Dân ca dân tộc Mảng có các đặc điểm hình thức nghệ thuật sáng tác diễn xướng dân gian của Dân ca – vốn là sự kết hợp văn học nói với nghệ thuật hát chuyển hóa mà thành. Nó được tập thể nhân dân sáng tác, diễn xướng và lưu giữ trong tâm hồn qua suốt một thời gian dài với bao đổi thay của lịch sử. Vì thế trong dân ca vừa có cái mộc mạc, dễ dãi của lời nói hàng ngày vừa có cái luyến láy, bay bổng của tâm hồn. Có vần điệu nhưng lại như một câu chuyện kể có tình tiết và nhân vật trữ tình.
- Lời kể trong dân ca Mảng
Dân ca vốn là những câu nói có vần điệu, gần giống với thể hát nói. Nhờ có vần điệu mà dân ca trở nên dễ hát, dễ thuộc. Nhưng xét về khía cạnh nội dung phản ánh, lượng thông tin, dân ca rất gần với truyện thơ, và cũng có một số đặc điểm chưa thoát khỏi tính chất của những câu chuyện thường ngày. Chúng ta có thể bắt gặp những câu chuyện có tính truyện (nếu được lắp ráp lại từ những mẩu tình tiết nhỏ riêng rẽ trong từng khúc hát) như sau trong dân ca:
Có tính truyện trong một tình yêu đẹp bị cấm ngăn: câu chuyện (ở đây tôi dùng chữ câu chuyện thay cho câu truyện nhằm nhấn mạnh đến tính kể, truyền khẩu của các câu chuyện được diễn xướng trong những môi trường gần gũi với cuộc sống thường nhật) về đôi lứa yêu nhau, đến với nhau trong sáng và có những ước mơ thật giản dị:
Lấy được người hai lần biết nghĩ, lấy được người hai nỗi nhớ | ||||
Không được lo gì về lời, không lo gì về tiếng
(Bài hát khen con gái)
|
Nhưng họ đã không đến được với nhau vì:
Tổ tiên không cho mình lấy nhau
Gà trời không xuống trong bản
(Bài hát khen con gái)
Ông bố cản trở không cho lấy |
Bà mẹ cũng cản trở không cho con lấy người này |
và tình yêu đẹp đẽ đó phải đi đến một kết cục chia ly, buồn thảm, xót xa. Cả chàng trai và cô gái đều như đã chết trong lòng:
Tôi chết để quên người yêu, chết để quên người tình
Mình không được nhau, không lấy được nhau
Có những câu chuyện lại kể về quá trình làm men rượu:
Biết làm nước rượu nước men, biết làm nhựa nước cơm |
Lấy men với người Thái làm rượu, lấy thuốc người Kinh để làm cơm |
Cho men vào rượu phù hợp, nấu cơm có nhựa được tốt |
Rượu ngọt được cả ổ, rượu đắng được cả chum |
Từ giai đoạn ủ, nấu cho đến lúc rượu ra lò, một hoạt động sinh hoạt, lao động của người Mảng đã đi vào thơ ca dân gian như vậy đấy và được hát lên để kể cho nhau nghe, để chia sẻ với nhau những kinh nghiệm quý báu: “phải ủ bằng men người Thái, phải biết làm nhựa cơm …”. Người Mảng vốn yêu cuộc sống và chính vì vậy, những bài hát như này không thiếu trong dân ca Mảng: bài hát kể về việc lên nương, hát về các con vật, hát về ngày xây dựng nhà mới … Chúng chưa đủ mức độ và nhiều tình tiết, sự kiện được sắp sếp logic để có thể trở thành truyện thơ, nhưng chúng ta đọc dân ca Mảng, vẫn cảm nhận được cái màu sắc của truyện trong đó. Vì vậy mà tôi chỉ dám đề cập đến tính truyện trong dân ca mà chưa nhắc tới những câu truyện có cốt truyện là vì như vậy.
Bên cạnh những câu chuyện vui trong cuộc sống, dân ca còn có những câu chuyện được hát lên kể về con đường người Mảng tìm ánh sáng – học chữ. Đây là những bài hát khá độc đáo trong dân ca Mảng so với dân ca một số tộc người khác như La Ha, Hmông, Giáy, Thu Lao … Đã từ lâu, người Mảng vốn kính trọng cái chữ mà theo họ chữ chính là một của báu trời ban tặng.
Từng chữ mực đỏ lần lượt theo nhau,
Viết chữ ở chỗ bậc thang của bà ông trời,
Viết chữ chỗ cầu của bà ông trời.
Viết chữ cũng yên tĩnh.
Trí khôn vẫn ở còn nhiều,
Lòng mình vẫn sáng như nước.
