“Những dấu chân xanh” trên đất Phòng Tô

Huyện biên giới Phong Thổ thuộc tỉnh Lai Châu nằm giữa hai dãy núi là Hoàng Liên Sơn và Pu Sam Cáp.

Phía đông và nam giáp với tỉnh Lào Cai, phía tây giáp với huyện Sìn Hồ, phía bắc giáp với huyện Kim Bình (Vân Nam – Trung Quốc). Không biết tên địa danh Phong Thổ có từ khi nào, nhiều người quen gọi là “đất gió”, họ hiểu chung chung theo nghĩa tiếng Quan Hỏa, “Phong” tức chỉ gió, “Thổ” là đất. Theo cuốn “Notes sur les pays Tai de Phong-thô” (Ghi chép về các vùng Thái Phong Thổ) của học giả Maurice Durand – Giám đốc Viễn Đông Bác cổ, xuất bản năm 1952, địa danh này được viết là “豐收” đọc theo tiếng Hán là “Phong Thu”, âm Hán – Việt là “Phong Thổ”. Triết tự chữ Hán trên cho thấy “Phong trong “Phong đăng” với đầy đủ ý nghĩa là “ngũ cốc phong đăng” (tức: Mùa màng bội thu), “Thu” trong “Thu hoạch”, hiểu là Thu hoạch được mùa. Bởi, xưa vùng này nổi tiếng có đất đai phì nhiêu màu mỡ, thuận lợi cho việc canh nông. Còn với cố nghệ nhân Nông Văn Nhay (xã Mường So, huyện Phong Thổ) cho rằng địa danh “Phong Thổ” được hiểu là “Phòng Tô” và được đọc trại thành Phong Thổ, có người lý giải “Phòng Tô” là nơi trấn giữ biên ải trọng yếu và điểm thu tô thuế, vận chuyển các thiết yêu phẩm quan trọng bằng đường thủy thời trước…

Dịp này, anh em nhiếp ảnh Lai Châu có chuyến công tác với Trung tá Nguyễn Đức Duẩn – Chủ nhiệm Nhà văn hóa – Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Lai Châu. Buổi sáng, đoàn rời thành phố trên chiếc Kia-Suluto 2021, xe chạy êm ru trong tiết trời se lạnh, nhưng vẫn có chút nắng. Cánh nhiếp ảnh vẫn kháo với nhau “đi săn ảnh phong cảnh mà không có năng lọt, mây luồn thì coi như đi cũng bằng không”. Đến ngã ba Mường So, xe ngược dốc lần lượt đi qua những địa danh mà có lẽ phần lớn các thành viên trong đoàn cũng chỉ mới lần đầu biết đến như: Vàng Pheo, Khổng Lào, Bản Lang, Ma Nghé…, mỗi khi có cảnh đẹp, xe bất chợt phanh khựng để các tay máy tác nghiệp. Từ điểm cao nhìn xuống chỉ thấy hun hút một màu xanh thẫm của non ngàn, xen lẫn những chấm nhỏ li ti đủ sắc nâu, xám vàng, đỏ… dấu hiệu của bản làng. Xa xa, những thửa ruộng bậc thang uốn lượn tựa những nét hoa văn được các sơn nữ lành nghề in trên nền thổ cẩm. Lên Dào San mà bảo lạc đường chắc cũng hơi khó, vì ở đây chỉ có một con đường độc đạo nghĩa là cứ hướng bắc mà tiến!

