Sắc Còn mùa xuân –  thắm tình hữu nghị

Những ngày giáp tết cổ truyền Canh Tý, chúng tôi về huyện biên giới Mường Tè trong tâm thế du khách đi trẩy hội. Từ đầu cầu bản mới tái định cư chạy về trung tâm thị trấn huyện Mường Tè, hai bên đường đỏ kín cờ hoa, biểu ngữ, và đặc biệt trước cửa mỗi nhà người dân đều treo những quả còn xanh đỏ đủ màu, Mường Tè rực rỡ như một cô gái xuân thì khoách lên mình bộ áo mới đón tết. Hình ảnh cây Còn cao vút được cắm giữa sân vận động với đủ màu giấy trang trí quanh viền như một điểm nhấn của ngày hội. Dòng người lườm lượp mỗi lúc một đông hơn tụ về vui hội. Khí xuân đang về mơn man khắp bản làng biên giới.

Có lẽ, với bà con đồng bào vùng biên Tây Bắc, cái tết to – tết cổ truyền là sau khi công việc thu hái vụ mùa khép lại, là khi hạt thóc nằm im trong bồ, củi khô trật ních mỗi hiên nhà. Mùa xuân này bà con các dân tộc huyện Mường Tè vui hơn không chỉ những hoa mận hoa đào nở sớm mà hiện lên trong mỗi khóe mắt, nụ cười là tình đoàn kết hữu nghị, khi mà gần một năm nay bà con nơi đây mong đợi ngày được chào đón các đoàn nước bạn và du khách bốn phương về tham dự ngày hội ném còn giao lưu ba nước Việt – Trung – Lào lần thứ VI. Đồng chí Mai Văn Thạch – Chủ tịch UBND huyện Mường Tè – Trưởng ban tổ chức lễ hội, đưa chúng tôi tới thăm các không gian văn hóa của đồng bào: Cống, Mảng, Thái, Mông, La Hủ, Si La được phục dựng khá công phu dọc quanh hai bờ hồ trung tâm thị trấn. Đón đoàn bên ấm trà nóng hổi đặc sản cây chè cổ vùng Bắc Ka Lăng, Lù Gò Ky, Lỳ Mạ Pứ – bản Gò Ma, xã Ka Lăng, không giấu nổi niềm vui, bên bếp lửa tay nâng chén trà thơm, các anh thay nhua kể câu chuyện lần đầu tiên bản mình được đi dự ngày hội lớn. Được biết để làm được một không gian văn hóa đồng bào Hà Nhì như thế này là sự chung sức một lòng của bà con nhân dân các xã: Ka Lăng, Thu Lũm, Tá Bạ, Mù Cả.

Các thiếu nữ dân tộc Thái trong hội ném Còn

Để làm không gian văn hóa, bà con Hà Nhì chuẩn bị cả nửa năm, từ mái gianh lợp, bà con vào rừng tìm, chuốt loại, phải là loại gianh bánh tẻ mới tốt. Sau khi lấy được gianh đem hong sương, phơi nắng, phải 3 tháng mới xong ngôi nhà trình tường, cùng với đó là các sản vật, đồ dùng sinh hoạt, dụng cụ lao động sản xuất, trang phục, trang sức, các mô hình vui chơi sinh hoạt cộng đồng…  được bà con thực hiện bài bản đúng bản sắc. Nhìn các chàng trai cô gái Hà Nhì mặc y phục trực rỡ trong gam màu nóng chúng tôi cùng hòa vào các màn dân vũ truyền thống, tiếng trống chiêng nhịp phách cứ rộn ràng không ngớt.

 Chương trình lễ hội đường phố trong khuôn khổ Lễ hội ném Còn thu hút đông đảo người dân