Viết chữ như thế nào mới yên tĩnh được,
Viết làm sao để chữ đẹp viết chữ ở chỗ phượng rồng,
Muốn học được trí khôn từ chữ, con người phải chịu không ít những vất vả từ việc bắc thang hỏi ông trời đến việc khổ luyện, tập trung để viết được con chữ đẹp, ở lại mãi trong lòng, đừng theo gió bay đi mất …
Có hàng chục những câu chuyện có tính truyện như thế … đã được kể trong dân ca Mảng. Chúng đem lại cho dân ca những tầng nghĩa sâu sắc, sự cuốn hút người nghe và âm hưởng gần gũi cuộc sống
Để đưa những câu chuyện hàng ngày ngoài cuộc sống vào dân ca, làm dân ca trở nên dân giã, gần gũi thì trong dân ca Mảng không thể thiếu tính kể. Tính kể được nhận biết qua giọng kể, cấu trúc câu kể gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày.
Một giọng kể gần với lời nói sinh hoạt nhưng không mất đi tính nghệ thuật và yếu tố cảm xúc:
Người không phải một mình cây không phải một cây, ông bố nói! |
Bà mẹ nói! |
Người chỉ có một mình đẹp, cây chỉ có một cây tốt |
Người cả làng đầy, người cả bản còn nhiều |
Tôi nói cho bố! tôi nói cho mẹ!
|
Nói cho bố biết! nói cho mẹ hay! |
Bố nói xấu bằng lời |
Không nghĩ gì bằng lời, không lo gì bằng tiếng nói |
Cản trở không được, cản trở con không nghe |
Tôi nói cho bố làm sao đây |
Thể hiện một tâm trạng uất ức, đau khổ và cũng quyết tâm muốn lấy được người mình yêu của chàng trai khi bị cấm duyên.
Một cấu trúc câu kể theo trật tự: từ lúc mào đầu:
Mình ơi là mình
Mình nghĩ trong lòng
Mình nghĩ trong tim
Em ơi em
Chị như con cá treo dưới suối
Như con sóc treo trên cây
Khi bắt đầu kể về cuộc sống mồ côi cơ cực từ tấm bé, lăn lóc một mình giữa đời:
Mà mình tại sao không có bố mẹ
Mình là con mồ côi, không cha không mẹ
Người con không có cha có mẹ, không nơi nương tựa
Bay không biết chỗ ngừng
Trôi không biết chỗ mắc
Bay mãi, bay mãi; trôi đi, trôi đi
Bố mẹ mất từ lâu rồi
trải qua những năm tháng cùng cực:
Sống lang thang với mọi người ở trong thôn bản mà thôi
Dù sống không có chỗ dựa thì chỉ một thân một mình mà thôi
Sống lang thang ngoài trời
Và cuối bài hát Tiếng hát mồ côi là lời khuyên cho những người vợ mất chồng, gắng nuôi con để không còn đứa trẻ nào phải chịu cảnh mồ côi như vậy nữa:
Dù không có chồng cũng xin đừng lấy chồng mới
Cố nuôi để cho con lớn mẹ nhé
Đừng có lên xóm chài mới
Cái nỏ đừng cho lên dây mới cứ ở nguyên nuôi con lớn
Mọi người trong bản nói
Đừng đi lấy chồng
Cấu trúc lời kể được sắp xếp theo một trật tự logic, hợp tuyến tính phát triển của nội dung câu truyện, dễ hiểu với người nghe nhằm đạt được hiệu quả giao tiếp, khuyên răn bằng lời hát được tốt nhất.
- Nhân vật trong dân ca Mảng:
Khi bàn về yếu tố truyện trong dân ca chúng ta không quên nhắc đến nhân vật trữ tình, linh hồn của những khúc dân ca. Thông thường nhân vật trữ tình tồn tại trong thơ ca, mang đậm chủ quan của tác giả. Song nhân vật trữ tình trong ca dao lại đại diện cho cái cộng đồng to lớn, nó như mờ đi trong vai trò thể hiện cái tôi riêng tư, cái tôi sở hữu. Vì vậy mà nhân vật trữ tình trong dân ca không có tên mà được gọi dưới những cặp đại từ nhân xưng như mình – ta, anh – em, đằng ấy – đằng này, cô – tôi hoặc các từ chỉ ngôi thứ ba như cô, gái, trai, bà già, ông già…
– Tiện đây tôi nắm cổ tay
Tôi hỏi câu này có lấy tôi không
– Anh thương em thì thương cho chót
Anh không thương em thì anh nói thiệt cho xong
Hay:
Gái thì chăm chỉ việc nhà
Khi vào canh cửi, khi ra thêu thùa
Trai thời đọc sách ngâm thơ
Dùi mài kinh sử đợi chờ khoa thi
…
Trong dân ca Mảng, nhân vật trữ tình thường đứng ở ngôi thứ nhất xưng tôi khi kể về cuộc đời và tâm trạng của mình hoặc xưng mẹ, cha hoặc dấu ngôi. Tuy nhiên ở mỗi loại loại dân ca Mảng lại có kiểu nhân vật trữ tình riêng, đại diện diễn tả những tâm trạng riêng, hoạt động riêng.
