Lao xao mùa mía chín

Một chiều thư thả đi làm về sớm, thấy những cô gái người Nhắng ngồi xắt mía bên góc chợ, tôi chợt nhận ra mùa hè đã về. Hè về không chỉ ở sự rực rỡ của nắng, của gió, mà còn ở hương vị thân quen của mía. Trời càng nắng gắt, mía càng ngọt, càng nhen lên nỗi nhớ về hương vị mát lành, thơm thảo từ chính mảnh đất quê hương này. Hè là khi những thân mía dài hết độ, những lóng mía thưa mắt, đanh chắc, rắn bóng, ngọt đậm, tôi thích gọi là mùa mía chín.

Loanh quanh trong thành phố nhỏ, thật dễ tìm những quán cóc có mía đá Thi thoảng tôi cũng rẽ vào quán bà Lành, gọi một vài cốc mía đá. Bà chủ vui tính, xởi lởi chọn một cây mía tươi đã cạo vỏ, ép đầy ca đựng mà không quên cho thêm một chút quất. Ngòn ngọt, chua chua, hương mía hòa cùng hương quất thơm thơm, dễ chịu. Tôi mang về cho trẻ con, như một thức uống giải khát an lành, thay cho cocacola hay nước ngọt đóng chai mà con vẫn đòi khi rẽ qua siêu thị. Đôi khi lại tụ tập cùng lũ bạn học chung thời phổ thông dưới tán bàng xanh mát, nhâm nhi cốc nước mía, nói đủ thứ chuyện trên đời. Tình bạn giữ dài theo năm tháng. Thân thương vô cùng. Và mỗi lần gặp chúng nó lại thấy mình như trẻ lại cái thời mười lăm – mười bảy tuổi vậy.

Từ hồi còn nhỏ, tôi đã nhớ mẹ nói: không phải loại mía nào cũng ép được. Cho nên, giờ đây mới có những cô gái bán những túi mía đã xắt sẵn thành những khoanh nhỏ cho tiện thưởng thức nơi góc chợ. Chứ thời của mẹ thì bán cả bó mía về tự chẻ thôi. Các cô bán mía ngồi trên chiếc ghế mây giữa những đống mía thân dài, vàng óng. Khách ưng cây nào thì chặt cây đó. Thế mà đến chiều, đống mía cũng vơi dần. Ngày nào tôi cũng thấy các bà, các cô bán mía nơi góc chợ. Cho đến khi mùa hè, thu qua đi. Các cô có thể giúp người mua chặt thành bó ngắn, hay dóc sẵn thành những miếng nhỏ vừa ăn. Tay thoăn thoắt, chỉ một loáng là có mía ăn. Cuộc sống mỗi ngày một tân tiến, đến việc róc mía, thái mía cũng có dao chuyên dụng sắc lẹm. Người bán nhàn hơn, mà người mua không phải đợi chờ. Cho nên, dù bận đến mấy, ai cũng có thể được thưởng thức những thanh mía ngọt ngào đến tỉnh cả người. Có cả mía tím, mía vàng. Cô gái nhẹ nhàng giải thích: Mía tím thì mềm hơn, nhưng không ngọt bằng mía vàng. Ai thích ăn loại nào cũng được. Cu Bo chọn một cây mía tím, to, tròn, mập mạp, nhìn đáng yêu như trẻ con. Sau lớp vỏ tím được tách ra là lớp ruột mía bên trong đầy nước. Cô bán hàng cắt ngắn, để gọn gàng vào túi đưa cho Bo. Bo thích thú nhận món quà chợ chiều rồi ra chiều hiểu chuyện: “Không có cô giúp thì về mẹ con mình róc lâu lắm mẹ nhỉ”. Tôi gật đầu cười đồng ý nhưng đôi lúc, tôi lại mua về một bó mía để gọn góc nhà, để khi nào bà nội cu Bo thích thì mang ra róc ăn cùng các cháu. Năm tháng có qua đi nhưng bản tính chăm chỉ, nhẫn nại của bà cũng không đổi dời. Tôi thấy được sự thanh thản, bình an của mẹ chồng mỗi khi ngồi bên bậc thang thềm nhà, đẵn khúc mía cho các cháu ăn. Bà làm chầm chậm, từ từ vì giờ tay bà cũng yếu rồi, dao đẵn mía thì sắc, không cẩn thận nhỡ lại đứt tay. Vì bà cứ chầm chậm nên mấy đứa trẻ càng háo hức, có miếng nào ăn hết miếng đó, lại cảm thấy ngon lành hơn là có sẵn cả một túi mía chẻ sẵn. Bà vẫn cứ dành ăn những miếng đầu mẩu, bà cười bảo mía tím mắt mềm, vứt đi thì phí. Nhưng răng bà móm mém quá rồi. Tôi lại ra góp vui, ăn mấy miếng đầu mẩu cùng bà để bà ăn miếng mềm với các cháu.

