Thân cò

Bà Hạ ì ạch đẩy cái xe đạp điện chở thùng hàng và bao thóc lên dốc, mệt bở hơi tai. Trời tối mịt từ lâu mà bà vẫn còn ở trong đường bản cách nhà đến gần chục cây số. Mọi ngày thì bà về đến nhà đã lâu. Nhưng hôm nay nán lại chờ lấy được hơn yến thóc nợ, ra về muộn hơn mọi ngày, không ngờ cái xe cà tàng lại hết điện giữa đường. Mệt quá, bà choãi người đỡ xe dừng lại nghỉ ngang dốc, miệng thở phì phì tưởng đứt hơi. Quãng này vắng quá, chẳng thấy nhà nào gần đường mà nạp điện nhờ. Bỗng có ánh đèn pin loang loáng, rồi có người từ lối mòn đi ra. Bà Hạ chưa cất tiếng thì người kia đã hỏi:

– Ai đấy? Sao không thấy đèn đóm gì hả?

– Tôi đây! Tôi bị hỏng xe, hết điện nên đang đẩy… mệt quá.

Người kia chỉnh cái đèn trên trán, soi thấy mặt bà thì thốt lên:

– Bà Hạ à? Chưa về được à? – Người kia tiến đến gần hơn – Tôi là Hen ở bản Nậm Ban đây!

– Ông Hen à? May quá! Ông giúp tôi một tay! – Bà Hạ mừng như chết đuối vớ được cọc.

Lão Hen choãi chân chèo, đẩy một thôi dài mới hết con dốc. Lên đến đỉnh, bà Hạ chống chân xe dừng lại, cả hai thở phào phào. Mãi một hồi, lão Hen mới lên tiếng bằng cái giọng ngắt quãng:

– Bà khỏe thật đấy. Tôi đẩy với bà có một đoạn mà muốn đứt hơi…

– Thì ông bảo… tôi biết làm thế nào? Xe mất điện giữa đường thế này – Bà Hạ hổn hển đáp – Cảm ơn ông! Không có ông thì…

– Ơn cái gì? Thế bây giờ bà định thế nào?

– Tôi về thôi!

– Về làm sao được? Cứ đẩy xe thế này à? Còn xa lắm đấy!

– Xa thì khuya cũng đến nhà mà! – Bà Hạ trả lời – À, mà thấy nhà ai tôi vào nạp nhờ một lúc là đi được.

– Bà có gọi điện cho ai đến đón không?- Lão Hen chợt hỏi.

– Có, tôi muốn gọi! Nhưng tôi còn đứa nào để mà gọi đâu!

– Thế ở nhà có ai chờ bà không?

– Có. À… mà hôm nay thì không!

Bà Hạ bỗng chùng người xuống một cách nặng nề, thảng thốt khi nghĩ rằng hôm nay không ai đợi mình ở nhà thật. Một nỗi buồn xâm chiếm toàn thân làm cho bà cảm thấy không còn một chút sinh khí nào. Một thoáng rùng mình, rồi có cái gì lạnh toát chạy dọc sống lưng, tay chân buông thõng rũ rượi, bà từ từ rụn xuống. Vừa quay cái đèn ló lại, nhận thấy bà Hạ không bình thường, lão Hen hốt hoảng vội đỡ lấy:

– Này! Bà có làm sao không đấy! Kìa!… Tỉnh lại!… Tỉnh đi bà ơi!

Bà Hạ khẽ cựa mình rồi chớp chớp cố mở hai con mắt mọng nước, nhìn lên. Một mái ngói ximăng thấp tè ngay trước mặt. Sao mình lại ở đây? Sao lại thoang thoảng mùi lá thuốc thế này? Bà ú ớ muốn nói gì mà không nói được. Trong đầu bà ong ong u u, tay chân nặng nề, thật khó chịu…

– Phà ơi! Bà tỉnh rồi! Thoát chết rồi!