Rời không gian văn hóa bà con Hà Nhì kế bên là không gian văn hóa đồng bào Thái. Tại đây có khá đông du khách nước bạn tới tham quan, giao lưu, những câu chào “Săm – bai – dy”, “Xiè xie!” quen thuộc không ngớt. Có lẽ người vui nhất ngày hôm nay là ông Lò Văn Chí, bản Nà Én, xã Bum Nưa. Bởi cách đây 50 năm binh nhì Lò Văn Chí là bộ đội thuộc Trung đoàn 35, quân khu Tây Bắc. Năm 1968 anh và đồng đội đóng quân tại Mường Luông, tỉnh Xiêng Khoảng (Trung Lào) thực hiện nhiệm vụ quốc tế cao cả. Thực hiện quán triệt của cấp trên: Chúng ta cùng chia sẻ, gánh vác với người anh em láng giềng Lào trên tinh thần “hạt muối căn đôi, cọng rau chia nửa” bằng mọi giá cùng nhân dân nước bạn đánh bại các cuộc càn quét của địch, đập tạn kế hoạch “chiến tranh đặc biệt tăng cường” của Đế quốc Mỹ. Để có được những thắng lợi vang dội Mường Sủi, Cánh đồng Chum – Xiêng Khoảng chưa khi nào ông và đồng đội quên được bát nước, nắm cơm của bà con Lào mang cho bộ đội tình nguyện Việt Nam trước giờ súng nổ. Và ngày chia tay thấm đẫm nước mắt cùng cái cúi đầu chắp tay trước ngực và câu chào quen thuộc: “Săm – bai – dy, săm – bai – dy” của các mẹ, các em gái Lào. Hôm nay ông vui nhiều, ông nắm tay những thế hệ anh em, con cháu nước bạn Lào có dịp sang giao lưu văn hóa, tay bắt nhịp miệng ông ngân lên bài ca quen thuộc mỗi khi bộ đội tình nguyện Việt Nạm có dịp giao lưu vẫn thường hát thuở nào “… Ơi này cô cô gái, ơi này cô gái Lào/ Mình anh hát mình anh lăm tơi… Ơi cô em Sầm Nưa, nhớ thương em đợi chờ”, rồi tất cả cùng hòa vào vòng xèo đoàn kết, tay trong tay, chân nhịp nhàng theo nhạc…

Gặp gỡ các dân tộc trong không gian ngày Hội

 Ngày hội giao lưu ném còn ba nước Việt – Trung  – Lào các đại biểu, diễn viên, vận động viên không chỉ chú trọng vào các môn thể thao dân tộc, các màn dân ca dân vũ, hay các không gian văn hóa mà ngày hội còn có gần 100 gian hàng thương mại của bà con các dân tộc tỉnh lai Châu, Điện Biên, Mường Nhé và các nước bạn. Đây là cơ hội để bà con nhân dân Mường Tè Lai Châu được giao thương trao đổi hàng hóa thắt chặt tình giao hỏa hữu nghị các dân tộc vùng biên giới. Gian hàng hội trợ xã Ka Lăng có rất nhiều sản vật giới thiệu tới du khách như: chè lam, thảo quả, sa nhân, mật ong rừng, đỗ trọng… nhưng thứ qùa làm mọi người để mắt tới là những chai tinh dầu xả ép nguyên chất được bà con nơi đây chưng cất thủ công là món hàng quý mà bất cứ ai đến đây đều muốn có mang về làm quà tặng người thân. Vi Diên Trúc – Phóng Viên huyện Giang Thành – Cục Văn hóa Thành phố Phổ Nhỉ, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), cầm trên tay chai tinh dầu xả món quà bà con Ka Lăng biếu, Diên Trúc luôn miệng cảm ơn và nở nụ cười dễ mến, cô chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi đến Việt Nam, cảm nhận ban đầu về con người nơi đây là sự chân thành, hiếu khách. Qua sự kiện giao lưu văn hóa ném còn lần này, tôi mong rằng tình hữu nghị 3 nước Việt – Trung – Lào mãi mãi xanh tươi, đời bền vững, mong một ngày gần nhất được đón các bạn Việt Nạm đến thăm huyện Giang Thành của chúng tôi”. Còn bà Nạ Ly Trên Khăm Lốc – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch tỉnh Phong Sa Lỳ, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào cho biết: Tôi đến Việt Nam nhiều, những lần đầu đến với huyện biên giới Mường Tè. Tuy là hai quốc gia khác nhau, nhưng từ lâu Lào – Việt Nam có mối quan hệ hữu nghị truyền thống khăng khít bền chặt. Tỉnh Phong Sa Lỳ và Lai Châu có đường biên giới giáp nhau nên văn hóa có nhiều nét tương đồng. Giao lưu văn hóa ném còn không chỉ là hoạt động ngoại giao nhân dân giữa các huyện giáp biên giới mà còn là dịp quảng bá, giới thiệu những nét văn hóa truyền thống của các dân tộc.

