Mùa mưa

Rả rích. Rầm rề. Triền miên và rai nhách. Mưa có thể từ tháng này sang tháng khác. Cả một vùng núi cao u ám chìm trong màn mưa. Khu trường học lợp mái gianh u buồn, xập xệ.

Trưởng bản Dìn tỏ lòng quan tâm đến các thầy cô giáo bằng cách đội mưa đóng lại tấm biển gỗ có dòng chữ ghi tên trường được khắc nguệch ngoạc nhưng rất rõ ràng bằng loại dao đi rừng của người Mông bị gió giật rơi xuống cả tuần mà không lúc nào đóng lên được vì trời mưa to quá. Hôm qua, trưởng bản Dìn phải đi bộ trọn nửa ngày xuống tận Trung tâm xã mua một hộp sơn đỏ về tô lại dòng chữ Trường tiểu học Xa Dinh. Khi hiệu trưởng Tâm đi uống rượu về thì thấy trưởng bản Dìn vắt vẻo trên cái cột vừa cao vừa trơn bặm môi thẳng tay nện từng nhát đinh.

– Thế này thì bão to vẫn cứ yên tâm nhé, thầy giáo Tâm

Tâm chạy vào mái hiên. Nước từ mái gianh nhỏ tong tong vào áo.

– Vâng, như vậy thì yên tâm rồi, cám ơn trưởng bản nhá! – Rồi quay vào phòng Hội đồng, rót nước vào cái ấm sứ, nói vọng ra.- Em mời trưởng bản vào uống nước. Trường chúng em ở đây phải gọi là nhất!

– Bản nghèo quá chứ không thì cũng lợp cho trường cái mái xi măng, hôm rồi đi họp ở xã, tôi cũng đã có ý kiến.

– Em làm hiệu trưởng trường này là trường thứ ba, chỉ có ở đây là tốt thế này.

– Thầy giáo cứ quá khen, muốn tốt nhiều lắm nhưng phải cái còn khó khăn quá…

Tâm xoa xoa hai tay cho nóng rồi day day lên đầu. Rượu vùng này là một thứ rượu sắn trộn với ngô rồi ủ bằng men lá rừng. Khi đỡ cơn nhức đầu nhìn ra thì màn mưa đã dày đặc đến nỗi trông từ dưới lên, trưởng bản Dìn giống như một đám lá màu xám, tả tơi bám vào thân cây.

Loan dạy đến tiết thứ hai thì tiếng mưa át tiếng cô giảng bài. Đám học sinh lơ ngơi nhìn bóng bóng nổi mỗi lúc một nhiều trên mảnh sân đất. Mưa kiểu này cả tuần, có khi hàng tháng, học sinh đến lớp thưa thớt, hôm nào cũng chỉ ngồi không kín hai dãy bàn đầu. Thứ sáu tuần trước, họp Hội đồng nhà trường, hiệu trưởng Tâm tuyên bố, không thể để tình trạng này tãi diễn nữa, không đảm bả chất lượng dạy và học, ngộ nhỡ Phòng giáo dục đi kiểm tra đột xuất thì kỷ luật cả trường. Và tôi là người chịu trách nhiệm. Nếu lớp nào để học sinh nghỉ nhiều thì giáo viên đó sẽ bị kỷ luận. Có thể sẽ đi cắm bản trên núi.

Nói vậy thôi chứ sáng sáng đích thân hiệu trưởng đánh trống cả nửa giờ mới thấy những đứa nhà gần lục tục kép đến. Nói vậy thôi chứ ai cũng biết giữa mùa mưa thế này, đi từ bản nọ đến bản kia còn tắc đường huống hồ đi từ huyện lên sáu chục cây số. Phòng giáo dục không ai dại gì đi kiểm tra giữa màu mưa. Rồi từ huyện ngược một quãng đường dài hai trăm cây số nữa thì về đến nhà Loan.

Một cơn đau dội ngược từ bụng trái lên. Loan cho học sinh nghỉ sớm. Bài học dừng ngang ở chỗ cái cày là đồ vật còn con trâu là động vật. Đứa con gái ngoan nhất lớp rụt rè:

– Thưa cô, nộp động vật bé được không ạ?

– Cái gì? À, em lên hỏi hiệu trưởng Tâm nhé!

– Nếu không được thì em không có gà nộp đâu, nhà em chỉ có một con gà mẹ đang nuôi con.

