L.T.S: Tác giả Bùi Thị Sơn – Chi hội Văn học Nghệ thuật thành phố Lai Châu được bạn đọc biết tới qua các tập sách: “Trai rừng”, “Trăng và lục bát”, “Tôi tam giác”, “Khăn piêu”, “Tình internet” (tập thơ), “Dưới chân núi Đá Ô”, “Kỷ niệm về một người lính” (tập truyện ngắn), “Trở về với núi” (Tập tản văn), “Khát” (tiểu thuyết)… Dù ở thể loại nào, với tính cách hồn hậu, kết hợp cái mộc mạc, dễ thương của con người miền núi với chất tinh tế, đa cảm và nhạy cảm của cô gái miền xuôi, ngòi bút Bùi Thị Sơn đã thu hút được cảm tình người đọc với những nét rất riêng, không lẫn với bất kỳ ai.
Tạp chí Văn nghệ Lai Châu giới thiệu “Chương 36 – Những người bạn mới” trong Tiểu thuyết “Khát” của tác giả Bùi Thị Sơn.
Sáng chủ nhật, bố dẫn hai chị em Ái Lâm và Quốc Hùng sang chơi nhà bác Giàng A Páo. Đến nhà, chỉ thấy hai đứa bé trai nhỏ xíu, tóc vàng hoe đang đánh pao ngoài sân. Bố hỏi tiếng Mông câu gì, hai đứa cũng lắc đầu quầy quậy: “Chi pâu! Chi pâu!” (Không biết! Không biết!).
Nói là nhà cho sang, ở nơi sơ tán, nhà bác Páo chỉ rộng hơn cái lán của anh em khu tập thể một chút thôi. Bố bảo bác ấy nguyên là Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính tỉnh Lai Châu được điều về làm Phó Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Tây Bắc. Bác cũng mới về Tủa Chùa đón vợ con xuống ở cùng. Bố chào hai cậu bé tên là Giàng A Tằng và Giàng A Làng bằng tiếng Mông rồi đưa hai chị em sang chơi nhà bác Bế Văn Điềm.
Nhà bác Bế Văn Điềm cũng giống nhà bác Páo: nền đất, lợp gianh và xung quanh thưng toàn bằng vách nứa. Trên vách nứa treo một bức ảnh lớn, ở dưới ghi rõ: Bác Hồ cùng Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà thơ Tố Hữu lên thăm cán bộ, chiến sĩ và đồng bào các dân tộc Tây Bắc nhân dịp kỷ niệm 5 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ. Bố chỉ cô bé xinh xắn đeo khăn quàng đỏ đứng cạnh Bác Hồ:
– Đây là chị Bế Thị Xúy con gái bác Bế Văn Điềm đấy! Còn người đàn ông cao lớn đứng phía bên phải Bác Hồ là bác Lò Văn Hặc, Chủ tịch Ủy ban Hành chính khu Tây Bắc đấy, các con ạ.
Ái Lâm ngắm ảnh mãi không chán mắt.
Rồi bố lại đưa hai chị em sang thăm nhà cô Nông Thị Mão, cùng làm việc ở Ban Tuyển sinh với bố. Chồng cô Mão là chú Thanh – Chánh Văn phòng Ủy ban Hành chính khu. Nhà cô chú có hai em gái tên là Ban Mai và Mai Anh, một em trai là Thanh Tùng, đứa nào cũng xinh xắn, kháu khỉnh lắm! Cô chú tha thiết mời ba bố con ở lại ăn cơm cùng gia đình cho vui nhưng bố bảo chưa cắt cơm tập thể nên từ chối về ngay.
Bố lại đưa hai chị em sang thăm nhà bác Lò Văn Hặc. Nhà bác Hặc rộng rãi hơn nhà bác Páo và nhà bác Điềm, nhà cô Mão chút xíu thôi. Bác trai đi họp ở Hà Nội chưa về. Nhà chỉ có một bác gái to lớn và một đứa con gái gầy guộc, cao hơn Ái Lâm hẳn một cái đầu. Bác gái niềm nở đón chào bố:
– Vào nhà chơi đi.
Hai chị em lễ phép chào bác gái. Đứa con gái cũng lễ phép chào bố:
– Cháu chào chú ạ!
Bố nói:
– Em đem hai cháu Lâm và Hải về ở cùng để cháu đi học cấp II, chị ạ.
Và quay sang hai con, bố giới thiệu:
– Đây là bác Hặc gái, còn đây là bạn Mai Trinh – bạn học cùng lớp với các con đấy. Các con làm quen với nhau đi.
