Tết Thanh Minh – hướng về nguồn cội

 

Người Thái Trắng cũng như các dân tộc khác, một năm có rất nhiều ngày lễ Tết như: Tết Đoan Ngọ (mùng 5 tháng 5), Tết Xíp Xí (ngày 14 tháng 7), Tết Nguyên Đán… Ngoài ra, người Thái Trắng ở một số vùng như Mường So, Mường Tè, Mường Lay và một số vùng khác còn có hai ngày Tết Thanh Minh vào ngày mùng 3 tháng 3 và ngày mùng  9 tháng 9 âm lịch. Đây là ngày lễ quan trọng, thiêng liêng trong tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Thái để các con cháu đi tảo mộ của gia đình, dòng tộc cho khang trang, sạch sẽ, quây quần bên nhau nhớ về tổ tiên, cùng hướng về nguồn cội.

Lễ tảo mộ trong Tết Thanh Minh

Người Thái hay gọi Tết Thanh Minh là “Chiêng bươn sam” (Tết tháng ba âm lịch). Ngày lễ này, thể hiện “đạo lý uống nước nhớ nguồn”, tấm lòng thành kính đối với tổ tiên, mang đậm nét văn hóa truyền thống, in sâu trong tâm trí của mỗi người dân nơi đây. Dù ai đi đâu, ở đâu cũng trở về quê hương, với gia đình đi tảo mộ, làm lễ cúng tổ tiên để tri ân, tưởng nhớ người thân đã khuất.

Sau những cơn mưa bụi của mùa xuân bầu trời trở nên quang đãng, cây cối đâm chồi nảy lộc, các loài hoa đua nhau khoe sắc, là tiết trời vào Tết Thanh Minh. Trong văn hóa ẩm thực của người Thái, bánh nếp “bọ xó” là món ăn không thể thiếu. “Bó xọ” là hoa của cây mạy xọ, có màu vàng đậm, rất thơm. Hoa cây mạy xọ được người dân gom nhặt, phơi khô để làm bánh nếp cúng tổ tiên và làm quà cho con cháu hoặc khách đến thăm nhà trong dịp Tết Thanh Minh.

> Xem thêm:

Độc đáo lễ hội Lùng Tùng của người Thái ở Than Uyên

Truyền thuyết về “Pí pặp” – sáo đôi của người Thái Trắng

Những điều không tốt lành trong tục ngữ và ứng xử của người Thái ở Mường Mít

Ngoài lễ cúng tổ tiên, người Thái còn giữ phong tục đi tảo mộ dịp Tết Thanh Minh. Vị vậy, từ chiều hôm trước, nhà nào cũng tạm gác lại công việc lo toan thường nhật để dành thời gian chuẩn bị đồ lễ tảo mộ. Đàn ông mổ gà, vịt; chuẩn bị cuốc, xẻng, dao rựa; đàn bà làm bánh, sắm sửa hương hoa đồ lễ. Xôi ngũ sắc là món đồ lễ không thể thiếu trong mâm cúng ngày tảo mộ của người Thái. Qua bàn tay khéo léo của các bà, các mẹ, xôi được chế biến từ các loại hoa và nhiều lá cây khác nhau, hạt xôi bóng đẹp với màu xanh, đỏ, tím, vàng bắt mắt, dẻo thơm mùi đặc trưng của cây cỏ, hoa lá.

Sáng sớm, từ đầu bản đến cuối mường từng tốp người mang theo đồ lễ, cuốc xẻng í ới gọi nhau đi tảo mộ. Ở khu vực mồ mả tổ tiên, dòng họ, người lớn, trẻ nhỏ đều có mặt để làm lễ. Theo truyền thống của người Thái, đa số các ngôi mộ chỉ được đắp đất, dựng bia. Theo thời gian, những ngôi mộ bị thấp dần vì thế vào dịp này con cháu thường dọn cỏ, dặm đắp thêm đất để ngôi mộ được tôn cao hơn, khang trang hơn. Điều này giúp các thế hệ con cháu  hiểu thêm về gia đình, dòng họ; về phong tục tập quán của dân tộc mà gìn giữ, phát triển.