– Thôi được, để cô hỏi.

Trò này là của trưởng bản Dìn tỏ lòng quý mến các thầy cô bằng cách quy định mỗi em đóng góp cho nhà trường một con gà để các thầy cô tăng gia cải thiện. Vậy là nhà trường có gà ăn thoải mái. Nghe đâu những năm trước, học sinh còn ủng hộ cả thóc nữa. Hèn chi, tay lái xe chuyến về vắng khách có lần hỏi cô có chở thóc về thị xã không, lấy rẻ thôi.

Hiệu trưởng Tâm nhiều tuổi nhất trường, hai mươi sáu tuổi. Loan nhiều tuổi thứ nhì, còn lại là đám các thầy cô giáo mười chín hai mươi. Loan đi thẳng từ trường Trung cấp sư phạm tỉnh lên đây. Đằng nào cũng phải đi vùng cao, chịu khó đi trước, sau này ổn định gia đình, không phải đi nữa. Tâm làm hiệu trưởng trường này là trường thứ ba, nghe đâu toàn là trường yếu kém, phong trào đì đẹt, học sinh đến trường chỉ bằng một nửa tổng điều tra. Năm nào Phòng giáo dục huyện cũng bị mất tiên tiến vì có số học sinh bỏ vệ lấy vợ, lấy chồng nhiều nhất trong tỉnh. Tâm về trường nào thì trường đó chất lượng dạy học cũng như phong trào lập tức khá lên. Rồi lại đi trường mới. Hình như Tâm tình nguyện đi thì phải.

Hai người quen nhau từ cuối tháng tám của năm học này, và chính thức yêu nhau sau đó một tháng. Hôm đó là buổi chiều ngày mười bảy. Sau hai trăm cây số đi thẳng vào rừng, Loan là người sau cùng xuống xe giữa một đám bắp cải, xu hào và các loại bao tải hàng của những người buôn chuyến. Đám hàng ấy một thoáng cũng được người ta mang đi hết. Loan cứ đứng mãi ở chỗ bồn đất trồng một loại cây chỉ mọc được ở miền núi, lơ ngơ nhìn dãy nhà lợp tôn đỏ giữa rừng núi xanh. Nhà thấp tì nhưng vẫn có chằng chịt những dây chống sét. Cô đang không biết tính sao thì có người giới thiệu hiệu trưởng Tâm đi phép về trên chiếc Minkhơ màu đất đỏ. Trường Xa Dinh còn đi mãi vào rừng. Tối mịt hai người mới về đến trường. Đám giáo viên trẻ chạy xô ra đón hiệu trưởng. Sau này họ mới cho Loan biết là khi đó họ cứ tưởng hai người yêu nhau rồi.

Mãi cho đến khi mưa ngớt thì trời đã tối lắm rồi. Lúc này, mấy thầy cô giáo mới rủ nhau đi xách nước về tắm. Xách nước về rồi ăn cơm và rửa bát luôn một thể chứ. Thì sao nữa. Mà hôm nay, đây nấu cơm rồi thì đấy rửa bát nhé. Hôm nay đây không ăn. Á… à… Vậy thì cho nhịn, ngày mai không ăn luôn chứ… Thôi… thôi .. ăn chứ! … Loan nằm im lặng trong bóng tối của căn phòng. Cô muốn mở cửa sổ cho đỡ ngột ngạt nhưng lại ngại hai con người ngoài kia. Nghe tiếng va vào nhau khô khốc của những chiếc xô, Loan nhớ chiếc xô nhựa đỏ trống không và thấy tiếc là buổi chiều quên nhờ mấy đứa học sinh xách hộ nước. Muỗi bay dày đặc. Muỗi bay tạo thành một thứ âm thanh duy nhất. Trong bóng tối, hơi sáng lên hàng cúc bạc của chiếc áo thổ cẩm treo ở góc phòng. Đó là chiếc áo của Tâm. Ngày nào Tâm cũng đến đây kể từ khi hai người yêu nhau cho đến chủ nhật tuần trước, khi cô báo cho Tâm cái tin hai người có lẽ phải cưới trong năm học thôi, vậy là không thực hiện được kế hoạch dành dụm một chút tiền kha khá rồi mới tổ chức, rồi sẽ nhờ trưởng bản Dìn hỏi mua lại căn nhà gỗ vẫn còn tốt ở giữa bản, rồi hai người sẽ chuyển ra ở riêng, khi nào chuyển vùng được thì bán đi cũng chẳng sao. Ra ở riêng rồi, ngoài giờ lên lớp, Loan sẽ mở một cái quán bán hàng tạp hóa. Sống nhiều ở vùng cao rồi, Tâm tính chắc ăn nhất không gì bằng bán hàng tạp hóa, những loại quần áo xanh đỏ cho người lớn và trẻ em, những loại hàng tiêu dùng như xà phòng, khăn mặt, dầu muối… Nhất là vào dịp lế tết của người dân tộc, họ đổ xuống các của hàng như là đi hội. Đúng là mua một bán mười. Đấy là còn chưa tính đến lúc vào mùa, hai người sẽ đứng ra thu mua thóc, ngô của dân rồi bán theo xe về thị xã…