Nhân vật trữ tình trong dân ca giao duyên là các chàng trai, cô gái đang tuổi yêu đương, có vai trò diễn tả những cung bậc và sắc màu riêng của tình yêu: khi tha thiết, khi e sợ, khi băn khoăn, khi nhung nhớ:
Tiếng to trong bụng tôi, lời dài trong tim tôi |
Ăn cơm cùng mâm, ăn thịt cùng bát một mình |
Ăn cơm không đến bụng, uống nước không xuống cổ |
Ăn cơm như đá trong bụng, uống nước thành xương trong tim |
Ngày ăn cơm cùng mâm với mẹ, ăn thịt cùng bát với bố |
Ăn cơm chợt nghĩ về tim, ăn thịt nhớ người đến cùng ăn |
Ăn cơm thành đá trong bụng, uống nước thành xương trong tim |
Ăn cơm không xuống lòng, uống nước không trôi đến tim |
Ngày đi làm, ngồi trên cành cây tôi buồn khóc |
Ngồi trên cành cây buồn, buồn vì nhớ người yêu |
Đi làm giữa đồng cùng bố, đi làm nương cùng mẹ |
Chợt nhớ trong tim, nghĩ ra trong lòng |
Đi làm ngồi trên cành cây khóc, đi làm nằm trên cành cây buồn |
Bố hỏi bằng lời, mẹ hỏi bằng tiếng nói |
Bố mẹ hỏi, con nghĩ gì trong lòng, sao con lại buồn |
Đi làm sao ngồi trên cây khóc, sao ngồi trên cành cây buồn |
Những cảm xúc ấy làm đẹp thêm câu hát, làm mới thêm cốt truyện và làm say lòng người nghe hát, kể.
Nhân vật trữ tình trong tiếng hát mồ côi thường có một cuộc đời nghèo đói, thiếu thốn tình thương, cô đơn và khao khát hạnh phúc gia đình như chúng tôi đã nói đến ở trên. Qua số phận của mình, nhân vật gieo vào lòng nỗi xót xa và niềm cảm thương trong lòng người đối với nhũng số phận bất hạnh khi được nghe câu truyện.
Tại sao lại xúc con trai vứt đi
Tại sao lại múc con gái vứt đi
Từ lúc còn nhỏ đã không cha, không mẹ
(bài hát mồ côi)
Nhân vật thứ ba là nhân vật được gọi ở ngôi thứ ba số ít như bố, mẹ, trưởng bản, bà già … Những nhân vật này thường tiêu biểu cho lối kể trong dân ca (nhân vật có hành động và tâm trạng được kể lại, diễn tả lại), xuất hiện trong các bài hát như Bài hát kể về Mon đắm, Bài hát xăm cằm.
Nhân vật thứ tư là loại nhân vật quần chúng, nhân vật giấu ngôi thường xuất hiện ở những khúc hát mang tính cộng đồng cao như bài cúng, bài ca nghi lễ, bài hát lao động, hay bài hát về các loài hoa, loài vật.
Tất cả những dạng nhân vật trên cho phép thể hiện đa dạng cuộc sống ở nhiều góc độ, với nhiều màu vẻ khác nhau. Điều đó làm tăng tính sinh động và hấp dẫn của những câu chuyện được hát lên trong dân ca Mảng.
Nhân vật trong dân ca Mảng rất gần với nhân vật trong truyện thơ: có nội tâm, có tính cách và hành động được miêu tả một cách khá cụ thể. Nó gần gũi với sinh hoạt và đời sống tình cảm của người Mảng như vừa từ cuộc sống ấy bước vào trong khúc hát vậy.
Người Mảng cũng có di sản văn học kể truyền miệng, song dân ca vẫn được coi là mạch nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của họ. Nhờ có tính truyện trong dân ca mà dân ca gần hơn với truyện kể, dễ dàng đi vào cuộc sống giao tiếp hàng ngày, có thể được cất lên lời kể giàu nhạc điệu bất cứ lúc nào, đồng thời cho phép dân ca thể hiện phong phú những mảng cuộc sống tương đối rộng lớn mang tính phổ biến của cộng đồng.
Nguyễn Hùng Mạnh