Thanh minh ở mỗi dân tộc, mỗi dòng họ tuy có khác nhau nhưng đều chung một mục đích là đắp đất, sửa sang mồ mả tổ tiên và dâng lễ mời tổ tiên ăn tết tháng ba. Chúng tôi xin giới thiệu khảo tả hình thức thực hiện các nghi thức truyền thống của một gia đình người Thái ở vùng Than Uyên.
Tuỳ theo cách gọi của mỗi vùng, tuỳ theo cảnh huống cụ thể, Thanh minh được người Thái gọi là Chiêng Xam (tết tháng ba), kin chiêng xam(ăn tết tháng ba), Tsìn min hay Xinh minh…. Người Thái vùng Than Uyên gọi thanh minh là xinh minh. Thậm chí có một loại hoa dại, bông nhỏ, màu trắng phớt hồng,mọc ở bãi ruộng, ven suối, thường nở vào dịp thanh minh được người Thái hái về giã nhuyễn, nhào bột nếp làm bánh rán để đặt lên mâm lễ cũng tổ tiên. Đây là loại bánh không thể thiếu trên mâm lễ cúng thanh minh của người Thái vùng Than Uyên. Loài hoa này được gọi là Bók xinh minh (hoa thanh minh). Theo phong tục của người Thái, thanh minh dứt khoát phải được các gia đình làm tổ chức vào đúng ngày 3.3 âm lịch. Dù những năm gần đây, thanh minh trên lịch của nhà nước có thay đổi, có năm thì vào tháng 2 âm, có năm lại vào ngày 6/3. .Người Thái ở Mường Xo lại cho rằng: mồng 3 tháng 3 là ngày duy nhất trong năm trời mở cửa cho linh hồn tổ tiên của mọi nhà về xum họp với nhau và với con cháu.
Còn người Thái ở Than Uyên lại cho rằng: Ngày chiêng Xinh minh- Tết thanh minh 3/3 là ngày tết của Phi (Ma). Đây là ngày tết giành riêng cho Phi Pá Chạ ( còn gọi là Phi đẳm đin, Phi pá heo) – Ma trong rừng mộ (nghĩa địa). Đã là ngày tết thì nhà cửa phải sạch sẽ nên con cháu phải đi sửa sang, dọn dẹp mộ vào ngày 2/3.người Thái gọi đây là ngày Pay Sán Phăn (đi phát dọn, sửa sang mộ). Với người Thái, sau Phi Đẳm Hướn (ma bàn thờ – linh hồn tổ tiên trú ngụ ở bàn thờ) thì Phi Pá Chạ (Phi đẳm heo, Phi đẳm hin) là những ma (linh hồn tổ tiên) có ảnh hưởng lớn và gần cận nhất, nhanh chóng nhất đối con cháu. Chình vì vậy, người Thái dù di cư đi đâư thì xinh minh cũng phải tìm về để phát dọn sửa sang lại mộ thờ và xắp mâm lễ cúng tế tổ tiên tại mộ. Nếu không chăm sóc, để mộ rễ cây đâm xuyên, thú đào bới, sụt lún… thì con cháu sẽ bị ảnh hưởng xấu. Nếu mộ của tổ tiên, cha ông được chăm sóc tốt thì con cháu luôn được phù hộ cho khoẻ mạnh, no đủ và phát đạt. Trước Xinh minh một ngày, ngày 2/3 cả gia đình, từ trẻ em 10 tuổi trở lên, người già còn đi lại được, con cháu, dâu, rể ai cũng thành tâm đi sửa sang, phát dọn mộ. Khi đi mang theo lễ vật gồm: Hương, nến, trầu cau, thuốc lào, chuối, mía, nước chè… để xin phép ông bà, tổ tiên cho phát dọn mộ. Đồng thời mang theo vôi bột (tuỳ theo hố mộ của gia đình mà mang cho đủ); phận péo: Chùm biểu tượng vệư tươi mối, giàu có,an vượng được cắt từ giấy màu xanh, đỏ, tím, vàng, trắng xâu vào dây, buộc dây treo lên đoạn cây cây sặt hoặc cây trúc để cắm trên mộ.
Trước khi phát dọn, phải thắp hương ở hai đầu mộ để xin phép hồn. Vừa cắm hương vừa khấn gọi người dưới mộ. Mở đầu bao giờ cũng là câu: Bố (ông, bà, mẹ…) ơi! (Tuỳ theo quan hệ của người trong mộ với mình mà gọi). Nếu xin phép mộ của bố thì khấn như sau:
Bố ơi!
