Nậm Mở Nọi, cái tên từ lâu chỉ ngheo thôi, tôi đã mong muốn được bước đến, được trải nghiệm. Đến nay, khi thực sự đắm mình trong dòng suối, trong tiếng thác… tôi mới biết ước mơ tuyệt vời đến với Nậm Mở Nọi đã trở thành hiện thực.
Nậm Mở Nọi là cụm dân cư nhỏ nằm giữa hai khe núi của dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ, nơi giáp ranh giữa hai huyện Than Uyên (Lai Châu) và Mù Cang Chải (Yên Bái). Nửa bên này thuộc Tà Mung (Than Uyên), nửa bên kia thuộc Chế Tạo (Mù Cang Chải). Cụm dân cư này thuộc về bản Nậm Mở của Tà Mung, nên gọi là Nậm Mở Nọi. Để đến được đây, bạn phải có đam mê du lịch mạo hiểm, bạn phải có lòng dũng cảm. Thật đấy! Chỉ cần hai điều đó thôi, đủ để thiên nhiên trả cho bạn những khoảnh khắc tuyệt vời mà bạn không thể nào quên.
Điều kiện để bắt đầu cho chuyến đi Nậm Mở Nọi là trời phải nắng to ba ngày trở lên. Khi đó đường mới đủ khô ráo để bạn có thể di chuyển bằng xe máy tương đối an toàn. Còn nếu trời mưa, chỉ có cách duy nhất là đi bộ và bò lên núi rồi bò xuống núi. Vì vậy, để có chuyến đi này, tôi phải theo dõi thời tiết liên tục, chờ đợi và hy vọng xem thời tiết có ủng hộ không, cán bộ xã có ai đưa đi được không… Thật may mắn! Cuối cùng tôi cũng thực hiện được kế hoạch chinh phục Nậm Mở Nọi!
Các bạn Đoàn thanh niên xã Tà Mung đón tôi tại trung tâm xã và chúng tôi bắt đầu di chuyển từ 9h sáng. Cả đoàn có tám người, đi bằng bốn xe máy. Con đường đi Nậm Mở Nọi từ trung tâm xã Tà Mung, qua cánh đồng đến bản Nậm Mở, rẽ xuống những chân ruộng bậc thang, con đường nhỏ xíu chỉ đi được một xe máy, chắc là rộng tầm 80cm, đá sỏi khấp khểnh, gồ ghề. Đầu tiên, bạn sẽ phải xuống dốc liên tục để đến một khe suối nhỏ chảy ra từ Hoàng Liên Sơn. Từ khe suối đó bạn sẽ leo dốc liên tục. Con đường bé tẹo giữa rừng cây rậm rạp, chênh vênh leo lên Hoàng Liên Sơn, có nhiều chỗ dốc nghiêng đến 45°, rất nhiều chỗ cua gập cánh khuỷu lên hoặc xuống… Ngồi sau xe máy nhìn đường mà cũng phải nín thở… Con đường đưa tôi đến Nậm Mở Nọi thật quá đỗi gian nan, nó thử thách sự kiên cường và sức mạnh của trái tim tôi. Có những chỗ bên này là rừng, dưới chân là vực sâu… Nhìn ra chỉ thấy mênh mông là mây trắng hoặc những rừng cây bụi lúp xúp chạy xuống tận đáy khe sâu. Phía trước mặt là những dãy núi hiên ngang, sừng sững như những bức tường thành kiên cố, vững chãi. Mây như bò lên từ đáy vực, chỉ nhìn lên mây và núi đã thấy con người thật nhỏ bé trước sự hùng vĩ của thiên nhiên. Bên kia núi, có lúc tôi nhìn thấy những cây gỗ lớn trổ hoa trắng tinh, nhìn xa ngỡ là hoa ban. Nhưng có lẽ không phải, vì sang giữa tháng tư, hoa ban đã tàn hết, với lại trên độ cao 1800m trở lên như thế này, không phải là nơi phù hợp với loài ban. Tôi hỏi em dẫn đường về loài hoa đó, em ấy bảo “Người Mông gọi là cây “đà la”, còn tên cây bằng tiếng phổ thông thì em không biết”.
