Tôi gặp tác giả Đào Thanh Tám tại lớp học Lý luận Phê bình khóa VI do Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam tổ chức ở Hà Nội. Nụ cười thân thiện, cởi mở đã làm chúng tôi xích lại gần nhau hơn. Khóa học ngắn ngủi kết thúc, cùng với những kiến thức mới mẻ, bổ ích, còn để lại trong tôi bao cảm xúc ngọt ngào về thủ đô yêu dấu – Trái tim của đất nước. Và vui hơn cả là trước khi chia tay bịn rịn, người ngược núi cao, người xuôi về biển, Thanh Tám tặng tôi cuốn sách mang tựa đề Bình minh trên núi gồm 15 truyện ngắn của chị.
Tác giả Thanh Tám sinh ra và lớn lên trong một làng quê nhỏ của tỉnh Hà Tây (cũ), nay là thành phố Hà Nội nhưng chị lại có duyên với miền núi Tây Bắc. Chị đã cùng gia đình nhỏ của mình sinh sống và làm việc trên mảnh đất Lai Châu ngót hai mươi năm. Hai mươi năm sinh sống cùng bà con đồng bào thiểu số của Lai Châu, chị thấm nhuần nét văn hóa đặc sắc vùng Tây Bắc cùng với những ký ức ngọt ngào về văn hóa vùng châu thổ sông Hồng đã tạo nên một phong cách rất riêng của Thanh Tám.
Tập truyện ngắn Bình minh trên núi là tập sách đầu tay của chị. Vốn là một cô giáo bản, nhưng vì yêu văn chương chị cầm bút sáng tác vào đúng thời điểm dịch Covid-19 hoành hành dữ dội nhất. Cả nước thực hiện giãn cách theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ. Vừa thực hiện dạy nhiệm vụ của một cô giáo hằng ngày dạy học qua nền tảng mạng xã hội zoom, tác giả vừa viết và không lâu sau đó chị đã có đứa con tinh thần đầu tay được xuất bản tại Nhà xuất bản Hội Nhà văn.
Cuốn truyện ngắn hơn hai trăm trang đã mang đến cho tôi một cái nhìn đa dạng về cuộc sống, vốn văn hóa đậm bản sắc của đồng bào miền núi Tây Bắc. Bình minh trên núi không chỉ phản ánh những hiện thực cuộc sống thời hiện đại ở cả vùng châu thổ sông Hồng cũng như vùng Tây Bắc mà tập truyện còn phác họa hình ảnh những chàng trai, cô gái từ miền xuôi không ngại gian khổ, khó khăn xung phong lên với miền núi, gắn bó với bản làng. Họ đóng góp một phần không nhỏ vào công cuộc xây dựng, làm đẹp quê hương thôn bản, thúc đẩy nền kinh tế miền núi tiến kịp miền xuôi.
Những trang viết của tác giả dành tình cảm ăm ắp cho những người phụ nữ – những người yếu thế trong xã hội. Họ là Xoan trong Suối hát, là Thủy trong Gió xuân, là Huệ trong Trở về… Những người phụ nữ ấy, dù cuộc sống của họ gặp phải nhiều khó khăn gian khổ, thậm chí có lúc bế tắc nhưng họ vẫn tìm được cho mình một lối đi riêng. Một lối đi để họ vừa giữ được giá trị, phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ, vừa tránh được những cạm bẫy của cuộc sống giăng mắc ngoài kia.
Trang bìa cuốn sách “Bình minh trên núi” của tác giả Thanh Tám.
