Thơ là tiếng nói của tâm hồn. “Thơ là thu của lòng người, thu là thơ của đất trời”. Trên diễn đàn văn nghệ trẻ Lai Châu, các nhà thơ đang cố gắng thể hiện những cung bậc cảm xúc, nỗi niềm mà cuộc sống, con người Lai Châu đã để lại dấu ấn trong tâm hồn họ. Trong đó, nhà thơ Phạm Đào là một cây bút nữ đầy triển vọng.
“Người văn phong vận như văn vậy”. Nên khi thưởng thức những đứa con tinh thần của nhà thơ, ta có thể thấy được nhân sinh quan, thế giới quan và một phần tính cách, cá tính của người thơ ấy. May mắn hơn cho chúng tôi, khi không chỉ được đọc thơ mà còn được gặp gỡ, tiếp xúc với nhà thơ Phạm Đào. Chị hiền lành, nữ tính. Nên thơ cũng nhẹ nhàng và đầy chất nhân văn. Phảng phất trong thơ chị có hình ảnh của bao người phụ nữ Việt. Chất nữ tính là điều mà ta có thể gặp trong thơ của bất cứ nhà thơ nữ Việt Nam nào như Xuân Quỳnh, hay Phan Thị Thanh Nhàn, Đoàn Thị Lam Luyến, Lâm Thị Mỹ Dạ,… Chỉ là Phạm Đào hay những nhà thơ nữ khác thì mỗi người một cách nhìn và một cách thể hiện khác nhau để tạo nét riêng mà thôi.
Phạm Đào thuộc thế hệ 8X, chị yêu thơ và làm thơ từ rất trẻ, từ khi mới chỉ là một thiếu nữ. Chị viết đều qua năm tháng, cho đến khi là một người phụ nữ ngoài ba mười đằm sâu, là một người mẹ trưởng thành. Gần đây, năm 2017, chị có nhiều tác phẩm được chọn lọc và in chung trong ba tập thơ do Nhà xuất bản Văn học và Nhà xuất bản Hội nhà văn phát hành: Mùa yêu, Như áng mây chiều, Mùa yêu thương. Chị hiện là Hội viên của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu. Chị sáng tác đều tay, ngoài những trang viết dành riêng cho Lai Châu, chị còn tham gia cộng tác với trang thơ của các báo, tạp chí uy tín như: Báo Văn nghệ, Áo trắng,…
Thơ, với Phạm Đào là nơi để chị giãi bày cảm xúc, để được sống thật là mình. Hồn thơ nhạy cảm ấy có thể rung động trước bất cứ điều gì, dù nhỏ bé, bình dị của cuộc sống. Chị quan niệm: thơ giúp con người sống chậm hơn, biết trân trọng và yêu quý những gì mình đang có. Khi mình thật yêu cuộc sống sẽ thấy cuộc sống đẹp và nhân văn hơn. Thơ của Đào đa số là thơ tự do – một thể thơ hiện đại. Chị thường viết những câu thơ dài. Như một sự trải dài tâm sự của những nỗi niềm không tên. Thơ hay ở tứ, nhưng cũng có khi là hay ở hình ảnh, nhạc điệu, cảm xúc ẩn chứa trong thơ.
Cảm thức mùa là một điều dễ nhận thấy trong thơ Phạm Đào. Chị viết về các tháng, các mùa, viết về sự thay đổi của thời gian qua từng chiếc lá, từng nhành hoa, từng cơn gió thổi… Trong đó, chị đặc biệt yêu mùa xuân, mùa thu, những tháng ba, tháng tám. Đang xuân mới mà lòng vẫn thổn thức: Tiếng mõ khua đàn trâu về với bản – Chênh vênh anh thất thểu nhớ thương mùa (Chiều xuân); Tháng ba – Con ngồi trầm ngâm gói từng kỷ niệm – Ghim vào lòng lo sợ một ngày xa… (Thương nhớ tháng Ba). Cho nên, càng mùa thu, thơ chị càng buồn: Tháng tám ạ, em ngồi nghe trăng khóc – Úp mặt vào mây hoang lạnh những đêm dài – Tìm nơi đâu giữa lưng chừng mùa cũ – Giữa lưng chừng nhớ nhớ quên quên… (Dỗi hờn tháng Tám).