Loài hoa tôi gặp nhiều nhất trên đường là hoa mua. Những cây mua mọc khắp ven đường nở hoa tím biếc, trên các sườn núi cao dốc đứng hoặc trên các mỏm đồi thấp hơn, dù đất cằn cỗi, khô khốc, cây mua vẫn kiên trì bám trụ và nở những bông hoa tím dịu dàng. Thỉnh thoảng trên đường, chúng tôi gặp những ngôi nhà nhỏ hoặc lán trại của người dân lên núi trồng chè, trồng lúa hoặc chăn nuôi gia súc. Có một số khoảng rừng đã được phát quang, hiện nay xã Tà Mung đã cho máy xúc đào những đường đồng mức, mỗi đường rộng khoảng 1,5m để trồng chè. Ở độ cao từ 1300m đến 1500m trên dãy Hoàng Liên Sơn, cây chè mới trồng năm trước mọc khá đều, tỷ lệ sống rất cao (lên đến trên 95%).
Đi qua những nương chè, chúng tôi tiếp tục lên cao để tiến sang Nậm Mở Nọi. Vượt qua những vạt rừng bên phía Tà Mung, chúng tôi đi sang đất Mù Cang Chải rồi cứ thế xuống núi. Đúng là chúng tôi đang đi xuống khe núi bên kia của dãy Hoàng Liên Sơn. Trước mặt tôi là những sống núi vươn dài, độ dốc phải 40% trở lên, cảm giác chóng mặt và nhìn rất thách thức. Nhìn con đường ven sườn núi chênh vênh, hiểm trở, đi xuống phía chân núi thăm thẳm nhìn mà muốn đứng tim. Tôi bảo “con đường chúng ta đang đi quá bé nhỏ so với dãy núi này”. Nghe vậy, bạn Bí thư chi đoàn bản Hô Ta kể cho tôi nghe “Ở đây người dân đào đường bằng tay cô ạ, dùng cuốc, xẻng và xà beng. Dân cả xã hỗ trợ nhau làm, khoảng hơn hai tháng thì xong”. Tôi lại hỏi con đường có từ bao giờ thì bạn ấy bảo mới làm được khoảng bốn năm. Trước đây khi có người ốm, bà con từ Nậm Mở Nọi không đi viện được vì không có đường xe máy. Vì vậy họ tự bảo nhau, giúp nhau mở đường.
Chúng tôi men theo sườn núi xuống Nậm Mở Nọi, và khi dừng xe thì chúng tôi nhìn thấy con suối. Có một chiếc cổng chắn ngang đường xuống suối. Khi mở các then ngang của chiếc cổng – một loại cổng nhà quen thuộc của người vùng cao – chúng tôi như vỡ òa khi lội xuống dòng suối trong vắt, nước mát lạnh. Tôi nhảy qua các hòn đá, ra giữa lòng suối, trầm trồ và sung sướng ngồi lên tảng đá có mặt phẳng lớn như một chiếc phản, reo lên “tụ tập ở đây có mà ngồi được ba mâm”. Nhìn ngắm xung quanh, tôi phát hiện ra những cây tầm gửi, những cụm lan rừng nho nhỏ đang trổ hoa. Đưa tay xuống dòng nước, cảm giác của cả chuyến đi căng thẳng đến nghẹt thở dường như không còn nữa. Chúng tôi đi vào điểm bản Nậm Mở Nọi, nói chuyện với mấy cô gái Mông, quan sát cuộc sống của họ rồi đi xuống suối. Từ rất xa đã nghe tiếng thác Nậm Mở Nọi reo ầm ầm và dòng nước trắng xóa lao xuống từ độ cao trên 50m. Mọi người háo hức lội suối, mấy anh em nam thì chặn bờ bắt cá, quăng chài; mấy chị em nữ thì