Huệ Chi

Huệ Chi là cô gái cưng duy nhất của vợ chồng tôi, thông minh, xinh xắn, lại là một cán bộ trẻ có triển vọng của cơ quan văn hóa. Chưa  yêu ai nên Huệ Chi đi làm được một năm rồi mà vẫn ở cùng với bố mẹ, dỗi hờn, làm nũng mẹ suốt ngày. Đã lại cuối năm rồi, cái thời điểm sắp nghỉ tết, gặp nhau ai cũng hoan hỉ, không hát, không cười mới là cái sự lạ…

Là bởi vì: cũng dịp này năm ngoái, vừa họp mặt cuối năm ở cơ quan về đến nhà, con gái tôi đã khóc như mưa như gió, khóc tức khóc tưởi, hỏi thế nào cũng chẳng nói chẳng rằng. Thoạt đầu, tôi tưởng các cháu vui quá, ép nhau uống rượu bia, say xỉn mới khóc lóc vô lý như thế… Cô con gái cưng của tôi xưa nay vẫn được tiếng ngoan ngoãn, chưa bao giờ bê tha rượu chè cơ mà. Tôi dỗ cháu đi ngủ.Trong mơ, nó vẫn khóc nức nở và luôn miệng lẩm bẩm:

– Tại mẹ… tại mẹ…

Làm tôi buồn day dứt… Mãi sau, tôi mới vỡ lẽ ra mọi chuyện. Tháng bảy năm ngoái, cháu tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi. Vốn là một cô giáo dạy văn, cả đời chỉ quanh quẩn bên học trò, tôi rất khù khờ trong cái khoản ngoại giao, không phải vì không có tiền mà cảm thấy làm như vậy, con người mình nó hèn kém lắm. Mấy đứa bạn thân từ hồi còn sinh viên rỉ tai tôi:

– Cậu vẫn mắc cái bệnh của kẻ sĩ. Thời buổi bây giờ đừng quá tự tin với cái bằng khá giỏi mà quên vấn đề đầu tiên – nghĩa là “tiền đâu” ấy! Đã có người xin được cho con công tác ở cấp huyện phải mất vài chục triệu còn nếu muốn về các cơ quan tỉnh ít nhất phải trăm triệu. Ấy là còn có người thân quen giới thiệu giúp, đừng tưởng…

Nghe bạn nói, tôi thấy buồn tê tái. May quá, đang lúng túng chưa biết xử lý vấn đề ra sao thì Tuấn, cậu học trò cũ của tôi hiện giữ chức vụ khá lớn của tỉnh đến nhà chơi. Nghe tôi dốc bầu tâm sự, Tuấn bảo:

– Cô đừng băn khoăn suy nghĩ nhiều, mọi việc cứ để đấy cho em. Tuần sau, Huệ Chi sẽ đi làm ở một cơ quan văn hóa, ngay ở thành phố cho thuận lợi, cô nhé.

Quả vậy, đầu tuần sau, đích thân giám đốc cơ quan đến tận nhà đưa quyết định cho cháu đi làm. Tôi vui sướng nghẹn ngào gọi điện cho Tuấn:

– Em chu đáo quá! Tôi không biết nói thế nào để cảm ơn em…

Mặc dù được tiếng ba năm liền là giáo viên giỏi văn cấp tỉnh nhưng trong cuộc sống giao tiếp đời thường tôi rất vụng về. Tôi không biết nói những lời xã giao nơi đầu môi chót lưỡi và ghét cay ghét đắng những kẻ xu nịnh giả dối. May thay, cô Châu kịp đỡ lời:

– Chị đừng nói thế! Cơ quan em là ngành văn hóa cũng giống ngành giáo dục của chị, chỉ sống bằng tình cảm và trọng người tài đức. Nhận được cháu  Huệ Chi vào cơ quan, em mừng lắm! Còn  chục năm nữa em về hưu, cũng phải lo quy hoạch đội ngũ kế cận dần đi là vừa…