Trong những mùa, những tháng, những năm ấy là cả một trời kí ức. Kí ức là những gì ấn tượng còn đọng lại trong mỗi người qua thời gian. Phạm Đào là người trân trọng kỉ niệm, hoài niệm nhiều quá khứ, những ai, những chuyện qua đi đều được chị cất giữ cẩn thận trong tim mình. Cứ tưởng rằng cất mãi sẽ chật, mà dường như không phải. Chị nhớ những năm tháng tuổi thơ ở vùng quê đồng bằng Bắc Bộ, nhớ những kỉ niệm học trò, những rung động tình yêu đôi lứa… Vì thế, trong thơ chị dày đặc mật độ của các chữ: kí ức, nỗi nhớ, kỉ niệm, nỗi niềm, thương nhớ, da diết nhớ, nhớ chơi vơi… Những kí ức ấy hay được chị nhắc tới vào những buổi chiều, nên thơ về khoảnh khắc chiều nhiều lắm: Chiều, Chiều xuân, Chiều Sìn Hồ, Chiều Tân Uyên, Chiều trên bến Nậm Mu… Những nỗi nhớ của nhân vật trữ tình thường thẳm sâu, da thiết: Da diết nhớ… – chiều mênh mang sóng nước – Nắng vu vơ thắp sáng cánh hoa vàng (Chiều trên bến Nậm Mu); Tháng tám về mang ký ức ra hong… Tháng tám về rồi… – Vẫn da diết nhớ tháng bảy mưa Ngâu (Dỗi hờn tháng Tám); Trong nhung nhớ núi rừng mơ dáng biển – Mùa hãy về chắp lại một lời ru (Tự tình)
Chị gửi gắm vào thơ nỗi niềm của một người con gái xa quê, lấy chồng nơi xứ người. Phụ nữ Việt, bao người xa mẹ, thì đọc thơ chị đều cảm thấy rưng rưng. Nỗi nhớ sâu thẳm, vừa nhớ, vừa thương bóng mẹ cha gầy, liêu xiêu trên triền dốc, cánh đồng hay một con đường mưa: Lưng mẹ còng tóc bạc – Trĩu nặng đôi vai gầy – Liêu xiêu trên đường vắng- Dáng mẹ nhoà trong mưa (Mưa và mẹ). Chị thương bố mẹ nơi quê nghèo tảo tần, vất vả. Đến cả trong giấc mơ còn thức: Mỗi lần ngủ mơ về bố – Hai hàng lệ ướt tràn mi (Gửi bố). Nhớ lắm mà không thể gần. Muốn lắm mà không thể chạy về ngay với quê cũ bình yên, với mẹ cha yêu thương ăm ắp. Mỗi dịp Tết đến xuân về, thì nỗi niềm hồi hương, nhớ cha càng khắc khoải, thương mẹ một mình đang ngóng chờ: Tết xa quê tê tái cõi lòng – Khói bếp mắt cay hay lòng nhắc nhớ – Vẫn ngày đêm mẹ ngồi bên bậc cửa – Mỏi mòn trông ngóng cháu con (Tết xa quê). Tất cả những tình cảm đó, chị gửi cả vào trong gió, trong thơ: Mẹ ơi mùa đang gõ cửa – Mưa bay lộc biếc đầy cành – Gom từng niềm thương nỗi nhớ – Gió ơi, – chuyển nhé, – quê nhà…!!! (Xuân nhớ mẹ). Nỗi niềm của đứa con nghèo xa quê, chẳng có gì gửi mẹ, chỉ có nỗi nhớ, niềm thương gửi từ phương xa. Có nuôi con mới hiểu lòng cha mẹ. Người phụ nữ vô cùng nữ tính ấy, trong thiên chức của mình, cũng yêu vô bờ bến những đứa trẻ. Chị viết thơ cho con. Giản dị thôi, nhưng yêu thương đong đầy: Mẹ nơi này mênh mang – Nhớ con, đường xa ngái – Nhớ con, lòng trống trải – Giữa trời thu ngọt ngào (Nhớ con). Chị nuôi con cũng là nuôi niềm hi vọng: Trên trời vạn vì sao – Mẹ gửi ngân hà đó – Một ước mơ nho nhỏ – Đôi chân con vững vàng (Ngày của mẹ).