Bỗng bà nghe một giọng đàn ông người Thái, liền cố nghiêng đầu để nhìn xem ai. Ánh điện đỏ kè và ánh lửa nhập nhòe nhưng bà đã kịp nhận ra lão Hen. Bà định cất tiếng hỏi nhưng chỉ thấy miệng mấp máy mà chẳng phát ra được lời nào. Lão Hen nhẹ nhàng bảo:

– Bà mệt, cứ nằm nghỉ đã. Không chết là may rồi. Bà bị tai biến nhẹ, đột quỵ đấy! Nằm mê man mấy tiếng rồi. Chắc bà không biết đây là đâu chứ gì? Đây là lán trang trại cũng là nhà tôi. Cũng may tôi gặp mà cứu, không thì…

Bà Hạ ứa nước mắt, đầu khẽ gật. Bà bắt đầu loáng thoáng nhớ lại cái hoàn cảnh từ lúc gặp lão Hen…

– Ừ! Ấm lên rồi, đỡ rồi! – Lão Hen đưa bàn tay ấp lên trán bà Hạ – Bà làm tôi sợ quá! Bà giơ tay phải lên xem! Được! Chân phải! Được! Tay trái, chân trái nào. Tốt. Mồm còn hơi méo tí thôi, vài hôm sẽ hết. May rồi!

Tuy còn đang rất mệt, nhưng bà Hạ đã đủ tỉnh táo để làm theo yêu cầu của lão Hen một cách máy móc. Bà đã biết sự nguy hiểm của bệnh tai biến dẫn đến đột quỵ rồi nên bà sợ lắm. Không ngờ nó lại đến với bà! Không ngờ bà lại gặp được ân nhân là lão Hen đây. Thấy các đầu ngón tay đều đau, bà hiểu rằng lão đã chích máu để cứu bà. Cũng may lão ấy biết cách cứu người bị tai biến đột quỵ đấy! Phải người không có kinh nghiệm thì bà không chết cũng tàn tật suốt đời chứ chẳng chơi.

– Bà ăn mấy thìa cháo nóng cho tỉnh người đã.

Lão Hen bưng bát cháo nghi ngút khói vào, mùi hành thơm lựng bốc lên. Bà Hạ bỗng thấy bụng dạ cồn cào, nước miếng tứa ra. Thì từ sáng đến giờ, bà có hột gì vào bụng đâu. Lão Hen nhẹ nhàng múc thìa cháo, thổi mấy cái rồi ghé vào miệng bà Hạ:

– Ăn đi!

Bà Hạ khẽ há miệng, đủ cho cái thìa nghiêng vào. Thìa cháo vào miệng thì hai hàng nước mắt bà ứa ra. Tình cảm của lão Hen và những người đồng bào trên con đường mưu sinh của bà làm bà nghẹn ngào! Bà nghĩ đến những đứa con và thân phận hiện tại của mình mà không thể cầm được nước mắt…

 

***

 

Rời xa quê hương năm tấn từ tuổi đôi mươi, Hạ theo chị gái lên làm công nhân nông trường Hoàng Liên. Con gái nông thôn mới lớn, không xinh đẹp, thiếu kinh nghiệm sống nhưng lại thừa thãi lòng tin nên chỉ nửa năm sau, cô đã rơi vào bẫy tình của một chàng y tá công tác cùng chị gái. Khi cái thai trong bụng cô đã sắp đến ngày sinh thì anh chàng chuyển sang yêu một cô khác xinh đẹp hơn và liền tổ chức đám cưới. Mặc dù vô cùng căm hận người cha bội bạc nhưng cô không nỡ bỏ đứa con mang nặng đẻ đau của mình. Thế là cô nuôi đứa con gái tội nghiệp một mình cho đến hết cả tuổi thanh xuân mà chẳng có thêm mối tình nào, vì thời ấy cái tiếng gái chửa hoang nó nặng nề lắm.

