Đối với đồng bào dân tộc Dao, vấn đề sức khỏe của người phụ nữ đặc biệt được quan tâm trong thời kỳ mang thai và sinh đẻ. Thai phụ nhận được nhiều sự chăm sóc và giúp đỡ của các thành viên khác trong gia. Những kinh nghiệm trong sinh đẻ và nuôi dạy con cái cũng nhờ thế mà được trao truyền hết thế hệ này sang thế hệ khác.
Trong thời kỳ mang thai nếu thai phụ có sức khỏe tốt, không ốm đau bệnh tật, họ vẫn thực hiện các công việc lao động như bình thường, vẫn tham gia các công việc đồng áng, nương rẫy. Khi đến gần tháng sinh đẻ, họ được bố trí làm các công việc nhẹ nhàng hơn như công việc lặt vặt trong gia đình, chăm sóc vườn tược… Thai phụ không nghỉ ngơi từ khi bắt đầu mang thai cho đến ngày sinh nở vì họ cho rằng làm các công việc vận động nhẹ nhàng sẽ giúp cho phụ nữ dễ đẻ, chống béo phì và chống lại bệnh tật tốt hơn.
Tuy nhiên, nếu trong thời kỳ mang thai, người phụ nữ có sức khỏe không tốt, hay mệt mỏi, đau bụng,… thì cần kiêng các công việc lao động nặng và thực hiện một số nghi lễ cúng chữa bệnh, nếu sau khi cúng không khỏi mới cho uống thuốc. Khi có dấu hiệu mệt mỏi và bệnh tật thì gia đình trước hết thường cúng cầu mong tổ tiên phù hộ cho người ốm khỏi bệnh. Khi cúng khấn tổ tiên mà thai phụ vẫn không khỏi bệnh thì gia đình phải đi mời thầy cúng đến nhà cúng giải hạn. Thầy cúng muốn biết con ma nào làm hại trước tiên phải bói. Hẹn với con ma trong một thời gian nhất định trong một ngày hay một tuần,… phải trả lại hồn vía đã bắt cho người ốm. Nếu sau thời gian đã hẹn mà người ốm thấy trong người đỡ hơn nhiều thì đúng là do loại ma ấy hại và tiến hành lễ cúng. Lễ cúng giải hạn cho thai phụ cũng giống như các lễ cúng giải hạn khác. Tùy từng trường hợp mà thầy cúng có thể làm lễ cúng trong nhà hoặc ngoài sân. Mỗi mâm cúng thường bày lễ vật gồm có gà hoặc lợn cùng với gạo, rượu, hương, giấy bản (người Dao làm giấy rơm),… Tùy từng loại ma và điều kiện kinh tế gia đình mà số lễ vật này có thể nhiều hơn hoặc ít hơn. Trường hợp, đã đến thời gian hẹn mà thai phụ vẫn không đỡ hơn thì không phải do con ma đó làm hại nên không phải làm lễ cúng mà thầy cúng phải xác định lại xem con ma nào làm hại. Trong trường hợp cúng mãi vẫn chưa khỏi mới cho người bệnh uống thuốc. Thuốc chủ yếu là thuốc nam được chế biến từ các loại lá, thân, rễ của các loại cây thuốc trong rừng. Trước kia khi hệ thống bệnh viện, trạm xá còn chưa phổ biến, chữa bệnh chỉ trông chờ vào việc cúng bái và uống thuốc lá cây tự chế biến. Thai phụ bị sảy thai hay ốm nặng mà chết họ đều cho rằng số phận của người đố đã được định đoạt như vậy không thể cưỡng lại được. Còn trong hoàn cảnh hiện nay, người ốm uống thuốc nam mà không khỏi thường được đưa đến bệnh viện, khám chữa bệnh và uống thuốc do bác sỹ kê đơn.
Phụ nữ Dao Tuyển ở Lai Châu.