Người đọc không khỏi xót xa khi Xoan trong Suối hát, rơi vào tình cảnh éo le, mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu vẫn là một mối hiềm tị khó vượt qua, đối với các cô gái không may bị mẹ chồng “không có thiện cảm”, ngay từ lần gặp đầu tiên chân ướt chân ráo về nhà chồng, còn nhiều bỡ ngỡ. Xoan đã chịu nhiều ấm ức, cô càng nhẫn nhịn thì nỗi bực dọc, khó chịu càng lớn trong lòng bà mẹ chồng khó tính. Chỉ vì những mâu thuẫn nhỏ nhặt, nhưng đã “không ưa thì dưa thành…”. Đỉnh điểm khi chồng cũng vào hùa với mẹ để hắt hủi, mặc dù Xoan không có lỗi gì ngoài cái tội lầm lầm lì lì, anh ta đã tát cô túi bụi không cho vợ phân trần. Xoan đã cố chịu đau nín nhịn, nhưng anh chồng đã giở thói gia trưởng, thể hiện cái “oai” của một người đàn ông hách dịch trong nhà, lên giọng thách thức, xua đuổi: Bước, bước khỏi nhà tao! Phút chốc, Xoan thấy mình như một cái cây tầm gửi, sống nhờ vào sự bố thí của gia đình nhà chồng, ánh mắt hả hê của mẹ chồng nhìn cô: Một tay ôm con, một tay cúi nhặt áo quần như giẻ rách vung vãi dưới sân. Chưa hết khi cô vào nhà, thì người chồng vũ phu ngăn cô ở ngưỡng cửa, cố ý ẩy hai mẹ con Xoan ngã nhào xuống hè. Xoan lấy thân mình che chắn cho đứa con nhỏ, mặc dù cố gắng nhưng đứa bé vẫn bị đau và khóc thét lên. Vì đau hay vì hận người chồng vũ phu? Xoan uất nghẹn bế con rời khỏi nhà chồng đi trong vô định. May mắn, Xoan được một người tốt bụng mách: Ngược lên vùng Tây Bắc mà sống. Thế đó, trong ý nghĩ của mọi người, rừng luôn che chở, cứu giúp những phận người đau khổ. Cứ bám lấy rừng mà sống, rừng không bao giờ phụ người… Đồng bào ở trên ấy sống chân tình, cởi mở, thật thà, họ bao bọc nhau như cây trong rừng, như nước với cá – Suối hát. Chỉ vài nét chấm phá tác giả đã cho ta những cảm nhận sống động, chân thực nhất về núi rừng, về con người nơi đây. Về với rừng tâm hồn ta thư thái hơn và đâu đó vang vọng tiếng hát ru của rừng già, của con suối, của cỏ cây, hoa lá, chim muông. Một khúc hát ru tình quê da diết.
Trong Mùa xuân của Sú, ta lại gặp những cô bé, cậu bé đang ngày đêm nuôi chí lớn, đó là những ước mơ, hoài bão làm giàu cho thôn bản bằng chính bàn tay và khối óc, cùng sự ham học hỏi, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn ngay trên chính mảnh đất còn hoang sơ của mình. Họ là những cô Sú, cậu Phừ… đang cố gắng vượt lên hoàn cảnh, những khó khăn… Họ đang tô điểm cho núi rừng, bản làng một bức tranh với những gam màu rực rỡ dưới ánh sáng của tri thức. Dẹp bỏ những tệ nạn, hủ tục ấu trĩ còn ẩn sâu vào những suy nghĩ nông cạn của một số người u mê, thiếu hiểu biết tin vào những luận điệu của kẻ xấu, nhằm lợi dụng và chia rẽ tình đoàn kết từ gia đình, làng bản để trục lợi cho bản thân chúng. Nhưng bằng sự quyết tâm và tình đoàn kết, thương yêu đùm bọc, những cô giáo như Thương, những em học sinh như Phừ, Sình,… cùng những chiến sĩ bộ đội biên phòng đã ra tay phá tan âm mưu đen tối đó, trả lại cho người dân và bản làng vùng cao nét thanh bình, đem lại những làn gió xuân ấm áp cho từng bản làng, dãy núi, ngôi nhà.