Giữ chó cho con cháu với nhé
Tháng tết tháng lễ
Nhà cửa của bố đã đổ nát rồi
Con cháu lên sửa sang nhà cửa cho bố đây
Bố đừng trách móc,
Đừng chấp nhặt (nếu như con cháu làm điều gì đó mà bố không thích nhé)
Hãy bao dung độ lượng như lúc còn làm người
Như lúc còn sống nhé.
Con cháu thắp hương, dâng tiền bạc cho
Con cháu dâng hương hoa thưa trình
Hãy phù hộ con cháu nhé.
Pá heo vào ngày này đông đúc lắm. Cả khu rừng râm ran tiếng người. Nhưng tuyệt nhiên không có tiếng cười đùa, dù là của trẻ con. Những đứa trẻ được người lớn dạy bảo, hướng dẫn cách quét dọn, nhổ cỏ sao cho không được gây kinh động hoặc làm điều gì bất cẩn với người dưới mộ. Những cụ cao tuổi nhất trong các gia đình thường đi kiểm tra từng ngôi mộ xem có điều gì bất thường không. Mỗi bản của người Thái có một khu rừng chôn người chết. Những bản gốc thường được lập vài chục năm hay hàng trăm năm rồi nên gia đình nào cũng có hàng chục ngôi mộ của tổ tiên, ông bà. Ngày pay xán phăn- đi phát dọn, sửa sang mộ thì hầu hết các thành viên trong các gia đình đều có mặt. Ai cũng muốn bày tỏ tình cảm, tấm lòng của mình với người đã khuất. Đồng thời họ cũng mong, tổ tiên,ông bà, cha mẹ…chứng giám sự thành tâm mà phù hộ cho gia đình những điều may mắn, tốt lành.
Cũng như nhiều dân tộc khác, người Thái sống duy tình. Họ không chỉ trọng tình bản, nghĩa mường mà cả với những người đã khuất, họ cũng sống“trần sao âm vậy”. Tuy không nhiều nhưng đâu đó trong bản mường, đâu đó trong pá heo của người Thái không phải không có nhưng nấm mộ vô chủ. Nấm mộ đó ở gần mộ, gần nhà ai thì dù không biết gì về người nằm dưới mộ họ cũng phát dọn như chính ngôi mộ của nhà mình.Trước khi phát dọn, cũng thắp hương và khấn xin phép:
Ông hay bà ơi! Ở nhà không?
Con cháu sẽ đến sửa sang nhà cửa cho (ông… bà)
Trông chó cho chúng cháu nhé
Các con các cháu còn trẻ người non dạ
Không biết đây là ông bà nào
Không biết gì về ông bà
Không biết mặt người
Không biết họ tên, dân tộc gì
Con cháu đến sửa sang nhà cửa cho
Các con các cháu không bỏ mặc
Các con các cháu không bỏ hoang bỏ vắng.
Trình thức nghi lễ cúng tế ngày 3.3 tại mộ.
– Lễ vật cần chuẩn bị
Dù gia đình có bao nhiêu ngôi mộ thì bao giờ cũng chọn một ngôi mộ của bố ông chủ nhà để đặt mâm lễ chính. Lễ vật cúng tế ở mâm lễ chính xong thì mới mang đi đặt ở các mộ. Tùy số mộ của gia đình mà chuẩn bị lễ vật cho đủ. Lễ vật cúng xinh minh gồm:
– Phận Péo: mỗi mộ 01 cái. Phận Péo là chùm tua được cắt bằng giấy ngũ sắc, buộc túm một đầu, buộc lên đầu cây sặt hoặc cây trúc để cắm trên mộ.
– Chuối: 01 nải để đặt ở mâm lễ chính, số lượng đủ cho mỗi mộ 01 quả. Cũng có gia đình thì cắt lát, bày lên lá chuối tươi.
– Mía: tước sạch, tiện khẩu, đặt mỗi mộ 03 khẩu. Cũng có nhà đăt mỗi mộ 01 gióng.
– Hoa: Hoa dâm bụt, hoa mạ và một số loại hoa rừng nở vào dịp thanh mimh.
