Một thời sống đẹp

Thấm thoắt đã trải qua bốn mươi năm thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu (cũ). Thời gian dằng dặc, trên vùng đất biên cương biết bao nhiêu biến động, hoạt động văn học nghệ thuật vẫn đang đồng hành cùng cuộc sống. Là một tác giả, tôi cũng có những kỷ niệm thuở ban đầu đến với văn chương, một thời sống đẹp.

Hành trang từ Hà Nội lên huyện Phong Thổ của tôi ngày ấy chỉ vỏn vẹn là sách, vở và cảm xúc của thầy giáo trẻ mới bước vào đời, hăng hái và đủ mọi vui, buồn cùng tình yêu thương. Công việc của thầy giáo bản gắn với cuộc sống thực tế, tôi từng nghe mọi người hù dọa về nơi rừng thiêng nước độc. Nhưng rồi bao sợ hãi cũng tiêu tan dần, thay vào đó, với tôi hình ảnh bản mường, đàn em thơ, cảnh vật núi rừng như bức tranh đầy sắc màu đã xoa dịu những khó khăn, nỗi nhớ nhà, thiếu thốn, khơi dậy tâm hồn tôi bao rung động, đắm say… Tiếp xúc với sinh hoạt văn hóa đặc sắc mới lạ, được xem lễ hội, những đêm múa xòe, giao duyên, đối đáp tình tứ mà thiện cảm yêu mến, vô cùng. Tôi lặng lẽ đón nhận… ấn tượng sâu sắc, thấy gì, nghĩ gì, nghe gì tôi để trong lòng và ghi vào sổ tay như một lời nhắc nhở: “Hôm nay tôi mở đầu trang viết!.. Những vui buồn đất nước quê hương!”- (Nhật ký lên đường).

Đoàn văn nghệ sỹ Lai Châu thực tế sáng tác tại bản Phiêng Phát, xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên. 

Hồi ấy, Phong Thổ cách trung tâm tỉnh (thị xã Mường Lay) hơn một trăm cây số. Cho đến khi tỉnh chuyển trung tâm về thị xã Điện Biên, huyện Phong Thổ cách trung tâm tỉnh hai trăm cây số. Tôi dạy học ở khu vực San Thàng  còn xa hơn, thông tin về văn học nghệ thuật trong tỉnh rất ít bởi thời điểm đó chưa thành lập Hội, chưa có tạp chí văn nghệ của tỉnh. Ở ty Văn hóa tỉnh Lai Châu có Phòng văn nghệ, thỉnh thoảng in tập sách văn thơ khổ nhỏ và mỏng, tác giả còn thưa, chủ yếu ở các huyện, thị xã phía Điện Biên. Huyện Phong Thổ lúc đó có  một bộ phận của nông trường quân đội Than Uyên chuyển lên, sau này thành lập nông trường quốc doanh Tam Đường đã tuyển nhiều  nam nữ thanh niên miền xuôi lên làm công nhân trồng cây cà phê và cây chè. Người thêm đông, xua bớt nỗi vắng vẻ, quạnh hiu, chợ phiên San Thàng nhộn nhịp hơn, những đổi thay dù nhỏ nơi đây cũng làm vững lòng người. Đồi hoang được khai phá, tiếng máy cày vang rạo rực cả không gian, tăng thêm cản hứng cho người cầm bút.

Thỉnh thoảng, tôi gửi bài về Phòng văn nghệ và được các anh: Nguyễn Tri Tâm, Kim Sơn, Phan Kiến Giang đọc và viết thư trao đổi với tác giả, góp ý để chúng tôi nâng cao chất lượng sáng tác. Chúng tôi cũng tham gia viết cả bài báo với các đề tài quen thuộc: bộ đội biên phòng, hợp tác xã nông nghiệp, nông trường, trường học… Miền núi ngày càng phát triển, cuộc sống xã hội ngày càng sôi động, mọi người càng phải tích cực công tác. Chúng tôi cũng luôn hoàn thành tốt công việc chuyên môn của mình. Trong niềm phấn khởi, cảm hứng càng tăng. Sự bận rộn về chuyên môn không ngăn cản được đam mê sáng tác.  Hình như càng bận việc, càng thôi thúc trong lòng tôi, đêm như dài thêm ra cho mình viết… Thơ và truyện ngắn của tôi đều đều góp mặt trên các tập sách văn, thơ. Việc sáng tác chỉ là tranh thủ, thầm lặng và đơn độc nữa, bản thân tôi phải cố gắng vượt qua những hạn chế về năng lực, hiểu biết, cả rào cản chuyên môn, chưa có bạn văn mà tâm sự, trao đổi nghiệp viết…

Tháng 10 năm 1981, Đại hội l thành lập Hội Văn học – Nghệ thuật tỉnh Lai Châu được tổ chức tại Mường Lay. Tôi vinh dự được dự Đại hội này và  mở rộng tầm mắt, gặp gỡ nhiều văn nghệ sỹ đàn anh, những bậc thầy: Mạc Phi, Lương Quy Nhân, Nguyễn Tri Tâm, Nguyễn Cảnh Luận, Kim Sơn… Đó là nguồn cổ vũ rất lớn đối với một người cầm bút không chuyên như tôi vào thời điểm đó.

