Về xã Phìn Hồ hỏi thăm ông Vàng ai cũng biết. Bà con thường nói chuyện về ông Vừ A Vàng, 78 tuổi, bản Séo Lèng 1, xã Phìn Hồ, huyện Sìn Hồ (Lai Châu), người đã hiến gần 4000m2 đất để xây trường học.
Bên chén trà, trong căn nhà gỗ xinh xắn dưới rặng tre ở Séo Léng 1, xã Phìn Hồ, ông Vàng mở lòng về tuổi thơ khốn khó của mình. Thuở nhỏ cậu bé Vừ A Vàng mồ côi cả cha lẫn mẹ phải ở với chú thím. Khi xã có chủ trương khuyến khích con em đồng bào đi học, A Vàng nghĩ, phải học giỏi cái chữ sau này làm cán bộ về giúp bà con mình. A Vàng ham học lắm, bạn bè ngại xa nhà nên bỏ dở hết, còn cậu vẫn quyết tâm theo học hết lớp 7/10 tại Khu tự trị Thái Mèo ở Quỳnh Nhai – Sơn La..
Năm 1962, ông được xã cử đi học lớp Sơ cấp Nông nghiệp sau khi ra trường, ông về công tác tại Trại chăn nuôi Mao Sà Phìn, rồi chuyển sang Phòng Nông nghiệp huyện. Năm 1965, ông chuyển về xã làm thư ký ủy ban, rồi phó Chủ tịch Hội đồng, rồi Chủ tịch Hội đồng nhân dân xã. Thời ấy, chủ tịch xã ở đâu thì ủy ban họp ở đó. Lớp học đầu tiên của xã được bà con dựng tạm bằng tranh tre nứa lá ngay trên đồi cao thuộc bản Phìn Hồ. Thấy lớp học nằm ở địa điểm xa các bản không thuận lợi cho việc đi lại học tập của con em. Năm 1971, ông bàn bạc với gia đình hiến một phần đất ở để làm lớp học. Và lớp học bằng gỗ 2 gian, ông và bà con tự tay vào rừng xẻ gỗ, lấy ranh về lợp, vị trí lớp học ngày đó, chính là tiền thân của ngôi trường trung tâm xã Phìn Hồ ngày nay.
Trường THCS xã Phìn Hồ được xây dựng trên mảnh đất của gia đình ông Vàng.
“Mỗi khi về bản thấy con em đói chữ mà tủi, nhìn tụi nhỏ cực nhọc leo mãi lên tận đỉnh đồi mới đến lớp, mùa đông gió thốc hất cả mái ranh mà thương lũ nhỏ quá! Nắng thì còn đỡ, chứ hôm mưa khổ lắm, có lớp học kiên cố, địa điểm thuận lợi, trước tiên con cháu mình được học cái chữ đở vất, các thầy cô về dạy cũng yên tâm gắn bó với bản hơn”, ông nhớ lại
Những ngày đầu, trường có duy nhất một thầy giáo, mọi việc ăn ở, sinh hoạt của thầy tất cả đều ở trong gia đình ông. Huyện, tỉnh ở xã thiếu thốn đủ thứ, nhưng các thầy ai cũng vui coi gia đình ông như người thân. Ông nhớ mãi một kỷ niệm về thầy giáo Nguyễn Nhất Định, khi lên nhận công tác có đưa cả vợ mới cưới cùng lên, khi đó nhà trường chưa có phòng tập thể, tất cả các thầy cô lên đây đều tá túc ở nhà bà con, ông và vợ đã phải nhường căn buồng của mình cho thầy làm phòng hạnh phúc. Năm 1979, chiến tranh biên giới phía Bắc nổ ra, để đảm bảo cho việc dạy học ông Vàng đã cùng các thầy cô giáo và học sinh sơ tán xuống lán nương của gia đình và tổ chức lớp học ở đây, tuy khó khăn, nhưng tất cả đều cố gắng, cùng đồng tâm cộng khổ vì sự nghiệp chung. Năm 2000, huyện có kế hoạch xây trường lớp học kiên cố, nhưng gặp phải khó khăn là hạn hẹp về mặt bằng. Ông và gia đình tiếp tục hiến thêm đất để xây thêm 6 phòng học, 3 phòng ở cho học sinh và một dãy nhà hiệu bộ.
Thầy giáo Trần Đăng Châu – Bí Thư Chi bộ, Hiệu trưởng trường tiểu học Phìn Hồ, người có 16 năm gắn bó với giáo dục Phìn Hồ tâm sự: “Ngày chúng tôi về nhận công tác, mọi sinh hoạt cũng về nhà ông Vàng, ngày đó các ban ngành đoàn thể xã, mọi hoạt động đều ở nhà ông Vàng cả. Ông Vàng là đại biểu đặc biệt của nhà trường trong các ngày lễ. Chúng tôi vẫn mang câu chuyện hiến đất xây trường của gia đình ông kể với các thế hệ giáo viên và học sinh trong các giờ ngoại khóa, các ngày kỉ niệm như một sự biết ơn”.
Sự nghiệp giáo dục xã Phìn Hồ ngày một phát triển, để theo học lên cấp II, các em phải học nhờ bên các xã bạn và nhiều em bỏ học giữa chừng vì ngại đi xa. Trước thực trạng trên cấp Ủy, chính quyền xã, phòng giáo dục triển khai kế hoạch xây trường cấp II. Đã nhiều lần các ban ngành khảo sát mặt bằng, nhưng chưa tìm được vị trí thích hợp, khi tìm được địa điểm, thì lại khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Không tính toán thiệt hơn, một lần nữa gia đình ông lại tình nguyện hiến mảnh đất còn lại, chính là ngôi nhà sàn gia đình đang ở để nhường đất xây dựng trường cấp II. Cảm phục nghĩa cử cao đẹp của ông với sự nghiệp giáo dục xã nhà, đơn vị thi công đã hỗ trợ gia đình ông bằng việc xây tặng một căn nhà cấp bốn 3 gian mái lợp ploximang, cũng là để tri ân và giúp gia đình sớm sổn định cuộc sống khi về nơi ở mới. Năm 2003, trụ sở ủy ban và trạm y tế xã cũng xây tạm trên đất của gia đình ông, năm 2010, ủy ban và trạm y tế xã chuyển về địa điểm mới, toàn bộ cơ sở được bàn giao cho trường Mầm non. Như vậy, n 3.841m2 diện tích đất ở và đất nương của gia đình ông đã hiến tặng hoàn toàn cho việc xây trường.
Nghĩa cử của gia đình ông được bà con dân bản biết ơn, ghi nhớ. Và sự nghiệp giáo dục nơi đây ngày một phát triển, đến nay, xã vinh dự được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục THCS, nhiều con em trong xã tốt nghiệp đại học, cao đẳng có ngành có nghề. Với 30 năm tuổi đảng, đảng viên Vừ A Vàng luôn nêu cao vai trò già làng trưởng bản gương mẫu, đầu tàu, ông là tấm gương, niềm tự hào của bà con H’Mông xã Phìn Hồ..
Hà Minh Hưng