Phương gối đầu trên tay chồng khi hai đứa con đã yên giấc nằm góc trong giường. Cô có thói quen ấy kể từ khi sinh đứa con thứ hai. Chuyện bắt đầu thì cũng chẳng có lý do gì lãng mạn lắm. Chẳng là cái giường mét tám rộng rãi khi hai vợ chồng mới cưới, nó vẫn thoải mái khi sinh đứa con đầu tiên. Nhưng từ khi có đứa con thứ hai thì khá chật chội. Hai vợ chồng đẻ mau nên đứa anh ba tuổi chưa chịu ngủ riêng đứa em đã ra đời. Hai vợ chồng không có ông bà nội ngoại ở cùng nên Hà vẫn ngủ cùng giường để đêm hôm còn giúp vợ chăm con. Và cũng có khi chỉ đơn giản là anh đã quen với việc ngủ chung với vợ con chưa bao giờ có suy nghĩ về việc ngủ riêng, vậy nên cả nhà bốn người nằm chung trên một chiếc giường. Việc gối đầu lên tay Hà ban đầu làm Phương có cảm giác chiếc giường có phần rộng rãi hơn để hai đứa nhỏ dễ dàng cựa quậy. Gối dần thành quen khiến Phương có cảm giác được che chở và gần gũi hơn, ấm áp hơn tình cảm vợ chồng.
Tuy nhiên có điều khiến Phương băn khoăn và thấy lạ, Hà luôn chủ động đưa tay quàng qua đầu vợ mỗi khi cô ru con ngủ xong quay sang anh, nhưng anh luôn đặt đầu cô vào giữa phần cùi trỏ nối giữa cánh tay và cẳng tay. Gối đầu vào chỗ đấy khiến Phương không được thoải mái lắm. Nhất là tay Hà rất gầy. Mỗi lần cô đặt đầu vào cánh tay chỗ bắp thịt để kề má sát ngực chồng hơn Hà đều rùng mình và đẩy ra. Ban đầu Phương không để ý nhưng sau vài lần như thế cô bắt đầu suy nghĩ. Không hiểu có khoảng cách nào nơi cánh tay của chồng?
***
Hà và Phương làm việc cùng nhau tại Trung tâm Y tế huyện. Phương là cô gái Hà Nhì người bản địa, làm y sĩ. Hà là chàng trai người Kinh từ dưới xuôi lên, làm kế toán. Phương nhìn đậm người, chắc chắn, nước da ngăm đen và giọng nói của cô sang sảng đúng chất người dân tộc Hà Nhì. Còn Hà thì thấp, bé, nhỏ nhẹ lại thêm cặp kính cận nhìn yếu ớt thư sinh. Nếu nhìn bề ngoài thì mọi người xung quanh đều nghĩ họ không có điểm gì chung để có thể kết đôi, thậm chí giống như bức tranh đả kích nên hay gán ghép họ với nhau như là một trò đùa.
Hai người làm việc ở hai bộ phận khác nhau nên cũng ít nói chuyện. Nhưng cứ mỗi lần đi nộp chứng từ hay có công việc phải gặp nhau như là đi tập văn nghệ, liên hoan cơ quan thì Phương thường trêu Hà bằng cái giọng ồm ồm khiến anh bừng bừng đỏ mặt. Anh càng tỏ ra ngại ngùng thì cô lại càng được đà trêu tợn, con gái làm nghề y mà nhất là làm khoa sản, Phương bạo dạn cũng là bình thường. Mỗi khi nhìn thấy Hà ậm ờ không nói được câu gì và sự rụt rè dấu trong ánh mắt được cắp kính cận dày che đậy là Phương khoái chí cười ré lên. Nghĩ chỉ là trêu đùa, nhưng không biết từ khi nào Phương bắt đầu quen với sự xuất hiện hình ảnh của Hà trong suy nghĩ. Cô cứ thấy thiếu vắng mỗi khi lên cơ quan nếu như không nhìn thấy Hà, không được ghẹo Hà một câu. Có nhiều khi chả có việc gì nhưng cô hay kiếm cớ để đi ngang qua phòng Hà, hé cửa vào chào hỏi mọi người trong phòng một câu để ai đó buông một lời trêu cô với Hà. Chỉ như vậy thôi là đủ cho Phương có một ngày làm việc đầy niềm vui và phấn khởi.