Sau những cú cua tay áo, lớp lớp sương mù xòa vào cửa kính, hiện ra trước mắt san sát những nhà hàng, nhà nghỉ, tiệm kim hoàn, hiệu ảnh… Dào San được ví như một thị tứ vùng biên sầm uất. Cũng phải, vì Dào San là trung tâm của 8 xã thuộc khu vực phía bắc Phong Thổ, nơi này nổi tiếng có chợ phiên, chợ họp một phiên chính vào chủ nhật hàng tuần, nay ta đi đúng ngày chợ đó. Từ sáng sớm, tiếng lợn kêu ụt ịt, tiếng cùng cục của những chú “gà xách tay”; tiếng xe máy gồng mình rú ga và tiếng chân ngựa cồm cộp gõ móng vào đá… Mặt trời lên cao mà sương mù vẫn đặc quánh chẳng thấy mặt người, chỉ nghe tiếng bước chân rậm rịch mỗi lúc một đông. Họ gặp nhau làm náo nhiệt cả một vùng mà ngày thường vốn yên ả là thế. Chợ có đủ các loại sản vật địa phương được bà con mang đến trao đổi. Từ cổng chợ Dào San mà phóng tầm mắt lên, ta sẽ thấy bao quanh là những nếp nhà thưng gỗ, nhà trình tường của dân tộc Mông, Dao, Hà Nhì tựa như những cây nấm khổng lồ mọc lúp xúp ẩn hiện sau những triền núi cao.

Các chiến sĩ biên phòng thực hiện tốt công tác dân vận với bà con biên giới.

Đường lên Dào San toàn dốc những dốc. Dốc cao dựng đứng như lên trời, một bên là núi trập trùng, lớp lớp, phía tay phải là taluy âm vực sâu hun hút. Nơi đây có quy định đã thành luật tục và quy ước rằng: Một năm có hai lần cúng rừng (tháng 3 và tháng 6 âm lịch) chỉ sau khi thầy mo xin phép thần rừng, bà con mới được vào lấy củi khô, nhưng cấm săn bắt động vật, hay chặt cây, lấy gỗ. Rừng ngày càng được người dân trông coi, bảo vệ nghiêm ngặt hơn.

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn là Đồn Biên phòng Dào San, Trung tá Hoàng Viết Sỹ – Trưởng Đồn cùng Chính trị viên phó, Thiếu tá Sùng A Hùng đón chúng tôi bằng cái bắt tay chắc nịch cùng nụ cười hồ hởi. Từ cổng chính đi lên sân doanh trại hình ảnh đầu tiên chạm vào mắt chúng tôi thật ấn tượng. Có lẽ, nó ấn tượng và đặc biệt hơn với những người trẻ như chúng tôi, khi lần đầu tiên đến Đồn Biên phòng và trông thấy một khẩu hiệu đặc biệt như thế. Đó là hai câu thơ được trích trong bài thơ “Chinh Đèo Cát Hãn, quá Long Thủy đê” (Đi đánh Đèo Cát Hãn trở về, qua đường đê Long Thủy) của vua Lê Thái Tổ. Bài thơ được khắc trên vách núi Hào Tráng (Hòa Bình) khi nhà vua dẫn binh đi dẹp cuộc phản loan Đèo Cát Hãn ở Tây Bắc vào năm 1429. Thiếu tá Hùng cho biết anh em ở đây ai cũng thuộc nằm lòng hai câu thơ trên, rồi anh nhìn về mọi người và đọc một cách tráng nghiêm đầy hào khí: “Biên phòng hảo vị trù phương lược/ Xã tắc ưng tu kế cửu an”, tạm hiểu nghĩa là (Lo việc biên phòng cần có phương lược sẵn sàng/ Giữ nền xã tắc nên tính kế dài lâu). Thật đúng là “vật báu” mà vua Lê Thái Tổ đã truyền dạy kinh nghiệm cho các đời sau về phương lược bảo vệ biên cương, giữ yên lâu dài bờ cõi đất nước. Tôi thầm nghĩ, các anh thật may mắn và tự hào khi được thừa hưởng truyền thống văn hóa, nghệ thuật quân sự của cha ông, và giờ chính là lúc các anh cần phát huy những tinh hoa trong nghệ thuật để vận dụng một cách khoa học, khôn khéo, linh hoạt trong tình hình mới.