Mãi đến khi đã ngoài ba mươi, cuộc đời cô mới lại bước vào một biến cố mới. Một anh chàng tên là Lụy làm nghề tự do cũng từ Thái Bình lên tìm việc làm thuê, anh ta làm tất cả những công việc chân tay mà người ta cần đến. Ai cũng phải công nhận là anh ta chịu khó, xốc vác. Mảnh đất hoang mà anh chị cô cho đã được dựng lên một ngôi nhà nhỏ để hai mẹ con tá túc. Hạ cũng đã bới đất lật sỏi để làm được vài luống rau, còn lại vẫn là đá và cỏ dại. Lụy được Hạ mời đến để khai hoang nốt phần đất còn lại ấy. Đá được xếp thành lũy cao để trồng dứa lên trên làm bờ rào. Những luống đất dự định sẽ trồng thêm khoai sắn để chăn nuôi. Phải nói là Lụy cũng khéo tay và chịu khó thật. Anh ta làm cứ như làm cho nhà mình vậy, chỉn chu, gọn gàng và không kể giờ giấc. Không ngờ, khi công việc đã xong thì anh ta cũng trở thành chủ nhà luôn. Hạ lao vào anh chàng như thiêu thân lao vào đống lửa, mặc cho chị gái và anh rể can ngăn vì không biết tung tích Lụy thế nào. Hạ phó thác cho anh ta mặc sức khai phá cái phần hoang hóa còn lại của đời cô. Chẳng mấy lâu sau, đứa con gái thứ hai của Hạ ra đời. Lúc này thì cái tin chính xác là Lụy đã có vợ con ở dưới xuôi rồi làm cho Hạ té ngửa, đuổi Lụy về. Nhưng Lụy cứ trơ trơ đi đi về về hai miền ngược xuôi với hai người phụ nữ. Hạ cũng đành ngậm ngùi làm “phòng nhì”, thậm chí còn chấp nhận nhiều vụ chi phí phi lý cho anh chồng hờ không hôn thú. Rồi Hạ sinh thêm một cậu ấm. Cái thằng chống gậy này tưởng là niềm hy vọng vô bờ để Hạ nương tựa cuối đời, nhưng không ngờ lại thành nỗi thất vọng, nhục nhã ê chề của đời cô!

***

          Làm việc trong nông trường gặp phải giai đoạn kinh tế khó khăn, lương tháng không đủ nuôi thân và con cái, Hạ bỏ việc, ở nhà buôn bán lặt vặt kiếm ăn. Chiếc xe đạp làm phương tiện hàng ngày cùng Hạ vào ra các bản trong vùng. Cô mang ít thuốc lào, thuốc lá, bánh kẹo, hoa quả, vài cái nơ, kẹp tóc rẻ tiền vào bán, đổi chủ yếu cho bà già trẻ con trong các bản, lấy cân thóc, con gà, bó măng, rồi mang về chợ thị trấn bán lại cho người ta. Cứ như thế, ngày qua tháng lại, cuộc sống đắp đổi cũng tạm ổn hơn những người bám vào gốc chè thời ấy. Ba đứa con học hành qua quýt rồi đi tìm việc làm. Chẳng mấy chốc Hạ đã thành bà. Sức khỏe chẳng được như xưa, nhưng cái nghề buôn bán vặt vẫn phải được duy trì vì lương hưu không có, nghỉ đi bản thì cũng nghỉ ăn luôn. Chính vì thế trong cái bán kính chục cây số quanh thị trấn, các bản chẳng ai lạ gì cô Hạ ngày xưa và bà Hạ bây giờ. Người ta cũng quen dần với việc bà Hạ đã thay cái xe đạp thống nhất cũ bằng cái xe đạp điện cũng đã cũ nhưng còn chạy khá tốt. Trên cái thùng hàng đèo phía sau xe vẫn là những mặt hàng quen thuộc, mùa nóng còn thêm cả một thùng kem mút. Đôi khi bà ra các quán tạp hóa lấy thêm những mặt hàng được người ta nhờ mua từ những ngày trước, treo toòng teng ở ghi đông. Bây giờ đường bê tông đã đến tận các bản làng xa, nhưng cũng vì thế mà hàng quán cũng mở ra rất nhiều. Cái xe đạp điện lại kiên trì đưa bà vào tận những nơi heo hút, thưa người, việc đi lại còn khó khăn, ở đấy vẫn có những người cần đến bà.

Hai đứa con gái lớn lên đều đã đi lấy chồng, mỗi đứa một phương. Thằng Thu là con út, ở lại với mẹ là phải nhẽ. Ấy vậy mà lấy vợ xong nó lại đòi làm nhà riêng ở mảnh đất bố mẹ vợ chia cho cách xa nhà bà cả chục cây số. Thu vốn là thằng cứng đầu cứng cổ, ăn chơi, cờ bạc, phá phách không ít tiền của. Nó không biết thương mẹ, không biết nghe lời ai nên đã gây ra bao chuyện đau lòng mà bà phải hứng chịu. Nó đã từng đi xe máy chở ba, gây tai nạn để một thằng bạn mất mạng. Cái vụ ấy, bà đã tốn không ít tiền để chạy chọt cho nó thoát tù. Nó cũng vài ba lần bị bắt ngay tại chiếu bạc, nằm hộp và ba ngày. Lần nào nó cũng nhắn nhe, thương con, bà lại nhờ người cứu nó ra. Thế rồi bỗng nhiên, nó như lột xác, thay đổi hoàn toàn. Nó bảo với bà:

– Từ bây giờ, con xin làm lại từ đầu. Con sẽ về mở dịch vụ sơn và bán sơn tại nhà mình. Mẹ tạo điều kiện cho con nhé!