Người Dao quan niệm con người có hồn, khi hồn mải chơi chưa trở về với thân thể thì con người cũng sẽ cảm thấy mệt mỏi và cơ thể ngày càng yếu đi. Trong trường hợp này người ta phải làm lễ gọi hồn cho người ốm (phụ nữ mang thai). Lễ gọi hồn cho người ốm cũng gồm các lễ vật giống như lễ cúng giải hạn, cúng chữa bệnh. Ít thì một con gà, nhiều thì một con lợn cùng với tiền giấy bản, rượu, gạo, hương.
Ngoài những nguyên nhân do ma bắt hồn, hồn đi lạc thì thai phụ cũng có thể bị ốm do bị trời, tổ tiên phạt vì đã vi phạm những điều cấm kỵ. Đối với người Dao, phụ nữ trong thời kỳ mang thai phải kiêng kỵ rất nhiều thứ. Thai phụ không được đến những nơi linh thiêng như khu rừng cúng chung của làng, bàn thờ tổ tiên, bàn thờ thầy cúng hoặc nơi đang diễn ra lễ cúng vì họ quan niệm rằng phụ nữ mang thai không “sạch sẽ”. Những người khác cũng thường xa lánh họ vì cho rằng gặp người có thai sẽ bị đen đủi và xúi quẩy. Cũng vì thế mà người mang thai, nhất là người mới mang thai lần đầu rất ngại đến chỗ đông người và tiếp xúc với người lạ. Bởi vậy họ thường làm các công việc trong gia đình và đi làm nương rẫy,.. những công việc ít phải tiếp xúc với người khác. Ngoài ra, phụ nữ mang thai còn phải thực hiện nhiều kiêng kỵ khác nhằm mục đích bảo vệ sức khỏe người mẹ và thai nhi đến tháng sinh nở được mẹ tròn con vuông.
Nhận thấy rằng sức khỏe của người mẹ có ảnh hưởng trực tiếp đến đứa trẻ sau này nên đồng bào rất thận trọng trong việc sử dụng các loại thuốc cho phụ nữ mang thai. Khi bị ốm người ta chủ yếu trông chờ vào việc cúng bái và sử dụng một số loại thuốc lá cây không có tác động xấu đến thai nhi. Các loại thuốc Tây rất hiếm khi được sử dụng. Phụ nữ có thai đến tháng thứ 7 cho đến gần lúc đẻ kể cả sức khỏe tốt vẫn phải sử dụng một số bài thuốc dân gian để con cái sau này sinh ra ít ốm đau bệnh tật. Bài thuốc này rất đơn giản, phụ nữ nào cũng có thể tự làm được. Chỉ cần lấy 2 đến 3 hạt dổi – một loại cây mọc tự nhiên trong rừng nướng lên, tán thành bột bỏ vào ống nứa đun nước uống hoặc giã tỏi hòa với nước cho vào ống nứa mang lên bếp đun sôi uống thuốc này hai lần cách nhau nửa tháng sẽ phòng được nhiều bệnh tật cho cả hai mẹ con vì hai vị thuốc này có tác dụng rất tốt tăng sức đề kháng cho cơ thể. Để bảo vệ sức khỏe của cả bà mẹ và đứa trẻ sau này người phụ nữ mang thai thường được nhắc nhở rất nhiều để không mắc phải những điều kiêng kỵ nói trên. Họ tin rằng nếu thực hiện tốt những kiêng kỵ đó sẽ đảm bảo cho người mẹ và đứa trẻ sinh ra khỏe mạnh, không phải thực hiện những nghi lễ cúng tốn kém. Như vậy việc bảo vệ sức khỏe cho thai phụ chủ yếu là kết hợp các hoạt động hàng ngày cùng với các bài thuốc và các nghi lễ cúng chữa bệnh. Trong đó người phụ nữ cần biết cách tự chăm sóc bản thân. Chọn làm những công việc phù hợp với điều kiện sức khỏe, không dầm mưa dãi nắng và không quên thực hiện tốt những kiêng kỵ nêu trên.