Loan đứng lên mở mạnh cánh cửa sổ. Tiếng nói chuyện của hai người ngoài kia tự dưng im lặng. Gió đêm ùa vào căn phòng. Cho đến hôm nay là tròn một tuần không thấy Tâm sang. Hai ngày đầu tuần có đoàn cán bộ của tỉnh lên công tác ở bản. Trường chỉ là nơi họ ngủ nhờ thôi nhưng hiệu trưởng Tâm vẫn tổ chức đón tiếp chu đáo. Loan cùng đám cô giáo chiều chiều lại tất bật làm cơm cho bảy người. Trong đoàn có một cô gái trẻ, với cách ăn mặc và nói năng như thế thì chắc cô ấy chưa khi nào sống xa thị xã. Loan cũng là người thị xã, đám cô giáo trong trường có tới một nửa là người thị xã. Từ nhà Loan nhìn về phía núi chỉ là những vòng cung mờ mờ. Cho tới lúc học xong Trung cấp, cô chưa khi nào đặt chân lên núi, chưa bao giờ nghĩ rằng mình sẽ sống ở trên núi. Vậy mà bây giờ cô đã là người của núi rồi. Mà vùng này lại rất cao, đứng ở giữa bản nhìn lại con đường mòn, dưới con đường ấy vẫn là rừng và núi. Cô không xác định được thị xã nằm ở hướng nào. Những buổi chiều, Tâm đi uống rượu, cô ngồi nhớ nhà trong màn mưa xám xịt, cô tự hỏi dưới bao nhiêu tầng núi nữa là thị xã, là nhà của cô…

Buổi tối cuối cùng đoàn nghỉ lại, Tâm đi đến chục nhà mới mua được một con chó nhỡ. Tâm cắt tiết, thui rồi làm các món thiết đãi đoàn. Đám cô giáo trẻ cử một người lên tiếp khách cùng hiệu trưởng, còn lại người đứng, người ngồi ăn cơm ngay trong góc bếp. Loan mang một bát cơm về phòng rồi lên giường nằm, không hiểu sao, mùi thịt chó khiến cô buồn nô.

Sáng hôm sau, lúc đoàn đi, hiệu trưởng Tâm thay mặtcả trường tặng mỗi người một chai mật ong rừng. Đoàn công tác chụp cho trường một kiểu ảnh kỷ niệm, riêng Tâm còn chụp với cô gái đó một kiểu đứng ở chỗ cây mận nở hoa trắng muốt. Đó là cái cây duy nhất trong trường, không hiểu sao năm nay nó lại ra hoa trái mùa. Tối hôm đó, nhà trưởng bản làm lễ cúng đặt tên cho con. Tâm uống rượu tới khuya, ngủ luôn dưới đó.

