Chuyện xảy ra sau ngày Miền Nam giải phóng hơn nửa năm. Tôi tốt nghiệp lớp Trung cấp sư phạm Tây Bắc và được phân công vào Trường Đảng Khu dạy bổ túc văn hóa cho các bác học viên dân tộc ít người là cán bộ chủ chốt cấp xã, huyện thuộc ba tỉnh: Sơn La, Lai Châu, Nghĩa Lộ. Khi Giám đốc tổ chức cuộc họp toàn cơ quan thông báo quyết định giải thể Khu Tự trị Tây Bắc và Khu Tự trị Việt Bắc, sáp nhập Trường Đảng ở hai khu này thành Phân hiệu 6 của Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, đóng tại quận Thanh Xuân (Hà Nội), cả hội trường “ồ” lên sung sướng. Riêng tôi, cô giáo mười tám tuổi, ngồi góc cuối hội trường, nét mặt buồn thiu. Trong lòng lại nghĩ đến “Bài nói chuyện với bộ đội, công an và cán bộ trước khi vào tiếp quản Thủ đô” ngày 5 tháng 9 nǎm 1954 của Bác “Học cái tốt thì khó, ví như người ta leo núi, phải vất vả, khó nhọc mới lên đến đỉnh. Học cái xấu thì dễ, như ở trên đỉnh núi trượt chân một cái là nhào xuống vực sâu. Mấy nǎm kháng chiến, các cô, các chú đã học được nhiều đức tính tốt. Về xuôi nhất là về thành thị, sẽ có nhiều người phức tạp, nhiều thứ quyến rũ mình vào thói xấu”.
Tôi mới vào nhận công tác ở đây ba tháng. Dù mới đi làm, nhưng tôi luôn tiết kiệm. Nhớ đến hình ảnh Bác Hồ nói rằng, “kiệm” không phải là bủn xỉn, mà là không xa xỉ, hoang phí, bừa bãi. Những người “Làm chừng nào xào chừng ấy” thì giống như cái thùng không đáy, nước đổ chừng nào, chảy ra hết chừng ấy, không lại hoàn không. Tháng lương đầu tiên, tôi cẩn thận gói ba mươi bảy đồng vào giấy báo, nâng niu trao tận tay mẹ. Mẹ tôi khóc, bảo:
– Con giữ lại một nửa mà tiêu, đưa mẹ một nửa là được rồi!
– Không, mẹ cầm cả cho con. Từ nay trở đi, tháng lương nào con cũng đưa hết để mẹ chi dùng cho cả nhà. Khi nào con phải nộp tiền ăn hay đóng tiền đoàn phí, con lại xin mẹ.
Mẹ cầm gói tiền, nước mắt rưng rưng.
Lúc ấy, bố tôi mới rời xa dương thế một năm. Người bị xuất huyết não sau một đêm thức trắng hoàn thành diễn văn đọc trước mít tinh kỷ niệm 20 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ do Khu ủy phân công. Dù Trung ương có cho máy bay lên tận Sơn La đón bố về Hà Nội cấp cứu nhưng không kịp… Khi đó, anh trai cả của tôi đang học năm cuối trường Đại học Giao thông Vận tải, em trai kế tôi học lớp sửa chữa Ô tô trong Quân đội ở Hát Lót. Hai em gái nhỏ học trường Phổ thông cấp I- II Tô Hiệu, em trai út mới hai tuổi. Tất cả mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai của mẹ – góa phụ bốn mươi bốn tuổi công tác tại Nhà tù Tô Hiệu. Vì là cán bộ cách mạng thời kỳ tiền khởi nghĩa, lương bố cao gấp ba lần lương của mẹ. Giờ bố mất, ngoài giờ làm việc hành chính, đêm nào mẹ cũng thức khuya ngâm giá đỗ, làm đậu phụ, muối dưa, cà để sáng hôm sau dậy sớm, bán đổ cho người ta kiếm thêm tiền nuôi các con ăn học.
Khi tôi nói với mẹ:
– Con không theo trường về Hà Nội đâu, con ở lại Sơn La công tác để được ở với mẹ và các em thôi.
Mẹ cảm động lắm nhưng lại nói:
– Các bác lãnh đạo Khu quyết định cho con vào dạy học ở Trường Đảng là họ muốn cho con phấn đấu theo con đường chính trị của bố. Chẳng mấy khi có dịp may mắn chuyển vùng, con sẽ có điều kiện tốt hơn. Mẹ tự lo được mọi việc.
Các cô chú cùng công tác ở Ban Đào tạo Cán bộ Khu mà trước đây bố tôi làm Trưởng ban, người thì khuyên tôi nên ở lại Sơn La với mẹ và các em, người khuyên nên theo trường về Hà Nội. Vài năm nữa mẹ nghỉ hưu, các em khôn lớn, chắc cả nhà cũng sẽ chuyển vùng về quê.
Bỗng dưng, mẹ lại nhắc đến anh bạn cùng lớp với tôi và hơn tôi bảy tuổi, người con trai mẹ yêu thương như con đẻ. Mẹ có ý vun vào cho hai đứa. Khi mẹ nhắc đến anh thì từ các cô, chú, bác hàng xóm láng giềng đến các cô, chú, bác từng công tác với bố mẹ, ai cũng khen ngợi và bảo:
– Vì mẹ, các em và anh ấy nữa, cháu nên ở lại. Trong đời, gặp được một người tốt và yêu thương mình chân thành như thế rất hiếm. Nếu cháu chuyển về Hà Nội, chuyện tương lai của hai đứa khó thành!
