1 Đã thành cái nếp, từ ngày nghỉ hưu, sau bữa ăn sáng, ông U lại tha thẩn một mình làm vườn cho đến tận lúc hoa mười giờ đủ màu sắc nở rực rỡ suốt dọc ngõ vào nhà, ông mới nai nịt chỉnh tề, đi bộ quanh nương chè, tận hưởng không khí trong lành và ngắm nhìn những dãy núi xa xa cho đã thèm, cho no nê con mắt. Khi ông mặt trời ưu ái vuốt ve thỏa thích tấm thân già nhưng vẫn còn tráng kiện, áng giờ hai đứa cháu nội đã tan học, ông mới túc tắc trở về nhà, nét mặt ngập tràn mãn nguyện. Bà Huệ – vợ ông lại thích nhún nhảy tập thể dục khiêu vũ qua các bài hát nhạc đỏ tải về từ laptop. Sau đó, bà thong thả dắt xe đạp đi chợ, mua vài món mà ông cháu thích, rồi trở về nhà chăm sóc hoa, nấu nướng cho ông cháu ăn. Từ ngày có hai đứa cháu nội trên cao nguyên Sìn Hồ về thành phố học và ở với ông bà, hai người như trẻ hẳn ra. Ông bà rất ưng ý khi chọn mua được khu nhà vườn đơn sơ, giản dị mà rộng rãi, thoáng mát, ngập tràn hương hoa này.
Quái lạ! Hôm nay về đến nhà, mặt trời đã tròn bóng mà ông vẫn chưa thấy bà cắm cơm, nấu nướng gì cả. Từ hôm nhà trường thông báo cho học sinh tạm nghỉ học vì dịch covid-19, hai đứa cháu nội trở về cao nguyên với bố mẹ chúng, bà buồn đến thẫn thờ, chểnh mảng cả giờ giấc cơm nước cho ông.
Ông đi xuống vườn, thấy bà đang cúi xuống vun gốc khóm cây loa kèn, bèn hắng giọng để bà khỏi giật mình:
– Hôm nay mải chăm hoa đến quên cả ông chồng già này rồi sao?
Hình như đôi vai gầy của bà rung lên.
Bà ngước mắt nhìn ông, nói như thầm thì:
– Năm nay hoa loa kèn nở sớm quá, chưa đến tháng tư mà… Anh giúp em cắm cơm nhé! Em chăm sóc hoa thêm một chút.
Nhìn cặp mắt trong veo, đen láy, ngân ngấn nước của vợ, ông lại thấy nao lòng. Ông nhớ lại ngót nửa thế kỷ trước, khi mới quen bà, bà mới vừa tốt nghiệp cấp hai, vừa tháo chiếc khăn quàng đỏ trên vai đã vào học trường trung cấp Sư phạm Tây Bắc với ông.
Lúc ấy, chú U đã dạy cấp một ở trường Thiếu niên Dân tộc tỉnh được hai năm. Chú được Ty Giáo dục Lai Châu ưu tiên cử về Thuận Châu học thêm ba năm nữa để trở thành giáo viên dạy cấp hai. Trong lớp, ngoài cán bộ đi học thêm như chú, còn có hơn chục đứa học sinh choai choai, ngộc ngà ngộc nghệch mười lăm, mười sáu tuổi như Huệ.
Công bằng mà nói: ở tuổi dậy thì, Huệ không xinh tươi rực rỡ mơn mởn như mấy đứa con gái ở thị xã Sơn La, Nghĩa Lộ, Lai Châu. Cô bé được cái mũm mĩm, trắng trẻo và như lời nhận xét của cánh đàn ông: “Có đôi mắt biết nói”.
