tác biên giới: Đồn Biên phòng Ka Lăng. Cung đường với những khúc cua tròn, cua tay áo, một bên là vách núi dựng đứng cheo leo hiểm trở, một bên là vực sâu nơi con sông Đà luôn gầm gào hung dữ. Sau hơn 3 tiếng lắc lư, nghiêng ngả, chúng tôi cũng đến Đồn Biên phòng Ka Lăng trong cái nắm tay thật chặt của cán bộ, chiến sĩ.
Nằm ở độ cao 1.300m so với mặt nước biển, Đồn Biên phòng Ka Lăng quản lý 28,642km đường biên giới, gồm 4 mốc Quốc giới 18(2), 34, 35, 36 thuộc địa bàn 2 xã Ka Lăng, Tá Bạ với trên 90% đồng bào La Hủ và Hà Nhì sinh sống. Địa bàn rộng, dân cư rải rác và bất đồng ngôn ngữ chính là những khó khăn trong công tác quản lý, tuyên truyền tới Nhân dân về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; chính sách biên giới, các văn kiện pháp lý cũng như quá trình hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.
Trong căn phòng nhỏ vừa để làm việc, cũng là phòng nghỉ của mình, Trung tá Phùng Nhù Giá – Bí thư Đảng ủy, Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka Lăng chia sẻ: “Là người con của dân tộc Hà Nhì, sinh ra tại xã Thu Lũm – xã biên giới xa nhất của huyện Mường Tè, ngay từ lúc nhỏ mình đã có một mong ước sau này sẽ trở thành người lính quân hàm xanh, gắn bó với biên giới, với bà con. Quá trình bám địa bàn, vận động dân bản, cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị luôn gắn việc học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh với thực hiện nhiệm vụ. Quá trình tuyên truyền, từng bài học của Bác luôn được vận dụng linh hoạt, hiệu quả. Đối với bà con, Bác Hồ là người cha vĩ đại, người đã mang lại độc lập dân tộc, vì vậy bà con luôn có ý thức cùng bộ đội biên phòng bảo vệ biên giới lãnh thổ”.
Mốc 67 (2) nằm giữa sân nhà ông Lý A Nhị, bản Hùng Pèng.
Trải qua các vị trí Đội trưởng Trinh sát Đồn Biên phòng Pa Tần; Trợ lý thanh niên (Bộ đội Biên phòng tỉnh); Chính trị viên phó Đồn Biên phòng Pa Vệ Sử rồi Chính trị viên Đồn Biên phòng Ka lăng, Trung tá Phùng Nhù Giá thông thạo tiếng địa phương, đi cơ sở như cơm bữa, nắm rõ từng tuyến đường biên giới, thân thiết với bà con như người thân trong nhà… Tất cả những điều ấy đã hun đúc nên một người lính biên phòng Phùng Nhù Giá với gương mặt cương nghị đầy nắng gió, dáng người chắc đậm và ánh mắt quyết đoán.
Thực hiện “ba cùng” với Nhân dân, xuống từng nhà tuyên truyền, lên nương trồng sắn, bẻ ngô, xuống ruộng cấy lúa nước… đó cũng là công việc thường xuyên để mỗi người chiến sĩ biên phòng rèn luyện sức khỏe. Đường tuần tra biên giới, cột mốc gần thì đi trong ngày, có những cột mốc xa anh em phải đi 5 ngày mới đến nơi, cơm nắm dọc đường, ngủ giữa rừng là chuyện không hiếm. Một chiến sĩ trinh sát kể: Tôi cùng một bạn đi tuần tra biên giới, dự kiến đi trong một ngày, tối sẽ quay lại đồn mà giữa rừng thì mưa lớn, đường sạt không thể đi được. Sóng điện thoại không có nên cũng không thể gọi về báo cáo thủ trưởng. Hai hôm sau mới ra được đến vùng có sóng, nhìn điện thoại thấy 4 cuộc gọi nhỡ của chỉ huy. Gọi vội về báo cáo tình hình mà anh ấy bảo: Không liên lạc được với 2 chú, anh đang tính cho anh em đi rừng tìm… Những câu chuyện không tin nhưng có thật cứ làm mỗi chúng tôi suy nghĩ mãi về những người lính nơi biên ải.
Trong những cuộc chuyện trò với những người chiến sĩ trẻ, tôi không khỏi xúc động khi nghe những chia sẻ hết sức bình dị của họ, vì tính chất công việc nên có nhiều lúc cha mẹ, vợ con đau ốm, cấp cứu họ không thể có mặt bởi một lý lẽ rất đơn giản: Lính biên phòng là thế chị ơi, nếu ai cũng mong muốn được sống trong điều kiện tốt, thì lấy ai trấn giữ biên cương. Chúng em vất vả nhưng vợ con chúng em ngủ ngon, yên tâm lo công việc gia đình và xã hội. Ở đơn vị, chúng em được lãnh đạo tạo điều kiện học tập, rèn luyện, nên ai cũng ý thức được vai trò, nhiệm vụ của mình với đất nước, với quê hương…
Trong lúc trò chuyện vui vẻ thì các chiến sĩ đố vui chúng tôi rằng: Vật dụng nào của chiến sĩ nhanh hỏng nhất? Mặc cho tôi trả lời rất nhiều đáp án nhưng ai nấy đều lắc đầu. Cuối cùng, tôi chịu thua rồi hỏi lại, các chiến sĩ trẻ mới cho biết đó là đôi dép rọ. Đường biên giới là đường rừng với những lối mòn xuyên rừng, đường xuống bản là trèo đèo, lội suối thì có đến dép sắt cũng mòn chứ đừng nói gì đến dép nhựa bộ đội. Nghe đến đó chúng tôi đều bật cười, lại càng khâm phục những người chiến sĩ coi “Đồn là nhà, biên giới là quê hương, đồng bào biên giới là người thân ruột thịt”.