Ở một làng quê nhỏ khác, Cơn bão đất cũng làm nghiêng ngả những giá trị tình thân, tình làng nghĩa xóm, làm bật rễ những tư tưởng đạo đức thực dụng cá nhân, coi trọng đồng tiền hơn tất thảy. Ranh giới giữa tốt và xấu, thật giả mới mong manh làm sao. Nhưng cuối cùng họ cũng nhận ra rằng: Tình yêu không xuất phát từ tiền bạc, thì tình yêu sẽ bền chặt trong gian khó. Hai người cùng nhau xây đắp, vun vén hạnh phúc bằng trái tim yêu thương, bằng khối óc và bàn tay thì cái khó dần dần sẽ đi xa – Cơn bão đất. Đi qua bao nhiêu sầu tủi, những tổn thương thắt nghẹn con tim, cái giá của yêu thương nào trả cho những tổn thương, áp lực khiến tinh thần hoảng loạn. Tình yêu thương thật sự dám buông bỏ, dám hứng chịu những thiệt thòi về mình, mới là cái giá vô tận để ta an nhiên. Chúng ta biết bằng lòng và thanh thản chấp nhận những rủi ro của cuộc sống, thì cuộc sống sẽ luôn mỉm cười với chúng ta. Và khi đó ta không còn những ham muốn về những giấc mơ hoang đường, về tiền, tình, đỏ đen nữa.
Nhân vật Hoàng trong Trả giá khi đứng trước trăm ngàn vạn nẻo những lối rẽ trên đường, nhưng phải đủ lý trí và tỉnh táo để lựa chọn cho riêng mình một lối đi không vấp ngã. Lối đi có thể đúng hoặc chưa đúng, nhưng dù chọn thế nào cũng cần phải hướng thiện tới vẻ đẹp của cuộc sống. Khi con người ta bị vùi dập trong đau khổ, túng quẫn cả về thể xác lẫn tinh thần thì đôi khi cũng chỉ biết tặc lưỡi: Cuộc đời ngắn dài có số, tươi héo ở trời. Khi thân phận con người bị rẻ rúng, lòng người chai sạn không buồn, không vui, không khóc, không thấy lạ mà cũng chẳng thấy quen, cô như mặt ao làng sẵn lòng đón nhận tất cả những ân huệ từ thiên nhiên, là những trận mưa rào ào ạt, hay những cặn bã sinh hoạt của con người – Gió xuân. Thì đau thế chứ có đau thêm họ cũng cố chịu đựng. Nhẫn nhịn và chịu đựng vốn là một đức tính của người phụ nữ xưa nay. Nhưng ở thời đại “bình đẳng nam nữ” đôi khi tính nhẫn nhục lại là nguyên nhân cho những tụt hậu. Với Gió xuân, tác giả đã cho chúng ta thấy một sự vùng dậy đấu tranh đòi quyền lợi cho người phụ nữ, những kẻ chân yếu tay mềm, cần được xã hội che chở, bảo vệ. Đó là nhân vật Hòa, đứa con trai của bà Thủy lớn lên trong cảnh bố bỏ bê gia đình, nhà cửa vợ con để chạy theo thứ tình ái mù quáng, một mình mẹ chịu thương chịu khó vun vén chăm mẹ già, nuôi con nhỏ ăn học tử tế. Nhân quả ở đời – Người mẹ mát ruột, mát gan nở nụ cười mãn nguyện khi đứa con trai đủ cứng cáp để bảo vệ mẹ: Con học ngành này để bảo vệ công lý, bảo vệ mẹ khỏi bị người ta bắt nạt. Lẽ phải bao giờ cũng thắng, cũng đứng về phía những con người có hiểu biết, có tâm, biết sống và làm việc theo hiến pháp và pháp luật, kính trên nhường dưới, sống có tình có lý, chan hòa với chòm xóm láng giềng. Đó là thông điệp mà tác giả Thanh Tám gửi gắm đến độc giả thông qua câu chuyện của mẹ con nhà Thủy.