Hết năm học thứ nhất, thầy chủ nhiệm yêu cầu lớp cử ba giáo sinh Sơn La ở lại trực trường. Ngoài cô Quy – lớp phó là cán bộ đi học, có thêm Huệ và đứa con trai cùng tuổi Huệ là Hợp được phân công ở lại trực trường. Ngày đầu tiên, khi mọi người về hết, ba cô cháu rãy cỏ quanh nhà ở lớp học. Huệ nhớ nhà, nét mặt âu sầu, lầm lì chẳng nói chẳng rằng. Cô Quy và Hợp vừa làm cỏ vừa pha trò, kể chuyện vui cho Huệ nguôi ngoai.
Mặt trời lên đến đỉnh đầu, cô Quy bảo:
– Hai bạn trẻ làm tiếp nhé! Cô về trước đi chợ mua rau nấu cơm ba cô cháu mình cùng ăn.
Hợp an ủi bạn:
– Thôi đừng buồn nữa Huệ! Chỉ một tháng nữa, bọn mình lại được về nhà rồi!
Tuy cùng ở thị xã Sơn La, nhưng Huệ học ở trường cấp hai Tô Hiệu, Hợp lại học ở trường cấp hai Quyết Thắng. Hai đứa mới biết nhau khi cùng thi tốt nghiệp cấp hai ở trường Quyết Thắng rồi tình cờ cùng vào học lớp văn – sử trong trường Sư phạm Thuận Châu. Hợp hay trêu đùa gọi Huệ là Huệ Tây:
– Tây gì mà Tây, cậu không thấy mũi tớ tẹt dí à?
Thấy Huệ phản đối nhiều quá, Hợp lại chuyển sang gọi Huệ là “Lily”.
– Tớ chỉ là Huệ thôi! Gọi tên Tây nghe nó kiểu cách quá!
Một lần lên lớp, Hợp gửi trả cho Huệ cuốn tiểu thuyết “Dấu chân người lính” mượn từ tuần trước. Tình cờ, Huệ mở sách, thấy rơi ra một tờ giấy kẻ ôly gấp làm tư, tưởng cậu bạn tồ tệch bỏ quên lá thư viết về nhà cho bố mẹ, Huệ định gọi trả bạn ngay nhưng kẻng đã điểm giờ vào lớp. Cô vội lén mở tờ giấy ra đọc. Té ra cậu ấy làm thơ. Bài thơ chỉ vỏn vẹn có bốn câu còn thơm mùi mực mới:
Ngắm bông Lys trắng kiêu sa
Thanh cao, trong trắng, ngọc ngà biết bao
Bách Hợp đỏ thắm, tự hào
Bên Lys thơm ngát, ngẩng cao mái đầu.
“Cậu bạn lãng mạn gớm! Đọc thơ cậu, thấy vui vui cái bụng nhưng mà đừng vội tán tỉnh con mũi tẹt này nhé! Tớ không bao giờ yêu con trai cùng trang lứa đâu! Tớ chỉ quý bạn thôi!”. Nghĩ vậy, Huệ gấp lại tờ giấy ôly, kẹp nguyên vào vị trí cũ trong tập sách, lờ tịt như chưa hề đọc nó. Cô vẫn cười nói vô tư, nhí nha nhí nhảnh bên cậu bạn cùng tuổi. Hợp cũng lơ đi, làm như chưa hề có chuyện gì xảy ra vậy. Tuy vậy, hai đứa đi đâu cũng sánh đôi như sam.
Hồi tháng tư, nhà trường cho nghỉ hai ngày bù học thêm cộng ngày chủ nhật nữa là ba ngày, hai đứa rủ nhau tranh thủ về thị xã Sơn La thăm gia đình. Hợp đến thăm nhà Huệ ôm theo một bó hoa loa kèn xen kẽ màu trắng tinh khôi với màu đỏ tươi rói gói trong tờ báo lớn. Tiến đến bên Huệ, cậu ta đứng thẳng, đầu ngẩng cao như đang chào cờ rồi dí bó hoa vào tay cô bạn mũi tẹt, nói bằng giọng cứng cỏi, nghiêm nghị:
– Tặng bạn này!