Tổ quốc luôn ở trong trái tim
Trên đường đưa chúng tôi xuống Mé Gióng, Trung tá Phùng Nhù Giá liên tục phải dừng lại để trả lời bà con trong bản. Dùng tiếng bản địa, Trung tá Giá lại hỏi bà con xem tình hình thu hoạch lúa đến đâu, năng suất thế nào, rồi nhắc sẽ có lực lượng của đơn vị xuống hỗ trợ bà con thu gặt. “Ở đây bà con dân bản đã coi bộ đội biên phòng là con cái trong nhà, mỗi khi nhà có việc, bộ đội đều phải có mặt để uống một chén rượu, ăn một bát cơm thì bà con mới ưng cái bụng” – Trung tá Phùng Nhù Giá cho biết.
Có một điều mà chỉ khi đi biên giới chúng tôi mới cảm nhận được, người dân các bản vùng biên giới có thể thiếu gạo, thiếu cơm nhưng mỗi gia đình luôn gìn giữ một khối tài sản lớn nhất trong gia đình đó là ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc. Trung tá Phùng Nhù Giá cho biết “bà con có thể hết gạo nhưng cờ hỏng là sẽ mua ngay để thay thế. Trước cửa mỗi gia đình nơi đây luôn có lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió. Và chính giữa nhà bao giờ họ cũng trang trọng treo ảnh Bác Hồ. Bởi vậy nhiều năm nay, Bộ đội Biên phòng luôn tổ chức Chương trình “Xuân biên phòng ấm lòng dân bản” và quà tặng mà bà con chờ đợi nhất chính là ảnh Bác Hồ và lá cờ Tổ quốc”.
Trưởng bản Mé Gióng (xã Ka Lăng) – anh Chu Lù Ki còn trẻ lắm. Sinh năm 1990 thôi nhưng là người có uy tín với bà con trong bản. Không chỉ là người đi đầu trong việc chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách phát luật của Nhà nước, Chu Lù Ki còn tích cực tham gia các hoạt động tuần tra biên giới cùng với chiến sĩ trong đồn. Chu Lù Ki bảo, mình đi tuần nhiều rồi, có lần đi hơn 4 ngày, vừa đi vừa phát đường vì toàn đi lối mòn. Đến cột mốc rồi để biết biên giới mình ở đâu, mình được làm nương, làm rẫy đến đâu, không canh tác sang đất bạn. Khi được hỏi đi tuần mất thời gian thế, không có thời gian làm nương sao vẫn cứ đi thì Chu Lù Ki bảo: Làm sao mà so sánh thế được, đi tuần là để bảo vệ biên giới, bảo vệ biên giới là bảo vệ đất Tổ quốc, là giữ đất cho gia đình mình, cho con cháu mình mà. 4 ngày chứ nhiều ngày hơn nữa mình cũng vẫn đi. Còn khỏe thì mình còn đi, mình yếu thì mình sẽ bảo con cháu mình nó đi. Bộ đội xa nhà để bảo vệ biên giới, mình sống ở đây mình cũng phải bảo vệ biên giới mà, không chỉ mình mà các lực lượng trong bản cũng tham gia đi tuần với bộ đội. Dân bản mình yêu Bác Hồ như yêu Tổ quốc, giữ đất quê hương là giữ thành quả hòa bình mà Bác Hồ đã cho dân bản mình mà.
Ở tuổi 50, trưởng bản Lò Ma (xã Ka Lăng), ông Lù Cá Lồng còn vô cùng tráng kiện và rắn chắc như cây lim, cây táu trên rừng. Vạch áo khoe cánh tay săn chắc đỏ au của mình, ông Lồng nói như đinh đóng cột: Còn sức khỏe là còn cùng bộ đội tuần tra, tham gia giữ biên giới. Bộ đội giúp dân giữ biên cương thì mình cũng góp sức cùng bộ đội để bảo vệ biên giới quốc gia. Đất này, rừng này là của mình, của con cháu mình, mình phải giữ thôi. Tổ quốc ở trong tim mỗi người dân bản mình, lời Bác Hồ dạy, người dân bản mình luôn khắc ghi.
Ánh mắt sáng, cái nắm tay chắc nịch và giọng nói khẳng khái của ông Lồng như càng thêm khẳng định quyết tâm bảo vệ biên giới quê hương của mình trong buổi chiều ươm nắng!
HÀ – CHANH