Với thơ trẻ hiện đại, thì thơ tình là điều không thể thiếu. Vì “đố ai sống được mà không yêu – không nhớ không thương một kẻ nào” (Xuân Diệu). Mà đã yêu thì “tình là dây oan”, “tình yêu muôn vạn nẻo sầu”. Đã “sầu” thì không thể không đi vào thi tứ. Phạm Đào cũng viết nhiều bài thơ tình. Những bài thơ của chị về tình yêu đều buồn man mác. Đó là những kỉ niệm đã xa, chỉ còn trong kí ức, là những xa cách, lỡ hẹn, không lời. Trong đó, Lỡ hẹn Khau Vai là một bài thơ tình đầy nét riêng, chất chứa bao nỗi niềm. Nhà thơ mượn văn hóa nền là chợ tình Khau Vai để trải một chuyện tình buồn. Cô gái Mông yêu thương lắm đấy, chờ đợi nhiều lắm đấy mà sao người yêu không tới, để trong lòng bao nỗi tái tê: Em lang thang theo tiếng khèn tìm bạn – Hết đêm rồi mà sao vẫn bơ vơ – Chén rượu ngô nâng lên rồi đặt xuống – Ánh lửa hồng thiêu cháy cả tình em – Sao cứ thấy trong lòng bao tê tái. Yêu mà không được yêu là nỗi đau nhân sinh, nên chỉ vẹn nguyên một nỗi cô đơn, bơ vơ một mình. Cô gái mong chợ tình họp nhiều hơn nữa để cô có cơ hội được gặp lại người mình yêu, nhưng Khau Vai ơi sao chỉ họp một lần – Anh không đến Khau Vai buồn diệu vợi – Trái tim em tê tái giữa muôn trùng. Con người ta lạ lắm, yêu thì bao núi cũng vượt, bao đèo cũng qua để tới gặp người mình yêu. Nhưng khi hụt hẫng, thì chỉ muốn lấy nỗi đau thể xác để làm quên đi bao sự tê tái trong lòng: Mặc mưa rơi ô chẳng cần che nữa – Đá tai mèo tươm máu gót chân son… Vì người ta lỡ hẹn, mà cô chấp nhận những cơn mưa, chấp nhận dẫm chân trần trên đá sắc nhọn mà ứa máu. Một nỗi xót xa ngập tràn bài thơ về mối tình không trọn vẹn.
Thơ tình Phạm Đào nói nhiều về sự quên lãng, đơn côi. Ta nghe tiếng khèn đơn độc trong Chiều trên bến Nậm Mu: Bên vách núi lời ru ai gửi lại – Tiếng khèn Mông đơn độc tái tê lòng. Nên cuối bài thơ là nỗi niềm ướt sũng giữa dòng trôi. Có người trai đi xa, bỏ quên tình yêu cũ, nên chỉ còn mưa bụi nhạt nhoà rơi hay là một mình cô gái đơn côi trong chiều: Anh có về nơi cũ – Tìm câu thơ xa xưa – Bỏ quên lưng chừng núi – Mịt mùng đèo Khau Co – Chỉ còn mình mưa bụi – Nhạt nhoà, nhạt nhoà rơi (Chiều).
