Trong những ngày đầu tháng 5/2025, đoàn văn nghệ sĩ tỉnh Lai Châu gồm 15 thành viên thuộc các chuyên ngành: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, nhiếp ảnh và văn nghệ dân gian đã tham gia trại sáng tác tại thành phố Đà Nẵng xinh đẹp và thơ mộng. Đây là chuyến đi đầy ý nghĩa trong khuôn khổ hoạt động sáng tác, giao lưu và trao đổi chuyên môn do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhằm tạo điều kiện để văn nghệ sĩ được tiếp cận thực tế, mở rộng vốn sống, chất liệu sáng tạo nghệ thuật; định hướng tư tưởng sáng tác đúng đắn, nâng cao trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ, từ đó nâng cao chất lượng của tác phẩm nghệ thuật.
Từ những ngày trước chuyến đi, lãnh đạo Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu đã trực tiếp chỉ đạo, phối hợp, liên hệ với Nhà sáng tác Đà Nẵng, Liên hiệp các Hội Văn học – Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, thống nhất lịch trình, kế hoạch tổ chức, khảo sát địa điểm thực tế đồng thời đảm bảo điều kiện ăn ở, phương tiện di chuyển và cách hỗ trợ nghiệp vụ cho văn nghệ sĩ. Với tinh thần “đi để trở về với những tác phẩm chất lượng”, lãnh đạo Hội đã động viên thành viên trong đoàn tận dụng tốt thời gian, không gian, tinh thần để sáng tạo những tác phẩm vừa phản ánh được hơi thở cuộc sống vừa giàu giá trị nhân văn.
Xuất phát từ thành phố Lai Châu, đoàn di chuyển bằng ô tô xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội), rồi từ đó bay thẳng vào Đà Nẵng. Thành viên đoàn có nhiều văn nghệ sĩ “lão làng” về cả tuổi đời lẫn “tuổi nghề”, song ai cũng háo hức với một năng lượng tích cực, tươi trẻ. Có những nghệ sĩ lần đầu đến Đà Nẵng, cũng có những nghệ sĩ đã từng đến và chuyến đi này với họ như một sự “trở về”. Đến với Đà Nẵng cơ hội để văn nghệ sĩ được tiếp xúc, thâm nhập thực tế, trải nghiệm với một không gian vừa gần gũi với thiên nhiên, vừa gắn liền với những trầm tích văn hóa – lịch sử phong phú của thành phố ven biển.
Xem thêm:
Sau khoảng một giờ bay, chúng tôi đến “không phận” của Đà Nẵng. Từ ô cửa sổ của phi cơ, thành phố Đà Nẵng hiện ra dưới những tầng mây bàng bạc, yên bình như đang say giấc trưa bên bờ biển xanh thẳm trải dài đến tận chân trời. Một cảm giác lạ mà quen khẽ len vào lòng, có gì đó rất thân thương, gần gũi… Xe trung chuyển đã đợi sẵn, bước qua mấy làn đường dành cho các loại xe di chuyển trong sân bay dưới cái nắng đầu hạ chợt thấy lòng dịu lại khi hòa mình vào không khí không quá ồn ào, vội vã và bắt đầu cảm nhận được sự đặc biệt của “thành phố đáng sống”.
Sáng 9/5, Trại sáng tác Văn học – Nghệ thuật Đà Nẵng 2025 khai mạc tại Nhà sáng tác Đà Nẵng. Phát biểu khai mạc, đồng chí Phạm Văn Hải – Chủ tịch Hội Văn học – Nghệ thuật Lai Châu, trưởng đoàn đã nhấn mạnh: Việc tham gia trại sáng tác là một phần quan trọng trong quá trình hỗ trợ, nuôi dưỡng và phát triển đội ngũ văn nghệ sĩ của Lai Châu. Từ các trại sáng tác, văn nghệ sĩ sẽ cho ra đời những tác phẩm có chiều sâu, có giá trị nghệ thuật và đóng góp thiết thực cho đời sống tinh thần của xã hội. Cũng tại buổi khai mạc, đại diện đoàn công tác của Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh đã tặng tác phẩm “Quảng trường Nhân dân tỉnh Lai Châu” của nghệ sĩ nhiếp ảnh Đào Tiến Dũng cho nhà sáng tác Đà Nẵng. Món quà không chỉ thể hiện tấm lòng trân quý của đội ngũ nghệ sĩ Lai Châu với Đà Nẵng mà còn là niềm tự hào về một thành phố vùng biên đang từng ngày phát triển.