Nghe câu nói chân tình đầy trách nhiệm của cô Châu, tôi thấy hả lòng hả dạ. Cả đêm hôm đó, Huệ Chi và tôi đều rất vui. Huệ Chi vui vì vừa ra trường đã nhận được việc làm ngay, lại làm ở nơi rất phù hợp với nguyện vọng sở trường của cháu. Cô thủ trưởng dịu dàng xinh đẹp lại rất tâm lý. Cháu líu lo tâm sự với mẹ:

– Con rất muốn giành thời gian nghiên cứu về bản sắc văn hoá của dân tộc Mảng – một dân tộc ít người còn nhiều lạc hậu…

Tôi vui không chỉ vì thấy con gái vui mà còn vui vì một lẽ khác: Cuộc đời  này không phải ai cũng sống vì tiền như bạn bè tôi nói. Tôi đã nhìn thấy ở cô Châu một tâm hồn đồng điệu. Tôi đem cả niềm vui ấm áp đó vào trong giấc mộng đẹp.

Cuối năm ngoái, Tuấn được điều động về công tác ở Hà Nội. Tôi mừng và tự hào có một người học trò tài đức, giàu tình nghĩa như cậu. Dạo ấy, tôi thấy Huệ Chi đi làm về, nét mặt thường đăm chiêu lo nghĩ chứ không còn vẻ tươi tắn yêu đời như mấy tháng trước. Nó có vẻ sống kín đáo, thu mình lại. Mỗi lần tôi cố gần gũi, thăm dò cháu thì nó lại tìm cách lảng tránh tôi thật xa.

Gần đến tết, một hôm con gái tôi đi làm về rụt rè rỉ tai mẹ:

– Mẹ ơi! Chị Phương ở cơ quan con rủ hai chị em chung nhau mua cái xe máy Atila biếu cô Châu nhân dịp năm mới.

– Cái Phương năm ngoái cùng vào làm ở cơ quan với con à? Sao phải làm như thế hở con?

Chị ấy bảo con rằng:

– Hai chị em mình được vào cơ          quan không mất một xu, ấy là nhờ sếp Tuấn. Cô Châu lúc đó đang muốn nhờ sếp Tuấn cho sang làm ở một ngành kinh tế của tỉnh, chẳng là ngoài cái bằng chuyên môn, cô ấy còn có thêm cái bằng đại học kế toán hệ hàm thụ. Từ ngày chú Tuấn chuyển về Hà Nội, cô Châu không còn quý chị em con như trước, thậm chí xa gần nhắc nhở việc tụi con vào được cơ quan quá dễ dàng…

Không để Huệ Chi nói hết câu, tôi gạt phắt:

– Con không được nghĩ xấu về cô Châu như thế! Có thể cô chịu nhiều áp lực công việc nên không cởi mở như trước…

– Thế tết đến, mẹ bảo con mua gì biếu  cô?

– Cô Châu từng tâm sự với mẹ là rất yêu sách và yêu hoa. Người có tâm hồn đẹp như thế, mình tặng những món quà thiên về vật chất là xúc phạm họ đấy! Con nên mua  vài quyển thơ, truyện ngắn hay tặng cô ấy kèm một cành đào thật đẹp là hợp lý nhất…

Thơ và truyện thì đích thân tôi săn tìm, chọn mua. Còn hoa, tôi cho cháu tự chọn. Tụi trẻ, chúng có khiếu thẩm mĩ hơn mình, nó biết chọn dáng đào cổ kính, sù sì, mông mốc, nhiều hoa nhiều lộc.

Huệ Chi đi chợ về, sà vào lòng mẹ, nũng nịu:

– Các cuốn sách mẹ chọn thật hết sảy. Con định mua một cành đào thật đẹp cho cô, chừng năm trăm ngàn thôi nhưng chị Vân ở cơ quan con bảo: Em dùng năm trăm ngàn ấy mua cành đào nhựa đẹp chẳng khác gì đào thật mà lại có giá trị sử dụng lâu dài chứ mua cành đào ngoài chợ, chỉ mùng năm tết là phải bỏ đi, phí hoài lắm!

