Thành phố bé thế thôi!

“Thành phố bé thế thôi!”… Giai điệu mở đầu ca khúc “Khi người lớn cô đơn” của nhạc sĩ Phạm Hồng Phước cứ da diết trong tôi mỗi ngày đến cơ quan, ngắm thành phố bên ngoài ô cửa nhỏ hay lang thang trên đường. Có lẽ, với ai từng đến Lai Châu đều sẽ có cảm nhận về thành phố như thế!

Thành phố bé thế thôi! Loanh quanh một vòng kim đồng hồ lại về lại đúng nơi mình đã xuất phát. Buổi sáng, phố im lìm ngủ nướng. Đôi ba xe hàng xôi, bánh mì, café “mang đi” lách cách góc phố nhỏ không đủ đánh thức nàng thơ đang say giấc. Phố buổi sáng bình yên. Cái bình yên hiếm thấy ở các thành phố trẻ. Hồi mới chuyển về, có chị bạn nhắn nhủ: “Rồi em sẽ yêu thành phố thưa người này thôi”. Sinh ra từ làng, làm việc ở vùng sâu thế nên dù có thiếu chút nhộn nhịp của đô thị thì phố thưa người vẫn có gì đó lạ lẫm, khác với phần cuộc đời tôi đã đi qua.

Từ ô cửa sổ phòng làm việc, tôi cảm thấy phố hình như chỉ náo nhiệt quanh vòng xuyến trước cửa Bưu điện tỉnh. Từ bốn ngả của thành phố, dòng xe thong thả đi qua bùng binh mà chỉ giờ đi làm mới nghe âm thanh của còi xe báo chuyển làn, xin đường.

Ở đây, dù có vội vã người ta cũng không dùng đến cụm từ “giờ cao điểm” như nhiều thành phố trong cả nước. Và chỉ trong chốc lát, cả trục đường 58, đại lộ Lê Lợi, quốc lộ 4D… sẽ trở lại nhịp sống thường ngày của một thành phố vùng cao yên bình.

Những khu phố mới được quy hoạch như ô bàn cờ đã có lúc làm cho kẻ “mù đường” như tôi loanh quanh mãi cũng chưa về được đến nhà. Phố mới, khu đô thị mở rộng chạy dài về phía San Thàng để góc Nậm Lỏong cỏ lau mơ màng nhớ núi ngày xa. Thành phố bé thế thôi nhưng mỗi lần gặp lại sẽ là một cảm giác đặc biệt khác nhau.

Cuối xuân, dọc những con phố nhỏ, cây sấu, cây bơ trổ bông, rụng lá kín lối đi. Có phải, từng thảm úa vàng bình thản về đất để chuẩn bị hồi sinh cho một cuộc đời mới? Nơi ở của tôi ngay dưới chân Lao Tỷ Phùng. Đó là một ngõ cụt với gần chục nếp nhà san sát mà cứ mỗi cuối tuần lại quây quần dưới bóng cây giữa ngõ để trò chuyện. Nào chiếu, nào trà, cà phê, thuốc lá cho đến sữa chua, bánh kẹo, hoa quả trái cây… thế nên “họp xóm” lúc nào cũng đủ đầy. Tôi về xóm nhỏ cuối cùng. Từ huyện ra đã có lúc tôi nghĩ (phố chắc sẽ như mọi người vẫn nói): “nhà nào biết nhà ấy”. Nhưng không, ngày đầu tiên tôi mở cổng, bà Mai ở sát vách đã rướn người qua bức tường rào cao ngang người hỏi thăm. Khoảng ngoài sáu mươi, người nhỏ, gầy, nhanh nhẹn bà bảo: Xóm này an ninh tốt, về đây cho vui con ạ. Bà lớn tuổi nhất xóm, ngày hai bận đưa đón cháu đi học, thời gian rỗi bà làm rau, dọn cỏ, quét rác khắp ngõ. Vì thế, ngõ cụt, cây to lá rụng nhiều nhưng lúc nào cũng sạch sẽ, tinh tươm.