Ở Nông trường Tam Đường, phong trào học bổ túc văn hóa, văn nghệ  quần chúng tự biên, tự diễn cũng diễn ra hết sức sôi nổi. Các ngày lễ,  tết có biểu diễn hoạt cảnh, hát chèo, độc tấu đơn ca. Anh Nguyễn Xuân Thậm – trợ lý Văn hóa của công đoàn Nông trường là một cây bút tâm huyết ở đây. Anh Thậm sáng tác đủ thể loại: truyện ngắn, thơ… cộng tác thường xuyên với Tạp chí Văn nghệ Lai Châu và được kết nạp, trở thành hội viên. Cho đến năm 1998, ở huyện Phong Thổ chỉ có hai hội viên là: Huỳnh Nguyên và Xuân Thậm.

Trong hoạt động sáng tác, tôi may mắn được dạy học ở trường bổ túc văn hóa tập trung châu Phong Thổ. Học viên là cán bộ chủ chốt, cốt cán của ba mươi xã, một số cán bộ lãnh đạo châu về học, khóa học ba tháng. Được tiếp xúc với học viên các vùng, các dân tộc, tôi cảm nhận họ là kho tư liệu quý. Họ đã cho tôi bao cảm xúc đáng nhớ. Những kỷ niệm ấy trong tôi còn đẹp đến hôm nay… những ý tưởng, cốt truyện thành hình, tôi đã viết truyện ngắn và được đăng trong suốt một khoảng thời gian dài. Những năm cuối thế kỷ hai mươi, tôi có dịp được Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh cử đi trại sáng tác toàn quốc ở Hà Nội được đi thực tế, gặp thầy, gặp bạn học hỏi thêm.Thời gian ấy tôi viết đều, bắt đầu viết tiểu thuyết. Chỉ một năm sau tôi đã hoàn thành tiểu thuyết đầu tay “Tình sử một vùng đất”, nhưng đến năm 2001 mới có điều kiện in ấn.

Cũng trong khoảng thời gian này, huyện Phong Thổ đã có thêm một số cây bút ở các cơ quan đoàn thể tích cực hoạt động và có tác phẩm in ấn trên tạp chí Văn nghệ và đặc san… Nhu cầu xây dựng Chi hội, củng cố phong trào, phát triển hội viên trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Năm 1998, đoàn công tác của Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu do nhà văn Thạch Linh – Phó Chủ tịch Hội đại diện đã từ Điện Biên lên Phong Thổ làm việc với lãnh đạo Huyện ủy, Ủy ban Nhân dân huyện, nhất trí cho phép thành lập Chi hội Văn học Nghệ thuật huyện Phong thổ. Chi hội đã kết nạp 8 hội viên, nhiều hội viên sau này gắn  bó với hoạt động, sáng tác trong suốt quá trình phát triển của chi hội như: Nguyễn Thanh Luận, Đào Chính, Trần Long, Mạc Đích …

Thêm nhiệm vụ mới, một niềm vui mới, mỗi hội viên Chi hội hăng hái tham gia hoạt động sáng tác. Tôi năm nào cũng có những sáng tác mới ở  thể loại truyện ngắn và thơ. Theo thời gian những cuốn tiểu thuyết của tôi  tiếp tục ra đời: “Lửa PuTaLeng”, “Đại Bàng Núi”, “Núi rừng thân yêu”. Hiện nay, tôi vẫn tâm huyết với trang viết khi còn có thể.

Mới đó thôi mà đã trải qua bốn mươi năm với năm kỳ Đại hội. Nhìn lại  phía sau lòng tôi thêm trào dâng niềm xúc động. Nghề cầm bút thật không dễ dàng chút nào bởi bao nhiêu trang viết là bấy nhiêu trăn trở. Khi hoàn thành tác phẩm, ta có niềm vui, nhưng cũng có khi đã đặt bút mà lòng còn bối rối bởi trên đường đến nghệ thuật cũng có chỗ gập ghềnh mà bản thân mình phải nỗ lực, khó nhọc vượt lên. Thời gian trôi qua không chờ đợi ai, chúng ta vẫn đi về phía trước, làm nên cái đẹp cho đời, Hội đã đồng hành cùng hội viên, tạo điều kiện cho hội viên hoạt động sáng tạo như đi thâm nhập thực tế, dự trại sáng tác, tập huấn, hội thảo, hỗ trợ bản thảo, hỗ trợ in ấn để nâng cao hiệu quả lao động sáng tạo…

Chặng đường phát triển bốn mươi năm qua là niềm tự hào của Hội hôm nay. Văn nghệ sỹ một thời như chúng tôi, thời gian gắn bó với Hội đã để lại bao kỷ niệm khó quên!

HUỲNH NGUYÊN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.