Thay cho lời cảm ơn, Huệ nhẹ nhàng nâng bó hoa lên, hít hà mùi hương thơm dịu dàng, thanh khiết, mắt ánh lên niềm vui lấp lánh khi ngắm nghía từng bông có sáu cánh hoa nở đối xứng bung xòe tròn trịa và mềm mượt như nhung, miệng líu ríu như chim:
– Thích quá! Thích quá!
– Thích thì mai sang nhà tớ chơi, tha hồ mà ngắm hoa loa kèn!
Nhận lời mời của Hợp, hôm sau Huệ đến thăm gia đình cậu bạn trong một khu nhà vườn giữa lòng thị xã. Vừa vào đến cổng, cô đã ngỡ ngàng, ngây ngất trước màu sắc rực rỡ của từng chùm hoa loa kèn màu đỏ xen màu trắng mát dịu và hương thơm thoang thoảng, nồng nàn quyến rũ. Cô cúi xuống, vuốt ve dáng thân thảo vừa mềm mại vừa cứng cáp vươn thắng, vuốt ve những chiếc lá vươn dài mảnh mai và nâng niu nâng từng bông hoa trong chùm hoa có đến bẩy bông cùng nở một lúc. Ngước mắt ngắm những khóm loa kèn gần đấy, Huệ ồ lên sung sướng khi nhìn thấy những chú ong nâu đang cần mẫn hút mật bên trong đài nhụy và nhị vàng mọc dài rất đẹp. Xa hơn chút nữa, các nàng bướm muôn màu kiên sa dập rờn như nắng bay lên, đậu xuống, rồi lại bay lên trên những đóa loa kèn rung rinh như cộng hưởng niềm vui của các nàng bướm xinh đẹp.
Hợp vui vẻ gọi to:
– Mẹ ơi!
Mẹ Hợp nhanh nhẹn chạy ra đón con trai. Huệ chào lí nhí:
– Cháu chào cô ạ!
Nghe Hợp giới thiệu:
– Huệ là bạn học cùng lớp với con, nhà bạn ấy ở trong Khu ủy, mẹ ạ!
Mẹ Hợp thích thú, reo khẽ:
– Ôi, té ra hai bạn trẻ mang cái tên có ý nghĩa giống nhau đấy!
Thấy Huệ có vẻ ngỡ ngàng không hiểu, cô nhẹ nhàng từ tốn giải thích:
– Ngày cô sinh con trai đầu lòng, cô chú đặt tên là Bách Hợp với mong muốn cuộc sống của gia đình luôn hòa thuận, sống tự nhiên thoải mái, khỏe mạnh, may mắn, vạn sự tốt lành. Bách Hợp cũng là tên gọi khác của loài hoa loa kèn.
Thấy mắt Huệ ánh lên niềm ngạc nhiên, thích thú, Bách Hợp nhìn mẹ, nói bằng giọng rất đỗi tự hào:
– Mẹ Bách Hợp là giáo viên giỏi văn cấp tỉnh nhiều năm đấy!
Cảm thấy mình có vẻ khoe khoang, cậu quay sang Huệ, cười tinh quái:
– Mà tên của cậu cũng là tên gọi khác của lời hoa loa kèn.
Thấy Huệ tỏ vẻ không tin, mẹ Hợp rủ rỉ nói:
– Đúng rồi! Hoa loa kèn còn có tên gọi khác là huệ tây đấy cháu!
Lần này thì Huệ ngạc nhiên, xúc động thật sự. Không ngờ cái cậu bạn đồng niên và đồng môn của mình giỏi thế nhỉ! Con của cô giáo dạy văn có khác! Huệ nhớ có lần nghe bố nói:
– Những người học giỏi môn văn thường là người giàu tình cảm, có tâm hồn tinh tế, lịch lãm.
Huệ càng quý trọng cô giáo Tuyết – mẹ của Hợp hơn khi biết bố bạn ấy đã mất từ khi cậu lên mười, mẹ ở vậy tảo tần nuôi con một mình.
3.