Ngày “xuất trại” đầu tiên, chúng tôi được trải nghiệm một địa điểm nằm ở độ cao 1.400m, Bà Nà Hill mở ra một không gian huyền ảo như lạc vào miền cổ tích. Quả không sai khi Bà Nà Hill được xem là “Châu Âu thu nhỏ” giữa lòng miền Trung nắng gió. Trong chuyến đi này, chúng tôi còn có thêm nhiều thông tin bổ ích về dãy núi Ngũ Hành Sơn – ngọn núi đá vôi gắn liền với hệ thống hang động kỳ bí như: Huyền Không, Âm Phủ, Tàng Chơn… Ngũ Hành Sơn sở hữu quần thể năm ngọn núi được đặt tên theo ngũ hành: Kim Sơn, Mộc Sơn, Thủy Sơn, Hỏa Sơn (gồm Dương Hỏa Sơn và Âm Hỏa Sơn) và Thổ Sơn. Nơi đây được ví như kiệt tác thiên nhiên giữa lòng Đà Nẵng với sự giao hòa giữa vẻ đẹp hùng vĩ của núi non và sự huyền bí của chốn tâm linh thanh tịnh, bình an. Ngũ Hành Sơn không chỉ là điểm đến hấp dẫn mà còn là nơi lưu giữ nhiều giá trị văn hóa, lịch sử với các ngôi chùa cổ kính như chùa Tam Thai, Linh Ứng. Năm 1980, khu vực này được công nhận là Di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia và được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt năm 2019.
Ngày thứ ba, chúng tôi đã dành cả ngày để đến các địa điểm của thành phố Đà Nẵng lộng lẫy. Cách đây, bảy năm, tôi đã từng tham gia trại sáng tác tại đây và đặc biệt ấn tượng về thành phố này. Một thành phố ven biển duyên dáng như cô gái xuân thì đang bừng sức sống, nơi những con sóng vỗ về bờ cát trắng mỗi sớm mai; nơi ánh hoàng hôn buông xuống trên cây cầu Rồng cũng nhẹ nhàng như nét mực loang trong một bức tranh thủy mặc. Thành phố ấy không ồn ào, chẳng khoa trương mà dịu dàng như một bản tình ca thầm lặng giữa lòng đất nước. Nơi đây, sự hiện đại luôn hiện diện nhưng vẫn còn nguyện vẹn vẻ đẹp truyền thống với những làng chài cổ kính, làng nghề khắc đá mỹ nghệ tinh xảo, tuyệt kỹ… Nơi có những ngọn núi ôm trọn biểncả vào lòng, có những cánh rừng đổ bóng xuống lòng phố thị xa hoa, tạo nên một không gian sống động mà cũng thật yên bình. Con người Đà Nẵng chân chất, hiền hòa, ngay thẳng, vừa có chút phồn hoa đô thị vừa mộc mạc, giản dị, chân quê và cực kỳ hiếu khách. Có phải vì thế mà Đà Nẵng được đánh giá là “thành phố đáng sống” bậc nhất ở Việt Nam? Nhắc đến Đà Nẵng không chỉ ghi dấn ấn bởi những công trình đẹp, hiện đại, nhịp sống văn minh mà còn để lại trong lòng người khách lạ cái hồn rất riêng, thấm đẫm tình, đong đầy chất thơ. Chắc không chỉ tôi, mà hình như ai đến với Đà Nẵng rồi cũng sẽ “phải lòng Đà Nẵng” như lời nhắn nhủ của nhạc sĩ Nguyễn Đình Thậm khi giao lưu với đoàn.