Cái Trinh nói: “Chào hai bạn”. Ái Lâm cũng nói “Chào bạn”. Còn Hải thì chỉ “ừ” và nói thêm: “Tớ tên là Hồng Hải, nhưng ở nhà quen gọi là Hùng – Quốc Hùng đấy, bạn ạ”.
Bác gái xoa đầu Hải và nói:
– Đẹp trai quá! Hồng Hải có nghĩa là biển đỏ đấy.
Ái Lâm ngưỡng mộ nhìn bác gái. Bác gái thật là hiểu biết.
Dọc đường về, bố kể cho hai chị em biết về bác Lò Văn Hặc. Thời thuộc Pháp, bác Hặc là thủ lĩnh dân tộc Thái vùng Điện Biên. Bác đã sớm giác ngộ cách mạng, theo Bác Hồ để bảo vệ “làng trời”, chống lại ách thống trị của thực dân Pháp và tộc trưởng Đèo Văn Long. Cuộc đời bác gắn liền với lịch sử chống ngoại xâm và đấu tranh của các dân tộc Tây Bắc để có một vùng đất tươi đẹp như ngày hôm nay. Nghe giọng kể của bố, tuy chưa gặp bác Hặc, song Ái Lâm biết bố quý trọng bác lắm!
Buổi chiều, bố đem học bạ của hai chị em sang nhà thầy Diễn – hiệu trưởng để sáng mai hai con đi học sớm.
Nơi sơ tán của trường phổ thông cấp hai Chiềng Sinh nằm trong một khu rừng nguyên sinh rất đẹp. Lớp học là những căn nhà lợp gianh thưng phên nứa ẩn dưới những tán lá xum xuê tỏa bóng mát rượi. Lớp học khác lại nằm dưới vòm cây dây leo màu vàng óng ả, mềm mại như dây tơ hồng… Các bạn học sinh đều là con em gia đình cán bộ khu nên mặc dù đi sơ tán không được mặc đồng phục quần xanh áo trắng mà chỉ được mặc những bộ quần áo tối màu, vai đeo khăn quàng đỏ thắm nhưng nom bạn nào cũng gọn gàng, sáng sủa lắm! Chị em nhà Ái Lâm trừ thời gian mẹ đi học xa mấy tháng, chứ lúc nào ở nhà mẹ cũng chăm chút cho các con ăn mặc tử tế, sạch sẽ, chưa đứa nào phải mặc quần áo vá bao giờ. Mẹ thường ngâm quần áo nửa tiếng mới giặt giũ. Mẹ bảo ngâm như thế quần áo vừa sạch vừa đỡ tốn xà phòng. Mà phải lộn trái phơi dưới nắng cho thật thơm và giữ được bền màu. Bây giờ ở xa mẹ, Ái Lâm cũng bắt chước mẹ làm như thế cho mình và cho em trai. Chiều tối hôm qua, bố còn xuống bếp ăn tập thể xin ít than hồng cho vào bàn là để là hai bộ quần áo thật phẳng phiu cho hai con đi dự buổi chào cờ đầu tiên. Vừa vào đến lớp học, Ái Lâm đã ngửi thấy một mùi hương thoang thoảng rất dễ chịu. Nó cứ thầm hỏi mùi hương ấy là hương hoa gì, và tỏa lan từ phía nào. Mãi sau mấy ngày đi học nó mới phát hiện ra đó là mùi hương hoa ngọc lan mà các bạn gấp vào hai ống tay áo rồi xắn lên hai ba khấc để lưu lại mùi thơm. Một số bạn đi học qua khu rừng có cây hoa ngọc lan thường trèo hái đem lên lớp chia cho các bạn khác cùng xắn vào tay áo cho thơm. Từ nhỏ, Ái Lâm mới chỉ nhìn thấy hình ảnh bông hoa ngọc lan chúm chím, xinh xinh in trên vỏ hộp thuốc đánh răng Ngọc Lan. Đến bây giờ nó mới nhìn thấy tận mắt những bông hoa trắng muốt, nhỏ nhoi, e ấp toả hương thơm dìu dịu. Nó thầm nghĩ: bạn nào là người đầu tiên nảy ra sáng kiến lưu lại mùi hương thơm tinh khiết này trên áo ắt hẳn là một người có tâm hồn tinh tế lắm đây…
Trên dọc đường đi học và về học, các bạn ấy còn hay lấy các loại lá đẹp ép vào quyển vở cho khô cứng lại. Ái Lâm thấy hay hay và bắt chước liền. Nhưng Ái Lâm không bắt chước các bạn bắt những con bướm màu sặc sỡ ép vào giữa trang sách. Làm thế, nó thấy độc ác lắm! Tự dưng sao lại cướp đi sự sống của con bướm nhỏ nhoi xinh đẹp làm thú vui cho mình được nhỉ?
