Bức tranh văn học dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc được vẽ nên bởi nhiều mảng màu, trong đó có màu sắc của những bông hoa thơ dân tộc thiểu số duyên dáng và xinh đẹp.
Miền núi phía Bắc có nhiều dân tộc anh em sinh sống. Song song với điều đó là có nhiều tác phẩm thơ của các nhà thơ các dân tộc thiểu số hoặc của những cây bút người Kinh. Dù viết bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ hay tiếng phổ thông (tiếng Kinh) thì điểm chung là những tác phẩm thơ hay được bạn đọc yêu mến đều mang đậm tính dân tộc, tình yêu tha thiết với núi rừng và cái tôi độc đáo của phong cách tác giả.
Thành tựu thơ dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc được tạo bởi ba thế hệ nhà thơ từ Cách mạng tháng Tám đến cuối thế kỉ XX, và nối tiếp bởi những gương mặt trẻ đầu thế kỉ XXI, thuộc các dân tộc khác nhau: Tày, Thái, Dao… Người đọc còn nhớ những nhà thơ của vùng Việt Bắc như Nông Quốc Chấn, Nông Minh Châu, Bàn Tài Đoàn, Nông Viết Toại, Triều Ân, Mã Thế Vinh, Y Phương, Triệu Kim Văn, Dương Thuấn, Mai Liễu…; những nhà thơ dân tộc nổi tiếng vùng Tây Bắc như Vương Trung, Lò Ngân Sủn, Lò Cao Nhum, Cầm Biêu, Cầm Hùng, Lương Quy Nhân, Hoàng Nó, Pờ Sảo Mìn, Đỗ Thị Tấc… Gần đây, thơ trẻ dân tộc thiểu số có những chuyển động mới với những tác giả 7x, 8x như: Nông Thị Hưng, Tăng Anh Tài, Đinh Thị Mai Lan, Vi Thuỳ Linh, Hoàng Chiến Thắng, Đàm Thị Hải Yến, Phùng Thị Hải Yến…
Có lẽ thơ dân tộc thiểu số hấp dẫn người đọc bởi qua đó, người đọc thấy một vẻ đẹp cuộc sống riêng khác của miền núi: từ cảnh vật thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ, phong tục tập quán đặc sắc… đến những con người miền núi thô mộc, chất phác, kiên cường, đầy sức sống trong cách sống, cách yêu, lao động, ứng xử… Cùng với đó là vẻ đẹp của tư duy thơ, của ngôn ngữ thơ, giọng điệu và hình ảnh thơ đậm chất núi, chất dân tộc, không lẫn với đâu được. Bên cạnh những yếu tố nghệ thuật truyền thống được kế thừa và phát huy thì các tác giả cũng luôn tìm tòi một cách thể hiện mới, sáng tạo, cách tân những hình thức biểu đạt mới về đời sống dân tộc miền núi cũng đang biến đổi hàng ngày.
Thơ dân tộc thiểu số chứa chan tình yêu với bản làng, quê hương, xứ sở. Ở đó, những vẻ đẹp của thiên nhiên, bản sắc văn hoá, phong tục tập quán đều được diễn tả tươi đẹp, duyên dáng qua hồn thơ tha thiết yêu. Bao người muốn bước tới biên giới phía Tây Bắc của tổ quốc qua một lời thơ: Chiều biên giới em ơi/ Có nơi nào cao hơn/ Như đầu sông đầu suối/ Như đầu mây đầu gió/ Như quê ta ngọn núi/ Như đất trời biên cương (Chiều biên giới – Lò Ngân Sủn).
Người miền núi sống giữa một thiên nhiên rộng lớn, nên tình yêu của họ cũng phóng khoáng, ngập tràn hương lúa mùa yêu: Hai ta yêu nhau giữa lều nương/ Lều nương không phên vách/ Ta cởi áo làm phên vách/ Hai ta yêu nhau giữa lều ruộng/ Lều ruộng không chăn chiếu/ Ta cởi áo làm chăn chiếu (Tình ca lều nương – Lò Ngân Sủn). Thơ có cái hoang sơ, trần trụi giữa thiên nhiên phóng khoáng. Tình yêu mang tính bản năng, say đắm và chân thành, không gian giấu giữ.