Những ngày mới vào cơ quan Hà rất khó chịu khi bị mọi người gán ghép với Phương. Anh càng ghét hơn cái kiểu tồ tồ chưa thấy người đã thấy tiếng của cô. Nó khác hẳn với nét thùy mị, ý tứ của người mẹ làm giáo viên của anh, người mà anh lấy làm chuẩn mực của phụ nữ. Nhưng khi tiếp xúc nhiều Hà lại thấy sự hồn nhiên ở Phương có cái gì đó rất quyến rũ. Cô rất vô tư khi giao tiếp với mọi người nhưng anh để ý cô lại là người con gái rất đoan trang, chính trực. Cô lớn tiếng bông đùa nhưng mỗi khi có nam giới động chạm vào người thì cô lập tức như con nhím xù đám gai lên tự vệ. Mọi trêu đùa với người khác giới cô chỉ dừng lại ở lời nói mà không cho ai động chạm vào người mình. Thậm chí có lần đi tập văn nghệ cơ quan, có một anh bác sĩ cố tình ôm eo đã bị cô mắng và tát thẳng vào mặt. Nhưng điều mà Hà thấy quý nhất ở Phương đó là tình cảm nhân đạo của cô đối với bệnh nhân. Là người địa phương, cô nói được tiếng của một số dân tộc nên sử dụng ngôn ngữ bản địa để giao tiếp, hướng dẫn đồng bào rất ân tình và cẩn thận. Những trường hợp bệnh nặng, khó khăn về kinh tế cô đều tìm cách kêu gọi mọi người xung quanh giúp đỡ bữa cơm, cái quần, cái áo để họ ấm lòng nằm viện. Cô tư vấn, khuyên những cặp vợ chồng đã đông con sử dụng biện pháp tránh thai thôi không đẻ nữa kẻo khổ mình khổ cả con. Hà yêu lòng vị tha trong con người có vẻ ngoài hơi thô kệch.
Những tình cảm yêu thương cứ nhen nhóm dần như những mạch nước ngầm chảy qua trái tim hai người rồi họ thân thiết và nhớ nhung nhau từ lúc nào chính họ cũng không hề hay biết. Khi họ công khai tình yêu đến khi đám cưới diễn ra vẫn là dấu hỏi lớn đối với những người trong Trung tâm Y tế huyện và gia đình.
***
Tình yêu của hai người đẹp là vậy, đến với nhau chân thành là vậy, sống với nhau có hai mặt con rồi vậy mà giờ đây Phương thấy hụt hẫng thế! Phương cứ dằn vặt với những suy nghĩ vẩn vơ rồi dẫn đến hoài nghi về khoảng cách nơi cánh tay của chồng. Tại sao Hà lại tỏ ra rùng mình, rụt tay lại khi cô gối đầu lên bắp tay, phải chăng dạo này cô sinh nở xấu xí nên anh không thích cô nằm sát anh, áp má vào ngực anh. Hay là anh đã có ai khác ở ngoài mà cô không biết, bởi nếu không đã là vợ chồng với nhau nhiều năm tại sao sự gần gũi tưởng chừng bình thường như thế mà Hà cũng không làm được. Trong đầu Phương bắt đầu có những suy nghĩ mông lung vượt xa khỏi những giới hạn thủy chung. Từ khi yêu nhau cô cũng chưa bao giờ hỏi về người yêu cũ của Hà, hay là đã có người con gái nào anh từng yêu đã gối đầu lên bắp tay đó và giờ đây anh không muốn Phương được thay thế vị trí của người ta… Dấu những uẩn khúc trong lòng khiến cô bứt rứt khó chịu.
***
Sau thời gian vợ ở cữ Hà đưa cả nhà về quê làm giỗ cho bố anh. Sau khi cúng giỗ hoàn tất anh để Phương và hai con ở lại với mẹ một thời gian cho vui cửa nhà còn mình lên cơ quan công tác. Làm dâu xa, đây là lần đầu tiên kể từ khi cưới nhau Phương ở nhà nội mà không có chồng.
