Thương những ngày mưa

Những ngày mưa luôn đem đến cho mỗi người một tâm trạng khác nhau. Có thể là nét lãng đãng khi trời đất cũng ủ dột màu mây, và rồi là trùng trùng tâm tư đau đáu xót xa khác. Vì đâu chỉ một ngày mưa, nhiều ngày mưa cùng kéo đến, mang theo tâm trạng gió xoáy cuốn lốc trong lòng tất cả mọi người.

Mưa Tây Bắc vốn mạnh mẽ quá thể, day dứt tột độ. Từng hạt mưa ngàn rơi rơi trút xuống, mang theo nhiều nỗi niềm miên man. Là xứ nông nghiệp nên mưa xuống, có lúc người dân quê tôi cũng vui mừng lắm chứ! “Mưa thế này là tưới tắm lúa ngô khỏi khô hạn”. Thím tôi từng nói thế! Nhiều thửa ruộng, nhiều đám ngô trổ cờ sau ngày mưa xuống, xanh tốt bao nhiêu. Nhưng mưa cứ mưa mãi, nương rẫy cũng không đi được nữa rồi, đất cũng sắp nhão ra thành bùn lấp lối đi. Lúc này, niềm vui đổi sang tiếng thở dài, bà con bảo với nhau: “Biết khi nào trời mới hết mưa để còn làm việc”. Những công việc thuần nông đều là việc làm ở ngoài trời, phụ thuộc cả vào thiên nhiên. Mưa mãi, đi làm sao được. Mà không đi, ở nhà rồi thì gạo cũng dần vơi, thức ăn hàng ngày cho cả gia đình biết tính vào đâu? Nỗi lo lắng của từng nhà cũng phụ thuộc vào ngày mưa tầm tã ấy. Để chỉ trời như hửng nắng, đã thấy nhóm niềm vui trong mắt của người trẻ, người già…

Hửng nắng được một ngày, hai ngày, trời chưa kịp hong khô con đường đất bùn, thì rồi mưa ào lại. Lần này dai dẳng hơn, nhiều ngày hơn. Cứ như mưa đã ngự trị luôn ở chốn này, không còn dùng dằng muốn bỏ đi nữa. Khổ nhất chính là đi lại vào những ngày mưa. Các con đường nhựa như dải lụa buông từ dãy núi này sang trập trùng núi khác. Đường nhựa miền núi thường là đường độc đạo, làm thì tốn kém tiền bạc và thời gian lắm thay. Đường gì mà một bên là núi non hiểm trở, phía còn lại độc là vực, là sông thăm thẳm, hàng ngày lái xe qua đã cảm thấy khó khăn. Thế mà ngày mưa nối tiếp ngày mưa. Trong lòng núi nước ngấm dần, chiếm dần, tạo thành những rãnh, những khe nứt hoang hoác. Cứ thế, chực chờ đến lúc là bung ra, cuốn phăng cả một đoạn đường như phô trương thế mạnh. Hoặc là nước, hoặc là đá kích cỡ đủ kiểu, rồi thì bùn tràn xuống với sức tàn phá không gì cưỡng nổi. Chỉ khổ cho xe ô tô, xe máy đủ loại và mọi người đang tham gia giao thông bàng hoàng đứng ở hai đầu đoạn đường. Cảm giác run sợ, bất lực trước thiên nhiên hiển hiện trên gương mặt mỗi người không lúc nào rõ nét như lúc này. Thông tin tắc đường, bị cô lập ở đoạn này, đoạn khác được mọi người truyền cho nhau qua mạng xã hội nhờ 3G, 4G vinaphone, viettel. Và nhiều dự định, nhiều công việc đã phải trì hoãn lại, chỉ vì ngày mưa, đường tắc.

Những ngày mưa này, ngồi trong căn phòng làm việc bốn bức tường ấm cúng, cánh cửa sổ hướng ánh mắt nhìn của tôi ra khoảng thinh không. Ở chỗ tôi ngồi, những hạt mưa đan xiên chéo bên ngoài trông khá thú vị, mang hơi hướm lãng mạn. Song trong lòng vẫn đau nhói vì ngay trên các trang mạng xã hội, báo điện tử tôi đang đọc là những dòng thông tin thiệt hại bão lũ; Là cả những ngày khai giảng tổ chức ngay bên dòng nước cuốn xoáy. Ai quê tôi cũng chỉ mong thầm, ngày mưa tạm dừng lại, nên dừng lại được rồi. Mưa nhẹ cho mùa tươi tốt, sinh sôi, rồi thì ngưng cho ngày nắng hửng. Bước ra ngoài phố, không còn phải khoác vội áo mưa, không thấy cảnh con đường ngập nước đến mức xe đi nửa chừng thì ì ầm một lúc lại tắt máy. Đi từ huyện này, xã kia đến các tỉnh, không còn phải quấn xích vào lốp xe cho khỏi trơn trượt, rồi thì trẻ em, người lớn đi bộ qua đoạn đường tắc, cảnh khiêng xe, cảnh đi xe tăng bo hai chặng… Nhất là đừng diễn ra nỗi chạnh lòng khi tài sản, tính mạng con người cũng bị nhấn chìm trong ngày mưa lũ.

Mùa mưa năm trước cũng đã qua. Ngày mưa năm nay rồi sẽ qua. Để đến hẹn lại lên, năm sau, vào mùa, mưa lại rớt… Nhưng nỗi xót xa thì vẫn còn ngự trị. Mưa ơi, thôi đừng rơi! Và quan trọng hơn là để mưa thôi rơi, mỗi người phải có ý thức giữ rừng, giữ đất. Tài nguyên nào cũng quan trọng, khai thác thế nào, bảo vệ ra sao cần có ý thức hướng về tương lai. Rừng quê tôi đang cần nhân lên màu xanh ấy, để làm được, cần sự chung tay của tất cả mọi người. Sức mạnh tập thể mạnh mẽ đến nhường nào. Con người nhỏ bé, không thể so bì được cơn cuồng nộ của mẹ thiên nhiên, nhưng chúng ta có thể bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, để cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ngày mưa hôm nay, tôi không còn muốn ngồi trong căn phòng bốn bức tường ấm áp nhìn ra trời mưa giăng giăng. Tôi cũng một mình một “ngựa sắt” rong ruổi trên con đường đất lô xô, mặc cho làn mưa táp hạt hạt rát đau mi mắt, tôi muốn lặng lẽ cảm nhận nỗi khó khăn ngày mưa này, muốn thấu hiểu hơn… Chợt nhớ lời của một anh tài xế máy xúc làm nhiệm vụ san sửa những con đường mùa mưa: “Công việc chúng tôi làm rất nguy hiểm, đồng nghiệp tôi có người bị đất đá lấp cả xe, cả người đến bị thương. Song chúng tôi vẫn kiên trì với việc này, vì hai phía còn bao người đang chờ thông đường để đi qua, tiếp tục hành trình dang dở của họ…”. Tôi cũng nhớ đến những đôi chân cán bộ viên chức cắm ngập trong đôi ủng lớn về từng bản bị thiệt hại làm từ thiện… Ngày mưa trút lạnh lẽo đất trời, tình cảm san sẻ giữa người với người vẫn mênh mang đến vậy, ấm áp tựa ngọn lửa xua tan bớt u ám, là niềm tin lớn lao giúp người miền núi tiếp tục vững vàng sau những ngày mưa giông. Đợi nắng lên. Đợi ngày mới.

Phùng Yến

 

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.