Trong mối quan hệ gần gũi với thiên nhiên, đất trời, người núi có vẻ đẹp của chính những cây, những hoa, những thác, những rừng… ấy. Tự do và phóng khoáng, thành thật: Trai rừng/ như cây thông mọc thẳng/ nói lời yêu cũng thẳng/ – Tao thích mày! (Trai rừng (Bùi Thị Sơn); Chúng tôi/Những người con của núi/ Sống ào ào như thác đổ/ Sống dữ dội như nước cuốn (Những người con của núi – Lò Ngân Sủn);
Ẩn chứa sau mỗi câu chữ là tình yêu tha thiết với quê hương, tự hào dân tộc: Dân tôi chỉ có hai ngàn người/ Như cái cây hai ngàn chiếc lá/ Cạnh rừng già là rừng non trẻ đấy,/ Lá ơi!!! (Cây hai ngàn lá – Pờ Sảo Mìn). Nhà thơ Pờ Sảo Mìn của dân tộc Pa dí, mảnh đất Lào Cai luôn đăm đắm một tình yêu thiêng liêng, thuỷ chung dành cho dân tộc ít người của mình trong mỗi lời thơ.
Những cảnh vật quen thuộc nhưng qua cái nhìn tươi non, lối nói thuần phác của tác giả mà trở nên sống động, tươi đẹp, gây tác động mạnh mẽ vào giác quan người đọc bởi lối tư duy cụ thể hoá, dễ liên tưởng như lối tư duy của người dân tộc. Đó là bởi các nhà thơ đã tiếp nối mạch nguồn của văn hoá, văn học truyền thống, từ ca dao, dân ca của chính dân tộc mình.
Thi pháp thơ dân gian thể hiện khá đậm nét trong thơ dân tộc thiểu số hiện đại. Có thể nói thơ dân tộc thiểu số nói chung, thơ dân tộc thiểu số của miền Tây Bắc, Đông Bắc nói riêng đều đã kế thừa, tiếp nhận, mang chứa trong mình di sản quý báu của văn học dân gian các dân tộc ít người. Chẳng hạn để ca ngợi đôi bàn tay khéo léo của người phụ nữ, dân ca Thái có câu: Úp bàn tay nên hoa/ Ngửa bàn tay thành bông. Thì cũng từ ý, tứ đó, có rất nhiều vần thơ đẹp, lãng mạn để miêu tả đôi bàn tay đảm đang, tài hoa, khéo léo của người phụ nữ Thái: Ngửa bàn tay thành sao tua rua/ Bay lấp lánh cánh đồng rộng rãi. (Hội thi cấy – Vương Trung). Nhiều bài thơ bằng thể thơ truyền thống gần với những làn điệu dân ca: Mười bản không bằng bản cắt rốn/ Mười chốn không bằng chốn chôn rau. (Nhớ bản cũ – Cầm Biêu).
Màu sắc của văn học dân gian trong thơ dân tộc thiểu số còn thể hiện ở lối điệp, nhắc lại, lối so sánh, ví von gần gũi, sinh động với cuộc sống hàng ngày và lối nói của nhân dân. Để có thể lưu truyền rộng rãi thời chưa có chữ viết, những lời nói phải giống với lời ca, nhiều điệp từ, điệp ngữ để dễ thuộc, dễ nhớ. Nhà thơ Đỗ Thị Tấc của Lai Châu là một cây bút sử dụng rất thành thục, hiệu quả biện pháp điệp trong việc gửi đi những thông điệp về con người từ mảnh đất núi Lai Châu: Mẹ không gặt con trên cánh đồng tình yêu/ Mẹ không gặt con trên cánh đồng hoan lạc/ Mẹ không gặt con trên cánh đồng Người… Bỏ lại hàng cau
Bỏ lại giàn trầu/ Bỏ lại bình vôi…(Trầu say – Đỗ Thị Tấc).