– Mày có nghề sơn trong tay rồi. Nếu chỉn chu làm ăn thì mẹ sẽ giúp, nhưng chỉ một lần này nữa thôi. Mẹ mệt mỏi với mày quá rồi!

Bà nói với nó chỉ từng ấy lời rồi chờ đợi sự thay đổi của nó. Ngày hôm sau, nó đưa người về nhà bà, lắp biển đại lý sơn, nhận cung cấp và thi công sơn các công trình. Nó đưa về mươi thùng sơn, bày làm mẫu rồi nhận sơn cho mấy công trình, được người ta đánh giá tốt. Tháng sau, nó bảo:

– Con cần ít vốn để nhập sơn của hãng. Người ta yêu cầu đặt ba mươi phần trăm vốn, mẹ cho con mượn sổ đỏ nhà mình, con vay tiền ngân hàng để giải quyết. Sang năm có vốn, con lấy về trả mẹ.

Thấy nó đang chí thú làm ăn, bà chỉ gặng hỏi vài câu lấy lệ rồi mở tủ lấy sổ đỏ cho nó đi vay tiền. Bà không quên dặn nó:

– Làm ăn cho cẩn thận con nhé! Mẹ chỉ còn có cái nhà này, mất nó là mẹ ra đường đấy!

Có ai ngờ chuyện ấy lại xảy ra thật?

Từ hôm lấy được sổ đỏ của mẹ, thằng Thu đi về thất thường hơn, thi thoảng nó cho người chở đi, chở lại vài thùng sơn để bà Hạ tin là nó vẫn đang chí thú làm ăn. Nhưng chỉ nửa tháng sau thì bà được tin nó bị bắt bạc. Người ta bảo vụ bạc này to lắm nên chắc chắn nó phải ở tù ít nhất ba năm. “Con ơi là con! Thế là mày giết mẹ rồi!”. Bà hờ con như thế rồi thẫn thờ như kẻ mất hồn. Chẳng còn tiền bạc đâu mà chạy cho nó nữa, bây giờ bà chỉ lo lắng cho cái sổ đỏ, không biết nó đang ở đâu? Số phận ngôi nhà này rồi sẽ thế nào? Nhưng bà chẳng phải chờ đợi lâu, chỉ hai hôm sau thì thằng Đức, trước đây là bạn cờ bạc với thằng Thu, nay là chủ tiệm cầm đồ lớn nhất thị trấn đến gặp bà:

– Cô ạ! Thằng Thu nó cắm sổ này cho cháu, nó lấy tổng cộng là một tỷ tám trăm triệu của cháu rồi, đúng bằng giá cháu định cho ngôi nhà và mảnh đất này. Giấy tờ, chữ ký của nó đây. Nếu cô tìm ai mua được giá cao hơn thì lấy tiền về trả cho cháu, còn nếu không thì cô chuyển nhà để cháu sử dụng!

Bà nghe chưa hết lời của thằng Đức thì đã đổ gục xuống, mắt trợn ngược. Thằng Đức gọi toáng lên cho mấy người hàng xóm của bà chạy đến, rồi nó ra xe, chuồn thẳng. Nhờ sự chăm sóc của chòm xóm, một hồi lâu sau bà mới hồi tỉnh.

Thật cạn lời với thằng con trời đánh!

Chẳng còn cách nào khác, bà đành tìm người để mong bán nhà với giá cao hơn. Nhưng trong thời kỳ dịch dã, đất cát, nhà cửa hầu như đóng băng cả, với lại chẳng ai muốn dây với cánh cầm đồ. Thế là bà đành giao nhà cho thằng Đức rồi chuyển đi ở nhờ ngôi nhà không dùng đến của một người bạn trong xóm. Lúc nhận nhà, thằng Đức còn nhân nghĩa đưa cho bà mười triệu:

– Cháu biếu cô để thuê xe chuyển đồ!