Ở cấp I, Ái Lâm theo cơ quan cha mẹ đi sơ tán nay chỗ nọ mai chỗ kia nên toàn phải học nhờ trong bản. Ái Lâm đã tìm thấy ở các bạn trong bản Thái tình cảm mộc mạc, thật thà, dễ gần dễ mến lắm! Bây giờ về học ở trường dành cho con em cán bộ khu, Ái Lâm đã nhận ra một sự khác biệt với các bạn trong bản: Các bạn ở đây có cuộc sống nhàn hạ, đầy đủ hơn, hiểu biết và nói năng lịch sự hơn, nhưng có vẻ điệu đàng và tiểu tư sản nữa. Ái Lâm hay đọc trộm tiểu thuyết phương tây của anh Quyền nên tính nó mơ mộng viển vông, xa thực tế. Nó nhớ đến hồi còn ở Bó Pháy, mới chín tuổi mà nó đã phải xa bố mẹ, trông nom hai đứa em: một đứa tám tuổi, một đứa bẩy tuổi, cả ba chị em bị lở loét, chấy rận đầy đầu mà rùng hết cả mình.
Bây giờ lên cấp hai, có nhiều thầy cô giáo dạy các bộ môn riêng theo từng tiết học. Ái Lâm thích nhất là thầy Lê Đình Mừng dạy toán và thầy Nguyễn Ngọc Ngư dạy văn. Thầy Mừng vui tính, thầy Ngư nghiêm nghị nhưng cả hai thầy đều rất say chuyên môn và yêu quý học sinh lắm!
Quốc Hùng nhanh chóng làm quen với tất cả các bạn trong lớp nhưng nó chơi thân nhất với bạn Lương Sơn và bạn Hoàng Hữu Tuyên. Bạn Lương Sơn là con trai bác Lương Nghĩa – bạn của bố – làm Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân khu. Bạn Hoàng Hữu Tuyên là con trai nhà báo Hoàng Ngọc – cũng là bạn của bố. Lương Sơn trắng trẻo, thanh cảnh, có mái tóc quăn mềm mại phủ xuống bờ trán rộng, nom giống nghệ sĩ lắm! Bạn này vui tính và thân thiện với bạn bè nhưng hay nghịch ngầm. Hoàng Hữu Tuyên cũng đẹp trai, cao lớn và có đôi mắt mơ màng. Bạn này hiền nhưng hay vẽ phong cảnh và vẽ trộm con gái trong giờ học .
Ở một lớp học có đến ba chục đứa, bạnVũ Thị Thuận – con gái duy nhất của bác Quàng Dương – Phó Chủ tịch Khu làm lớp trưởng; bạn Lò Mai Trinh – con gái bác Lò Văn Hặc – Chủ tịch khu làm lớp phó. Ấy là do cả lớp bầu ra. Và hai bạn ấy cũng rất xứng đáng với vai trò của mình vì các bạn ấy đều học giỏi, đều đầu tầu gương mẫu trong các hoạt động của lớp, của trường chứ chẳng phải vì bố các bạn ấy làm lãnh đạo to nhất khu đâu. Sau này Ái Lâm hỏi bố:
– Sao bạn Vũ Thuận lại không mang họ của bố bạn ấy?
Bố giải thích:
– Bác Quàng Dương tên thật là bác Vũ Văn Thấm – người Hà Nội chính gốc đấy! Quàng Dương là tên bí danh để bác hoạt động cách mạng thôi. Cũng như các con mang họ Bùi mà bố lại mang họ Hoàng vậy.
À, thì ra là thế!