Người núi thẳng thắn. Lối nghĩ và lối nói giản đơn, có sao nói vậy. Những bài thơ hay cũng đều là những tác phẩm chắt lọc, kết tinh được điều đó để đưa vẻ đẹp đó thành nghệ thuật. Có những so sánh thô mộc, cụ thể, hữu hình lắm. Nếu nữ nhà thơ Bùi Thị Sơn viết về trai rừng: Trai rừng/ dám cầm tay, bẹo má người yêu giữa chợ:/ – Tao thích mày!. Thì Lò Ngân Sủn, Y Phương viết về gái núi với một vẻ đẹp rất phồn thực, khoẻ khoắn: Thân hình em như một bó củi chắc nịch/ Da thịt em hừng hực như lửa/ Vai em khoẻ như vai con trâu/ Bụng em khoẻ như lưng con ngựa/ Để em thồ tình yêu, chở hạnh phúc/ Để em vui những cuộc chợ phiên (Con gái bản Tông – Lò Ngân Sủn); Mùa hoa/ Mùa đàn bà/ Mặt đỏ phừng/ Thừa sức vác ông chồng/ Chạy phăm phăm lên núi (Mùa hoa – Y Phương). Cách nghĩ, cách diễn đạt vừa cụ thể vừa chân chất dân tộc, tạo nên lối nói riêng dân tộc, khác lạ và đầy quyến rũ.
Tình yêu của người núi cũng được viết bằng tư duy của người miền núi thẳng thật, mãnh liệt, chân thành. Có thể đậm yếu tố phồn thực, cùng “ăn” những “bữa tình yêu” (Lê Thị Bích Hồng) trong thơ Lò Ngân Sủn: Ngồi bên nhau/ Nằm bên nhau/ Quấn lấy nhau/ Buộc chặt nhau/ Miệng húp nhau tới tấp hay trầm lắng, nồng nàn như thơ Phùng Thị Hải Yến: Anh dắt trâu đến hỏi con gái bản bên/ Em tức tưởi chạy ào vào khung dệt/ Gỡ tấm chăn đêm, ngày thêu tay từng chút/ Thẫn thờ ra sân/ … Ôi! “Nắng thổ cẩm”/ Nắng thổ cẩm rất gần mà tay không thể với. (Nắng thổ cẩm – Phùng Thị Hải Yến)
Trong khi kế thừa vẻ đẹp của văn học dân gian, thơ dân tộc thiểu số vẫn luôn kiếm tìm những hấp dẫn, mới lạ trong cách thể hiện, nhưng suy đến cùng, cũng phải làm sao cho ra được “chất dân tộc”, “cái hồn dân tộc” trong cách cảm, cách nghĩ, cách viết những lời thơ. Anh cứ đuổi theo em như hình bóng/Vụ chiêm đã qua/ Vụ mùa đã tới/Tình anh giáp hạt lắm em ơi (Giáp hạt – Lò Ngân Sủn). Cách ví von thật lạ, độc đáo: tình anh giáp hạt – và nỗi đói khát tình yêu.
Có những khi thơ đầy chiêm nghiệm dưới một cách diễn đạt lạ hoá: Sữa người trắng/ Sữa đá trong/ Quê nghèo/ Các con nhớ đem theo mà sống. (Sữa đá – Đỗ Thị Tấc). Những nhà thơ đương đại, đang tìm cách cách tân thơ dân tộc thiểu số, trong nỗi trăn trở vẫn thể hiện được vẻ đẹp không lẫn vào đâu được của thơ dân tộc miền núi.
Nhà thơ dân tộc thiểu số trong cái khác lạ, xô bồ của đời sống hiện đại vẫn có ý thức giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc qua thơ, giữ gìn vẻ đẹp của ngôn ngữ dân tộc qua thơ. Thi nhân là kẻ canh giữ ngôi nhà ngôn ngữ dân tộc. Ta thấy ý niệm đó trong những lời tâm sự: Tôi đem cái trần trụi hoang sơ/ Trộn lẫn với sự hào hoa rực rỡ/ Tôi đem câu dân ca xứ sở/Gieo lẫn vào câu thơ lục bát (Bát ngát tôi – Lò Ngân Sủn). Và ước muốn khiêm nhường mà lớn lao về việc giữ gìn bản sắc dân tộc, để khẳng định một cái riêng trong cái chung của văn hoá các dân tộc Việt Nam: Đường nhỏ tìm đường lớn/ Con suối tìm đến sông/ Đường càng đi càng rộng… (Pờ Sảo Mìn). Thơ dân tộc thiểu số quả thực là đoá hoa đậm sắc hương giữa vườn thơ văn dân tộc thiểu số thời kì mới.
Giang Thanh