Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ III năm 2021: Lai Châu – Tình người trong mây

 

Ngày hội Văn hóa Mông lần thứ III năm 2021 với chủ đề “Bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc Mông – Bình đẳng, đoàn kết, hội nhập và phát triển” diễn ra từ ngày 24 -26/12 tại tỉnh Lai Châu do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với tỉnh Lai Châu tổ chức.

Lễ Khai mạc Ngày hội với Chương trình nghệ thuật mang tên “Lai Châu – Tình người trong mây” diễn ra vào tối ngày 24/12 tại Quảng Trường Nhân dân thành phố Lai Châu. Tham dự Lễ Khai mạc có các đồng chí: Bùi Thị Minh Hoài – Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Đỗ Văn Chiến – Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Võ Thị Ánh Xuân – Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch nước; Trịnh Thị Thủy – Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban chỉ đạo Ngày hội; Hoàng Thị Hạnh – Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc; Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Lai Châu và 11 Đoàn tham gia Ngày hội.

 Đại diện lãnh đạo Trung ương, tỉnh dự Lễ khai mạc Ngày hội Văn hóa Mông lần thứ III năm 2021. Ảnh: Văn Thắng.

 Chương trình nghệ thuật “Lai Châu – Tình người trong mây” biểu diễn tại Lễ khai mạc. Ảnh: Văn Thắng.

Về phía tỉnh Lai Châu có các đồng chí: Giàng Páo Mỷ – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Lê Văn Lương – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; Trần Tiến Dũng – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND tỉnh; nguyên lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ; đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, lực lượng vũ trang của tỉnh; đại diện lãnh đạo các huyện, thành phố, cùng các trí thức, nghệ nhân, già làng, trưởng bản đại diện cho cộng đồng dân tộc Mông.

Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông lần thứ III năm 2021 tại Lai Châu diễn ra các hoạt động văn hóa, thể thao với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên dân tộc Mông của 11 tỉnh: Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tuyên Quang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn, Điện Biên, Đắk Lắk và Thanh Hóa; đồng thời có sự tham gia phối hợp tổ chức của các cơ quan, ban, ngành Trung ương.

Ngày hội là một sự kiện văn hóa quy mô toàn quốc, thể hiện sự tôn vinh văn hóa; bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Mông trong nền văn hóa Việt Nam thống nhất mà đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc; là dịp để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên dân tộc Mông các tỉnh tham gia gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước theo Nghị quyết 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) và Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; là dịp để giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mông tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Không gian trưng bày giới thiệu, quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch; thi giã bánh giầy; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa dân tộc Mông; liên hoan văn nghệ quần chúng, trình diễn trang phục dân tộc Mông; các hoạt động thể dục thể thao truyền thống dân tộc Mông như: Tù lu, bắn nỏ, kéo co, đẩy gậy… thu hút đông đảo người xem.

 Phần thi trích đoạn Lễ hội Gầu tào của đoàn Lai Châu tại Ngày hội. Ảnh: Văn Thắng.

 Phần thi trích đoạn Lễ hội của đoàn Cao Bằng. Ảnh: Hà Minh Hưng.

 Bà con xem Triển lãm ảnh “Đất và người Lai Châu”. Ảnh: Hà Minh Hưng.

Tiến sĩ Trần Hữu Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Dân gian ứng dụng Việt Nam, Trưởng ban Giám khảo đánh giá: Ngày hội Văn hóa Mông lần thứ 3 rất thành công, hầu hết các nhóm người Mông đều về dự được; các vốn dân ca, dân vũ được huy động, lễ hội người Mông đặc sắc nhất là lễ hội Gầu Tào, ngoài ra còn rất nhiều nghi lễ khác cũng được đưa về. Đặc biệt phần trưng bày không gian văn hóa của người Mông rất ấn tượng như đoàn Lào Cai, sự sáng tạo kết hợp văn hóa với du lịch như đoàn Lai Châu. Ngày hội thực sự mang đậm sắc màu văn hóa Mông, biểu tượng văn hóa Mông. Đặc sắc nhất là tính đoàn kết dân tộc, cố kết cộng đồng được đề cao.

Ban Tổ chức trao nhiều giai thưởng cho các hoạt động của Ngày hội: không gian trưng bày, giới thiệu quảng bá sản phẩm văn hóa và du lịch có 3 giải A, 5 giải B, 3 giải C; liên hoan văn nghệ quần chúng: 15 giải A, 20 giải B, 17 giải C; trình diễn trang phục truyền thống dân tộc Mông: 3 giải A, 5 giải B, 2 giải C; giã bánh giầy: 3 đoàn đoạt giải A, giải B: 5 đoàn, giải C: 1 đoàn; trình diễn trích đoạn lễ hội có 3 đoàn đoạt giải A, giải B: 5 đoàn và giải C: 1 đoàn….

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, UBND tỉnh Lai Châu, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng đã tặng Bằng khen cho 52 tập thể, cá nhân, tỉnh biên giới đã tích cực tham gia các hoạt động tại Ngày hội. Ban Tổ chức Ngày hội trao Giấy chứng nhận cho các hạng mục đạt giải tại Ngày hội và các đoàn đạt thành tích cao.

Tại Lễ Bế mạc, đồng chí Tống Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực  UBND tỉnh Lai Châu trao Cờ đăng cai tổ chức Ngày hội Văn hóa dân tộc Mông toàn quốc lần thứ IV cho tỉnh Điện Biên.

 

HÀ MINH HƯNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.