Tranh thủ trước giờ cơm trưa, Thiếu tá Hùng mời đoàn đi thăm khuôn viên Đồn, chúng tôi dừng chân tại khu tăng gia, ở đây có vườn rau, ao cá, chuồng trại chăn nuôi được bố trí thật quy củ. Đang bận tay bên những thứ rau băm cho lợn, thấy chúng tôi tới, chiến sĩ Lò Ngọc Thiện, phụ trách khu chăn nuôi nở một cười thân thiện, rồi anh lần lượt giới thiệu chi tiết từng khu vực với đoàn. Thiện cho biết đội của anh có ba đồng chí, hiện giờ đàn lợn của đồn là 32 con, chưa kể ngựa, dê 7 nái, ngan hơn trăm con và gần 160m2 ao cá trắm cỏ. Chúng tôi dừng chân bên những luống rau cải bắp xanh tốt, chiến sĩ Lò Văn Thích chia sẻ: “Khí hậu trên này lạnh, nên rau bắp cải, su su ăn quanh năm. Ở đây chúng em không để đất nghỉ, rau xanh vừa cải thiện bữa ăn còn tạo thêm nét đẹp cho quang cảnh đồn”. Bữa cơm trưa hôm ấy với các chiến sĩ tại nhà ăn của đồn thật đầm ấm, có đủ các thứ rau, thức phẩm do chính các anh tăng giả sản xuất.

Buổi chiều, trực tiếp Đồn trưởng Hoàng Viết Sỹ đưa cánh nhiếp ảnh chúng tôi về bản sáng tác. Qua câu chuyện anh chia sẻ mới thấy những gian khó của các chiến sĩ quân hàm xanh bám trụ nơi phên dậu như thế nào. Đồn Biên phòng Dào San quản lý hai tuyến đường biên giới là phía đông và phía tây, tổng chiều dài là 16,756km gồm 4 cột mốc chính (82, 83, 68 và 69) và 1 cột mốc phụ (mốc 83(1)). Địa bàn Đồn phụ trách 3 xã là (Dào San, Mù San và Tung Qua Lìn), với 5 dân tộc chính là (Mông, Dao, Hà Nhì, Hoa, Kinh). Khu biên giới phía tây có độ cao trung bình trên 2.000m so với mực nước biển, chủ yếu là các bản thuộc xã Mù San, địa hình có hơi phức tạp, nhưng có sông, suối làm điểm phân mộc, nên việc quản lý kiểm tra có phần thuận hơn. Ngược lại phía đông Dào San là những đỉnh núi cao chót vót, hiểm trở và những cánh rừng âm u có độ cao trung bình từ 2.600 – 2.800m. Những điểm cao như cột mốc 83 quanh năm sương mù dày đặc, cái lạnh buốt như cắt da, cắt thịt. Đường đi cheo leo, mỗi khi đi tuần tra, tay phải bám thật chắc vào dây leo, cứ cắm mặt vào sát vách đá mà nhích từng tí. Nhiều điểm phải đi qua vách núi bằng một thân cây, mắt không dám nhìn xuống; có đoạn chỉ biết níu vào dây mà đu người mới sang được bên kia núi, chỉ cần sơ sẩy một chút là đánh đổi cả tính mạng như chơi. Theo kế hoạch, các anh tuần tra định kỳ mỗi tháng một lần và cứ một quý lại có sự phối hợp tuần tra song phương với biên phòng nước bạn. Thường mỗi lần đi tuần tra từ ba đến năm ngày, nhưng cũng có khi đột xuất các chiến sĩ lại ở rừng nhiều hơn ở đồn. Với tinh thần luôn sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, nên trong ba lô các anh lúc nào cũng đầy đủ lương thực, thuốc men tăng dù, chăn màn… Đêm ngủ thì rải lá cây, căng tăng, cũng chỉ nhắm mắt để đấy, chứ mấy khi ngủ được, chỉ một tiếng động nhỏ cũng làm các anh tỉnh giấc, khi ấy nai nịt gọn gàng, quân tư trang chỉnh tề, lại lên đường tuần tra có khi đến sáng luôn. Nhờ làm tốt công tác bảo vệ đường biên, mốc giới, trong những năm qua tình hình an ninh nơi đây luôn được đảm bảo.