Khi hai đứa trở về nhà nữ thì thấy cô Quy đang ngồi nhặt rau bí cùng ai đó mặc chiếc áo kẻ ca rô, sơvin chỉnh tề đang quay lưng trở ra.
– Hai cháu dọn cỏ xong rồi đấy à?
Cô Quy nhẹ nhàng hỏi.
Người thanh niên mặc áo kẻ ca rô quay lưng lại. Té ra là chú U – cán sự môn thể dục.
Bách Hợp nhanh nhảu hỏi:
– Ôi, chú U! Chú vẫn chưa về nhà ạ?
– Chú có nhà đâu mà về!
Huệ ngạc nhiên: “Ai mà không có nhà nhỉ!”.
Cô Quy bảo:
– Chú U ở lại hè trông giúp nhà cho thầy Thụ cô Hoa đưa hai con về Tuần Giáo thăm ông bà ngoại. Cô mời chú từ hôm nay sẽ ăn cơm cùng ba cô cháu mình.
– Hoan hô! Hoan hô chú U!
Hợp thích chí reo lên.
Hàng ngày, khi ba cô cháu đi dọn cỏ, phơi chăn màn cho mọi người ở nhà nam và nhà nữ thì chú U lại hí hoáy hái dây khoai lang, băm bèo, thái chuối nuôi lợn, cuốc đất trồng rau cho thầy Thụ cô Hoa. Bao giờ chú cũng ý tứ về sớm cùng nấu cơm với cô Quy. Cô Quy đã có chồng và hai con nhỏ, quý mến và coi chú U như em trai vậy.
Ăn cơm xong, chú thường thủ thỉ kể cho ba cô cháu nghe về cuộc đời của chú. Bằng một giọng tâm tình trầm ấm, chú U đưa mọi người trở về miền ký ức xa xưa, ngập tràn đau khổ của chú.
Năm 1953. Vào một đêm đông trời rét căm căm, sương mù bao phủ dày đặc trên cao nguyên Sìn Hồ, khiến các gia đình bản Dao Khâu ở Phăng Sô Lin nhà nào nhà nấy đóng kín mít cửa. Những căn nhà lá sơ sài, xiêu vẹo run lên bần bật trước những trận gió hú điên cuồng. Nửa đêm, trời càng giá buốt, người ta nghe có tiếng quạ kêu cú rúc từng hồi ghê rợn ở phía cây gạo đầu bản. Ở đó có túp lều tranh vách nát của người thiếu phụ với hai đứa con trai, một đứa lên ba, một đứa mới được sáu tháng tuổi. Chồng chị bị bắt đi lính cho Pháp, đóng ngay ở trung tâm huyện lỵ. Khi bị điều về Điện Biên Phủ, anh sợ chết nên rủ một số người chạy trốn. Việc bại lộ, bọn Pháp sai lính dõng đuổi bắt dược cả nhóm. Anh bị đánh một trận thừa sống thiếu chết và bị bắt giam ngay tại đồn huyện lỵ.
Sáng hôm sau, mãi đến khi sương tan, trời hửng nắng, người ta mới nhìn thấy cây gạo đầu bản đã bị gãy ngang thân, túp lều tranh của người thiếu phụ đã bị sập nửa mái. Mọi người xông vào lều. Một cảnh tượng hãi hùng đập vào mắt: Người mẹ chết co quắp giữa lều, chân tay lạnh cóng. Đứa con trai lớn mặt mũi lem luốc, áo rách tả tơi, khóc không ra tiếng. Đứa con trai nhỏ cứ lăn xả vào day mãi cái vú lép kẹp của mẹ nó. Nó đâu biết rằng mẹ nó đã chết cóng từ đêm qua. Dân bản thương tình, cho một chiếc chiếu cũ bó xác người mẹ xấu số, đem đi chôn.