Bà Hạ nuốt nước mắt cầm chục triệu thằng Đức đưa. Giá lúc khác thì bà đã chẳng thèm. Nhưng bây giờ bà còn gì nữa đâu? Lão chồng hờ thì đã mấy năm không thấy quay lại. Hai đứa con gái thì lấy chồng xa biền biệt, vợ chồng chúng nó cũng chẳng mấy hạnh phúc, bà chẳng nỡ kêu ca hay nhờ cậy đứa nào. Từ ngày thằng Thu bị bắt, con vợ nó vốn đã chẳng coi bà ra gì, nay lại càng khinh nhờn hơn. Nó đã không cho con nó về thăm bà thì thôi, nhưng tệ nhất là khi bà ghé thăm, nó còn chẳng muốn cho bà nhìn mặt cháu, bà gửi cho cháu cái bánh gói kẹo nó cũng không nhận. Nghe nói, nó đang cặp bồ với một thằng cùng cơ quan nữa. Đã có lần bà nhìn thấy chúng nó chở nhau đi  bằng xe máy lúc trời nhá nhem tối, bà căm lắm mà không biết làm sao được.

Thế là hàng ngày bà lại lọ mọ một mình trong ngôi nhà ở nhờ, lọ mọ với cái nghề đi bản đã nuôi bà mấy chục năm rồi.

 

***

 

Và hôm nay…

Vừa trào nước mắt vừa nuốt những thìa cháo ấm áp từ tay lão Hen, người đàn ông của bản Thái đã cứu bà thoát chết. Nghĩ cũng tội, lão mồ côi vợ đã lâu, con cái lão bây giờ đâu vào đấy cả. Thì ra lão ở đây một mình trông trang trại. Nhờ thâm niên làm cái nghề đi bản kiếm cơm, bà cũng biết được hoàn cảnh nhiều người. Bà khóc vì tủi thân, khóc vì cảm động với sự ân cần của lão. Chốc chốc, lão Hen lại lấy khăn lau nước mắt cho bà Hạ, rồi dịu dàng động viên:

– Khóc nhiều thế làm gì? Ai chẳng có lúc khó khăn, hoạn nạn. Bà chịu khó ăn cho lại sức đã!

Bà Hạ nắm chặt bàn tay lão Hen, nước mắt càng chảy ra giàn giụa. Quả thực, chưa bao giờ có ai bón cho bà ăn một bát cháo nóng mà ngon đến thế. Cũng chưa có người đàn ông nào ân cần với bà đến thế. Cái đời bà khổ từ bé. Hồi ở quê, đến cơm sắn còn chẳng đủ ăn. Lớn lên, tiếng là đi công nhân, nhưng phải cái thời cực nhọc, đành bỏ việc. Đẻ ba đứa con trong thời kỳ bao cấp, cũng chỉ rau cháo qua ngày. Nuôi chúng nó chật vật, lớn đứa nào, đứa ấy lấy chồng lấy vợ. Chưa đứa nào nuôi mẹ được một ngày mà bây giờ nó phá đến nỗi bà không còn nhà để ở. Nếu chẳng may hôm nay mà chết thì chắc cũng chẳng có đứa con nào bên cạnh. Lão chồng hờ thì chỉ coi bà như chốn giải khuây cho thú vui xác thịt mấy ngày, rồi vơ vét những thứ mà lão gọi là “quà Tây Bắc”, no xôi chán chè rồi lại lặn mất tăm. Càng nghĩ, bà Hạ càng thấy cay đắng cho cuộc đời mình, bà khóc nấc lên thành tiếng. Lão Hen sốt ruột ngồi dậy trên võng, trao cái nhìn đầy vẻ ái ngại. Lão bước đến, vỗ về bà như dỗ trẻ con:

– Nghe người ta nói, tôi biết hoàn cảnh của bà rồi. Đừng khóc nữa! Nghỉ ngơi cho khỏe, ngủ một giấc rồi mai hẵng hay.

Bà Hạ nắm chặt bàn tay lão Hen, mếu máo đứt quãng:

– Cảm… ơn… ông… nhiều lắm…!

