Lễ hội gội đầu của người Thái trắng

Lễ hội “Lúng ta” là lễ hội gội đầu ngày cuối năm có từ lâu đời của người Thái trắng nói chung, người Thái trắng ở huyện Phong Thổ nói riêng. Nhưng lâu nay, lễ hội này vắng bóng với đồng bào dân tộc Thái nơi đây. Đến tháng 12 năm 2020, được sự quan tâm của UBND huyện Phong Thổ và sự quyết tâm của Đảng ủy, UBND xã Mường So đã phụng dựng lại lễ hội “Lúng ta” tại bản Vàng Pheo, xã Mường So.

“Lúng ta” là lễ hội có ý nghĩa hết sức quan trọng trong đời sống tinh thần của bà con người Thái trắng nói chung và người Thái trắng Phong Thổ nói riêng. Lễ hội còn thể hiện tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, mang tính nhân văn sâu sắc, thân thiện của con người với tự nhiên. Trong quan niệm của người Thái trắng, khi hết năm cũ, chuẩn bị bước vào năm mới, mọi người trong thôn, bản đều phải gội đầu để rửa trôi những xui xẻo, vất vả, bệnh tật, điều không mong muốn của năm cũ. Gội đầu là tống tiễn tai ương, bệnh tật xuôi theo dòng nước, đi mãi không bao giờ quay lại, đồng thời cầu mong năm mới tốt lành, gặp điều hay, làm ăn phát đạt.

Lễ hội “Lúng ta” bắt nguồn từ truyền thuyết về nữ tướng nàng Han, người có công dẹp giặc phương Bắc. Chuyện kể rằng: Nàng Han là một cô gái đóng giả con trai để tập hợp lính mã, cầm quân đánh giặc ngoại xâm. Đoàn quân của nữ tướng đuổi giặc ra khỏi bờ cõi nước ta thuộc huyện Phong Thổ,  tỉnh Lai Châu. Đoàn đánh thắng giặc trở về là đúng vào ngày 30 tết âm lịch. Buổi chiều hôm đó, Nàng Han ra lệnh cho quân sĩ dừng lại bên bờ suối nghỉ ngơi, tắm gội, ăn mừng chiến thắng và đón chào năm mới. Các binh sĩ tắm ở thượng nguồn, còn Nàng Han tắm ở hạ nguồn. Sau khi tắm xong, Nàng Han biến mất để lại bộ quần áo ở bên bờ suối. Để tưởng nhớ đến nữ tướng Nàng Han, hàng năm đến ngày 15 tháng 2 âm lịch, đồng bào dân tộc Thái ở Mường So lại tổ chức lễ hội Nàng Han, ngày cuối năm lại tổ chức lễ hội gội đầu.

Để lễ gội đầu diễn ra tốt đẹp, trước đó hàng tuần người con gái Thái đã vo gạo nếp để lấy nước. Nước vo gạo được đựng trong chum hoặc nồi, cất giữ cả tuần hoặc lâu hơn để nước gạo càng chua càng tốt. Nước gội đầu là những hương liệu của quả bồ kết pha lẫn với nước vo gạo. Đó là nước gội đầu dành cho đàn bà con gái. Nước vo gạo để hàng tuần lên men, bốc mùi chua là một bí kíp để giúp cho mái tóc người con gái Thái càng đen, dài mượt mà, óng ả. Còn nước tắm của người con gái thường là nước thơm của cây mùi già. Nước gội đầu đàn ông thường là bồ kết, người ta nướng bồ kết rồi để ra ngâm vào nước đun sôi. Trong dịp lễ, người phụ nữ Thái trắng thường mặc áo ngắn bên trong, áo này trong tiếng Thái gọi là “sửa nội”. Bên ngoài, họ khoác áo cải, gọi là “sửa luông”. “Sửa luông” được thiết kế theo phong cách riêng của người Thái, chủ yếu là làm từ vải đen, hai bên vai có hai dải màu buông xuống trước ngực trông rất điệu đà. Ngày nay, cùng với sự biến đổi của thị trường thì “sửa luông” cũng được may cải tiến thắt đáy ở eo lưng, không thắt vạt như áo cổ xưa. Đàn ông thì mặc giản dị hơn.

Cách thức tổ chức lễ gội đầu gồm các hoạt động: Trước khi ra bờ sông, bờ suối để gội đầu người đứng đầu bản hoặc thầy mo cùng đoàn nam thanh, nữ tú dâng lễ lên Nàng Han và mời cùng ra bờ sông, bờ suối để gội đầu cùng con cháu, trước lúc bước sang năm mới. Thầy mo hoặc trưởng bản là người đi đầu đoàn. Theo sau là dân bản, là những nam thanh nữ tú khiêng trống chiêng vừa đi vừa đánh. Trống được đánh ba nhịp và đệm thêm một nhịp chiêng. Đoàn làm lễ gội đầu lặng lẽ theo hàng một đi ra bờ sông như một đám rước. Họ rước theo nước gội đầu, tay cầm một cành lá dùng trong nghi thức gội đầu. Đến bờ sông, đàn ông và các bé trai đi ngược lên thượng nguồn chừng dăm chục mét. Đàn bà và các bé gái ở phía dưới dòng. Lúc này, người chủ lễ  khấn thần linh, đại ý như sau: “Năm hết tết đến tiễn cái cũ đi xa cái tốt thì ta mang về, cầu mong năm mới làm ăn phát đạt. Cái xấu, cái cũ hãy đi xa, đi xa mãi đừng bao giờ quay về nữa, cái mới cho mọi người thêm nhiều may mắn”. Ông chủ lễ khấn xong, tiếng trống chiêng vang lên, những người phụ nữ từ từ bước xuống dòng sông, cúi đầu xõa tóc xuống gội bằng những chậu nước vo gạo để chua.

Lễ hội gội đầu để tôn vinh bản sắc văn hóa của dân tộc Thái trắng nói chung và người Thái trắng huyện Phong Thổ nói riêng. Lễ hội nhằm phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, góp phần nâng cao trình độ dân trí cho  đồng bào. Lễ hội cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu tiềm năng văn hóa du lịch của mảnh đất Phong Thổ.

         Lò Văn Chiến


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.