Mỗi lần muối dưa, tôi thường thấy bà nội cu Bo không quên chẻ vài thanh mía cài chéo trên mặt hũ dưa. Bà bảo để dưa khỏi nổi lên và dưa cũng nhanh chua hơn, lại thơm nữa. Về làm dâu mẹ, tôi học được bao điều. Sau này, tôi cũng thường làm theo cách của bà. Bố cu Bo mỗi lần thưởng thức dưa cà muối cũng tỏ ra thích thú lắm, vì vẫn cái vị như được ăn từ nhỏ đến giờ. Tôi lại cười bảo bà nội Bo truyền bí kíp đấy.

Mùa mía, tôi thích vừa đọc sách, vừa nhâm nhi bát mía ướp mấy bông hoa bưởi hay hoa nhài mới hái đầu hồi. Ánh nắng xuyên qua ô cửa sổ, nhảy nhót trên những trang sách, rọi cả vào tâm trí tôi dịu dàng. Cuộc sống cứ bình yên vậy trôi qua. Nhỏ bé thôi nhưng là mơ ước của bao người, trong đó có tôi. Bởi chỉ khi có những biến động xảy ra trong đời mới hiểu khoảnh khắc được ngồi êm đềm bên hiên nhà thưởng thức vị mía quý giá nhường nào.

Tôi nhớ năm xưa, cả xóm nhà ai cũng nghèo lắm. Hồi ấy, khi tôi còn là cô bé con năm, sáu tuổi, mía chưa nhiều như bây giờ. Các khu đồi trồng chủ yếu là chè, lúa, ngô, dong riềng. Mía chỉ được trồng các bụi nhỏ trong vườn nhà. Bà nội tôi cũng giống như bà nội Bo bây giờ. Cả đời tảo tần, chịu thương, chịu khó. Trồng được khóm mía, bà giữ gìn, chẳng dám ăn, đợi đến ngày mang ra chợ bán lấy tiền sắm tết. Tết quê tôi, nhà nào dù sắm to hay sắm nhỏ cũng phải có cây nêu dựng hai bên ban thờ. Mọi người đều tin rằng cây mía ngọt ngào sẽ mang tới một năm mới an lành, hạnh phúc. Không những vậy, cây mía còn là cầu nối tâm linh giữa trời và đất, giữa dương với âm, giữa con cháu với tổ tiên, cội nguồn của mình. Vào ngày ba mươi tết, bà tôi sẽ cẩn thận chọn đôi mía tím ngoài vườn đưa vào thắp hương tổ tiên và ông nội, cả bác tôi nữa. Bà thường chọn hai cây đẹp nhất, mập mạp, tán lá xanh mướt rồi lau sạch từng lóng mía, xếp ngay ngắn hai bên bàn thờ gia tiên. Những cây đẹp khác bà đem ra chợ bán. Chỉ những cây còi cọc, cong queo thì bà để lại, chúng tôi mới có dịp được ăn. Mà chỉ khi nào bị ốm thì mới được ưu tiên ăn mía. Bà đẵn mía ra một cái bát rồi dỗ dành “ăn hết bát cháo này thì bà cho ăn bát mía kia”. Thế rồi cháo lạt đến đâu cũng hết, để còn được ăn mía. Những cơn ốm sốt qua đi. Bọn trẻ chúng tôi đều nghĩ chính mía đã chữa bệnh cho mình.

