Người Dao Khâu tổ chức lễ Cấm bản (Khai kiềm) vào đầu xuân nhằm mục đích để xua đuổi tà ma bảo vệ dân bản, có nơi gọi là lễ “rào cổng bản” hay lễ “quét bản”. Thời gian tiến hành lễ cấm bản không cố định mà nó có thể được tổ chức vào trong tháng 1 tháng 2 hoặc tháng 3 (âm lịch). Tuy nhiên không phải năm nào lễ cấm bản cũng diễn ra mà 3 năm mới có một lần. Việc tổ chức vào tháng nào là tùy dân bản bàn bạc với nhau thống nhất ý kiến, chỉ cần vẫn còn trong mùa xuân là được. Khi đã thống nhất tổ chức vào tháng nào thì người dân sẽ bầu ra một người chủ trì chỉ đạo mọi công việc trong ngày lễ đó. Cũng giống như lễ hội mừng xuân người chủ trì sẽ mời thầy cúng hoặc người nào đó biết chọn ngày tốt. Theo quan niệm của người Dao Khâu thì những ngày sau sẽ được coi là ngày tốt: Ngày lợn; ngày dê; ngày rắn; ngày rồng; ngày trâu; ngày hổ;… Lễ cấm bản diễn ra trong vòng 3 ngày kể từ ngày cúng và chăng dây rào cổng bản. Tuy nhiên chỉ có ngày đây tiên tiến hành nghi lễ còn những ngày sau không làm gì mà chỉ thực hiện những kiêng kỵ sau khi rào cổng bản.
Chú thích ảnh: Thiếu nữ Dao Khâu ở Sìn Hồ
Khi đã chọn được ngày tốt rồi người chủ trì lễ cúng bản sẽ thông báo cho toàn dân bản biết trước vài ngày. Khi nhận được thông báo mọi người sẽ đóng góp tiền cho người chủ trì để mua sắm lễ vật cho ngày lễ.
Lễ vật bao gồm:
– 1 con lợn (10 kg)
– 1 bó hương
– 1 ít giấy (tiền)
Địa điểm diễn ra lễ cúng cấm bản là ở ngoài bản, thường là bên ngoài cổng chính của bản. Không được làm ở trong bản vì nếu làm như vậy người Dao Khâu cho rằng không đuổi được hết ma trong bản ra ngoài.
Đến ngày chính thức làm lễ cúng cấm bản dân làng phải mời thầy cúng giỏi mới làm lễ cúng đuổi ma được. Nếu trong làng không có thầy cúng giỏi phải cử người đi mời ở các thôn bản khác về làm giúp. Ông thầy cúng sau khi làm cúng xong sẽ được dân bản trả công bằng tiền. Số tiền nhiều hay ít tùy theo từng bản và cũng không có con số cố định. Hiện khu vực Thị trấn Sìn Hồ và mấy xã người Dao Khâu lân cận chỉ còn có 3 người biết làm cúng cấm bản gồm: Tẩn Lìn Xỉ 42 tuổi thôn Tả Phìn 1, Tẩn Pà Vản 43 tuổi thôn Tả Phìn 1, Tẩn Lao San 38 tuổi Thị trấn Sìn Hồ.
Buổi sáng khoảng 7 giờ tất cả những người tham gia lễ cúng cấm bản đã có mặt ở nơi diễn ra lễ cúng. Tất cả dân bản đều tham gia nhưng cũng chỉ có đàn ông đàn bà không được có mặt. Theo sự phân công từ trước của người chủ trì người đi mua lợn lúc này sẽ dắt lợn mua làm lễ vật đi theo. Ai được phân công mang dao chậu, xong nồi, bát đũa … sẽ tự giác mang đầy đủ và tập trung tại cổng bản (nơi đã định trước).
Khi có mặt tại nơi diễn ra lễ cúng mỗi người sẽ đảm trách một việc theo sự phân công của người chủ trì. Nhóm đầu tiên là làm thịt mổ lợn chuẩn bị lễ vật dâng cúng. Nhóm thứ 2 mang theo dao sẽ đi lấy dây rừng để chuẩn bị làm dây căng cấm bản. Nhóm thứ 3 sẽ đẽo những thanh kiếm, dao, búa… bằng gỗ để treo lên dây làm vật đuổi ma.