– Ơn huệ gì đâu hở bà! Ai thấy người bị nạn thì cũng phải cứu thôi, đây lại còn là người quen biết nữa. Bà cứ nằm đấy ngủ, sáng mai tôi gọi thằng An nhà tôi ra đưa bà về. Bà uống hớp nước rồi ngủ nhé!

Lão Hen lấy ca nước, đỡ bà Hạ nhỏm dậy cho uống xong lại đỡ nằm xuống rồi lão ra võng nằm. Hai người rì rầm mấy câu rồi tất cả đi vào giấc ngủ. Ai cũng đã mệt vì quá giấc. Không gian chỉ còn tiếng côn trùng rỉ rả. Mấy con cò, con vạc ăn đêm về thả vào thinh không những tiếng kêu buồn bã và lạc lõng.

Tiếng gà vịt quang quác bên ngoài làm bà Hạ bừng tỉnh. Ngồi nhỏm dậy trên giường, bà thấy người mỏi ê ẩm. Nhớ lại hoàn cảnh hồi đêm, bà không khỏi bàng hoàng. Bà gắng gượng bước ra cửa lán. Trước mặt bà, qua mảnh sân nhỏ là cái ao cá khá rộng. Lão Hen đang ném cỏ cho lũ cá trắm, chúng tranh nhau lao lên đớp, tạo nên một cảnh tượng thật vui mắt. Bên chân lão là một đàn gà vịt đang chí chóe tranh ăn. Thì ra cái trang trại của lão đáng yêu thật. Thấy cái xe của mình dựng bên hè, bà tiến lại bật chìa khóa đề thử mấy lần nó vẫn ỳ ra. “Tất cả là tại nó!”. Bà thầm nghĩ rồi đập tay vào yên bồm bộp.

– Bà dậy rồi à? – Lão Hen đã vào, đứng cạnh bà từ lúc nào – Bà thấy trong người khá chưa?

– Cảm ơn ông! Tôi chỉ còn hơi mệt tí thôi!

– Bà vào ăn bát cháo cá đi, tôi nấu sẵn rồi. Lát nữa thằng An nó ra, tôi bảo nó đưa bà về cho an toàn.

– Thế còn cái xe này? À! Để tôi cắm nạp nhờ điện của ông, lúc nào đủ điện thì tôi về cũng được.

– Ừ! Thế cũng được! Bà phải khỏe lại đã thì mới tự về được chứ!

Lão Hen kéo cái ổ điện ra cho bà Hạ cắm sạc rồi hai người vào ăn cháo. Nồi cháo cá bốc hơi nghi ngút cộng với mùi tía tô, thì là thật cuốn hút. Hai người ngồi ăn như một đôi vợ chồng già tình cảm. Bà Hạ không giấu nổi ngậm ngùi, vừa ăn vừa rân rấn nước mắt. Lão Hen liên tục giục bà ăn thêm. Bỗng lão ngừng ăn, nhìn trẳng vào mắt bà Hạ, buông một câu thẳng như ruột ngựa:

– Tôi thương bà lắm! Nếu bà không chê thì ở đây trông trang trại với tôi!

– Ông!… Ông… bảo sao? – Bà Hạ không khỏi ngạc nhiên – Già rồi…

– Thì tôi nói thế. Tùy bà! Mình trông nhau thôi. Bà đồng ý nhé!

– Cái ông này! Cũng phải cho tôi nghĩ đã chứ!

– Thì bà cứ nghĩ đi, trả lời sau cũng được mà! Từ ngày bà ấy mất, tôi ra đây ở một mình là muốn cho con cái nó tự do, mình cũng tự do. Nhưng ở đây một mình, lắm lúc cũng buồn. Nói dại, chẳng may đêm hôm có làm sao thì cũng chẳng ai biết.

– Tôi còn nặng nợ với đời lắm, không được như ông đâu!

– Thôi! Cứ coi như tôi chưa nói gì. Bà ăn xong nghỉ ngơi cho khỏe rồi về. Cứ biết tôi thương bà là được!

Nghỉ đến nửa buổi thì cái bình điện đã gần đầy. Bà Hạ chia tay lão Hen ra về mà lòng chênh chao khó tả. Một cơn gió mát làm bà thấy trong lòng thư thái, dễ chịu. Đời vẫn còn những niềm vui.

THANH PHƯƠNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.