Người Thái thường dùng lá chuối trải ngay trước cửa mồ để sắp mâm cỗ cúng và các lễ vật gồm: con vịt hoặc con gà luộc, rượu, xôi, bánh, hương, chè, nước, tiền vàng, hoa quả… Người cao tuổi nhất trong gia đình, có uy tín trong dòng họ hoặc là con trưởng sẽ đại diện thắp nhang, rót rượu hành lễ. Bài văn khấn nội dung nôm na là mời ông bà, tổ tiên về thụ lễ; bày tỏ lòng biết ơn và cầu cho gia đình con cháu gặp nhiều may mắn, công việc thuận lợi, sức khỏe dồi dào. Cụ thể nội dung bài văn khấn như sau:

Hôm nay ngày Tết Thanh Minh

Gia đình con cháu nhớ ơn ông bà  

Dâng mâm cao cỗ đầy  

Gọi nhau về đông đủ

Người lên nương cũng về

Người xuống ruộng cũng tới

Có gà to như công

Gà chân cao như ngỗng

Xôi ngũ sắc dẻo thơm

Rượu men lá rót mời

Bánh nếp hương ngào ngạt

Hoa quả đủ các loại….

Sau khi làm lễ ở phần mộ của gia đình xong, các con cháu lần lượt đi cắm hương cho những ngôi mộ xung quanh. Ở mỗi ngôi mộ sẽ đặt chiếc kẹo, bánh, hoa quả… tượng trưng như chia quà biếu của con cháu cho những người đã khuất với mong muốn an lành, sung túc và phát triển.

Tết Thanh Minh cũng như các lễ cúng tổ tiên trong gia đình, ông chủ đọc lời cúng xong mọi người đều quỳ vái lạy ba lần. Khi tuần hương cháy khoảng 2/3 và rót rượu đủ ba lần thì tạ lễ. Con cháu những người có mặt trên mộ ai cũng được hưởng lộc ngay tại lễ cúng: uống rượu, ăn xôi, thịt, bánh, trái đồng thời lấy lộc về nhà. Trước khi dọn mâm cỗ ông chủ có lời:

Ơi tổ tiên bề trên

Ăn cỗ đã no bụng

Uống rượu men lá say

Mặt trời gần khuất núi

Con cháu xin hưởng lộc

Mong tổ tiên phù hộ  

An lành và sung túc…

Theo quan niệm của người Thái, ngày Thanh Minh âm khí vượng, dương khí suy, có rất nhiều vong linh hồn của những người đã khuất nên rất dễ gặp điều không may. Bởi vậy, trước khi trở về nhà, người hiểu biết lý lối phải gọi hồn cho con cháu về theo, không để hồn siêu phách lạc nơi nghĩa địa. Trên đường về, mọi người không được quay đầu lại nhìn phía sau mà phải đi một mạch cho đến nhà. Lời gọi hồn như sau:

Hú hồn ơi về thôi

Ba mươi hồn phía trước

Năm mươi hồn phía sau

Hồn con cháu tất cả

Về nhà ta thôi nhé

Ở nhà uống rượu ngon

Trông nhà ăn thịt cá

Về cấy lúa nuôi con

Về thả cá nuôi cháu…

Tết Thanh Minh là hoạt động mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, hoàn toàn không mang yếu tố mê tín dị đoan. Các nghi lễ có thể giản tiện để phù hợp với nhịp sống hiện đại nhưng vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống. Đây là dịp gắn kết tình cảm giữa các gia đình, dòng họ, đồng thời, giáo dục con cháu về lòng hiếu thảo với ông bà, cha mẹ; cùng nhau hướng về nguồn cội với tấm lòng biết ơn và nhắc nhau phát huy truyền thống tốt đẹp từ ngàn đời của dân tộc.

THÚY NGOẠN

>>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.