Cuối năm 1953, Sìn Hồ được giải phóng. Một buổi tối giáp tết, người đàn ông trở về, mặt mày xanh xao, râu ria lởm chởm. Thì ra, ông trốn khỏi trại lính lần thứ hai trót lọt đến tận bản Nậm Lúc trà trộn ở lẫn với người Mông, làm thuê cho họ. Đêm đến ông lại trốn vào hang sâu ở một mình. Những ngày mẹ mới mất, hai đứa trẻ được hàng xóm cưu mang, nuôi nấng dù lúc đó ai cũng nghèo lắm, chỉ có củ mài, củ báng ăn thôi. Thằng nhỏ được truyền tay nhau, bú rình những người đang nuôi con nhỏ.
Ông bố trở về, cặm cụi làm ruộng nuôi con được ba năm sau lại bị cảm gió, chết đột ngột. Thằng bé được một gia đình hiếm muộn con đem đi nuôi, còn thằng lớn đi ở bế con cho các gia đình khá giả, tự nuôi sống mình. Bà con cùng bản ai cũng xót thương nó nhưng họ đều nghèo túng, thỉnh thoảng cũng chỉ dấm dúi cho được củ khoai, miếng cháy cơm nguội. Năm1960, cán bộ huyện làm hồ sơ cho nó đi học ở ký túc xá Lai Châu. Cuộc đời nó đã sang một trang mới: được ăn no, mặc ấm, được thầy cô, bà bạn yêu thương quý mến.
Tuy vậy, ở thân phận mồ côi, cậu bé vẫn hay tủi thân lắm! Nhất là mỗi mùa xuân sang, mỗi khi hè đến, các học sinh được về với gia đình. Họ vui lắm, cứ mong hoài, nhắc mãi. Cậu bé tủi thân ra sân đứng một mình… Những ngày đó cậu lên rừng kiếm củi hoặc làm nương, chăm lợn cho cô bác trong trường. Ai nhìn cậu cũng ái ngại xót thương. Họ nuôi cậu trong những ngày hè, tết.
Lúc ấy, Huệ đang đóng lại chiếc guốc tụt quai. Nghe chú U kể, cô xúc động lắm! Tuổi ấu thơ ngập tràn nước mắt của chú U qua lời tâm sự của chú như những thước phim trôi loang loáng ngay trước mắt cô bé…
– Này! Huệ khóc rồi đấy à?
Tiếng hỏi của cô Quy khiến Huệ giật mình, quay trở về thực tại. Cô ngẩng đầu lên, nước mắt nhạt nhòa nhưng vẫn chối đây đẩy:
– Cháu đóng đinh phải tay. Đau quá!
Chỉ chú U tin điều Huệ nói. Còn cô Quy không tin. Bách Hợp cũng không tin. Để phá tan bầu không khí trầm buồn đặc quánh, cô Quy đánh trống lảng kể sang câu chuyện khác.
4.
Huệ và Bách Hợp ngày càng thân thiết nhau hơn. Bây giờ nhà Huệ cũng đã nhân giống được hoa loa kèn do Bách Hợp đem củ và tận tay trồng giúp. Bách Hợp cũng quý chú U lắm! Cậu thường bảo: “Chú U là một tấm gương sáng về đạo đức và nghị lực vươn lên trong cuộc sống mà tớ muốn suốt đời noi theo”. Còn với Huệ, chú U không xưng chú gọi cháu nữa mà chuyển sang gọi là anh và xưng là em ngọt xớt.
Mười sáu tuổi, trái tim Huệ cũng đã biết rung động trước người khác giới nhưng đối với chú U cô biết mình thương cảm nhiều hơn.
Tháng tư năm sau, đúng vào dịp hoa loa kèn nở rộ, một nỗi bất hạnh lớn đổ ập xuống gia đình Huệ: Bố cô đột ngột ra đi khi bị đứt mạch máu não. Đêm đó, bố cô thức trắng để hoàn thành diễn văn kỷ niệm hai mươi năm chiến thắng Điện Biên Phủ do Khu ủy phân công. Sáng sớm tinh mơ, bố cô lại xuống chân dốc tranh thủ gánh liền ba gánh nước vì mẹ Huệ đang nằm ở Viện diều dưỡng của Khu.