Hành trình khám phá tiếp theo của chúng tôi là Bảo tàng Chăm được mở cửa từ năm 1919. Hơn 100 năm lưu giữ những dấu ấn rực rỡ của nền văn hóa Chăm – pa cổ cách đây cả vài thế kỷ với hơn 2.000 hiện vật lớn nhỏ. Bước chân vào không gian cổ kính ấy, tôi như lạc vào một thế giới khác, nơi từng pho tượng đá, từng đường nét được chạm khắc dường như vẫn còn âm vang lời nguyện cầu từ xa xưa. Những bức phù điêu linh thiêng, những tượng thần Shiva, Ganesha, Apsara… như kể lại câu chuyện của một vương quốc đã lùi xa nhưng chưa từng bị quên lãng. Trước những hiện vật cổ kính và tinh xảo tại Bảo tàng Chăm, nghệ nhân văn hóa dân gian Điêu Văn Thuyển không giấu được niềm xúc động và tự hào. Ông lặng lẽ ngắm nhìn từng pho tượng, từng hoa văn chạm khắc như đang trò chuyện với quá khứ, cảm nhận được chiều sâu lịch sử và hồn cốt văn hóa Chăm được gìn giữ qua bao thế kỷ. Đối với ông, hành trình khám phá nơi đây không chỉ là trải nghiệm thú vị, mà còn là sự đồng cảm sâu sắc với những người đang âm thầm gìn giữ giá trị văn hóa truyền thống. Trong khoảnh khắc ấy, ông lại nghĩ về dân tộc Thái, về những điệu xòe, câu khắp, làn điệu Then, nhịp “tính tẩu so dây” và những phong tục đã nuôi dưỡng tâm hồn bao thế hệ. Việc bảo tồn văn hóa không chỉ là giữ lại những gì đã có, mà còn truyền vào đó hơi thở của cuộc sống mới qua từng thế hệ. Nhìn thấy sự trân trọng dành cho di sản Chăm, ông càng thêm vững tin vào con đường mình đang đi – giữ gìn, lan tỏa nét đẹp văn hóa dân tộc Thái, để bản sắc không phai mờ, mà sống mãi trong lòng quê hương và dân tộc.
Bước qua thời gian ở Bảo tàng Chăm, chúng tôi tiếp tục hành trình đến Bảo tàng Đà Nẵng, Bảo tàng Hải Quân và Bảo tàng quân khu V. Đây là những nơi lưu giữ hiện vật về đời sống, văn hóa, lịch sử đấu tranh của người dân Đà Nẵng nói riêng và dân tộc Việt Nam nói chung trong suốt chiều dài lịch sử hình thành, phát triển. Ở đó, có một Đà Nẵng xưa mộc mạc trong những hiện vật, tranh ảnh. Có một Đà Nẵng hôm nay đầy khát vọng vươn lên hiện ra qua từng góc trưng bày. Mỗi bảo tàng là một sắc thái, một hành trình khiến tôi hiểu thêm, yêu thêm một thành phố không chỉ có biển và núi mà còn có cả một chiều sâu văn hóa, lịch sử đáng trân trọng.
Đến bán đảo Sơn Trà thật sự là một trải nghiệm khiến chúng tôi thích thú. Không khí trong lành, mát mẻ mang theo hương thơm của hoa rừng, vị mặn mòi của biển cả… khiến ai nấy đều rộn ràng như trở lại với thanh xuân. Càng lên cao, cảnh sắc càng mở ra hấp dẫn. Một bên là màu xanh thăm thẳm của đại dương, một bên là rừng nguyên sinh râm ran tiếng ve gọi hè, tiếng chim chóc gọi đàn. Đặc biệt, những ngày thời tiết mát mẻ, may mắn sẽ được nhìn thấy đàn voọc nhảy nhót giữa tán cây rừng sum suê cành lá. Đến bán đảo Sơn Trà nhất định phải lên kế hoạch “mật phục” để “săn voọc”, chụp được voọc thì mới thỏa chuyến đi. Từ trạm gác đi vào lòng bán đảo, có thể rong ruổi bằng xe máy lên đỉnh Bàn Cờ – nơi truyền thuyết kể rằng hai vị tiên từng đánh cờ chốn bồng bềnh mây trắng. Từ đó, nhìn toàn cảnh thành phố Đà Nẵng, những làng chài đẹp đến ngỡ ngàng giữa mênh mông sóng nước.

Chúng tôi dành nguyên một ngày đêm chỉ để ngắm nhìn nhịp sống và đi qua các cây cầu nối đôi bờ những dòng sông chảy qua thành phố. Nếu cầu sông Hàn là nơi lưu giữ ký ức, cảm xúc và là điểm hẹn lý tưởng cho những ai muốn cảm nhận nhịp sống yên bình nhưng đầy sức sống của Đà Nẵng thì cầu Rồng, cầu Tình Yêu lại là niềm kiêu hãnh cho sự phát triển hiện đại và năng động của thành phố về đêm. Nhà thơ Bùi Thị Sơn – người đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu về cuộc sống của người Đà Nẵng cảm nhận: Trong nhịp sống bộn bề, con người vẫn luôn dành những tình cảm đẹp đẽ cho nhau. Từ cô bán cá đến cụ già bán nước ven đường hay anh grap da xạm màu nắng đều thân thiện, nhiệt tình, sẵn sàng giúp đỡ, hướng dẫn những vị khách phương xa đến với thành phố.