Sau này, khi tôi lớn hơn chút nữa thì nhà tôi dành mấy khu đồi trồng thêm mía. Giờ thì chẳng phải thòm thèm như lúc nhỏ xíu nữa. Thích ăn là ăn thôi. Nhưng chẳng phải tự nhiên mà có mùa mía chín. Đó là bao công sức của bố, của mẹ. Bố mẹ trồng cả mấy hec-ta mía, từ những cái ngọn non nớt đầu tiên. Bao nhiêu buổi đi làm cỏ mía, tước lá, bón phân, vun gốc. Rồi mía cũng lớn dần lên. Tôi nhớ nguyên những buổi đi làm cỏ mía với mẹ. Nhìn cánh đồng mía lá vươn dài xanh tốt mà lòng lâng lâng. Mẹ vui lắm. Chỉ mong được mùa, mía đừng trổ hoa sớm, còn bán cho người ta. Lá mía dài như những thanh kiếm. Gió về, cả cánh đồng mía lao xao như những chàng lính thanh niên dang hai tay múa kiếm. Mẹ cười bảo tôi đến là khéo tưởng tượng. Thằng em tôi thì cứ luôn miệng hỏi: “Sao lại gọi là mắt mía? Sao mắt mía không mở mắt”. Mẹ lại cười: mía lớn thì sẽ mở dần mắt. Mà đúng là cây mía càng lớn, các mắt càng thưa ra, các đốt dài ra, có lúc không còn thấy mắt mía nữa. Đi làm cỏ mía với mẹ vui thật, nhưng cũng bị mấy phen nhớ đời, lá mía làm cho đứt tay xước mặt. Mẹ tôi luôn dạy phải mặc kín mấy lớp áo, đeo khẩu trang kín đầu kín mặt, đi ủng, đeo găng tay thì mới làm cỏ mía được. Mẹ vẫn bưng bít kín thế mà tay mẹ vẫn chai sạn đi cùng sự lớn lên của những khóm mía, trên da mẹ vẫn nhiều vết xước và vết cắt cả cũ cả mới chằng chịt vào nhau. Càng lớn tôi càng hiểu sự vất vả và những giọt mồ hôi thánh thót của mẹ. Những lúc ngồi nghỉ dưới bụi mía, tôi thấy mẹ bỏ hết khăn ra, lấy nón quạt quạt một lúc rồi kệ cho gió ngoài cánh đồng thổi đến khô mồ hôi. Hiếm lắm mới thấy giây phút thảnh thơi mẹ cười. Mẹ bảo mẹ thích màu xanh của lá mía. Nó chính là niềm hi vọng cả một năm trời vất vả. Chẳng biết mía có hiểu không mà chúng tôi nhìn ra trước mặt, những cây mía vẫn vươn xanh như niềm khát vọng, khúc điệu lá của những ngày nắng hạ lao xao, rộn ràng. Mía là loài cây có sức sống bền bỉ, dẻo dai nên có thể sinh sống phát triển ở cả ở vùng khí hậu khắc nghiệt, như ở chỗ tôi ở là vùng đất cao khô cằn, khô hạn, lúc lạnh thì băng giá, lúc nắng nóng thì như đổ lửa. Những con người ở quê tôi cũng vậy, cuộc sống dù có khốn khó thế nào, cũng thâm trầm vượt qua. Đến giờ, những kỉ niệm về mẹ vẫn xào xạc trong tôi như tiếng lá mía khua trưa nào. Thương nhớ thật nhiều!

Đầu hè là lúc mía gặp những cơn mưa để lớn nhanh như thổi. Đợi đến tháng bảy, mía trở thành chàng trai cường tráng, trưởng thành với lóng dài, thân mập, chắc óng ả. “Mía tháng bảy nước chảy lên ngọn”. Dịp chính hè, mía vào độ ngọt lịm, nhiều nước, nhiều đường cũng là lúc thu hoạch. Bởi để già quá là mía trổ bông trắng như hoa lau, thân mía xốp, ít nước. Nhất là mưa nhiều quá, mía sẽ nhạt, thân bị sâu. Nghề nông là vậy, cứ đúng vụ, đúng mùa là gieo trồng, thu hái. Mía thường được trồng vào khoảng tháng giêng, hai và mùa hè, thu là để thu hoạch. Tôi nhớ, khi xưa, bà nội tôi có năm cứ để dành cây mía chờ bác tôi đi lính trở về. Mà bác không về, cây mía trổ hoa, bà cứ buồn mãi. Rồi mùa sau bà không đợi nữa vì biết bác không trở về. Chỉ mỗi lần ngồi róc mía cho chúng tôi ăn, là bà lại nhìn xa xăm, đôi mắt bà rưng rưng nước. Có lần bà còn đứt cả tay vì róc mía mà không để ý. Tay bà đau rồi nên chúng tôi tự phải học lấy cách róc mía mà ăn.