Sợ con dâu buồn và lạ nhà nên mẹ chồng thường mang những kỷ niệm của Hà ra kể cho Phương nghe. Một hôm mẹ chồng hỏi Phương:
– Con có biết tại sao Hà không bao giờ mặc áo cộc tay hay áo ba lỗ không?
Câu hỏi của mẹ chồng làm Phương chột dạ. Qủa thực cô cũng chưa bao giờ để ý đến thói quen này của chồng. Phương hỏi mẹ trong sự tò mò:
– Có lý do gì đặc biệt không mẹ, con chỉ nghĩ đó là sự chỉn chu trong lối sống của anh ấy, chắc là thói quen đó có từ nhỏ mẹ rèn cho chồng con.
Mẹ chồng cô cười rồi nói:
– Không phải con à, đó không phải là thói quen từ nhỏ do mẹ rèn. Nó mặc như vậy để che dấu khuyết tật nơi cánh tay.
Bà chậm rãi hoài niệm về điều mà hai vợ chồng thấy ân hận nhất với con trai:
– Hồi học xong lớp mười hai, chồng con thi trượt đại học. Khi biết điểm bố con buồn nên mắng chửi chồng con cả ngày là đồ ăn hại. Sáng hôm sau chồng con đã bỏ nhà đi mà không nhắn gửi gì. Lúc đấy là tháng sáu âm lịch mà mãi đến gần tết không có tin tức gì. Bố mẹ rất lo lắng có hỏi dò tin tức các mối quan hệ anh em bạn bè mà vẫn bặt vô âm tín. Đêm ba mươi tết vẫn không có tin tức gì của nó nên bố mẹ cũng chẳng màng tết nhất chỉ ngồi ở sân ngóng ra cổng khóc với nhau. Đến lúc chuẩn bị sang canh, bố mẹ vào nhà thờ họ thắp hương cho các cụ bỗng nghe tiếng khóc sụt sùi dưới gầm giường thờ. Soi đèn xem hóa ra thằng Hà đang nằm dưới đó. Tay nó cuốn băng trắng toát có sợi dây treo vào cổ. Nhìn nó gầy rộc và đen đúa với bộ quần áo nấm nem bố mẹ không cầm được nước mắt. Sau này bình tĩnh lại nó kể mọi sự tình, khi bỏ nhà lên thành phố nó xin làm phụ hồ cho một cai xây dựng. Đến cuối năm nhiều công trình nó được người ta dậy làm thợ xây. Do chưa có nhiều kinh nghiệm nên bị ngã dàn giáo từ tầng hai xuống đất. Cánh tay phải nó bị gẫy dập ba đoạn. Mặt, đầu sứt sát cả. Bây giờ cánh tay phải của nó yếu hơn rất nhiều và không làm được việc nặng, mỗi khi trái nắng trở trời cánh tay nó lại nhức nhối, nỗi đau đấy nó cứ âm thầm chịu đựng một mình. Nó hay mặc áo dài tay để che đi cánh tay cong và những vết sẹo sau khi điều trị. Cho đến trước khi chết bố con vẫn ân hận vì đã mắng mỏ để nó bỏ nhà ra đi…
Nghe đến đây Phương không kìm nén được cảm xúc bật khóc nức nở như một đứa trẻ. Giờ thì cô đã hiểu về khoảng cách nơi cánh tay của chồng. Đó là khoảng cách của sự yêu thương vô bờ bến mà anh dành cho vợ con. Anh đã giấu đi nỗi đau của bản thân để cô gối đầu lên cánh tay bị thương tật. Vậy mà cô lại nỡ nghĩ xấu về anh. Cô thấy mình thật nhỏ nhen và ích kỷ. Sao cô không hỏi cho rõ ràng những nghi ngờ uẩn khúc mà lại để những suy nghĩ xấu xa làm sứt mẻ tình cảm gia đình. Ôm đứa con đang say ngủ vào lòng, Phương nhớ chồng da diết.
Trương Huy