Tranh thủ ngày nắng, nhóm họa sĩ, nhiếp ảnh và văn xuôi tách đoàn đến với đèo Hải Vân. Vốn được mệnh danh là “thiên hạ đệ nhất hùng quan”, đèo Hải Vân không chỉ là tuyệt tác của thiên nhiên mà còn là chứng nhân lịch sử oai hùng của dân tộc. Vượt qua những khúc cua giữa lưng chừng trời, chúng tôi đứng giữa ranh giới của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế tại Hải Vân Quan – nơi được xem như một chứng nhân của lịch sử qua bao thế kỷ. Được xây dựng từ thời nhà Trần và trùng tu dưới triều Nguyễn, Hải Vân Quan không chỉ là công trình quân sự chiến lược mà còn là dấu ấn văn hóa, với tinh thần giữ nước, bảo vệ bờ cõi của cha ông ta. Đến đèo Hải Vân, ngắm nhìn quê hương, đất nước từ Hải Vân Quan mới thấy rõ hơn niềm tự hào về lịch sử, văn hóa và tầm vóc của non sông gấm vóc Việt Nam trong trái tim mình. Chả thế mà trong chuyến đi này, Họa sĩ Nguyễn Hùng Cường tranh thủ ký họa tác phẩm “Vũ điệu của biển” khi biển trời giao nhau ngay chân đèo Hải Vân…
Bên cạnh hoạt động sáng tác, Đoàn có dịp giao lưu với Hội liên hiệp các Hội Văn học – nghệ thuật thành phố Đà Nẵng, cùng trao đổi về đặc trưng văn hóa vùng miền, xu hướng sáng tác hiện nay cũng như những khó khăn, thuận lợi trong hoạt động văn học nghệ thuật ở địa phương. Trong buổi giao lưu, nhà thơ Bùi Thị Sơn và nhà thơ Đời Xuân Cường đã song ca ca khúc “Trai rừng” (nhạc Vũ Duy Cương, lời Bùi Thị Sơn). Đây là “bối cảnh” để nhạc sĩ Thanh Phương thai ngén ca khúc “Tình em gái biển”. Như tác giả chia sẻ: Ca khúc “Tình em gái biển” được ra đời từ một cảm xúc rất riêng khi đến với biển Đà Nẵng. Nơi đây, từng con sóng vỗ về như tiếng thì thầm của ký ức, bờ cát trắng trải dài gợi nhớ những bóng hình thân thương, bình dị. Nếu “Trai rừng” mang âm hưởng núi non hào sảng, thì “Tình em gái biển” lại phảng phất vị mặn của gió khơi, vị ngọt ngào của dân ca Nam Bộ, chất lãng mạn của một tình yêu thủy chung, mãnh liệt của những cô gái miền biển. Ở đây, hiện lên hình ảnh người phụ nữ miền biển, vừa kiêu hãnh như con sóng, vừa đằm thắm như chiều lặng gió, trở thành biểu tượng cho vẻ đẹp bình dị mà say đắm của con người miền đất Đà Nẵng thân thương. Ca khúc không chỉ là một bản tình ca, mà còn là lời tri ân, lời tự sự thấm đẫm cảm xúc của tác giả trước vẻ đẹp và tình người của biển quê hương.
Trại sáng tác khép lại với 69 tác phẩm (gồm: bản thảo, bản vẽ, bộ ảnh, truyện ngắn, tản văn và thơ) được hoàn thành, nhưng có lẽ điều còn đọng lại nhiều nhất là tình cảm giữa người nghệ sĩ với mảnh đất Đà Nẵng. Với mỗi người, đây không chỉ là một chuyến đi mà còn là “chặng đường tinh thần”, là nguồn cảm hứng khơi nguồn cho sáng tạo nghệ thuật. Chúng tôi rời Đà Nẵng khi hoàng hôn sắp ngủ vùi dưới biển cả bao la, mang theo tiếng sóng vỗ rì rào, những sắc màu rực rỡ và những câu chuyện chưa kể hết về một vùng đất có bề dày trầm tích văn hóa, lịch sử. Và tôi luôn có một niềm tin mãnh liệt về sự đổi thay, đột phá trong cảm hứng của người nghệ sĩ, tạo nên diện mạo mới cho Văn học – Nghệ thuật Lai Châu.
>> Xem thêm: Tạp chí văn nghệ Lai Châu