Nhớ quê

Ngày hè, nền trời không u ám những mảng mây xám xịt. Khí trời ấm dần bởi những tia nắng đang len lỏi vào từng chồi non, kẽ lá để lăn xuống đất đùa vui.

Trên cánh đồng làng, đất đã cày ải sau khi thu hoạch vụ mùa cũng cong lưng để phơi mình trong nắng. Ở quê tôi, người ta xuống đồng vụ hè thu khi thấy lưng đất chuyển từ màu nâu sang màu trắng đục. Nước ở đập bắt đầu tháo về từ đêm hôm trước nên sáng sớm tinh mơ khi mặt trời chưa ló rạng là cánh đàn ông dắt trâu đi bừa. Khi bình minh lấp ló phía dãy núi trước mặt cũng là lúc trên cánh đồng râm ran tiếng trò chuyện của các mẹ, các chị xuống ruộng đắp bờ lẫn trong tiếng đuổi trâu. Chỉ mấy hôm sau là cả cánh đồng được bọc bởi màu xanh non của mạ mới cấy. Đến mùa làm đồng, trong làng, chỉ còn lại các cụ già trông đám trẻ con chưa đến tuổi đi học. Không hẹn nhưng ngày nào các cụ cũng bồng lũ trẻ ra gốc đa, gốc gạo giữa làng. Người thì mang cối, người có quả cau non, người có ít lá trầu thế là đủ cho miếng trầu ngon. Các cụ ở quê tôi, cụ nào cũng bỏm bẽm nhai trầu cả ngày. Thêm ấm chè xanh hay ấm nước lá vối nữa là câu chuyện ngày xưa chỉ còn trong ký ức được cái cụ kể lại như một miền cổ tích giữa đời thực. Những câu chuyện ấy, ngày nào cũng được kể nhưng mỗi lần nghe cảm giác vẫn như lần đầu. Lũ trẻ con, đứa biết ngồi thì ngồi im thin thít vân vê bông hoa gạo rụng trong lòng ông bà nghe kể chuyện. Đứa biết đi, biết bò thì lê lết trên nền đất cát chơi hoa gạo. Những hôm cuối tuần được nghỉ học bọn trẻ lớn hơn chút cũng tụ tập ra đây để chơi đồ hàng, chơi ô ăn quan hoặc bông gạo.

Còn chúng tôi, mỗi khi nhìn thấy hoa gạo rụng đỏ đường làng là sung sướng lắm. Nhất là khi có cơn gió mồ côi tạt qua, trên cây đa, lá nhiều gió phải luồn mình qua kẽ lá xào xạc. Còn cây gạo, những cành khẳng khiu lại rùng mình trước cơn gió làm cho những bông hoa đỏ rực như lửa cháy rụng ào ào xuống đất như mùa cây đổ lá. Mỗi lần như thế, ông tôi thường đùa với các bạn già của mình rằng cụ nào đó đã mất nay trở về thăm bạn bè. Khi quả gạo rụng xuống là sắp đến hè, chúng tôi sau mỗi buổi học lại cắp rổ, cầm bao đi nhặt bông ở quả gạo về để mẹ làm ruột gối. Con gái làng tôi đi lấy chồng ai cũng biết làm ruột gối bằng bông gạo và đều mang theo đôi gối bông gạo về nhà chồng…

Tôi lấy chồng xa, mấy năm mới về thăm quê một lần. Mỗi lần về thấy quê một đổi khác. Làng tôi xây dựng nông thôn mới, đường vào làng giờ đổ hết bê tông. Dưới cánh đồng lúa đã xanh non mơn mởn, nắng ngả mình trên từng lá lúa còn đọng giọt sương đêm. Cây đa và cây gạo giữa làng vẫn còn đó, xung quanh hai gốc cây đã xây gạch đỏ làm bờ kè, kê thêm vài cái ghế đá. Trên nền đất cát mà bọn trẻ con lê lết ngày nào là cái sân bê tông rộng để các cụ tập dưỡng sinh, chơi bóng chuyền hơi… Tôi nhớ ông, nhớ ấm chè xanh, ấm nước lá vối ông chuẩn bị cho các bạn già của mình và cả những câu chuyện mà ông kể về cuộc đời binh nghiệp của người lính trên tuyến đường Trường Sơn ngày nào. Cái loa phát thanh treo trên cây đa, cây gạo đang phát lại chương trình gì đó nhưng là những cảm xúc đau thương và tự hào của cả một dân tộc về con đường huyền thoại trong lịch sử: “Máu có thể đổ nhưng đường không thể tắc”…

Có cơn gió thổi nhẹ làm rung cành lá, vài chiếc lá đa già rụng khẽ trên mái tóc của tôi như bàn tay gầy gân guốc của ông đang vuốt ve đứa cháu gái đã lâu không về thăm quê. Lời ông dạy ngày nào giờ lại vang vọng bên tai: “Đất lề quê thói, đừng vì cái hiện đại mà bỏ quên cái nếp sống của quê mình.” Giữa những bộn bề, hối hả của cuộc sống thì quê hương vẫn là chùm khế ngọt trong trái tim của mỗi người.

 Châm Võ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.