Buổi tối, sương xuống thật nhanh. Cái lạnh ùa về, anh em trong đoàn và các chiến sĩ quây quần bên ấm trà nóng hổi. Nghe anh kể chuyện đời binh nghiệp làm tôi lại nhớ về một kỉ niệm. Mấy năm trước cũng tại nơi này, tôi và các đồng nghiệp của Hội Nhà báo Lai Châu được trực tiếp theo chân Thiếu tá Nguyễn Văn Hiếu – Phó Đồn trưởng Đồn Dào San cùng các chiến sĩ về bản làm công tác vận động quần chúng. Con đường binh nghiệp và chuyện tình của Nguyễn Văn Hiếu, tôi vẫn nhớ như in: Năm 2014, Hiếu là giảng viên trường Học viện Biên phòng, theo lệnh điều động lên tăng cường ở đồn Dào San. Ngày ấy, với anh ngoài nhiệm vụ thì công tác vùng biên chính là bài học thật hữu ích, giúp anh thực tế hơn khi đứng trên bục giảng. Nhưng mỗi lần nói về gia đình, anh vẫn luôn tự hào và nhất quán quan điểm: “Chủ đề tình yêu giữa bộ đội và giáo viên, dù ở thời đại nào vẫn cứ là nhất”. Đôi bạn học chung một lớp, khi cái nắng hè cháy đỏ hoa phượng, ai ai cũng bận cho kỳ thì cuối cấp, tranh thủ truyền tay nhau cuốn lưu bút để viết những lời sâu đậm nhất của một thời hoa niên. Hiếu chẳng biết viết gì, đến hôm trả sổ tay cho bạn cứ lúng ta lúng túng, rồi “ném” một cái nhìn thật lâu khó hiểu, thế là tình yêu của cô cậu học trò cũng bắt đầu từ đó. Ra trường, hai đứa quyết tâm phải thi đậu đại học, phải có công việc ổn định rồi mới tính. Anh tốt nghiệp Học viện Biên phòng, em học xong sư phạm Văn. Nhưng em bảo: “chúng mình vẫn chưa có kinh tế, phải đi làm vài năm nữa anh à, 4 năm còn chờ được huống chi là…”. Hiếu nhận nhiệm vụ, rồi anh lại học lên cao học. Tình yêu của họ cứ như hai véc tơ song hành về phía trước, nó như sợi dây bện chặt ngày một khăng khít hơn. Rồi một ngày kia hai đứa ngoảnh nhìn lại, nhanh quá, thế mà đã 9 năm. Đơn vị cho nghỉ phép. Hiếu tức tốc về cưới vợ. Hết hai mươi bốn ngày phép, anh lại hỏa tốc đi Bình Phước nhận nhiệm vụ mới. Đời quân ngũ ngày đi thì mồn một, còn ngày về thì phải căn cứ vào tình hình. Lặn một hơi 9 tháng sau anh mới được về thăm vợ. Nay thì cặp đôi ấy đã có hai mặt con, Hiếu cũng đã chuyển vùng, nhưng tình yêu và lý tưởng của anh luôn được các chiến sĩ biên phòng Lai Châu không bao giờ quên.

Còn với Chính trị viên Phó Sùng A Hùng, chỉ qua giọng nói chậm rãi, kèm nụ cười hiền khô, không cần đoán cũng biết anh là chàng trai Mông. Qua tâm sự, Hùng cho biết anh là người con chính gốc Dào San, bao cái nắng, cái gió biên cương như hòa cả trong anh. 18 năm anh khoác trên mình quân phục màu xanh của núi rừng, bàn chân anh qua các đồn Nậm Ké (Điện Biên), Huổi Luông (Phong Thổ), Pa Tần (Sìn Hồ), năm 2023, anh về nhận nhiệm vụ mới tại đồn Dào San cho đến nay. Một kỷ niệm mà Hùng không bao giờ quên khi về bản làm công tác dân vận, anh đã gặp Lừu Thị Giang, dân tộc Mông ở Bản Hợp 1 và Giàng Đô Chồ, bản Tung Qua Lìn dân tộc Hà Nhì đang ì ạch cõng trên lưng một gùi sắn bằng cả thân mình. Tìm hiểu, biết hai em có hoàn cảnh khóa khăn, nhà đông anh em, bố ốm yếu, mẹ đi làm thuê, nên các em thường xuyên nghỉ học lên rừng hải măng, đào sắn để bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Thường xuyên các thầy cô tới vận động, nhưng chỉ được buổi đầu, rồi các em lại trốn bặt tăm.