– Quả: Quả nhót. Đây là thời gian tất cả các loại quả còn non nên người Thái xưa chỉ có quả nhót để cúng. Ngày nay, hoa quả đã phong phú, tùy ý thích và điều kiện từng gia đình mà sắp lễ.
– Trầu: Phải có đầy đủ cả lá trầu, vỏ, thuốc lào, vôi. Nếu têm thì mỗi mộ 01 miếng, còn nhiều nhà đặt mỗi mộ: 01 lá trầu đã quệt vôi, 01 quả cau( nếu có), 01 miềng vỏ và một ít thuốc lào.
– Khảu pẻng chen: Bánh rán có trộn bok xinh minh( hoa thanh minh), mỗi mộ 01cái.
– Nước chè: mỗi mộ 01 chén. Mâm lễ chính đăt 05 chén nước chè và 03 chén rượu.
– Rượu: Mỗi mộ 01 chén.
– Gà: Ngoài ngôi mộ đặt mâm lễ chính đặt 01 con gà luộc to, còn mỗi mâm đặt 01 con gà chừng 5-7 lạng cũng được.
– Vịt: cũng đặt như gà.
– Lợn: không bắt buộc, tùy điều kiện từng gia đình. Có thể chỉ đi mua thịt về luộc chín để đặt lên mỗi mộ 01 miếng nhỏ hoặc mổ con lợn chừng 10 cân trở lại để đặt cả con lên mâm lễ cúng.
– Cá: Chỉ đặt cá sấy hoặc cá nướng.
– Xôi: Mỗi mộ 01 gói xôi 03 màu (tím, vàng, trắng).
– Hương, nến, tiền-bạc- vàng (mã)
– Muối ớt: Mỗi mộ x01 goi muối ớt nhỏ.
– Trình thức diễn ra lễ cúng:
Khoảng từ 6h đến 7h sáng ngày mồng 3.3, các gia đìng mang lễ lên đến pá heo.
Trước tiên trải lá chuối tươi làm mâm trước cửa mộ của bố ông chủ nhà (đây là mâm chính trong lễ cung thanh minh tại mộ). mọi người cùng bày lễ. Ông chủ nhà thắp hươnh mang cắm ở hai hòn đá chôn ở đầu và chân mộ rồi quay lại trước mâm lễ chính quìi lạy ba lạy và khấn mời:
Ơ… Thưa vong hồn bố… (họ tên).
Thưa vong hồn mẹ là…. (họ tên)
Thưa vong hồn ông bà nội là… và…
Thưa vong hồn cụ ông, cụ bà là… và…
Thưa vong hồn kị ông, kị bà là… và…
Thưa vong hồn các vị gia tiên tiền tổ.
Hôm nay là ngày tết thanh minh
Các con, các cháu tìm kiếm bên phải
Tìm kiếm bên trái
Được gà to bằng con công
Chân nó to dài như chân ngỗng
Về mổ sắp mâm cỗ.
Về giết để bầy mâm lễ.
Tìm được con vịt to
Con vịt đực
Về mổ sắp mâm cỗ
Về giết để bày mâm lễ.
Mối được mâm lễ đầy về đặt.
Mới có mâm cỗ tết to về Cúng
Ơ… Hãy gọi nhau đến
Hãy tìm nhau tới
Không được để sót một ai
Không được bỏ sót để ai buồn tủi
Con cháu mời tất cả không mời riêng ai.
Không trọng người này hơn người khác.
Người đi nương chưa về, gọi về.
Người đi ruộng chưa đến gọi đến
Mười người đến ngồi chung một mâm
Chín người về ăn chung một mâm cỗ tết.
Hãy về ăm mâm lễ mâm tết
Ơ… Vong hồn bố, vong hồn mẹ
Ơ… Vong hồn ông, bà
Ơ… Vong hồn cụ ông, cụ bà
Ơ… Vong hồn kị ông, kị bà
Ơ… Vong hồn các vị gia tiên tiền tổ.
Mâm lễ có đủ lễ vật
Mâm cỗ có đủ mọi thứ
Hương, hoa, hoa quả, nến….
Có cả trầu không nhai đỏ.
Có cả nước chè đỏ tươi
Cả chuối, mía đủ thứ.
Hãy gắp ăn bên phải mâm
Hãy gắp ăn sang bên trái mâm.
Ăn thịt dầy ngực gà.