Truyện ngắn Bình minh trên núi, Thanh Tám đã đưa người đọc đến với một bản nhỏ nơi lưng chừng núi, ở đó có những cô giáo cắm bản. Họ là những chàng trai, cô gái đang ở tuổi đôi mươi – tuổi đẹp nhất của đời người, họ chấp nhận rời xa thành phố nơi phồn hoa đô thị để mang con chữ tới các bản làng xa xôi hẻo lánh vùng rẻo cao, với điều kiện đi lại vô cùng khó khăn, thiếu thốn đủ bề. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, với những khát khao đưa tri thức tới cho các em học sinh thân yêu. Các thầy cô được địa phương gửi gắm niềm tin, trở thành lực lượng nằm vùng cơ bản, không chỉ dạy chữ, mà các thầy cô còn có nhiệm vụ tuyên truyền những chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước tới bà con dân bản, giúp bản mường bình yên. Những cảnh tả thực vẽ nên bức tranh vô cùng xúc động: Đầu mùa mưa, anh (thầy giáo) xuống chợ huyện thuê thợ sửa xe quấn xích quanh lốp như dân bản địa, việc quấn xích quanh lốp giúp cho bánh xe bám đường đỡ trơn trượt. Thế đấy, con đường để đi đến lớp, đến trường của cô, trò miền núi biết bao gian nan vất vả. Gian lao đến vậy mà không ai nao núng, tất cả có một niềm tin mãnh liệt đang thúc giục những bàn chân vươn tới, giúp các em học sinh viết tiếp những ước mơ cháy bỏng. Làm chủ cuộc sống, làm giàu đẹp cho quê hương bản làng. Mặt trời đã vươn lên trên ngọn núi phía đông, gió xua mây tản dần cho ánh sáng buổi bình minh rực rỡ trên bản nhỏ – Bình minh trên núi.
Trong khuôn khổ của tập truyện, tác giả đã không truyền tải hết thông điệp về sắc màu văn hóa của người dân Tây Bắc, có lẽ đó là điều đương nhiên, Chúng ta không thể mong mỏi một tập truyện ngắn hoặc một cuốn sách có thể truyền tải được hết một kho tàng văn hóa ỏ một vùng miền. Tuy nhiên, với cách viết chuyện nhẹ nhàng như con người của tác giả, Bình minh trên núi để lại những ấn tượng nhất định trong lòng độc giả về những cuộc đời, những số phận có phần nghiệt ngã nhưng trên hết họ đã vươn lên một cách mạnh mẽ. Họ vẫn yêu đời, yêu cuộc sống. Chính họ đã tô đẹp cho làng bản ở hai vùng quê của tác giả như các cô giáo Thương, Hậu, Mây…; các em học sinh: Phừ, Sú, Sình…; các cô gái: Mai, Hồng, Xoan, Thủy… Người đọc dường như có cảm giác các nhân vật trong mỗi câu chuyên của tác giả đang hiển hiện sống động quanh đây.
Như đã nói ở trước, khi viết Bình minh trên núi, Thanh Tám vốn là một cô giáo miền xuôi lên vùng cao công tác và gắn bó với mảnh đất Lai Châu ngót 20 năm. Tuổi thanh xuân của tác giả gửi gắm vào những trang giáo án sáng đèn đêm đêm, in vào dấu chân trên những nẻo đường quanh co trơn trượt để đến với các em học sinh thân yêu. Tác giả viết mà như đang kể lại một phần nhỏ câu chuyện của chính mình trên chặng đường tới lớp. Những trang viết như những trang giáo án đã chắp cánh ước mơ cho lớp lớp học trò nghèo vùng núi cao Tây Bắc. Những lứa học sinh tốt nghiệp ra trường, đã quay lại bản công tác, đem kiến thức được thầy cô truyền lại, bước tiếp con đường các thầy cô đã đi, thắp lên nhiệt huyết bừng cháy trong tim để phục vụ và kiến thiết quê hương bản làng. Với bút lực dồi dào, cùng những khám phá mới mẻ độc đáo, tôi tin là tác giả Thanh Tám sẽ cho ra đời nhiều tác phẩm mang dấu ấn, đậm chất miền quê mà tác giả đang sinh sống và làm việc. Thành phố trong mây và rừng xanh bao la đang trên đà phát triển, với sức trẻ năng động, hiện đại, nhưng vẫn mang bản sắc riêng biệt, độc đáo – thành phố trẻ Lai Châu hôm nay.
TRẦN MAI LAN