Tôi nhớ những chiều đi chăn trâu, cắt cỏ bên cạnh, cứ đói khát là có mía ăn. Cuộc đời thật còn gì tuyệt hơn. Chẳng cần phải dao dựa, chỉ cần lấy răng tước mía là được. Dù rát hết cả lưỡi, nhìn miếng mía nhom nhem nhưng vẫn ngon lành vì mềm và nhiều nước. Không chỉ có vậy, bọn trẻ chúng tôi thích nhất là mía nướng vùi trong than với khoai mật. Mùi mía nướng thơm nức, sao mà ngọt mà ấm đến vậy. Những ngày thu đông se lạnh, mót được khúc mía để nướng như này thấy thời ấu thơ thu lại, như chỉ cần có thế là đủ đầy.

Mùa thu hoạch mía, những tiểu thương đến mua mía đi ép đường. Được mùa mía, mẹ vui lắm. Có tiền để chữa bệnh cho bà, cho chị em tôi ăn học. Ông nội tôi thích để lại ít mía để cùng với bố tôi tự nấu mật mía cho nhà. Nước mía ép ra màu vàng tươi được đổ vào chảo. Nấu chảo nước mía trên bếp củi trong khoảng ba tiếng đồng hồ để thành mật. Khi chảo nước mía sôi đủ lâu sẽ đặc sệt hơn cùng với màu vàng đậm hơn. Người nấu mật giỏi chỉ cần nhìn màu mật là biết mật già hay non. Người chưa có kinh nghiệm thì dùng chiếc que nhỏ nhúng vào rồi lấy ra ít giọt mật thả vào bát nước nguội. Khi thấy đáy bát có giọt mật tròn như chiếc cúc áo là mật đã được. Tôi thích nhất hương mật mía lúc nấu, thơm lừng cả xóm. Đến trong mùi thơm cũng thấy ngọt. Bọn trẻ con chúng tôi chỉ mong đến đoạn ông và bố rót hết vào chum thì thi nhau dùng vỏ mía tước dầy vét mật còn dính trên chảo. Mật vét được ngọt, thơm, dẻo, dai như kẹo kéo. Ôi, tuổi thơ ngọt lịm đường của tôi.

Bố tôi thích nhâm nhi cốc trà xanh nhà trồng với ít mật mía và gừng vào sáng sớm. Hương chè xanh, hương gừng và vị ngọt lẫn hơi sương, hương bay phảng phất vào cả mặt, cả mắt. Trong ngày, tôi thấy bố thư thái nhất lúc đó. Bố bảo uống cốc chè mật mía tỉnh cả người, khỏe cả ra. Rồi từ sau lúc đó, bố lại bận luôn tay luôn chân với cả mấy quả đồi chè, mía, lúa ngô cùng mẹ. Cuộc sống cứ xoay tròn như thế quanh năm suốt tháng. Rồi ông bà mất đi, bố mẹ tôi già lúc nào chẳng hay. Còn cây mía, cứ mỗi ba năm lại phải trồng lại. Năm đầu tiên gọi là mía “giồng”, năm thứ hai gọi là mía “gốc” còn năm thứ ba gọi là mía “cội”, thu hoạch xong lần ba thì phải trồng lại. Những lần mới trồng chỉ mong mía nhanh bén rễ, trổ những mầm mới từ những đôi mắt như ngủ mơ, rồi đẻ nhánh, lớn lên. Mùa mía chín là khi lá mía ngả vàng, lá ở ngọn không lớn nữa. Thân mía tròn căng, bóng bảy, thưa dài. Người nông dân chỉ mong đến mùa mía chín mà không mưa táp quá nhiều.