Ăn đùi vịt đẫy thịt
Ăn cả đầu cả, phao câu
Ăn cả cằm cả lưỡi
Ăn tất cả mọi thứ
Gan gà thơm mùi lá thơm
Ruột gà thơm lá chanh
Chân gà cong ngà voi
Ăn cả các loại bánh quí
Húp nước canh ngon ngọt
Uống rượu cần thơm dịu
Uống nước rượu cái đặc sánh
Uống rượu cất dễ uống
Rót vào chén uống ngon
Uống hai chén, ba chén cho cạn
Uống sáu chén, bảy chén cho hết
Ăn cả bánh dày giã nhuyễn
Ăn xôi gạo trắng nàng giã
Ăn xôi tím, xôi vàng nàng nhuộm
Hãy nuốt cho khéo
Hãy ăn cho no bụng trên
Hãy ăn cho đầy bụng dưới
Ăn năm nay cho no đến sang năm
Ăn năm này cho no đến năm mới
Ăn xong rồi thì hãy nhai miếng trầu cho thơm miệng
Ăn xong rồi hãy nhai miếng cau cho thơm bụn.
Trong lúc ông chủ nhà khấn thì tất cả mọi người có mặt quỳ đăng sau. Khấn xong, mọi người cùng dập đầu lạy ba lần. Ông chủ nhà rót thêm rượu vào các chén trong mâm rồi cùng mọi người mang hưopưng, lễ đến đăt cho từng ngôi mộ của gia đình. Trở về chỗ mâm lễ chính, mọi người trải lá gần đó, bỏ xôi, thịt, rượu…ra ăn. Họ vừa ăn vừa trực mộ để thắp hương, rót rượu. các món ăn này được chế biến và để riêng, không được để lẫn với đồ cúng.
Thường thì các nhà chờ tổ tiên hưởng lễ đến hết tuần hương, thắp tiếp tuần hương nữa rồi xin dọn mâm mang lễ về. Nhưng cũng có vài nhà thân gần rủ nhau trải lá làm thành mâm rộng rồi ngồi quây quần ăn chung. Họ có thể vừa ăn chuyện trò vui vẻ. Lúc này chỉ kiêng không hát hò. Những gia đìng tụ tập ăn chung như thế nay thường khoảng 11 – 12giờ trưa mới về. Lễ vật cúng ở mộ được mang về chế biến lại cho nóng, đặt lên bàn thờ (pán ham) để cúng tổ tiên ở nhà xong mới hạ lễ xin thừa lộc.
Trước khi dọn mâm lễ cúng, ông chủ nhà lại cùng con cháu quỳ trước mộ khấn xin:
Ơ… Vong hồn bố mẹ
Ơ… Vong hồn ông bà
Ơ…Vong hồn gia tiên tiền tổ
Ăn từ sáng đến trưa
Ăn từ trưa đến tối rồi
Vịt gà sẽ nhảy qua mặt
Chó, mèo sẽ nhảy qua mâm
Con xin dọn mâm thừa lộc
Cháu xin dọn mâm hưởng lộc
Ơ… Vong hồn bố mẹ
Ơ… Vong hồn ông bà
Ơ…Vong hồn gia tiên tiền tổ
Đừng nói năng trách nọ
Đừng nói nặng lời
Hãy che chở, giữ gìn cho con cháu sống khỏe mạnh
Năm mới cho con cháu ăn nên làm ra
Năm mới làm gì cũng phát đạt
Làm lúa nương cho bông to chắc hạt
Làm lúa ruộng cho nặng bông trĩu hạt
Trồng rau đừng cho thành cỏ
Gieo mạ đừng cho thành cỏ vực
Nuôi vịt cho đầy chuồng hóp
Nuôi vịt cho đầy lồng trúc
Nuôi lợn cho đầy gầm sàn vướng cả chân
Nuôi chó cho nhiều vướng cả cẳng
Lợn, chó đừng cho chết ngả
Vịt, gà đừng cho chết thành đống.
Nuôi bò cho thành bò cái giống
Nuôi trâu cho được nhiều con trâu mẹ
Cho nó có 30 con trâu đực sừng to
Cho nó có 90 con trâu cái sừng nhọn
Sừng nó thon nhọn như lá chít
Sừng nó nhọn như cựa gà
Con để sang năm cày bừa
Con để cày bừa làm ăn
Cột trong buộc không đủ phải buộc cả ra cột ngoài
Cột ngoài cũng không đủ buộc phải buộc cả ra ngoài cột sàn
Phải nhờ tạo bản đến giúp chọc, xỏ mũi
Con trâu mẹ gốc không làm đến
Con trâu cái nhỏ cũng được ở không.