Cô gái trong thơ Phạm Đào luôn yêu thương chân thành, sâu sắc nên cũng rất sợ sự mong manh của tình yêu, sợ lòng người thay đổi, sợ quên lãng. Vì thế mà thơ chị rất nhiều câu hỏi: Nay có còn tha thiết dáng em không? (Than Uyên quê em); Bao giờ gặp lại nhau? (Những ngày tháng Tư), Ai có thì thầm: Mình mãi bên nhau? (Nỗi niềm tháng tám); Ngày xưa ơi có ai còn trông ngóng – Nước mắt nào tha thiết phía không nhau? (Tìm về trường cũ); Em đi qua hạnh phúc – Em đi qua khổ đau – Em đi qua cay đắng – Gặp anh trên đường nào? (Anh). Những câu hỏi cứ day dứt mãi. Đó là tiếng nói của trái tim yếu mềm, đa đoan, đa sầu cảm, lo sợ trước sự hữu hạn của đời người và mong manh, dễ tan vỡ của tình yêu. Nhưng cũng chính điều đó là biểu hiện của trái tim yêu mãnh liệt, nó là mong ước chính đáng của người phụ nữ yêu và cần được yêu.
Nhà thơ Phạm Đào sinh ra lớn lên ở Thái Bình. Nhưng cả tuổi trẻ lại cống hiến cho mảnh đất Lai Châu. Chị viết nhiều về mảnh đất Lai Châu xinh đẹp như Mời em thăm Lai Châu, Sìn Hồ, Tân Uyên,… nhưng luôn dành tình cảm đặc biệt cho Than Uyên – nơi chị sinh sống. Chị từng chia sẻ: “Tôi viết về Than Uyên, quê hương thứ hai đã nuôi dưỡng ước mơ của tôi mà đôi khi cứ ngỡ mình được sinh ra và lớn lên ở mảnh đất thơ mộng này”. Than Uyên hiện lên trong thơ chị tươi đẹp như một bức hoạ đồ: Chiều Than Uyên nắng trải vàng lưng núi – Lảng bảng trôi mây trắng vắt ngang trời (Than Uyên quê em)
Than Uyên có cánh đồng Mường Than mùa nước đổ trắng ngần – Mây trắng thênh thang chiều nhớ những cung đường (Than Uyên, thương); có bầu trời trong xanh, mây trắng, dòng sông Nậm Mu uốn lượn hữu tình: Mời em thăm Lai Châu mùa xuân mới – Bản Chát đón em mơ mộng nắng chiều – Gió ngẩn ngơ vì dáng em ngà ngọc – Sông Nậm Mu, ca khúc hát sang mùa. (Mời em thăm Lai Châu). Và đặc biệt, Than Uyên bạt ngàn những đồi chè xanh ngát. Chè Than Uyên trở thành thương hiệu, và gắn bó với cuộc sống của người dân nơi đây. Đứng trước những đồi chè trải dài xanh mát, hồn thơ nhạy cảm là Phạm Đào không thể không lên tiếng: Khoảng trời xanh anh say từng cơn gió – Trong giấc mơ cũng ngào ngạt hương chè (Than Uyên, thương). Chị cảm nhận trong hương chè thơm, trong vị chát của chè là hương vị của hồn quê, là kết tinh của nắng, gió, đất đai, tình người xứ sở: Chắt chiu nắng, mỡ màu trên đất mẹ – Thơm hương chè ngọt chát đậm hồn quê – Chén chè xanh nhấp môi còn chưa cạn – Dạ đã say trong tình đất lòng người (Than Uyên quê em). Đọc thơ chị mà ta như muốn được một lần tới thăm mảnh đất ấy, trò chuyện với con người nơi ấy và thưởng thức hương vị chè riêng không thể lẫn với nơi nào.
