Nậm Nhùn đi lên từ khát vọng

Nếu lấy mốc thời gian chia tách tỉnh Lai Châu cũ thành hai tỉnh (Điện Biên và Lai Châu) đến nay đã được 18 năm. Gần 20 năm qua, tỉnh ta có những lần di chuyển và tách huyện như huyện Tam Đường ở vị trí Nông trường Tam Đường trước đây nhường chỗ cho thị xã Lai Châu, nay là thành phố Lai Châu xuống Bình Lư thành lập thị trấn huyện Tam Đường. Huyện Than Uyên (cũ) chia tách thành hai huyện (Than Uyên và Tân Uyên)… Tất cả các lần di dời và tách ra mang tên mới đều có cơ sở hạ tầng tuy nhỏ và thiếu nhưng tạm đáp ứng yêu cầu để huyện mới bắt tay vào làm việc. Tuy còn thiếu thốn khó khăn nhưng vẫn có thuận lợi chút ít bước ban đầu.

Riêng thành lập huyện Nậm Nhùn ngày 2 tháng 11 năm 2012 có thể nói là mới mẻ hoàn toàn, gặp muôn vàn khó khăn từ công tác tổ chức cán bộ. Để thành lập bộ máy mới, phần lớn, cán bộ huyện gồm cán bộ điều từ tỉnh và các huyện về, lần đầu gặp nhau ở vị trí mới thật bỡ ngỡ bâng khuâng trước cảnh trời đất thiên nhiên vừa quen vừa lạ. Nậm Nhùn đặt tên gọi của huyện là lấy tên con suối Nậm Nhùn. Nậm Nhùn có nghĩa là nước mọc, nước dâng lên. Mảnh đất nơi đây còn nhiều chỗ là rừng hoang, núi vắng bỗng hôm nay mọc lên các công sở của cơ quan lãnh đạo cao nhất của nhân dân là Đảng, chính quyền huyện.

Nậm Nhùn có những nét đặc biệt so với nhiều huyện trong tỉnh, phần lớn dân cư đều lập bản, lập mường ở dọc ven bên bờ Bắc và  Tây bắc sông Đà hướng lên thượng nguồn phía huyện Mường Tè. Lai Châu có 5 dân tộc thuộc diện ít người và khó khăn nhất trong 54 dân tộc toàn quốc thì riêng Nậm Nhùn có 4 dân tộc, đó là dân tộc: Mảng, Khơ Mú, Cống, Si La.

Non nước Nậm Nhùn được trời phú cho núi đồi nối nhau hai bên bờ sông như đàn voi phục tạo nên một bức thành vững chắc và đoạn sông Đà thuộc địa phận xã Nậm Hàng. Tại đây địa lợi, núi thuận, sông hòa nên nơi đây được chọn làm nhà máy Thủy điện Lai Châu – Thủy điện Quốc gia sau Hòa Bình, Sơn La. Bây giờ thị trấn huyện Nậm Nhùn liền kề với khu công ty quản lý thủy điện Lai Châu bỗng trở nên tấp nập đông vui.

Nậm Nhùn đứng chân trên mảnh đất địa linh mang hồn núi, hồn sông từ ngàn xưa thuộc vùng biên ải của Tây bắc. Cách đây 591 năm vào năm 1431, nơi đây bị giặc phương Bắc quấy nhiễu gây bao đau khổ điêu tàn. Vua Lê Lợi đã xuất binh theo đường bộ, đường thủy ngược dòng Đà Giang lên dẹp giặc giành yên cho miền biên ải. Khi nhà vua về bằng đường thủy, đã tạc vào vách đá bài thơ căn dặn hậu thế phải thường xuyên trấn giữ miền biên cương.

Bài thơ trên tảng đá ven sông Đà hôm nay đã cẩu lên và đưa vào đền thờ vua thuộc xã Lê Lợi – huyện Nậm Nhùn quản lý và được nhà nước công nhận là di tích Quốc gia. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn.

Tháng 11 năm 2022 này, huyện Nậm Nhùn tròn 10 năm thành lập và xây dựng. Mười năm là khoảng thời gian còn ngắn ngủi để thiết lập nên cơ đồ của một huyện miền núi biên giới. 3650 ngày cũng là từng đó thời gian lãnh đạo Đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị cùng nhân dân các dân tộc huyện Nậm Nhùn chung tay vào cuộc. Mỗi cán bộ, đảng viên là chiến sĩ tiên phong dám dấn thân, vượt qua khó khăn để kiến tạo, xây dựng hyện có một diện mạo mới từ công sở đến hạ tầng điện – đường – trường – trạm. Đến nay, Nậm Nhùn có 10 xã, thị trấn có đường ô tô đến trung tâm xã cả bốn mùa. 69/69 bản có đường xe máy đi lại thuận lợi. Nhờ có giao thông mà rút ngắn khoảng cách giữa vùng cao, vùng xa, vùng sâu với huyện.

Công tác văn hóa – xã hội được quan tâm. Toàn huyện có 70 nhà văn hóa, trong đó 8 nhà văn hóa xã, 62 nhà văn hóa bản, 33 trường học và một trung tâm dạy nghề – Giáo dục thường xuyên từ mầm non đến trung học phổ thông với 419 lớp và 592 giáo viên. Đến nay, toàn huyện có 16 trường đạt chuẩn quốc gia.

Về phát triển kinh tế nông – lâm – thủy sản – chăn nuôi, huyện xác định dịch chuyển từ cơ cấu sản xuất nông – lâm nghiệp thành sản xuất hàng hóa. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hiện nay huyện đang phát triển cây dược liệu như: sa nhân, quế và cây ăn quả như xoài, đào, mận và nuôi cá lồng trên lòng hồ. Huyện đề ra chỉ tiêu phấn đấu mỗi xã có một sản phẩm OCOP.

Nậm Nhùn đã gắn kết ba chương trình quốc gia là xóa đói giảm nghèo – xây dựng nông thôn mới – xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư. Toàn huyện có 3/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới, còn 7 xã thị trấn đạt từ 10 đến 14 – 19 tiêu chí. Những con số đó cho chúng ta thấy những nét đổi mới, nỗ lực xây dựng phát triển của huyện Nậm Nhùn.

Chúng tôi ngược dòng sông đi từ xã Pú Đao, Lê Lợi đến xã Nậm Hàng, Nậm Manh, Mường Mô rồi ngược lên các xã tuyến trên thuộc vùng cao biên giới xã: Hô Bum, Trung Chải, Nậm Ban. Đến đâu cũng thấy, cũng gặp các điểm du lịch làm say đắm lòng người. Tin rằng từ tiền đề đã có, Nậm Nhùn sẽ tiếp tục vươn mình phát triển, khởi sắc từng ngày, đời sống bà con ngày một no ấm hơn.

THANH LUẬN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.