Một thời, dọc đường Trần Hưng Đạo, Trần Phú người ta mới thấy hơi thở thực sự của phố. Hàng bán, hàng ăn nhộn nhịp sáng tối, tấp nập bán mua. Trên hành trình phát triển, Lai Châu lại có thêm những con đường, những tuyến phố dần trở thành biểu tượng cho thành phố trẻ. Tôi mê mẩn những chiều thong dong dọc con đường trước cửa Bảo tàng tỉnh ngắm hàng phong thay áo mới, nhuộm đỏ thanh xuân của biết bao thế hệ đã sống, cống hiến cho miền đất xa xôi của tổ quốc. Tôi háo hức những tối thứ bảy đông đúc trên phố đi bộ Hoàng Diệu; sân khấu, ánh sáng trang hoàng đẹp đẽ, phố xá mang cái náo nhiệt khác hẳn ngày thường. Tôi ngất ngây hương thắng cố, phở dân chợ đêm San Thàng những tối cuối tuần; Người đến chợ chen kín lối đi nhưng phố vẫn hiền lành như sơn nữ chưa một lần xuống núi; cơ man là đặc sản của đồng bào được bày khắp chợ, ngắm nhìn, thử và mua tùy tâm không chèo kéo.

Bạn tôi tận miền Nam, ghé Lai Châu chốc lát ngày chợ phiên mà đến giờ vẫn nhắc nhớ phở Giáy. Bánh phở làm thủ công, ăn mềm mềm dai dai và có vị thơm của gạo dân trồng nương xa. Phở Giáy có gì? Chân giò, xương lợn hầm nhừ, thịt nạc thái mỏng xào nhanh lửa lớn. Bánh phở nhúng qua nước sôi sùng sục, ăn thịt hay xương là do khách chọn, rồi mới tra nước dùng lênh loang miệng bát. Phở phải ăn với ớt rừng giã, ủ chua, nước mắm và rau ngót rửa sạch để nguyên cành cho khách tự tuốt thì mới đúng vị riêng của phở dân. Chẳng thế mà một tháng cũng đôi lần người ta đến chợ chỉ để ăn phở rồi về.

Thành phố đi qua bao mùa mây bay ngang Lao Tỷ Phùng? Nằm ở độ cao 1.100m so với mực nước biển, đỉnh Lao Tỷ Phùng là một trong những địa điểm săn mây hấp dẫn bậc nhất Tây Bắc. Buổi sáng sớm, ở Lao Tỷ Phùng không khó để chạm mắt tận dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Mây bồng bềnh như biển bông bàng bạc. Rồi từ phía xa xa, hừng đông hắt lên những chùm sáng đỏ rực trong mây và chỉ trong chốc lát, quả cầu lửa rực rỡ lại trở nên trầm tĩnh khi áp mặt vào màn mây chờn vờn khắp nẻo Tây Bắc mờ sương. “Thành phố bé thế thôi!” Từ chân tượng phật A di đà nhìn xuống thành phố khi mây tan mới thấy phố vừa đủ trong tầm mắt… nhịp sống chầm chậm đi qua trong niềm mong mỏi an yên khi chiêm bái chùa Linh Ứng trên đỉnh Lao Tỷ Phùng.

Tháng ba về trên phố, khắp các tuyến đường Lê Quý Đôn, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Chí Thanh hay quanh khu vực Hồ Hạ, Hồ Thượng đâu đâu cũng rực rỡ sắc ban vào mùa. Mùa hoa ban nở, nắng dịu dàng xuống phố nhưng có những ngày mưa trắng trời biên ải xa xôi. Khoắc khoải trong màn mưa, tiếng chim rừng da diết vọng nỗi nhớ của chàng Khum với nàng Ban thuở nào…

“Thành phố bé thế thôi!” Trong nhịp sống hiện đại, thành phố miền biên viễn vẫn giữ riêng cho mình sự tĩnh lặng, bình yên và hào phóng với con người. Và với tôi, phố mãi mãi là bản tình ca đẹp nhất…

CHÂM VÕ

>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.