Trong thời đại bùng nổ công nghệ số, việc phát triển văn hóa đọc nói chung và văn hóa đọc cho học sinh dân tộc thiểu số nói riêng vẫn rất cần thiết. Nhìn một cách khách quan thì chính sự phát triển của công nghệ đã tạo điều kiện thuận lợi để phát triển văn hóa đọc ở một tầm cao mới.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách nhằm phát triển văn hóa đọc cho mọi tầng lớp nhân dân, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Trong Quyết định số 329/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “Phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” đã nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển văn hóa đọc là một trong những nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục đất nước”. Vì thế, sau một thập kỷ thực hiện Ngày sách và Văn hóa đọc Việt Nam (21/4) theo Quyết định số 284/QĐ-TTg, thì văn hóa đọc đã trở thành một phong trào rộng khắp trong các tỉnh thành trên cả nước. Đặc biệt là những vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, trong thời đại công nghệ số, việc phát triển văn hóa đọc cho học sinh cần phải có những thay đổi để giới trẻ dễ dàng tiếp cận, phù hợp với xu hướng, thị hiếu của người đọc.
Không thể phủ nhận vai trò nền tảng của văn hóa đọc truyền thống trong quá trình phát triển văn hóa đọc hiện nay nhưng sự phát triển của công nghệ số, bên cạnh những thách thức đặt ra như: nguồn thông tin đa dạng, chưa được kiểm chứng từ mạng xã hội; các phương tiện nghe – nhìn có sức hút hơn việc đọc sách,… cũng mở ra những cơ hội để phát triển văn hóa đọc cho học sinh dân tộc thiểu số ở vùng cao.

Ở vùng điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, vùng dân tộc thiểu số như huyện Sìn Hồ, việc phát triển văn hóa đọc truyền thống vốn dĩ là không dễ dàng. Nhưng để góp phần nâng cao nguồn nhân lực, tạo cơ hội để người dân được học tập suốt đời thì việc tận dụng lợi thế của công nghệ để phát triển văn hóa đọc cho học sinh đồng bào dân tộc thiểu số là cơ hội để mang tri thức đến tận bản làng xa xôi nhất của tỉnh. Công nghệ phát triển giúp cho học sinh có thể đọc sách ở mọi lúc mọi nơi. Chỉ bằng một chiếc điện thoại có kết nối internet đã có thể tìm được những thông tin cần thiết. Thực tế, trên các nền tảng mạng xã hội, người đọc có thể dễ dàng tìm được: sách nói (audio book), sách tương tác, sách thực tế ảo và sách điện tử (e-book). Không những vậy, kho tàng sách trên mạng là rất lớn, dễ tìm, dễ tiếp cận. Người đọc có thể tương tác với nhau, tương tác với tác giả ngay khi đang đọc sách. Nhận diện lợi thế của công nghệ với phát triển văn hóa đọc, nhiều trường học đã có những thay đổi trong cách thức phát triển, lan tỏa văn hóa đọc đến học sinh và cộng đồng.
Xác định phát triển văn hóa đọc là một nhiệm vụ quan trọng, then chốt trong các nhà trường để góp phần hoàn thành mục tiêu “xây dựng xã hội học tập”. Vì vậy, hơn 60 trường học trên địa bàn huyện Sìn Hồ đến thời điểm này đã xây dựng được không gian đọc sách cho học sinh. Đặc biệt, mô hình “thư viện xanh” gắn với không gian văn hóa truyền thống các dân tộc đã góp phần khích lệ học sinh đến để đọc sách, nghiên cứu, học tập và trải nghiệm. Dự án xây dựng tủ sách cộng đồng cho các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả ở các địa phương cũng là một trong những tiền đề để phát triển văn hóa đọc cho học sinh dân tộc thiểu số ở huyện Sìn Hồ.