Và kết quả là buổi họp mặt đầu xuân năm ấy, cô Châu sau một tuần rượu chúc mừng anh chị em cùng những lời hay ý đẹp, đã chuyển giọng nói với các nhân viên dưới quyền rằng:

– Tôi rất buồn vì cách ứng xử của một số ít người trong cơ quan ta – một cơ quan văn hoá mà lại rất… vô văn hóa. Thế mới biết cái sự học trong nhà trường và thực tế cuộc sống khác xa nhau một trời một vực. Tặng sách cho thủ trưởng khác nào ngầm chê thủ trưởng ít đọc, ít hiểu. Tặng hoa giả cho thủ trưởng lại càng thể hiện sự thiếu tôn trọng nhân cách con người.

Đó chính là nguyên nhân cuộc họp mặt đầu xuân năm ngoái, con gái tôi đã khóc khổ khóc sở, khóc tức khóc tưởi…

 

***

 

Gần tết năm nay, bạn tôi mách:

– Ừ, thì vẫn là tặng hoa… nhưng phải tặng hoa địa lan mới là lịch sự, sành điệu. Cái loại hoa thoạt trông có vẻ tao nhã giản dị ấy càng ngắm càng thấy nó có một vẻ quyến rũ đặc biệt.

Tôi mách lại cho Huệ Chi.

Còn một tháng nữa mới đến tết, thế mà con bé đã “ngoại giao” đến tận Pa Lao Sủ mua về một chậu hoa địa lan tuyệt đẹp. Hôm chiếc xe u-oát bất ngờ đổ chậu hoa xuống sân, tôi cũng bất ngờ bị choáng ngợp trước màu vàng tươi xen lẫn cánh gọng đỏ thắm rực rỡ cứ rung rinh, rung rinh như cánh bướm đẹp xinh quyến rũ gọi mời các chàng ong đa tình lơi lả. Khóm địa lan gồm ba mươi dây hoa, mỗi dây chừng năm chục bông được vén cao lên buộc vào một cọc khum khum hình cầu nom thật bắt mắt. Kỳ lạ thay, cánh hoa nom mềm mại, tha thướt như vậymà sờ vào lại dày mượt như nhung, cứ như có bàn tay khéo léo của con người cắt tỉa công phu dâng đẹp cho đời. Tôi đã từng nghe một nhà thơ nói: Trên đời này có loài hoa “hữu sắc vô hương” và cũng có loài hoa “hữu hương vô sắc”. Tôi hiểu, anh ta nói theo nghĩa bóng. Nhưng trong trường hợp này, hiểu theo nghĩa đen, tôi hiếm gặp loài hoa nào có được trọn vẹn cả hương lẫn sắc như địa lan. Mùi hương không nồng nàn say đắm như hương hoa hồng, không quyến rũ gọi mời như hương hoa huệ, cũng không thoang thoảng dịu dàng như hương hoa nhài mà cứ xa vời vợi khiến ta phải tĩnh tâm nhắm mắt, ngồi thiền mới cảm nhận được. Nghĩa là muốn thưởng thức được mùi hương linh diệu đó, tâm hồn ta phải tĩnh lặng, thanh khiết, không vẩn chút so đo tính toán bụi trần. Bên hoa, người ta sống đẹp hơn.

Thế nhưng, hỏi ra mới biết rằng: Mỗi một dây hoa trị giá ba trăm ngàn, ba mươi dây hoa, trị giá chín triệu đồng, cộng năm trăm ngàn công vận chuyển, vị chi là chín triệu năm trăm ngàn đồng, gần ba tháng lương của con gái tôi rồi…

Thấy mặt con bé thẫn thờ, nghệt ra, tôi an ủi nó:

– Được rồi! Để mẹ chi. Con vui, thủ trưởng con vui là mẹ vui rồi!