Ghé không gian văn hóa dân tộc Si La, chúng tôi gặp lại già bản Hù Cố Xuân, được biết tháng 10 vừa qua bà là một trong chín nghệ nhân được Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Lai Châu trao quyết đinh của Chủ tịch nước về việc phong tặng danh hiệu:“Nghệ nhân Ưu tú”. Tham dự ngày hội này bà như trở lại cái thời xa xưa dưới mái nhà gianh bên kia sông Đà, nơi cất giữ tuổi thơ ngày nào, bà trải lòng: Người Si La là một trong những dân tộc thuộc Đề án bảo tồn và phát triển các dân tộc thiểu số ở Lai Châu của Chính phủ. Hiện giờ người Si La khoảng hơn 700 nhân khẩu tập trung ở duy nhất ở hai bản Can Hồ và Sì Thâu Chải của xã Can Hồ (Mường Tè). Năm 2014 bà con Si La di dân theo chương trình Tái định cư thủy điện Lai Châu. Về nơi ở mới, bà con được nhà nước quan tâm có đường mới bê tông, điện lưới kéo sáng, nhà xây kiên cố lợp mái tôn, các hộ dân sống tập trung theo lô như ở phố, nhưng phần lớn kiến trúc, văn hóa, phong tục xưa không còn nhiều. Lần này già vui lắm được trực tiếp cầm tay cháu con phục dựng toàn bộ văn hóa đồng bào Si La, đó là nguồn tư liệu quý để các thế hệ giữ gìn và phát huy. Rồi bà khua chiêng hòa cùng các thiếu nữ múa điệu “Nhăm nhăm pơ” truyền thống của dân tộc Si La. Trong dòng người tấp nập về trẩy hội, tôi gặp vợ chồng Sùng A Lùng ở bản Cao Chải xã Tà Tổng (Mường Tè), vai đeo khèn, tay anh dắt vợ trong bộ áo váy xúng xính của người phụ nữ Mông, A Lùng nói: “Vợ chồng mình vui lắm, mong ngày này lâu lắm rồi, từ hồi đầu năm họp bản có phổ biến. Vợ mình cặm cụi từ đó để có bộ váy áo mới truyền thống về dự hội, mình quyết định tậu một chiếc xe máy mới để đưa vợ đi chơi, đường xuống huyện không còn khó như xưa, Tà Tổng mình giờ đường nông thôn mới trải nhựa, đổ bê tông đến từng ngõ. Mình về dự hội mang theo cây khèn biểu tượng của người Mông vùng cao trình diễn tới du khách trong lễ hội đường phố. Ngoài đi chơi hội, vợ chồng mình còn một nhiệm vụ hết sức quan trọng và hãnh diện là con gái mình được làm diễn viên quần chúng của lễ hội, nghe nói đêm khai mạc có chiếu cả lên ti vi nữa. Thế nên bản mình đi đông lắm!”. Một nghi thức quan trọng nhất trong hội ném còn là lễ cúng Còn. Bởi ngày hội không chỉ nơi bà con hội tụ vui chơi mà qua ngày lễ mọi người ai cũng mong ước cho bản làng sang năm mới an vui, sung túc, cởi bỏ đi những điều rủi ro. Già bản dân tộc Thái Tống Văn Sơ 80 tuổi được bà con tín nhiệm làm chủ lễ cúng Còn. Ông tất bật cẩn trọng căn chỉnh từng bộ y phục, động tác, âm tính tẩu, trang trí ban thờ. Ông kể: Từ nhỏ bản Thái mình đã có tục ném còn mỗi khi tết đến, xuân về, ai ai cũng sắm cho mình những bộ quần áo đẹp nhất và đặc biệt thanh niên nam nữ chuẩn bị những quả còn đẹp nhất để dự hội. Giờ hội ném Còn không chỉ của riêng đồng bào Thái nữa mà ngày hội là của chung của các đồng bào Tây Bắc, trò chơi ấy trở thành sự kiện là văn hóa giao lưu quốc tế, mang thông điệp hữa nghị đoàn kết giữa các dân tộc”.

Không biết tục ném Còn mùa xuân có từ khi nào. Theo lời kể lại, ném Còn được xuất phát từ lao động sản xuất. Chuyện rằng: Thủa trước trai gái xứ Mường đi cấy, thường con trai nhổ mạ gánh đến ruộng cho con gái cấy, đến bờ ruộng chia mạ bằng cách tung cho nhau bắt, và một điều chàng nào thích ai thì tung mạ cho người ấy trước. Các đôi nam nữ từ việc ném mạ cho nhau dần trở thành tình cảm. Từ việc ném mạ cho nhau bắt, nhiều đôi đã nên duyên. Sau này việc ném mạ được người dân chuyển thể thành những quả ném vào mùa xuân cũng là để trai gái giao duyên và cầu mong một năm mới no đủ bội thu. Ngày nay ném còn trở thành trò chơi dân độc đáo của  đồng bào Thái vùng Tây Bắc khi tết đến xuân về./.

Hà Minh Hưng


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.