Sinh hoạt điều độ, ăn uống, ngủ nghỉ đúng cách cũng có phần không nhỏ tác động đến sức khỏe sinh sản. Phụ nữ mang thai cũng được các ông bố, bà mẹ giàu kinh nghiệm nhắc nhở về việc không nên thức khuya và lao động quá sức sẽ ảnh hưởng xấu đến thai nhi và sức khỏe. Gia đình có người mang thai luôn chú ý dành những phần thức ăn ngon nhất cho thai phụ. Cung cấp đủ các chất dinh đưỡng cần thiết cho thai nhi và người mẹ có đủ sức khỏe để sinh nở. Sự quan tâm của cả gia đình không những giúp người mang thai được khỏe mạnh về thể chất mà còn góp phần củng cố tinh thần, ổn định tâm lý nhất là đối với người phụ nữ mang thai lần đầu tiên những lời động viên, khuyên bảo và sự chăm sóc của mọi người trong gia đình sẽ giúp họ vượt qua khó khăn, mặc cảm trong quá trình sinh nở.
Trong thời gian chuẩn bị sinh nở, người phụ nữ vẫn thực hiện các công việc thêu thùa, may vá. Họ cắt những quần áo cũ của mọi người trong gia đình để khâu thành tã lót cho đứa trẻ. Không dùng vải mới may tã lót và quần áo cho trẻ vì họ cho rằng làm như vậy sau này đứa trẻ mặc quần áo sẽ nhanh rách. Gia đình có thai phụ sắp sinh cũng chuẩn bị tích trữ những loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng như: trứng gà, thịt gà, thịt lợn và một số loại rau, quả cần thiết như: đu đủ, rau ngót,… phục vụ nhu cầu của phụ nữ sau khi sinh.
Đồng bào Dao rất quý con cái, ngay từ tuổi ấu thơ, trẻ em người Dao được sống trong tình yêu thương đùm bọc của bố mẹ và các thành viên trong từng gia đình, của anh em họ hàng. Bố mẹ hiếm khi quát mắng hoặc đánh con cho dù là con đẻ hay con nuôi, khi còn nhỏ trẻ được nuôi dưỡng chu đáo; khi biết nói thạo và đi vững thường được theo bố mẹ đi làm một số công việc nhẹ những việc mang tính chất trò chơi như xua đuổi chim, nhổ cỏ… Ở độ tuổi từ 7-9, trẻ em được làm quen với công việc theo giới tính, con trai chăn trâu, nấu nước và giót nước mời khách, lấy điếu, đưa tăm, quét nhà, cho gà vịt ăn vào buổi sáng và tối. Con gái theo mẹ đi lấy rau và thái rau cho lợn, lấy nước, nấu cơm, dọn mâm, rửa bát đũa. Đối với con trai, từ tuổi 14-15 được cha dạy cách cày, bừa, cấy, đắp bờ, lấy củi, lấy gỗ, lấy măng, học làm nghề rèn, mộc, đan lát, săn bắt và đặc biệt hơn nếu người cha biết chữ Nôm Dao sẽ dạy con biết viết chữ, đọc sách Nôm Dao. Cũng từ tuổi này các con trai được gia đình chuẩn bị cho những điều kiện cần thiết để làm lễ cấp sắc. Con gái được mẹ dạy thêu thùa, cấy lúa, kéo sợi, thêu thùa, hái măng…
Như vậy, việc giáo dục và nuôi dạy con và gắn với nó là việc trao truyền các giá trị văn hóa của tộc người Dao không tách khỏi hoạt động thực tiễn, đồng thời tuân thủ nguyên tắc phân công lao động theo giới, tuổi khá chặt chẽ vốn đã và đang hiện hành ở cộng đồng người Dao ở tỉnh Lai Châu.
Văn Thanh