tìm mộc nhĩ hái đầy một túi rồi đi xúc cá… Chúng tôi vừa làm, vừa nghe tiếng thác reo. Các bạn người Mông kể “Nậm Mở Nọi là tên dòng thác gọi theo tên bản thôi, còn người Mông gọi đây là dòng nước trong xanh, vì nước của nó rất trong”. Đứng cách thác 20m đã thấy lạnh vì hơi nước tỏa ra từ trong thác. Ngước lên trên, dòng nước cứ ào ào đổ xuống hủm vực sâu nước xanh thăm thẳm. Mùa A Páo bảo: “Em từng nhảy từ trên thác xuống đấy, sâu lắm ạ, chắc phải hơn 5m”. Tôi vừa nhìn thác, vừa nhìn những vách đá dựng đứng hai bên bờ, có lẽ tuổi đá cũng cả triệu năm. Tôi nghĩ về việc dòng thác chảy ra từ Hoàng Liên Sơn đã hàng nghìn, hàng triệu năm, tiếng thác reo đêm ngày không nghỉ, nguồn nước đem lại sự sống cho biết bao sinh vật. Biết ơn rừng núi hùng vĩ và bí ẩn kia đã tạo ra dòng nước này, hiên ngang, ngạo nghễ khoe vẻ đẹp của nó, một vẻ đẹp không thể chinh phục mà chỉ có thể lặng lẽ ngắm nhìn mà nhớ mãi…
Các bạn xúc được cá bống suối, xiên bằng những chiếc xiên từ tre nứa rồi nhóm lửa nướng cá và nướng mộc nhĩ. Con gà mổ sẵn từ nhà cũng mang ra nướng, cơm và trái cây mang từ nhà theo. Tất cả bày ra trên tảng đá phẳng ven suối, thế là đã có một bữa trưa thịnh soạn giữa rừng trong tiếng suối reo. Mộc nhĩ nướng rất ngọt, cá bống nướng rất thơm… Có lẽ, bữa ăn giữa rừng này đối với tôi còn đáng nhớ hơn mọi bữa tiệc trên đời.
Chúng tôi vừa ăn vừa nói chuyện về điểm bản này. Từ lâu khe núi Nậm Mở Nọi này đã có người cư trú. Họ là người Mông của Tà Mung, Than Uyên lên khai thác đất rừng làm nương và làm ruộng, chăn nuôi. Nơi này có rừng, có suối, có những điều kiện cần thiết tối thiểu để con người sinh sống. Trong khe núi này chỉ có 6 hộ gia đình (gồm 47 nhân khẩu) nhưng cũng như một bản nhỏ của người Mông trên núi cao. Quanh nhà đều có ao, vườn và chuồng trại, có cả một khoảng ruộng bậc thang khá rộng nữa. Cuộc sống tự cung tự cấp khiến cho họ chủ động về mọi thứ. Xung quanh nhà có đủ các loài gia cầm như ngỗng, ngan, gà; trâu bò thì được thả ra rừng. Chiếc cổng đầu đường vào bản là để chặn không cho trâu bò ra khỏi khu vực rừng của bản. Những ngôi nhà nhỏ lợp gỗ thông và lợp tôn, khói bếp quanh năm nhuộm bồ hóng đen sì cả mái nhà. Trước năm 2010, khi cán bộ xã Tà Mung phát hiện ra ở đây có một cụm dân cư, đã tìm cách đưa trẻ con tới lớp. Nhưng con đường đến trường quá xa, tính bằng hai ngày đi bộ… Không có đường nên ước mơ học chữ của lũ trẻ bị chặn lại. Bây giờ, trẻ con Nậm Mở Nọi đã được đi học, đã đi ở bán trú và người ốm đau đã được đi viện, những sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi ở đây bắt đầu được đến với người tiêu dùng.