Trước nguy cơ thất học của các em, Thiếu tá Hùng về bàn với Ban lãnh đạo đơn vị và được mọi người đồng tình ủng hộ. Với mô hình “Con nuôi Đồn Biên phòng” và Chương trình “Nâng bước em đến trường”, hằng tháng mỗi em được các anh hỗ trợ 500.000 đồng để chi phí sinh hoạt và học tập đến khi đủ 18 tuổi. Với mô hình này, từ nay Giang và Chồ lại tiếp tục viết nên ước mơ chinh phục con chữ còn dang dỡ. Cũng từ đây, những ông “bố nuôi” biên phòng lại có thêm một mái ấm – mái ấm được nhen lên từ những trái tim nồng hậu, sự yêu thương, bao dung của người lính quân hàm xanh. Được biết, ngoài Giang và Chồ, mới đây Đồn phối hợp với trường Tiểu học Dào San thực hiện Đề án “Chiến sĩ Quân đội nâng bước em đến trường” cho 30 học sinh trên địa bàn.

Đêm về khuya!

Cái lạnh vùng biên ải như càng khắc nghiệt hơn, thỉnh thoảng một vài cơn gió ùa về, kéo theo những hạt mưa lắc rắc. Hình như cây rừng đang trút những loạt lá cuối cùng, để sáng ra đón một ban mai trong trẻo.

Hôm sau, đoàn chúng tôi lên Đồn biên phòng Sì Lở Lầu. Theo phiên âm tiếng Quan Hỏa, “Sì Lở Lầu” nghĩa là (mười hai tầng dốc núi). Nhìn trên bản đồ, thì địa danh này nằm chót vót trên đường vĩ tuyến cao nhất của tỉnh Lai Châu, với ba phía có đường biên giáp với nước bạn Trung Quốc.

Lên tới đỉnh “mười hai tầng đốc núi”, Trung tá Trần Huy Huỳnh – Chính trị viên, Đồn biên phòng Sì Lở Lầu đón chúng tôi tại điểm cao cổng trời. Nghe anh kể về bề dày lịch sử vẻ vang của đồn mới biết. Đồn Sì Lở Lầu trước đây có tên gọi Đồn biên phòng 289, mang phiên hiệu Đồn 1, Công an vũ trang Lai Châu phụ trách đoạn biên giới Việt – Trung, địa bàn có 8 xã với 9 dân tộc ít người. Rồi anh đưa chúng tôi ra ngọn đồi phía sau đồn là đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ với tấm bia khắc tên 27 cán bộ, chiến sĩ của đồn đã hy sinh trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Ngày 19/12/1979, Đồn 1, Công an nhân dân vũ trang tỉnh Lai Châu được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Đồn Biên phòng Sì Lở Lầu hiện giờ quản lý 30,024km đường biên giới với 9 cột mốc chính, 01 lối mở Gia Khâu, 01 xã biên giới (xã Sì Lở Lầu) và nhiều đường mòn qua lại biên giới. Cầm nén hương trước đài tưởng niệm, chắp tay trước ngực viếng anh linh những liệt sĩ đã quên mình vì Tổ quốc. Trên lớp lớp những tấm bia kia là dòng chữ màu vàng còn tươi rói, là tên tuổi của các anh từ mọi miền đất nước từ: Hòa Bình, Vĩnh Phú, Hà Nam, Thái Bình…

Tạm biệt Sì Lở Lầu, nơi xa xôi, hiểm trở nhất cực Tây Bắc biên giới Lai Châu. Chúng tôi về trong lòng rưng rưng một nỗi niềm khôn xiết, mỗi người một tâm trạng, một cảm xúc riêng khi chia tay miền đất này. Trước đây, tôi đã từng băn khoăn, với địa hình biên giới dài, hiểm trở như Lai Châu, lực lượng biên phòng “mỏng”, làm thế nào để các anh có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ. Sau này, tôi đã hiểu: Trên dặm dài biên ải xa xôi, những “dấu chân xanh” không một mình đơn tuyến, bởi bên các anh có bản làng, có người dân biên giới là “tai, mắt” luôn đồng hành cùng các anh sẵn sàng bảo vệ mỗi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.

HÀ MINH HƯNG

>>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.