Phạm Đào là người phụ nữ giàu nữ tính, chị yêu hoa, nên trong thơ cũng có rất nhiều hình ảnh các loài hoa: Cánh đồng lúa Mường Than ngào ngạt gọi – Để góc trời hoa sim tím ngẩn ngơ (Than Uyên quê em); Tà Hừa mùa này hoa trẩu trắng nở chưa (Chiều trên bến Nậm Mu); Kìa hoa ban đã nở – Trắng hồ chiều Than Uyên (Chiều). Tất cả chỉ để vẽ thêm một nét vẽ về Than Uyên xinh đẹp và thanh bình. Phải yêu lắm, người ta mới có được những góc nhìn ấy. Nhỏ bé, đời thường thôi nhưng thể hiện rất nhiều. Chế Lan Viên từng nói: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở – khi ta đi đất bỗng hoá tâm hồn”. Những mảnh đất mà chúng ta sinh sống luôn gắn bó, trở thành máu thịt, hoà lẫn vào tâm hồn ta.
Than Uyên thay da đổi thịt hàng ngày. Những thuỷ điện mọc lên trên những dòng sông. Điều đó giúp kinh tế phát triển theo đúng xu hướng của thời đại. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa với việc cống hiến, hi sinh của những người dân nơi đây. Họ phải di dân, thay đổi địa bàn sinh sống vì một tương lai tốt đẹp hơn. Phạm Đào cũng như họ, cũng nhớ thương những bản làng cũ, mà tất cả giờ đây chỉ còn trong kí ức: Tà Mít ơi nghĩ thôi lòng muốn khóc – Nhớ bản xưa, nhớ nắng sớm Phiêng Dường (Chiều trên bến Nậm Mu) ;Đâu rồi Phiêng Dường, Nậm Sỏ – Chỉ còn nước trắng mênh mông … – Ngày mai, ngày mai, mai nữa – Biết ai còn nhớ bản mình – Vốc ngụm nước sông uống cạn – Ngậm ngùi, tôi gọi Pá Ngùa ơi (Về bản cũ). Cảm hứng này vẫn nằm trong điệu thơ quen thuộc của Phạm Đào: Luôn hoài cổ, tiếc nhớ và lưu giữ những giá trị xưa cũ. Thương nhớ là vậy nhưng thơ chị vẫn hừng sáng về một ngày mai tươi đẹp hơn: Bản Chát giờ mang điện đến muôn nơi – Dân ấm no vẫn nhớ thương bản cũ … Da diết nhớ… – chiều mênh mang sóng nước – Nắng vu vơ thắp sáng cánh hoa vàng (Chiều trên bến Nậm Mu); Nậm Mu ngày đêm không ngủ – Sông chờ trăng sáng phía đêm (Về bản cũ)… Tin tưởng một tương lai ấm no, hạnh phúc cho mình và mọi người cũng là một cách thể thiện tình yêu của nhà thơ với mảnh đất quê hương Than Uyên yêu dấu.
Nói chung, Phạm Đào là nhà thơ trẻ nhưng đã cố gắng bằng những trải nghiệm thực tế, bằng tâm hồn nhạy cảm và tình yêu với thơ đã thể hiện được tình cảm của mình với quê hương, xứ sở. Trong thơ chị tràn đầy tình đời, tình người đậm chất nhân văn, tinh tế. Có thể chỉ từ những điều rất giản dị đời thường, bé nhỏ nhưng lại hết sức chân thành, sâu lắng. Đó cũng là cách chị đóng góp cho quê hương Lai Châu và nền văn nghệ trẻ tỉnh nhà. Chúng tôi tin với bút lực và tình yêu ấy, độc giả Lai Châu sẽ còn được đón nhận nhiều tác phẩm hay của chị. Đọc để đồng cảm và thêm yêu mảnh đất này.
Thùy Giang