Bạn Mùa A Páo, Bí thư Đoàn xã Tà Mung khoe với tôi: “Em từng đến đây khi chưa có đường xe máy. Em đi đường vòng sang Hua Đán, rồi đi bộ 15km sang đây, nhưng con đường đó khó đi hơn nhiều”. Trò chuyện với ông Hoàng Văn Thiết, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung, ông kể: “Tôi đã đi Nậm Mở Nọi bốn lần, ba lần đầu là đi bộ, rồi năm ngoái mới đi xe máy. Sợ nhất là lần đi vào năm 2014 khi gùi tôn lên cho bà con Nậm Mở Nọi lợp nhà, trên đầu mưa gió sấm chớp, đường đi thì trơn …”.
Nậm Mở Nọi quả thực có nhiều tiềm năng thiên nhiên hoang sơ, kì vĩ và tươi đẹp. Nói chuyện với chúng tôi về khả năng khai thác du lịch mạo hiểm, du lịch sinh thái của Nậm Mở Nọi, ông Phùng Tiến Hưng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân và ông Hoàng Văn Thiết, Phó Bí thư Đảng ủy xã Tà Mung đều khẳng định mong muốn khai thác du lịch ở điểm bản này bởi giá trị cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ của dãy núi Hoàng Liên Sơn, của thác Nậm Mở Nọi và không khí trong lành ở khu vực khe suối. Ở đây, với nguồn nước lạnh tự nhiên, nước chảy quanh năm có thể dùng nuôi các loài cá nước lạnh như cá tầm, cá hồi. Tuy nhiên khi tôi hỏi về điều kiện tự nhiên và môi trường của Nậm Mở Nọi, trong tương lai xã hướng tới khai thác như thế nào thì ông Phùng Tiến Hưng nói: “Không phải đất của mình nên không phải thích mở đường thế nào cũng được, do đường đến khu vực điểm bản Nậm Mở Nọi hiện tại không thuộc đất của Than Uyên. Đường sang vùng chè đã có trong kế hoạch, sẽ mở trong thời gian tới, còn đường sang các hộ dân thì hơi khó, vì thuộc đất Yên Bái, thuộc rừng bảo tồn”. Hiện tại, chưa thể dựng cơ sở lưu trú cho khách du lịch tham gia các hoạt động phượt mạo hiểm hoặc du lịch sinh thái tại Nậm Mở Nọi nên tạm thời khách muốn lưu trú chỉ có cách là ở nhờ nhà dân hoặc ở lều trại cá nhân trên khu vực ruộng bậc thang ven suối.
Chúng tôi đã mất hai giờ đồng hồ để đi tới đây và hai giờ đồng hồ để quay trở về trung tâm xã. Vất vả là vậy nhưng tôi sẽ không bao giờ quên chuyến đi tới Nậm Mở Nọi này. Một trải nghiệm đặc biệt kì thú, vừa choáng ngợp, vừa bất ngờ… Cho đến lúc này, dù đã về tới nhà nhưng trong tôi còn nguyên hình ảnh, âm thanh của dòng thác trắng mạnh mẽ và hiên ngang. Tôi chợt nghĩ đến những bản Mông trên núi cao, đến những con người bám núi rừng tự nghìn đời, họ – những chàng trai núi, bí ẩn và vững chãi như rừng già, hiên ngang cuồn cuộn như dòng thác, còn những cô gái, trầm lắng và dịu dàng, tỉ mỉ và cần mẫn như những cây hoa mua nở tím bao mùa trên núi, mộc mạc mà đầy sức sống.
Bên cạnh mây gió Hoàng Liên Sơn đêm ngày lồng lộng ai cũng biết tới còn có một Nậm Mở Nọi nhỏ bé, xinh đẹp đang chờ bạn khám phá. Tôi sẽ còn quay trở lại. Và bạn, có muốn khám phá Nậm Mở Nọi thân thương cùng tôi?
Đinh Hồng Nhung