Sau khi về nhà chịu tang bố, nỗi đau quá lớn khiến Huệ trầm cảm. Cô mắc chứng mộng du, đêm nào chị em nhà nữ cũng chốt chặt cửa, cử người thay nhau ngủ cạnh trông chừng Huệ, sợ cô đi lang thang khắp sân trường trong đêm sẽ gặp nguy hiểm. Hai người con trai quý Huệ nhất là chú U và Bách Hợp cũng giữ ý tránh xa cô cho cô khỏi đau lòng.
Giỗ một trăm ngày của bố, Huệ trở về nhà, thấy mẹ già và hốc hác tiều tụy, cô tưởng như có muôn vàn mũi kim đâm vào thân thể, đau nhói. Mới có bốn mươi tư tuổi, bố mất rồi, mẹ phải gồng mình lên một mình nuôi sáu đứa con đang học hành dang dở, đứa út mới được hơn hai tuổi. Huệ chỉ mong mau chóng được ra trường, san sẻ, đỡ đần mẹ.
Buổi sáng hôm sau, mẹ vừa đi làm, đã nghe tiếng chú công an gác cổng Khu ủy gọi:
– Huệ ơi! Ra cổng có người gặp này!
Huệ không ngờ người đó lại là chú U. Hơn ba tháng qua, kể từ ngày bố mất, mặc dù học chung trong một lớp, Huệ lúc nào cũng đờ đẫn như người mất hồn, chẳng buồn nhìn mặt ai nữa. Giờ nhìn chú U gầy xọp, râu ria mọc lởm chởm, tự dưng Huệ thấy mủi lòng thương chú quá! Cô hỏi:
– Chú đi đâu đấy ạ?
– Em cho anh vào nhà thắp hương cho bố có được không?
Không được! Huệ nghĩ ngay: “Bố mới mất, nếu mẹ thấy có một người con trai xa lạ đến nhà trong lúc này, mẹ sẽ buồn lắm!”. Nhưng nhìn nét mặt ủ rũ của chú U, Huệ thấy tội nghiệp cho chú quá! Nếu không bảo chú công an gác cổng cho chú U vào thăm nhà, chú ấy sẽ tủi thân nghĩ đến hoàn cảnh khác nhau giữa hai đứa. Mình không thể đối xử tồi tệ với người con trai thật thà mà cuộc đời đầy bất hạnh này được. Thôi thì từ từ giải thích cho mẹ sau vậy.
Chú U cho biết: Chiều qua, chú và Bách Hợp cùng xin nhà trường nghỉ để về Sơn La chia buồn với gia đình Huệ. Chú ngủ nhà Hợp nhưng sáng nay Hợp bảo: “Chú cứ đến thăm Huệ trước đi! Cháu sẽ đi cùng mẹ đến sau”. Nghe chú U nói vậy, thật lòng Huệ rất biết ơn bạn ấy. Huệ chỉ mong chú U chóng ra khỏi nhà, đừng để mẹ về bắt gặp thôi. Chú U không hiểu điều đó nên cứ ngồi rủ rà rủ rỉ nói chuyện với ba đứa em nhỏ của Huệ. Vốn cả nể, Huệ không nỡ nói ra điều cô lo nghĩ.
– Cháu chào bác ạ!
– Không dám! Chào anh!
Huệ từ trong bếp vừa bước ra đã thấy mẹ đi làm về, nét mặt sa sầm lại.
Và tối đó, lần đầu tiên trong đời, cô nhận được những lời chửi mắng thậm tệ không thương tiếc của mẹ:
– Con gái vừa mới nứt mắt ra, vừa mới cho đi học đã yêu với chả đương.
– Bố vừa mất được ba tháng đã dẫn trai về nhà.