Loan đi lấy nước, cô men theo con đường đất nhỏ cứ gồ lên, lõm xuống bởi đất đát và dấu chân trâu, chân người. Cô đi tới đâu thì đám ruồi muỗi và rất nhiều loại côn trùng bay rào rào dưới chân. Trời tối quá, ở nơi cao như thế này trời có vẻ gần hơn, trăng sao như thể chỉ nối dài hai sải tay là với tới. Ngoài những đêm có trăng, đi đêm phải có đèn pin, nếu không có thể bị lạc vào rừng. Hồi đầu năm học, đám cô giáo trẻ đã bị lạc vào khoảnh rừng ma cạnh bản. Loan đi trong đêm tối, phải một lúc, mắt cô mới lờ mờ định được đường. Những mái nhà người Mông vùng này thật rộng và thấp. Mỗi mái nhà choán một khoảng rộng trong đêm khiến có cảm giác như những đám rừng nhỏ. Bao quanh cô toàn rừng là rừng. Ở chỗ ngoặt lối rẽ xuống bể nước, cô suýt va phải một người dắt trâu đi làm nương về, họ cũng không có đèn pin. Người dân vùng này quá quen với đêm tối, ánh mắt họ là những ánh đèn pin. Bọn trâu bò cũng không bao giờ lạc đường, có thể mắt chúng cũng giống như cái đèn pin. Bể nước nằm ở cuối bản, ngày mới xây chắc có vòi để vặn ra lấy nước nhưng từ ngày lên trường, Loan không bao giờ được dùng vì nó đã bị bọn trẻ con tháo mất. Giờ đây, ai lấy nước cũng phải dòng dây xuống múc, nước bao giờ cũng cặn dưới đáy vì cả bản dùng chung một bể nước này. Cạnh bể là khoảng rừng rậm, ngay cả ban ngày cũng rất ít khi thấy tia nắng chiếu lọt qua các kẽ lá. Ban đêm, vì chẳng nhìn thấy gì nên Loan mường tượng trước mắt mình là một khoảng trống mênh mông. Giống như cái cách cô nhìn biển lần đầu vào buổi tối không trăng, cũng là một khoảng trống mênh mông. Khi đó là vào năm lớp mười hai, Loan cùng nhóm bạn đi tham quan cùng cơ quan bố mẹ cậu bạn thân. Hai người lén đi chơi riêng dọc bờ biển. Khi những dãy quán hàng lùi lại rất ra, khi chỉ còn ánh sáng duy nhất là đốm đỏ của những chiếc thuyền đi biển ngoài xa thì cậu bạn đột nhiên cầm tay cô nắm chặt rồi bất ngờ kéo cô lại. Cô giật mình vùng chạy xuống biển. Cậu bạn hoảng hốt lao theo. Những ngày sau đó, cậu chuyển cho cô một lời xin lỗi và không giáp mặt. Thực ra lúc ấy, công không ý thức được khoảng trống mênh mông kia là nước. Tất cả chỉ có thế. Mãi một, hai năm sau đó, thi thoảng cô vẫn nhìn lại bàn tay mình, vẫn có cảm giác các ngón tay được nắm chặt bởi một bàn tay khác, có cảm giác của chiếc nhẫn cộm lên nơi lòng bàn tay. Sau này, chiếc nhẫn cũng bị vỡ mất vì nó chỉ làm bằng ốc biển…

Một cành củi mục rơi khô khốc. Tiếng kêu lạc giọng của một chú chim non làm Loan giật mình. Cô muốn chạy thật nhanh về trường, hoặc ít nhất cũng đi thật nhanh về cuối con đường, nơi có những mái nhà dù chúng im lìm trong bóng tối. Cô nhìn sâu vào khoảng tối mênh mông của cánh rừng. Cánh rừng ngay sát cạnh bản nhưng ban ngày cũng không ai dám vào vì đó là rừng ma. Người ta cho rằng linh hồn của bản nằm ở cánh rừng này, những linh hồn người chết cũng tụ họp nơi đây. Trong một thoáng, cô như nhìn thấy những ánh lửa đỏ nhảy nhót. Cô bỏ lại xô nước đầy nơi nể nước, bỏ lại cả đôi dép trên con đường mòn ngoằn ngoèo. Lúc chạy về đến cổng trường, cô thấy bụng đau rộn lên, cái gì đó nóng ấm chảy xuống đôi chân…

Những ngày sau mưa rất nhiều. Nước mưa tích tụ lại, cho đến ngày cuối cùng thì nó làm vỡ một quả đồi. Đó là một quả đồi nhỏ, không có nhà nào ở. Người dân nơi đây thích làm nhà ở những nơi cao nhất. Nó chỉ cuốn đi thật nhiều cây.

Hết mùa mưa, vào những ngày đẹp trời. Loan hay leo lên gồ đất cao để nhìn thật rõ những cây cổ thụ ở tít tắp phía xa. Về sau, cô phát hiện ra rằng, không cần thiết phải leo cao như thế, đứng ngay ở giữa sân trường cũng nhìn thấy. Những cây cổ thụ, chúng vẽ lên đường giới giữa trời và đất.

Nguyễn Thanh Vân


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.