Cho lúa tốt đầy ruộng
Cho cá đầy ao
Làm chàm nhuộm cho đen nhánh.
Nước chàm cho đen bóng
Cho đen ánh như cánh con menh chặp.
Cho đen sẫm như lông cánh con quạ.
Bạc, vàng chảy vào,
Thóc lúa chảy về thành đống
Của cải làm ra chất cao hơn xà nhà
Đi kiếm bạc cho thành bạc cục
Đi tìm vàng cho thành vàng thỏi
Của cải đã vào trong nhà rồi đừng cho phải xuất ra
Vào tay trái đừng cho ra tay phải
Hãy phù hộ, che chở cho con cháu sống tốt
Đừng cho đau ốm
Ốm đau ở mường khác đừng cho tới.
Ông chủ nhà khấn dứt câu, mọi dập đầu lạy ba lạy rồi người đồng thanh nói: Phù hộ nhé.ông bà tổ tiên ơi… phù hộ, che chở cho con cháu nhé!
Xong nghi lễ này, mọi người đi đến từng mộ hóa tiền, bạc, vàng mã. Vừa hóa vừa khấn:
Ơ… Vong hồn bố mẹ
Ơ… Vong hồn ông bà
Ơ…Vong hồn gia tiên tiền tổ
Con cái, cháu chắt xin hóa cho
bạc nén, vàng thỏi đây.
Không có gạo thì đi mua gạo ăn nhé.
Không có đất thì đi mua đất ở nhé.
Nghi lễ cúng tế ở mộ kết thúc. Trước khi rời pá heo, người đàn ông già nhất trong hú gọi hồn của mọi người theo về cùng. Theo quan niệm của người Thái, trong thời gian thực hiện các nghi thức nghi lễ cúng tế, hồn của những người chết dưới mộ đi lên và hồn của các con cháu cũng rời xác ra ngoài để trò chuyện, tâm sự. Vì vậy trước khi mọi người về nhà thì phải gọi các hồn đó nhập vào thân thể mà về nhà. Lời khấn gọi hồn như sau:
Hú… Về thôi hồn ơi
Hồn của tất cả mọi người
Hồn của mọi người trong nhà
Bốn mươi hồn đằng trước về quấn quýt
Năm mươi hồn đằng sau về đủ nhé.
Về nhà ăn cơm, uống rượu
Về nhà mới ăn lợn, gà, vịt
Nhà cửa mới được yên vui ngày ngày
Không thiếu gì của cải
Không thiếu gì cái ăn
Hồn đừng ở lại bãi tha ma giữa đồi
Hồn đừng ở lại bãi tha ma giữa đường
Cơm ở mường ma là đất
Quả ở mường ma là đất đỏ
Canh ở mường ma là nước đục
Về nhà, về cửa nhé, hồn ơi…
Khấn xong, mọi người mới cùng nhau về nhà. Khi đi về, mỗi người vẫn tự gọi hồn mình về theo “Hú…hồn , về thôi, về nhà về cửa thôi, về nhé, hú hồn…”. Dọc đường về, mọi người khôngđược quay đầu lại nhìn phía sau. Nếu ai làm như vậy, hồn của họ sẽ quyến luyến hồn ở Đẳm Pá Chạ không chịu theo về. Như vậy họ sẽ bị ốm đau phải mời mo (Then) làm lễ đi tìm hồn .
Rời pá heo, đi sau cùng bao giờ cũng là người đàn ông cao tuổi nhất. Vừa ra khỏi pá heo, ông bẻ hoặc chặt một cành cây tươi đặt ngay đường mòn để chặn không cho hồn những người đi trước quay trở lại. Đi được một đoạn nữa, ông lại chặt cành thứ hai Vừa đặt tiếp ông đặt ông vừa khấn:
Bẻ cành cây tươi lấp lối
Bẻ cành cây khô chặn đường
Khi đoàn người về qua suối, khe hoặc máng nước, mọi người bẻ một cành cúc tần, nhúng vào nước vảy lên đầu từ đỉnh đầu xuống gáy rồi mới vào bản, lên nhà. Làm như vậy để xua đuổi mọi điều xấu, điều rủi.
Đỗ Thị Tấc