Khi thu hoạch, mía được ngả theo từng luống. Bố tôi và mấy bác trai cùng xóm dùng con dao sắc lẻm phạt vào gốc mía. Từng bụi, từng bụi đổ xuống. Bọn trẻ chúng tôi có nhiệm vụ gom những ngọn mía lại. Ngọn mía để trồng, hết diện tích trồng thì cho trâu, cho bò ăn. Bố bảo đến cả bã mía cũng mang cho trâu, bò nhai. Cây mía tính ra chẳng vất đi đâu tí nào bố nhỉ – Thằng em trai tôi gật gù. Bố bảo: cây mía ngọt lành, mình thích mà trâu bò cũng thích. Có nơi, người ta còn lấy bã mía làm giấy ấy chứ. Em trai tôi lại mắt chữ A, mồm chữ O, thích thú trước mọi kiến thức mới lạ. Khi gốc mía không để trồng thêm mùa được nữa thì bố và mấy bác phá luống, sao cho từng cụm gốc bật lên khỏi mặt đất. Lũ trẻ chúng tôi lại háo hức đi mót những đọt mía non mập mạp, trắng nõn vốn đang bị giấu trong mặt đất giờ bật lên trước ánh nắng mặt trời. Chẳng cần róc vỏ, chỉ cần lau qua là chúng tôi sẵn sàng cho những đọt mía non vào miệng thưởng thức vì đọt mía thật mềm và ngọt mát. Những kí ức của tuổi thơ đầy dữ dội là tài sản quý giá trong tâm hồn của thế hệ chúng tôi mà bọn cu Bo bây giờ có nghe kể cũng không thể tưởng tượng ra được. Nhưng tôi vẫn kể cho con nghe, vì cái gì có sẵn trong hồn thì dễ nói ra thành những lời chân thật.

Sau này, bố mẹ quá già để làm mía. Tôi đi lấy chồng. Chỉ có em trai ở lại, tiếp nối nhưng bằng hình thức mới: em mở xưởng mía đường, tuyển nhân công về làm. Những hàng xóm nhà tôi trồng thêm nhiều héc-ta mía, giảm bớt sắn, ngô, khoai. Mía họ trồng được đã có công ty của em trai tôi thu mua sản xuất.  Không phải bán mía đi xa đâu nữa. Thấy nó cũng được lên báo đài về mô hình dây chuyền sản xuất kinh doanh mía đường ở địa phương. Cả nhà cũng vui lây, em vừa tạo thu nhập cho gia đình, vừa tạo công ăn việc làm cho người dân trong làng, xã. Nó cười xòa “em cũng là học từ bố mẹ mình ra cả mà”. Nó còn ấp ủ sản xuất những thương hiệu đường mía ogarnic xuất khẩu sang cả nước ngoài. Ừ, phải thế chứ, vị mía quê mình thơm ngon đến thế cơ mà. Tôi chắc bị ám thị bởi tình yêu. Em tôi thì lí trí hơn, nó bảo mình vẫn phải học hỏi phương pháp canh tác, kĩ thuật chăm bón để nâng cao chất lượng mía đường, chị ạ. Tạo ra những sản phẩm tốt nhất, an lành nhất cho sức khoẻ con người. Đó mới là sự dài lâu.

Tôi đi lấy chồng xa, thi thoảng về thăm quê. Đi qua những con đường hai bên bạt ngàn mía. Những tiếng lao xao dội vào tâm hồn tôi giữa trưa nắng hè. Một cốc nước mía chảy vào hồn tôi, khỏa lấp những kí ức thiếu thốn ngày nhỏ. Những món quà quê bình dị, ngọt lành, cùng với tình thân và những con người quê chân chất, thiện lành, cả một đời chắt chiu, hi sinh. Mía gắn với những hình ảnh đầy thương mến. Tôi nhớ những dòng thơ của nhà thơ Anh Ngọc: “Ôi những cây mía vàng, mía đỏ – Như giấc ngủ ngọt ngào tuổi nhỏ – Thường nỉ non kể chuyện ngày xưa” (Tiếng mía quê ta). Quên làm sao được, đắng đọt và ngọt ngào, mía ơi!

THUỲ GIANG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.