Ở lớp năm, Ái Lâm thân với ba bạn gái: bạn Triệu Minh Loan, Nông Thị Thuận và Trần Thị Hài. Bạn Triệu Minh Loan – con bác Triệu Duy, sĩ quan quân đội là một bạn gái bụ bẫm, trắng trẻo có gương mặt xinh xắn với đôi mắt to tròn, lúc nào cũng ánh lên nét cười tươi roi rói. Bạn ấy diện và hát hay nhất lớp, tính tình lại hồn nhiên, thơm thảo, hào phóng. Mùa đông, bạn ấy hay mặc chiếc áo nhung kẻ sọc màu đỏ, cổ tròn, càng tôn thêm nước da trắng hồng, mịn màng. Mẹ bạn ấy làm bánh gai rất ngon. Khi lên lớp, bạn ấy thường túm nhiều chiếc bánh gai vào tàu lá chuối xanh, đút vào chiếc cặp to kếch xù để đến giờ ra chơi chiêu đãi cả lớp. Có một lần, Ái Lâm năn nỉ bố cho ra nhà bạn Loan chơi. Bố bảo:
– Để đến chủ nhật, bố dẫn cả hai con ra nhà bác Triệu Duy chơi nhé!
Sáng chủ nhật, bố cắt cơm tập thể và rủ hai con cùng đi săn chim cu gáy với bố. Vừa vào đển khu rừng Muổi Nọi, bố bảo hai con đứng cách xa sau bố, còn bố lò dò vừa đi vừa ngước nhìn lên cành cây cao. Vừa nghe tiếng nổ đanh, gọn, chị em Ái Lâm đã chạy nhào vào nhặt chim cùng với bố. Bố tài thật, bắn một phát xuyên táo mà rụng mười bảy con chim. Chắc bố bắn loại đạn một trăm viên nên đạn nó mới tỏa ra như thế! Ái Lâm thắc mắc:
– Sao bố không bắn liền hai phát có phải được gấp đôi, đỡ phải bắn nhiều lần không ạ?
Quốc Hùng xì một tiếng:
– Chị thật ngốc. Súng của bố chỉ dùng cả hai nòng khi săn hươu, gấu, lợn rừng… thôi chứ! Bắn chim thì chỉ một phát đã đánh động những con còn sống sót bay vù đi rồi, làm gì còn con nào trên cây để mà bắn thêm phát thứ hai?
Ừ, mình ngốc thật. Ái Lâm thấy Hùng nói chẳng sai nhưng cái cách nói của nó làm cho Ái Lâm cảm thấy tự ái, khó chịu lắm. Chưa hết, Quốc Hùng còn quay lại hỏi Ái Lâm:
– Thế em đố chị: Nếu trên cành cao kia có hai mươi con chim, bố bắn xuyên táo một phát dược mười hai con thì trên cành còn bao nhiêu con nào?
Hỏi gì mà dễ ợt? Ái Lâm đáp liền:
– Còn tám con.
Cu Hùng cười:
– Nghe tiếng nổ thì tám con còn lại nó cũng bay vù hết chứ nó còn đậu ở trên cây cho chị đếm à?
Ái Lâm ngớ ra, nó thật thà không biết thằng em đố mẹo.
Bố quay lại, nhắc:
– Hùng không được nói chị Ái Lâm như thế! Có gì chị chưa hiểu thì con phải giải thích từ từ chứ…
Được lời của bố, Ái Lâm nhẹ cả người. Nó không tự ái với cu Hùng nữa mà xăng xái cùng cu Hùng đi theo bố vào sâu trong rừng.
Sau phát súng thứ tư, ba bố con đã đếm được tổng cộng ba mươi chín con chim cu gáy. Có một con chim bị nát toét, bố vứt ra ngoài, không cho vào túi nữa. Cu Hùng láu táu, ra vẻ ta đây cái gì cũng biết:
– Con này chắc ở chính giữa điểm ngắm của bố nên bị trúng nhiều đạn nhất đấy, bố nhỉ!
Ái Lâm ngoái lại nhìn con chim xấu số nằm trên lớp lá mục ải, máu tươi đỏ mà rùng mình. Nó nhớ lại câu chuyện “Em Mai và người khổng lồ” nó đã đọc hồi còn nhỏ. Em Mai vào rừng hái hoa bắt bướm, bị người khổng lồ bắt được, nhốt vào trong một chiếc lồng rất đẹp. Hắn thả vào trong lồng biết bao nhiêu là của ngon vật lạ, rồi cười bảo với em Mai: “- Ăn đi rồi hát cho tao nghe”. Em Mai đói lắm nhưng không thiết gì ăn. Em khóc lóc, giãy giụa, chỉ mong được về nhà với bố mẹ thôi… Ái Lâm đọc đến đó, nước mắt đã lưng tròng. Nhưng đến cuối chuyện, tác giả lại viết: “Các em nhỏ. Các em hay phá tổ chim! Nếu có người bảo với các em rằng: Em Mai chính là con chim nhỏ trong lồng, còn người khổng lồ chính là các em đó thì các em nghĩ sao?”. Đọc đến đấy thì Ái Lâm hiểu đây là câu chuyện giả tưởng, người ta khuyên các em nhỏ không nên phá tổ chim thôi. Bố của Ái Lâm hiền lắm, bố không giống cái người khổng lồ độc ác kia đâu, bố đi săn là để cải thiện đời sống gia đình và giúp đỡ hàng xóm láng giềng trong thời buổi thực phẩm khan hiếm này thôi. Ái Lâm tìm mọi cách bênh vực cho bố vì bố là người nó yêu kính và tự hào nhất trên đời này. Nhưng suốt dọc đường nó vẫn bị hình ảnh con chim ám ảnh. Bố giục:
– Ái Lâm, rảo chân lên chứ con! Tí nữa nắng to thì mệt đấy!