Huệ khóc, cố gắng thanh minh rằng chú ấy tự khắc đến, con không nỡ đuổi, mẹ cũng không tin.
Nhưng hôm sau nữa, Huệ đành đuổi thật.
Lúc ấy, mẹ đang nấu cơm ở sau nhà, miệng vẫn sa sả chửi con gái là đồ hư thân mất nết, đồ bất hiếu thì chú U lại đột ngột xuất hiện ngay trước ngưỡng cửa ra vào. Lần này, chú công an gác cổng đã biết mặt chú U nên linh động cho vào thăm, không hỏi giấy tờ gì nữa. Thấy chú, Huệ giật mình khua tay rối rít, ra hiệu cho chú ra khỏi nhà ngay.
Sau này, nghe chú U kể lại, chú thấy Huệ xua tay lại nghe tiếng mẹ chửi xoe xóe trong nhà, ra khỏi cổng gác, chú chạy một mạch bán sống bán chết về đến nhà Bách Hợp rồi mà vẫn tim đập chân run mãi…
5.
Sau khi trở lại Thuận Châu, chú U viết thư về Sơn La xin lỗi mẹ Huệ và kể cho mẹ nghe về cuộc đời của mình, mong được mẹ tha thứ. Đọc thư chú, không ngờ mẹ xúc động rơi nước mắt. Mẹ viết thư hồi âm, nói chú thông cảm cho mẹ vì chú đến nhà đột ngột trong lúc mẹ đang đau buồn quá nên nóng giận vô lý. Hai người cứ viết thư qua lại cho nhau, rồi xưng hô “mẹ con” với nhau từ lúc nào không biết.
Giữa năm học thứ hai, hòa chung với không khí thi đua của cả dân tộc “Dốc sức mình chi viện cho tiền tuyến miền Nam”, trường Sư phạm Thuận Châu dấy lên phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, phong trào“Thanh niên ba sẵn sàng”, “Phụ nữ ba đảm đang”. Đặc biệt, phong trào tòng quân tình nguyện xếp bút nghiên lên đường nhập ngũ được đông đảo cán bộ giáo viên và giáo sinh nhà trường hưởng ứng. Bách Hợp là người con trai duy nhất trong lớp lên đường trong dịp ấy khi vừa tròn mười tám tuổi. Lúc chia tay Huệ, cậu chỉ nhắc:
– Nhớ chăm sóc hoa loa kèn thật tốt nhé! Lyli!
Huệ gật đầu mà nước mắt rưng rưng.
Sau ngày miền Nam giải phóng được bốn tháng, cả lớp tốt nghiệp trong niềm vui sướng xen nỗi bịn rịn lưu luyến khi phải chia tay nhau. Ai cũng nhắc đến Bách Hợp – cậu trai trẻ học giỏi có đôi mắt thông minh, kiên nghị.
Trở về nhà, Huệ xuống thăm mẹ Hợp. Biết mẹ Hợp đang sốt sắng lo lắng khi chưa nhận được tin tức gì của con trai. Ngắm nhìn những bông hoa loa kèn nở trái mùa, cô lại càng thêm nhớ Bách Hợp, cậu bạn thân trên mức tình bạn nhưng vẫn chưa phải là tình yêu với những rung động đầu đời ngọt ngào ấm áp và trong veo, long lanh như những tia nắng mong manh buổi sáng.
Ra trường, chú U lại trở về trường Thiếu niên Dân tộc tỉnh Lai Châu công tác, còn Huệ lại trở về trường cấp 2 Tô Hiệu dạy học. Mẹ cô nhiệt tình tác thành cho hai đứa. Mãi đến sau khi cưới và có đứa con trai được chín tháng tuổi, cô mới theo chồng lên Lai Châu dạy học. Mẹ cô nghỉ hưu, chuyển vùng về quê nên Huệ cũng không có dịp trở lại Sơn La nữa.
…Ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn bốn mươi năm, bà Huệ thở dài:
– Mình thật vô tâm quá! Bao nhiêu năm không trở lại Sơn La, không thư từ liên lạc với gia đình cô giáo Tuyết – mẹ của Bách Hợp. Không biết tình hình mọi người bây giờ ra sao?
Buổi tối, nghe bà Huệ tâm sự, ông U từ tốn nói:
– Thời đại bốn chấm không, đơn giản thuận tiện lắm! Em mới khoe tìm được và kết bạn với Lan lớp mình trên facebook rồi đấy thôi! Cứ vào messenger hỏi Lan là rõ hết ngay!
Không ngờ vừa vào facebook, bà Huệ đã gặp ngay bà Lan. Bà Lan thông báo vắn tắt: Bách Hợp bị thương cụt một chân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975, sau đó được chuyển ra hậu cứ điều trị. Thời đó do điều kiện thông tin liên lạc không thuận lợi như bây giờ nên mãi ba năm sau, Hợp mới trở lại Sơn La trong niềm hạnh phúc vô bờ của mẹ, bà con hàng xóm, bè bạn. Khi Lan đến thăm Hợp, Hợp hỏi thăm ngay:
– Huệ giờ ở đâu rồi?
– Huệ đã lấy chú U và chuyển về Lai Châu từ năm ngoái rồi.
Nét mặt Hợp buồn lắm nhưng bạn ấy lại nói:
– Thế thì tốt rồi! Chú U tốt lắm!
Không theo đuổi nghề giáo được nữa, Hợp làm thơ, viết văn gửi Tạp chí Văn học Nghệ thuật tỉnh. Các bài viết ngồn ngộn hơi thở cuộc sống, rất nhân văn và ngập tràn cảm xúc của chàng luôn chiếm được cảm tình của độc giả. Thanh Ly – cô biên tập viên trẻ trung, xinh đẹp từ hâm mộ chuyển sang yêu chàng từ lúc nào chẳng biết. Giờ thì họ đã lên ông, lên bà, con gái con trai họ đều công thành danh toại cả rồi, cô giáo Tuyết mẹ Bách Hợp đã sang tuổi chín mươi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn lắm!
– À, mình cũng kết bạn với ông Hợp bà Ly trên facebook đấy!
– Ôi! Thế thì may mắn quá!
Theo chỉ dẫn của bà Lan, bà Huệ mở được trang facebook của ông Hợp và bà Ly. Cả hai vợ chồng đều dùng ảnh bìa bằng ảnh cả gia đình chụp bên vườn hoa loa kèn rực rỡ sắc màu. Thật tình cờ, tên Lyli cũng là cách gọi khác của hoa loa kèn. Cụ Tuyết đã thượng thọ nhưng nom vẫn đẹp và phúc hậu lắm! Ông Bách Hợp lắp chân giả nên ai chưa quen ông ngoài đời cũng không phát hiện ra ông là thương binh. Tuy tóc đã nhuộm màu muối tiêu nhưng ánh mắt ông còn tinh anh lắm! Vẻ mặt ông rạng ngời hạnh phúc bên bà Thanh Ly trẻ trung, duyên dáng, mặn mà. Hai đôi vợ chồng con trai con gái với bốn đứa trẻ khỏe mạnh, xinh tươi rạng rỡ. Ông U ngắm ảnh, trầm trồ:
– May quá! Cuộc đời Bách Hợp đẹp như trong tiểu thuyết ấy, em nhỉ?
Bà Huệ gật đâu và thầm nghĩ: “Bởi ông ấy mang cái tên đầy ý nghĩa tượng trưng cho sự đoàn tụ, hòa hợp và thành đạt mà”.
Ông U giục vợ:
– Em xin kết bạn với hai vợ chồng cậu ấy để mai mình liên lạc với nhau, rồi vợ chồng mình thi xếp bố trí về Sơn La thăm họ nhé!
Đêm ấy, bà Huệ lại mơ một giấc mơ thật đẹp. Hoa loa kèn lại nở…
Bùi Thị Sơn