Đêm ấy, Huệ Chi ngủ không say. Lúc lúc, nó lại lẻn ra sân bật điện ngắm nghía chậu địa lan. Thấy con hồi hộp không yên, tôi cũng trở dậy theo nó:

– Mẹ ơi, hoa đẹp quá! Mai con đem ra luôn cho cô Châu mừng, mẹ nhé! Để ở nhà con cũng không yên tâm, sợ lúc mẹ con mình đi làm, bọn nghiện hút vào lấy trộm. Đang tháng củ mật, trộm cắp nhiều lắm mẹ ạ!

– Ừ, mà con nên kín đáo thuê xe chở vào buổi tối cho cô, cô ấy khỏi ngại và mẹ con mình khỏi ngượng trước việc tặng một món quà có vẻ như là biếu xén này!

Buổi tối, con gái tôi “hoàn thành nhiệm vụ” về, mặt mày phởn phơ vui vẻ lắm!

– Cô có vui không con?

– Có! Con bảo: Mẹ gửi biếu cô, cô vui lắm mẹ ạ! Cô nói: Cháu có một người mẹ tuyệt vời, thời buổi này không còn nhiều người sống có tâm hồn như mẹ cháu đâu. Cô còn bảo muốn con tìm thêm một bình như thế gửi cho “thủ  trưởng” cô ở Hà Nội. Thủ trưởng cô cũng sống mơ mộng như cô, chỉ yêu hoa lá cành chứ không ưa vật chất tầm thường… Cháu giúp cô nhé! Nhưng đừng nói với mẹ, sợ mẹ hiểu lầm.

Nhìn nét mặt đang tươi hơn hớn bỗng nhiên ỉu xìu xìu như bánh đa nhúng nước của con gái, tôi xót xa cho nó quá:

– Thôi con đừng buồn. Một năm có một cái tết thôi mà.

Lần này, chiếc xe hợp đồng không chuyển chậu địa lan đến nhà tôi nữa mà chuyển thẳng đến nhà cô Châu. Có điều giá một dây hoa đã tăng lên đến ba trăm năm mươi ngàn đồng. Hai mươi dây hoa là bảy triệu đồng. Cộng với năm trăm đồng công vận chuyển. Vị chi là bảy triệu năm trăm ngàn đồng. Cộng với bình hoa thứ nhất… Số tiền đó không phải là nhỏ cũng chẳng phải là lớn đối vởi một cô giáo dạy văn như tôi. Mà thôi, đầu năm mới nói chuyện tiền nong làm gì, con người mình nó nhỏ nhen, hèn đi!

Suốt trong tết, con gái tôi vui, thủ trưởng con vui. Ấy là tôi vui rồi.

Hôm nay, họp mặt đầu xuân về, Huệ Chi càng vui. Nó bảo: trước tập thể cô Châu khen nó tiến bộ vượt bậc: “Thế mới là cán bộ văn hoá chứ!”.

Huệ Chi cười. Một tràng cười mỉa mai quái đản tôi chưa hề nghe thấy từ nó. Tôi sởn gai ốc khi nhìn vẻ mặt đắc ý của cô con gái yêu. Nó đã khác xa cô bé hồn nhiên, ngây thơ, thánh thiện của một năm về trước. Cảm thấy nóng bừng mặt, tôi  ra nhìn trước gương, sững sờ thấy cái bản mặt mình, hình như cũng điêu điêu, khôn khôn ra một tý. Mình cũng không còn là mình của một năm về trước nữa rồi.

Huệ Chi hốt hoảng:

– Mẹ! Sao mặt mẹ đỏ bừng lên vậy? Mẹ bị tăng huyết áp ạ? Để con lấy thuốc cho mẹ.

– Không sao! Không sao! Con vui… Thủ trưởng con  vui. Ấy là mẹ vui rồi!

BÙI THỊ SƠN


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.