Dọc đường về, bố còn bẻ thêm được ba ngọn măng nứa và hái được môt nắm mộc nhĩ tươi nữa chứ. Ba bố con xách hết các thứ đến thẳng nhà bác Triệu Duy. Hai bác ùa ra ngõ, đón chào niềm nở:
– Có khách quý đến chơi nhà rồi!
– Ba bố con ở đây ăn cơm nhé!
Bố cười xởi lởi :
– Đúng thế! Ba bố con đã có ý định này từ tối hôm qua rồi.
Trong lúc bố uống nước chè, hút thuốc lào và nói chuyện với bác trai thì Minh Loan dẫn Ái Lâm và Quốc Hùng vào bếp giúp bác gái làm bữa trưa. Ái Lâm chỉ biết bóc vỏ măng và nhặt chân mộc nhĩ vứt đi, rồi rửa măng, rửa mộc nhĩ thôi, còn việc vặt lông chim cu gáy thì hai đứa nó vừa làm vừa chòng ghẹo, cãi nhau chí chóe. Bác trai vui tính, còn bác gái thì hiền từ, ít nói và nấu ăn giỏi lắm!
Bữa trưa, bác gái bưng lên món chim gáy băm nhỏ xào gừng thơm lừng, món chim gáy tẩm mắc khén nướng cả con trên than hồng thơm điếc cả mũi. Rồi măng luộc, mộc nhĩ xào, cá chép rán, trứng gà ốp lếp nữa, toàn các món ngon ơi là ngon. Quốc Hùng bảo Minh Loan:
– Nhà bạn giàu nhỉ?
Cái Loan cười:
– Cũng bình thường thôi. Trứng gà là gà nhà tớ nuôi đẻ đấy. Còn cá là của bác Phóng bên bản Hon tát ao đem cho đấy.
Quốc Hùng chỉ ngôi nhà :
– Tớ bảo nhà bạn giàu là nói nhà bạn đẹp cơ.
Bây giờ Ái Lâm mới để ý đến ngôi nhà gỗ của bác Triệu Duy: Trong lúc đi sơ tán, ai cũng ở lán trại, đến nhà bác Hặc Chủ tịch khu cũng chỉ là nhà đất lợp gianh tre vách nứa mà nhà bác Triệu Duy lại là nhà gỗ lợp tôn, nền láng xi măng đàng hoàng nhé! Nhưng xung quanh nhà bác không phải thưng bằng mảnh gỗ to đâu. Đó là bác tận dụng các mảnh gỗ nhỏ trong những chiếc hòm đựng xà phòng 72, bác mua của thương nghiệp ghép lại mà thành. Bác này khéo tay và có óc thẩm mĩ thật đấy!
Bác gái đem lên một chai lẩu sơ trong vắt. Bác trai cười khà khà:
– Hôm nay Triệu Lẩu với Hoàng Can phải vui hết mình nhé! (Mọi người vẫn gọi đùa bác Triệu Duy là Triệu Lẩu vì bác uống rượu giỏi, và gọi bố là Hoàng Can – ý trêu bố uống rượu phải hết một can mới say í).
Minh Loan ý tứ ngồi bên nồi cùng mẹ đơm cơm cho cả nhà. Hai đứa em nhỏ của Loan ngoan ngoãn ngồi xen giữa hai chị em Lâm, Hùng. Bác Duy gái liên tục gắp thức ăn vào bát cho mọi người. Không khí gia đình đầm ấm, hạnh phúc quá, các món ăn thơm ngon hấp dẫn quá làm Ái Lâm quên khuấy chuyện lúc ở trong rừng, nhìn thấy thương con chim quá, nó đã tự nhủ: “Từ hôm nay, mình nhất định không ăn món thịt chim nữa…”
BÙI THỊ SƠN