Khi nhóm đầu tiên làm thịt lợn xong bày mâm lễ vật để bên cạnh đường nơi sẽ chôn cột gỗ để căng dây cấm bản ông thầy cúng sẽ tiến hành lễ cúng. Lời bài cúng cũng được viết thành sách dùng chữ Nôm Dao và đọc bằng tiếng Quan Hỏa. Nội dung bài cúng được ông Chảo Yêu Quang tóm tắt như sau: “Thầy cúng sẽ mời toàn bộ ma trời, ma đất, những người đầu tiên đặt chân lên bản và có công khai đất lập bản. Ngoài ra phải mời cả ông Vua – Chúa của người Dao về cùng hưởng lễ vật của dân bản dâng cúng. Ăn xong bảo vệ cho dân bản sang năm mới làm ăn phát triển, mạnh khỏe con người. Nếu trong bản làng có ma các vị phải giúp dân bản đuổi hết ma ra khỏi bản làng để dân bản không bị ma ác làm hại…”
Sau khi thầy cúng xong mọi người tham gia lễ cúng sẽ tiến hành căng dây ngang cổng bản không cho ai vào. Trước khi căng dây phải đóng 2 cái cột cao khoảng 2,5 mét ở hai bên đường. Nếu địa điểm chăng dây có cây ở bên đường thì có thể buộc luôn dây vào cây mà không cần phải chôn cột. Dây dùng để chăng là một loại dây rừng bền và chắc. Dây được chăng cao khoảng 2 mét để cho người vẫn có thể đi qua lại được mà không bị vướng. Những người được giao nhiệm vụ đẽo các thanh kiếm gỗ, búa và dao gỗ lúc này sẽ dùng dây rơm lúa buộc các thanh kiếm, búa và dao vào dây rừng rồi cùng mọi người chăng lên.
Việc chăng dây có mục đích là để rào cổng của bản lại, không cho ma đi vào trong bản. Các con ma bên ngoài muốn vào bản phải đi qua cổng đó mà cổng đó đã bị rào lại nên không đi vào được. Theo lời kể của ông Tẩn Kim Phù thì người Dao Khâu cho rằng những con ma còn sót lại trong bản sẽ được ông thầy cúng nhờ các vị thần thánh đuổi đi khi cúng. Để bảo vệ cho chắc chắn không cho ma ở bên ngoài xâm nhập vào trong bản người dân phải làm thêm dao, búa, kiếm gỗ treo trên dây căng ngang đường để ma sợ không dám vào. Không chỉ chăng dây một cổng chính mà phải chăng dây tất cả các cổng còn lại. Nghĩa là bản làng có bao nhiêu lối vào lớn (trừ lối nhỏ quá) đều được chăng dây. Tuy nhiên những cổng phụ không có kiếm, dao, búa gỗ treo trên dây.
Sau khi đã hoàn tất việc chăng dây rào cổng, những người tham gia lễ cúng bản quay về nơi cổng chính vào bản bày mâm uống rượu ăn cơm. Từ lúc này việc kiêng không cho người ngoài bản đi vào trong bản được thực hiện. Trong vòng 3 ngày kể từ sau khi chăng dây xong tất cả những người không phải là dân bản đều không được vào. Kể cả người dân bản nếu khi cúng bản không có mặt ở lễ cúng hoặc ở trong bản lúc này cũng không được về. Người dân trong bản được phép đi qua lại cổng bản khi đã rào, nhưng không được đi đến bản khác và không được đi xa. Nếu ai đã đi xa hoặc đi đến bản khác sẽ không được quay về mà phải đợi xong 3 ngày mới được về. Bất cứ ai vi phạm điều kiêng kỵ trên sẽ bị phạt rất nặng. Người vi phạm sẽ phải bồi thường toàn bộ số lễ vật để bản làm lại lễ cấm bản khác. Theo ông Chảo Yêu Quang: “Nếu để cho người ngoài vào sau khi đã rào cổng bản thì ma sẽ theo người đó vào. Khi đó việc cúng quét bản sẽ không còn hiệu quả, ma ác sẽ vào bản làm hại dân bản ốm đau bệnh tật. Năm mới sẽ không gặp may, làm ăn không phát triển.. vì vậy phải kiêng không cho ai vào.”
Mọi người tiếp tục ăn cơm uống rượu và dùng hết những lễ vật dâng cúng. Nếu không ăn hết những lễ vật đó cũng không được ai mang về nhà. Người Dao Khâu cho rằng mang lễ vật đã dâng cúng trong lễ cấm bản sẽ mang lại điều không may mắn cho năm mới nên không ai làm như vậy.
Cũng giống như lễ hội mừng xuân, lễ cấm bản không có các trò chơi và biểu diễn văn nghệ: ca hát, múa, hay nhạc cụ gì, chỉ có lễ cũng và dân bản (những người tham gia) tập trung ăn uống.
Hiện nay, lễ cúng cấm bản đã không còn tồn tại ở nhiều bản người Dao Khâu. Theo khảo sát, tại thị trấn Sìn Hồ chỉ còn xã Tả Phìn là còn tổ chức lễ cúng này. Các vùng khác hiện không làm nữa và cũng ít người Dao Khâu biết đến tục cúng rào bản của dân tộc mình.
Nguyễn Thanh