Tết 14 tháng bảy, người Dao Tuyển gọi là “Mọc lền thệt”, là dịp lễ tết quan trọng trong đời sống văn hóa của đồng bào.
Theo phong tục xa xưa, hàng năm cứ đến ngày 14 tháng 7, đồng bào Dao Tuyển làm bánh chưng, mổ gà, lợn cúng gia tiên. Không chỉ cúng tổ tiên 4 đời “thi đai”, trong dịp tết này còn phải cúng các vị tổ tiên đời thứ 5, đời thứ 6 trở về trước. Hoặc cúng cho hồn những người đã chết mà con cháu không có điều kiện đốt tang không được trở về với tổ tiên, không được con cháu thờ phụng, hương khói mà biến thành ma đói; cho nên vào mỗi dịp tết, ngoài dâng cúng lễ vật cho tổ tiên còn phải cúng cho các thế hệ tổ tiên đời 5 trở về trước. Vào ngày này, người Dao không thờ cúng trên bàn thờ nhà, mà người ta chỉ cúng một chiếc bánh chưng nhỏ treo ở bên ngoài góc nhà, bánh này gọi là “koan du”, chủ gia đình thắp một nén hương và cắm lên chiếc bánh.
Theo tục lệ từ xưa, tết 14 tháng bảy đồng bào phải gói bánh chưng gù cúng tổ tiên. Truyền thuyết của đồng bào kể lại rằng: ngày xưa có một gia đình vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn nên đã không thờ cúng tổ tiên vào mỗi dịp tết hàng năm. Buổi sáng ngày 14 tháng Bảy, cả gia đình dải chiếu nằm xuống đất, đắp chăn lên người giả vờ chết. Đến lúc gà gáy tổ tiên về tìm bánh ăn thấy cảnh đó liền nhìn nhau hỏi: tại sao cả gia đình họ lại chết hết, hay ai trong số chúng ta đã làm điều xấu hại khiến cho cả gia đình này chết hết, nay chúng ta trở về không có bánh chưng để ăn. Thôi từ bây giờ trở đi, chúng ta không làm điều xấu có hại đến cho họ nữa, để con cháu làm ăn nên ra, chăn nuôi phát triển, con cháu mới làm bánh cho chúng ta.” Nói xong các vị gia tiên quay trở về “miêu” của dòng họ mình. Từ đó ngày 14 tháng bảy hàng năm đồng bào Dao Tuyển gói bánh chưng để thờ cúng tổ tiên.
Người Dao Tuyển ở huyện Phong Thổ, Lai Châu
Theo phong tục, ngày tết 14 tháng Bảy, người Dao Tuyển chỉ cúng tổ tiên bằng bánh chưng gù đen được làm rất cầu kỳ: lấy cây lúc lắc đã phơi khô, đem đun lấy than sau đó cho vào cối giã mịn và lấy bột than đó ngâm với gạo. Bánh chưng đen có đặc điểm là gù ở giữa nên đồng bào Dao Tuyển thường gọi là bánh chưng gù “du uẩy”. Sáng sớm ngày 14 tháng Bảy, người chủ gia đình phải dậy sơm chuẩn bị dọn mâm bàn thờ, mâm dùng để làm bàn thờ là mâm gỗ cao hoặc cũng có gia đình dùng bàn uống nước cao để ở ngay giữa gian nhà, trước bàn thờ nhà, mâm bàn thờ được dọn ra để ở gian giữa nhà. Trên mâm đặt bát hương thắp ba nén nhang, bên cạnh là đèn dầu hoặc nến, đằng trước bát hương đặt ba chén rượu, ở hai bên của bát hương là 3 chiếc bánh chưng (số 3 con số may mắn và tượng trưng cho sự sung túc, đầy đủ) và trên mối chiếc bánh người ta đốt một nén nhang cắm lên chiếc bánh (với ý nghĩa dẫn đường cho tổ tiên mới biết đường về ăn).
Thờ điểm sáng sớm là cúng bánh cho tổ tiên ăn trước còn thịt thì khi trời sáng mọi vật thức dậy, con cháu mới làm đồ lễ dâng cúng cho các cụ gia tiên.
Trong thế giới quan của người Dao Tuyển, các vị thần linh đều hiện hữu bên cạnh dõi theo con cháu, vì vậy mà mọi việc liên quan đến cúng bái đều có liên quan đến các vị thần linh khác như: ma nhà, bà Mụ… Cho nên, khi thắp hương thờ cúng tổ tiên cũng phải có chút hương khói dâng đến ma nhà (thần bảo vệ nhà), Bà Mụ, thổ công (Tạy man)…
Gia chủ dâng lễ vật cúng cho tổ tiên và các vị thần đều nhờ đến thầy mo (người có thể giao tiếp với các vị thần linh giữa thế giới hữu hình với thế giới thần linh vô hình). Thầy cúng thay mặt gia chủ khấn bài cúng với đại ý: “Tên tuổi nhà chủ là gì, hôm nay là ngày 14 tháng 7 năm gì, gia đình vui lòng bày sắp lễ vật, sắp mâm thờ các vị tổ tiên và các thần linh (Bàn Vương, Thổ Công, Bà Mụ…); Mời tôi tên là B đến giúp gia đình khẩn thỉnh mời tổ tiên và các vị thần linh trở về chứng giám và hưởng lễ mà con cháu dâng lên. Mong tổ tiên,các vịt thần linh phù hộ độ trì cho con cháu mạnh khỏe, an lành, không ốm đau bệnh tật, trẻ nhỏ được bảo vệ, che chở ra đường không bị ma quỷ bắt dịch bệnh, học hành sáng dạ”. Khấn xong bài cúng thầy mo đốt hương cắm vào bát hương, làm các động tác mời tổ tiên cùng các vị thần hưởng lễ. Lễ vật gồm có: Bánh chưng, thịt gà, thịt lợn, ngoài ra còn có cả cá, rau luộc hoặc xào… Người DaoTuyển đặc biệt kiêng không dâng cúng các thực phẩm sống chưa qua chế biến, đồ ăn thừa, hoặc kiêng không lấy rượu uống dở rót mời các vị tổ tiên. Kết thúc nghi lễ cúng thầy cúng đốt giấy bản (tượng trưng cho tiền giấy đi đường) tiễn đưa tổ tiên về.
Vân Thanh