Một trong những trăn trở lớn của cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Hương (giáo viên Trường THPT Sìn Hồ) trong quá trình cô cùng học trò thực hiện Dự án “Phát triển Văn hóa đọc cho học sinh Trường THPT Sìn Hồ” là: “cần làm thế nào để kích thích được niềm đam mê đọc sách ở học sinh? Làm thế nào để việc đọc sách của các em thực sự có hiệu quả?”. Và cô cho rằng: “Muốn phát triển văn hóa đọc việc đầu tiên cần làm đó là phải hướng việc đọc sách trở thành một thói quen trong cuộc sống của cá nhân, gia đình, nhà trường và cộng đồng”. Bằng việc lồng ghép vào những buổi sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt lớp với các hoạt động cụ thể: Giới thiệu cuốn sách hay, giờ đọc hạnh phúc, gắn việc đọc với việc học… Trường THPT Sìn Hồ đã xây dựng được thói quen đọc sách cho học sinh; thành lập Câu lạc bộ Văn hóa đọc và kêu gọi nguồn hỗ trợ từ cộng đồng xây dựng được tủ sách với hơn 700 đầu sách cho học sinh trong trường, góp phần lan tỏa văn hóa đọc đến các trường học trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, một số đơn vị trường THPT trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xây dựng các trang Website, Fanpage, tạo kho tài liệu đọc online… Đây là không gian lí tưởng để học sinh trong trường tương tác với nhau. Trong quá trình duy trì hoạt động và phát triển các Website, Fanpage, nhà trường đã chia sẻ, giới thiệu các hoạt động của nhà trường lên trang; tổ chức các cuộc thi giới thiệu sách online; đăng tải các số của chương trình “Giới thiệu cuốn sách hay”; “Góc nhìn bạn trẻ” của Đài Phát thanh – Truyền hình Lai Châu thực hiện mà khách mời là học sinh THPT trên địa bàn tỉnh; chia sẻ bí quyết học tập… Tất cả các hoạt động đều đòi hỏi học sinh phải có tư duy, khả năng ngôn ngữ, kỹ năng phân tích, suy luận và sáng tạo. Đây chính là động lực cho mỗi học sinh phấn đấu học tập, rèn luyện và phát triển bản thân từ thói quen đọc sách.
Cuộc thi “Đại sứ Văn hóa đọc”, các hoạt động “Hưởng ứng tuần lễ học tập suốt đời”; tham gia các hoạt động triển lãm sách của Thư viện tỉnh Lai Châu; phối hợp với Thư viện tỉnh Lai Châu thực hiện luân chuyển sách hàng năm đến các trường học để bổ sung thêm nguồn tài liệu vào thư viện của nhà trường… là chuỗi các hoạt động nhằm phát triển văn hóa đọc mà ngành Giáo dục Lai Châu đã thực hiện trong những năm qua. Nhiều học sinh ở huyện Sìn Hồ đã đạt giải cao trong các cuộc thi: Trường THPT Sìn Hồ đạt giải Nhì tập thể cuộc thi Đại sứ Văn hóa đọc năm 2024; Trường Tiểu học thị trấn Sìn Hồ có nhiều học sinh đạt giải trong Cuộc thi “Vẽ tranh giới thiệu sách”… đã tạo động lực để học sinh xây dựng văn hóa đọc cho bản thân, gia đình và xã hội.
> Xem thêm:
Người mẹ của núi – Mẹ Việt Nam.
Đọc sách giúp mỗi người có thêm nhiều kiến thức về tất cả các lĩnh vực của đời sống nhưng không dễ dàng để học sinh tự giác đọc sách ở nhà hay thư viện. Giải pháp mà Trường Tiểu học thị trấn Sìn Hồ (huyện Sìn Hồ) đã thực hiện là tổ chức “Giờ đọc hạnh phúc” trong các tiết sinh hoạt lớp. Cô Phú Thị Huyền – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Hoạt động cùng đọc, cùng chia sẻ giúp cho học sinh cảm nhận được điều thú vị từ sách mà yêu thích việc đọc sách hơn; việc trang trí lớp học, phòng đọc gắn với không gian và hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc giúp học sinh dễ dàng tiếp cận với sách”.
Ở các trường THCS thầy cô tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền, giới thiệu sách dưới nhiều hình thức như vẽ tranh, làm video giới thiệu sách…; Tổ chức các Ngày hội sách, Ngày hội STEM… để học sinh được đọc sách lưu động; Phát động phong trào “Giờ vàng đọc sách” để học sinh cùng đọc, cùng học trong các nhóm nhỏ … Tổ chức các buổi hướng dẫn học sinh đọc sách theo từng cấp độ khác nhau để hình thành thói quen đọc sách, kích thích niềm đam mê học hỏi, khám phá tri thức của học sinh.
Bà Đỗ Thị Hoa (Phó Trưởng phòng nghiệp vụ, Thư viện tỉnh Lai Châu) cho biết: “Công nghệ phát triển mang đến nhiều tiện ích, thậm chí đã thay đổi thói quen đọc sách của nhiều người nhưng văn hóa đọc truyền thống vẫn có những lợi thế riêng mà công nghệ không thể thay thế”. Vấn đề là làm thế nào để dung hòa giữa truyền thống và hiện đại, làm thế nào để giáo dục học sinh phát triển văn hóa đọc bằng chính những gì mình đang có. Khi công nghệ phát triển, nếu con người không thích ứng kịp để sử dụng nó, thì chính chúng ta sẽ trở thành nô lệ của công nghệ.
Có thể nói, văn hóa đọc đang có những thay đổi trong guồng quay của phát triển công nghệ. Vì thế, các trường học cũng cần linh hoạt hơn để duy trì, phát triển và lan tỏa văn hóa đọc cho học sinh, nhà trường và cộng đồng xã hội.
CHÂM VÕ
>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu