Duyên ngâu

Ngà dậy muộn, ra đến cột bus chuyến xe cuối cùng đã về thành phố. Ở tuổi này mà còn cần đến chuông báo thức là người ù ì, không bị cuốn vào hút xoáy mưu sinh. Nhưng thực ra Ngà cố đi muộn, từ cổng nhà ra đến đây cô gắng hít thật chậm, thở thật lâu, đế giày bám đất thật kĩ để mọi cái kéo dài thêm như con nhện đã sắp cạn đường tơ. Lỡ xe, lại được thêm bữa cơm dưa cà của mẹ, chưa bao giờ cô được thử.

Lỡ, thì đâm phải tự thêm chỗ cho mình. Cuối tuần các cháu học ở thành phố về thăm nhà, ngồi hết mười cái ghế quanh bàn ăn hình bầu dục. Bố Ngà năm nay chạm chín mươi xuân, vẫn lẳng lặng vào phòng anh cả đẩy cái ghế bàn máy tính ra cho con gái ngồi, sợ con tủi như ngày xưa ngồi đống rơm ăn cơm. Nhìn cái ghế của ông sếp con thì to nặng cứ xoay, dáng ông cựu giám đốc nông trường thời bao cấp thì hom hem.

Mẹ bảo: “Người nhà cả, đến bữa chỉ thêm đũa thêm bát”. Bát sứ Hải Dương quê mẹ, mẹ mua cả mười chồng chẵn chục, cả trăm người ăn cũng đủ nhưng Ngà biết nồi cơm nhà này hãng “Cuckoo” chứ không phải thương hiệu “Thạch Sanh”. Chợ xa, cô ra vườn hái hoa đu đủ đực để xào, lá ớt nấu canh, rau đắng để đồ… Nhìn thấy cô ở vòi nước, anh Đức bảo:

– Mày về toàn phát minh ra các món chua ngoa, đắng đót.

Ngà không để ý, cô chỉ bảo: “Nãy em ra vườn của mẹ, thấy cỏ mọc nhiều. Mẹ lưng còng đau nhiều không cúi nhặt cỏ, tưới nhiều được. Rau cằn quá, anh xem phụ mẹ…”. Đức thẳng thừng: “Anh cũng thoái hóa, vôi hóa hết năm mươi cái xuân xanh rồi. Vườn cũng như gia đình đến lúc cây nào giữ được thì giữ, cây nào cỗi cũng phải bỏ. Sức đâu…”. Nghĩ đến mẹ, Ngà chỉ rửa rau qua một lần nước để vào bếp phụ mẹ sớm hơn. Vườn của mẹ, đến cây dại còn không có độc, chỉ sợ khói bụi nhà máy nay mai anh Đức cấp phép cho về đặt gần làng.

Mẹ ngồi đó, dáng mẹ đã yếu đi nhiều nhưng cái bóng ánh chiều hắt lên tường vẫn phải gồng lên mạnh mẽ. Bác cả tên Mẫn, mẹ là Tiệp. Thể nào cả đời hai anh em mẹ đều xăm xắn lo cho gia đình. Bác hy sinh đúng mùa mưa Nam Bộ, hài cốt loạn lạc trôi nổi mấy lần, mẹ tìm bằng được đưa bác về thành ngôi mộ liệt sĩ cuối cùng tìm thấy của huyện. Ông thầy giáo cũ của bác, người không chịu được bom đạn đào ngũ về một mức đi đâu cũng đọc bài thơ: “Người lính đi đầu” ca ngợi bác Tiệp gan dạ lắm. Mẹ bảo ông nói không ai nghe, đọc nhiều người ta lại nghĩ thầy nào trò vậy, nghĩ tủi lắm.

Ngà bỏ đấy ra ngồi gốc cây sung ngả ra bờ ao lòng vẩn vơ. Bao nhiêu quả sung mật chín, chỉ thấy đàn kiến cần mẫn leo đi leo về hút mật và báo tin. Lạ, cái loài chỉ báo tin vui cho nhau là có ngọt ngào. Nhớ cái áo trắng tinh của Ngà hôm nào mẹ sắm cho để cô vào lớp một. Cái áo trắng nhất làng Kẻ Nha này, nhưng sung mật rớt ở tà áo, kiến bâu đầy, lén cắn cô phát khóc. Anh Nam bảo: “Mày mà giết nó, nó kéo đến cắn mày chết lôi về tổ ăn cả tháng không hết”. Ngà nhớ hôm đó bảo mồ hôi em hôi lắm, nó không thèm, anh nằng nặc: Loài này chuyên khênh xác loài khác về làm chiến lợi phẩm. Nhỏ mọn ở chỗ lấy đau khổ loài khác làm niềm vui cho mình. Không giống bài cô giáo dạy mày về đàn kiến siêng năng tốt tính đâu? Ngà khóc, hôm nay vẫn đàn kiến ấy, anh Nam giờ vỡ nợ trốn biệt tăm gần chục năm. Bố mẹ cứ thế già theo con ngõ mong tiếng anh oang oang về. Người to mồm, nhiều lời mà phải đi trốn khổ lắm. Giá mà đàn kiến cũng nhận ra anh, để tìm được anh ở phương trời nào, nghĩ đến thế, bỗng thấy mình gở miệng.

Bỗng có tiếng lá chuối sột soạt, có người từ sân nhà cô theo lối men ao về. Đi lâu ngày, nhìn sau lưng chả biết người nào trong xóm. Cũng đến cả chục năm, Ngà chẳng còn sang nhà hàng xóm nữa. Con nhà ai lấy ai, đứa nào mới sinh, chỉ trong họ còn biết. Nhìn dáng người này hay hay nhưng cái lưng hơi gù quá…

Cơm dọn ra, tất cả đũa đã lách cách trên tay nhưng vẫn phải chờ ông cựu giám đốc lên tiếng mới ăn. Nhà này vẫn như một nông trường tập thể, ăn như tằm, làm như hợp tác xã, phân phối bao cấp – anh Đức ghé cái miệng chưa khi nào vắng mùi rượu sang bảo cô thế. Nhìn bố lúng túng cũng phải. Trừ tết ra, chưa khi nào mâm có đến mười một người ăn. Tức là, dù nhà mẹ đẻ, Ngà cũng tế nhị, mọi khi về đến chiều thứ sáu là đi. Không muốn các cháu thấy bà cô già, bà bác già quá lứa. “Mày về thì tháng nào chả là ngâu”- có lần bà chị dâu nửa đùa nửa thật thế. Ngà không tự ái nhưng đúng là, bố lại đang lý giải cái sự “lỡ xe” ấy thật trang trọng như cô là đại biểu cấp trên về dự cơm thân mật, như là điểm may lắm.

Ngà có điện thoại. Một thằng trẻ ranh gọi video để xem mặt thì đúng hơn. Cai “phây” là khó nhất chứ không phải ma túy, người ta bảo thế vì gái ngoan hay gái già cũng nghiện cả. Nhưng đúng là, nó trẻ nó không ngờ hết được, chứ biết tỏng rồi nó mới hiểu cái sự thật phũ phàng. À, ban nãy hình như có món lòng cá để chấm với rau đắng cô đồ chứ không phải mắm như mọi khi. Lạ! Mấy bà chị dâu này thì rõ vụng. À, thì chắc anh hàng xóm bạn chim cảnh, phong lan với bố kia.

Ngà quay trở vào, ai đó đã đẩy cho cô cái ghế gỗ như mọi người, không để ý ai ngồi ghế kia. Nhưng có vẻ tất cả đang có chuyện. Chắc lại cái món “chia vườn” anh Đức rêu rao suốt mấy tháng nay. Không ai nhìn cô, nhưng rõ là mình cô là con gái, “nữ nhi ngoại tộc” dẫu “nữ nhi” chưa một lần “xuất giá” đúng nghĩa dẫu đã hơn một gần trao thân gửi phận kiểu đàn bà hiện đại thì cũng không có phần. Kìa, vẫn có một người nhìn cô, lặng lẽ rót rượu, lặng lẽ gỡ xương cá cho đám trẻ khi mẹ chúng đang “chu mỏ” lên như để gườm nhau. Ai lo chúng hóc xương? Bà nào ngày xưa yêu kiều về làm dâu cũng thỏ thẻ, giờ rõ mặt quân “phản tặc”chiếm đất cả. Họ sẽ vun vén cho gia đình họ, chấp nhận chôn vùi cả tuổi xuân và tình nghĩa.

Ngà buồn, bữa cơm nhà mọi khi diễn ra sau lưng cô là thế, buồn vô hạn như đám xương xẩu, mâm bát khi tàn tiệc. Tìm mãi mới thấy cái ghế “sếp” ai đó đã đẩy vào phòng anh Đức, chắc bố cũng nên. Nhưng quay ra bếp, vẫn thấy có mười một chiếc ghế gỗ giống như nhau như đúc.

Sớm nay, Ngà dậy sớm hơn cả chuyến xe bus đầu tiên, bố đã ở ngoài sân tập thể dục:

– Con về luôn à?

Ngà lặng lẽ gật đầu lễ phép, định đi rồi cô ngoái lại nhìn cái phòng ăn đêm qua đủ mặt gia đình. Cái ghế thứ mười một thì không thấy, cỏ phía bờ ao vẫn nhàu một lối đi. Bổ nhìn Nga húng hắng ho rồi bảo:

– Nó làm mộc, chỗ con ngồi bố muốn là nó tự làm cái ghế giống hệt, bố cất đi để đến bữa nhìn sợ lại nhớ con chứ nó làm từ lâu lắm. Nó chỉ được rảnh cuối tuần, giờ nó làm ông chủ rồi nhưng vẫn bẽn lẽn thế đó.

Ngà lại tủm tỉm cười:

– Là anh Chiều con út thầy giáo của bác Mẫn bố nhỉ? Nghe tên đã muộn màng, giống con ngà ngà là phê phê rồi…

Bỗng dưng Ngà chột dạ đỏ mặt. Bất chợt mưa sầm sập, “thôi chết sang ngâu rồi”, nước mưa chả mấy chốc ngập đầy sân, bậc thêm thấp xuống. Nhìn cơn mưa trắng trời, nhìn lại con gái, thoáng chút âu lo, rồi bố bảo:

– Để bố gọi thằng Chiều đưa con ra thành phố nhé, nó mới mua xe bốn chỗ đẹp lắm.

Ông cụ hết áp tai vào điện thoại rồi lại nhìn màn hình. Hình như anh ta bảo đã ngược thành phố rồi thì phải. “Không sao bố à, bố còn có cái ô kìa, từ đây ra bến bus cũng gần”. Ngà cười, không hiểu sao cô lại không nỡ từ chối, mưa ngâu ở quê là lâu lắm, cứ mưa là hết ngày. Mà hình như Chiều cũng ra thành phố như cô, nhưng chắc chắn sau mưa sẽ lại trở về cái làng này. Biết đâu đấy, biết đâu, cuối tuần nào đó lại gặp nhau ở cái nút thắt giao thông như câu nói nghẹn ngào ở cuối thành phố ấy để trở về làng. Ngâu!

BÙI VIỆT PHƯƠNG


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.