Tối hôm ấy, trời lạnh căm mà nhà tôi luôn mở cửa để mọi người đến chơi. Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết (dạy môn văn cấp II của tôi) vừa đến nhà, tôi đã đoán ngay ra cô đến có việc gì. Cô Tuyết tâm sự:
– Chồng cô là chú Sơn – giảng viên dạy môn triết học ở trường Đảng Khu Tây Bắc. Dịp này chú theo trường chuyển về Hà Nội, cô ở lại Sơn La, một nách nuôi hai con nhỏ vất vả lắm. Em thì bố mới mất, mẹ còn ba em nhỏ. Chi bằng cô xin vào trường em để chuyển đi cùng chú, em thay cô ra dạy trường cấp II Tô Hiệu để được gần bên mẹ và các em.
Nghe cô trình bày xong, mẹ và tôi nhất trí ngay. Đêm ấy, bên tai tôi vẫn văng vẳng câu hát “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ biết dành phần ai” trong bài hát “Một đời người, một rừng cây”. Tôi là người sống lý tưởng và lãng mạn. Mẹ cũng vậy.
Sáng hôm sau, tôi lên Phòng Giám đốc, xin ở lại Sơn La. Nhiều người trong Trường Đảng nói tôi dại dột, người ta từ suối đổ ra sông ra biển, chứ tôi thì ngược lại, chốn phồn hoa đô thị không muốn mà cứ chúi mũi mãi nơi rừng xanh núi đỏ. Dù tôi mới công tác ở Trường Đảng Khu hơn ba tháng, nhưng cũng có vài ba anh để ý. Họ nói gần nói xa về tương lai của tôi khi chuyển đi cùng với họ nhưng ý tôi đã quyết.
Ngoài ba lý do trên, tôi yêu núi rừng lắm! Tôi sinh ra và lớn lên ở núi, cái tên cha mẹ đặt cho tôi cũng là tên của núi. Mỗi sáng mai thức giấc, mắt tôi đã đong đầy bóng núi, tai tôi văng vẳng tiếng chim ca, tiếng người nói tiếng Thái êm mượt như nhung. Tôi ngửi thấy mùi hương hoa ngan ngát của rừng, mùi hăng hăng của những tấm vải nhuộm chàm phơi trên phiến đá… Lại nữa, mái trường cấp I-II Tô Hiệu là nơi lần đầu tiên tôi cắp sách tới trường trước khi giặc Mỹ leo thang bắn phá miền Bắc, cũng là nơi tôi tốt nghiệp cấp II, trước khi tôi đi học Sư phạm.
Ngày Trường Đảng chuyển đi, tôi rơi giọt nước mắt chia tay lưu luyến với mọi người chứ không hối hận vì quyết định của mình. Tôi dạy ở trường cấp I-II Tô Hiệu – mái trường xưa của tôi, được thầy cô giáo cũ, bạn bè đồng nghiệp và học sinh yêu mến. Sau hai năm ở cùng với mẹ, lấy chồng và có con trai được chín tháng, nghe lời khuyên của mẹ, tôi chuyển lên công tác tại Lai Châu cho đến tận bây giờ. Trải qua biết bao khó khăn vất vả, sau hai mươi năm công tác trong ngành giáo dục, tôi chuyển sang công tác ở các ngành: văn phòng, trẻ em, phụ nữ, tuyên giáo cho đến ngày nghỉ hưu, tôi hoàn toàn mãn nguyện với những công việc bình dị, có ích mà mình yêu thích.
Thầy Trương Minh Kính – giáo viên Pháp văn gọi vợ chồng tôi là “Đôi vợ chồng comple”, có nghĩa là đồng bộ, luôn đi đôi với nhau. Từ hàng xóm láng giềng đến cơ quan, bạn bè, đồng nghiệp, ai cũng khen chúng tôi tuy khác dân tộc nhưng sống với nhau rất có tình. Thực ra, trong cuộc sống, ai cũng thế, không phải lúc nào cũng thuận buồm xuôi gió, “chồng bát còn có khi xô” nhưng chúng tôi biết cảm thông, bỏ qua cho nhau những điểm khác biệt. Bởi chúng tôi đã cùng nhau trải qua thời bao cấp khó khăn chồng chất, thay nhau nuôi con để người kia đi học, vươn lên tự hoàn thiện mình, sống có ích cho gia đình và xã hội. Hai con trai lớn và con gái út của tôi đều đã có gia đình, có công việc ổn định mà các con yêu thích. Về hưu, chúng tôi sống bình dị ở một khu nhà vườn ngập tràn hương hoa trong phố và cùng nhau sáng tác thơ, văn, giao lưu với bạn bè gần xa. Thỉnh thoảng, vài ba tháng, chúng tôi rủ nhau về quê thăm mẹ. Và tôi coi đó là hạnh phúc lớn nhất mà đời mình có được. Dẫu bốn mươi ba năm trước tôi quyết định ở lại Tây Bắc, tôi cũng không một lần phải hối hận.
Bùi Thị Sơn