Dấu ấn nghệ thuật của nhạc sĩ Vương Khon trong tập ca khúc “Em từ mùa ban nở”

         Bông hoa ban cánh trắng muốt, tô điểm sắc hồng đã từ lâu đi vào thơ, vào nhạc, là phong cảnh hữu tình mùa xuân của miền núi phía Bắc. Đến với tập ca khúc “Em từ mùa ban nở” của nhạc sỹ Vương Khon – hội viên Hội nhạc sỹ Việt Nam, Hội viên Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Lai Châu do Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc in, ngay từ những câu đầu đã gợi ra cảnh tượng huyền thoại: “Hoa Ban huyền thoại như trong câu thơ hoa ban nở. Nở thành người con gái Thái. Trời trong trong xanh, đám mây bay trong thau nước gội đầu. Em gội đầu để con suối suốt đời reo”.

Bìa tập ca khúc “Em từ mùa ban nở”.

          Nhạc điệu thánh thót, chậm rãi, thiết tha với các khoảng lên bổng, xuống trầm vẫn là dấu ấn đậm nét dân tộc Thái, rất riêng khi nhạc sỹ Vương Khon viết về quê mình. Lời bài hát trích từ bài thơ “Gửi Lai Châu” của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, khi phổ nhạc tuy thấy quen nhưng cũng rất lạ. Về “Lai Châu của lúa thơm, sắn ngọt, của tình em cho thành phố trăng rằm” đã níu lòng bất kỳ ai sinh ra và lớn lên nơi đây nhớ về gốc rễ, cội nguồn và quyến luyến nhịp chân mỗi du khách từng đến với mảnh đất Lai Châu.

          Trong tập sách với 50 ca khúc dày dặn, không chỉ ghi lại chặng đường sáng tác của người nhạc sỹ tài hoa tỉnh nhà mà còn là tình yêu thương ông gửi gắm với mảnh đất, con người nơi đây. Trong số đó, không ít những bài hát đã làm lên tên tuổi của nhạc sỹ Vương Khon và đưa ông trở thành Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, có những tác phẩm “càng nghe càng thấy hay, thấy thấm”. Có những bài hát sau khi được cập nhật trên các trang web, mạng xã hội đã nhận được nhiều lời bình chọn của độc giả miền xuôi cảm ơn nhạc sỹ đã gửi gắm, khiến mọi người cảm nhận được phần nào về tình cảm và hình ảnh miền biên giới. Điển hình như các ca khúc: “Say Mông dạy chữ” đạt Giải A cuộc thi sáng tác về đề tài dân tộc miền núi do Vụ Văn hóa dân tộc tổ chức (2004-2005), đạt Huy Chương vàng năm 2004 Bộ Văn hóa tổ chức Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc; Ca khúc “Điệu hát quê tôi” đạt          Huy Chương vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc năm 2004; Ca khúc “Người đẹp mường Then” đạt Giải Nhì của Giải thưởng Hội Nhạc sỹ Việt Nam năm 2004; Ca khúc “Bươn hai noọng khắp” đạt Huy Chương vàng năm 2009 tại Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc; Ca khúc “Chuyện tình điệu Xao Xên” đạt Huy Chương vàng Hội diễn nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc…

          Là người con của dân tộc Thái, các bài hát của nhạc sỹ Vương Khon có nhiều bài mang đậm nét văn hóa dân tộc mình. Trong bài hát “Ăn cá bống vùi tro cùng bà Then lên trời”, ông sử dụng cả phần lời tiếng Thái kết hợp cùng tiếng Việt của cố nghệ nhân đàn tính Nông Văn Nhay tái hiện lại phong cách Then Thái tại Lễ hội cổ truyền của dân tộc mình tại xã Mường So (huyện Phong Thổ). Bằng tình yêu quê hương, sự kết hợp giữa hai người nghệ sỹ đã khiến bài hát, điệu then sinh động: “Đến Phong Thổ Kin Pang Then Mường, cùng bà Then khửn khái lên trời. Lả ơi! Mường So trong truyền thuyết nàng Han, đóng giả trai đánh giặc giữ Mường”.

> Xem thêm:

Hiểu thế nào về một bài phê bình hay

Đôi điều về thơ dân tộc thiểu số

Chân dung tinh thần của những người lính trong thơ trẻ thời kỳ chống Mỹ cứu nước

 

Nghe nhạc của Vương Khon, người nghe không chỉ được thưởng thức không gian phi vật thể đậm nét văn hóa mà còn đắm mình trong những truyền thuyết, huyền tích vùng đất Lai Châu và mong được tham gia các lễ hội độc đáo của bản, mường. Ẩm thực xứ núi, dân ca, dân vũ, nhạc cụ… cũng đi vào nhạc Vương Khon tự nhiên và sống động qua các bài hát: “Đàn tính bên sàn”, “Điệu xòe thương nhau”, “Tâm tình khăn piêu”… Trong các sáng tác của nhạc sỹ Vương Khon, các địa danh những vùng đất cũng được ông khéo léo đưa vào nhạc. Các bài hát: “Thành phố bên Pu Sam Cáp”, “Mường Bum – mâm cơm Mường Tè”, “Sìn Hồ quê anh và em”, “Phong Thổ – miền đất gió yêu thương”

          Tôi đặc biệt ấn tượng với câu hát: “Vó ngựa khua, nhạc dập dồn người đi chợ Dào San. Trai mười Mường, gái chín bản, người từ lưng trời xuống. Có vợ đem theo vợ, có chồng rủ cả chồng, chẳng có cứ đến chợ sẽ gặp người đi không. Kìa mật ong và thổ cẩm, thuốc bắc và chè san, váy áo hàng chục kiểu đẹp hơn cả trong tranh” trong bài hát “Phiên chợ Dào San”. Tài của người nhạc sỹ là ở chỗ mỗi vùng đất có đặc trưng riêng gì, ông đều “thổi hồn” qua ca từ, nhạc điệu khiến người sinh ra, lớn lên ở vùng đất ấy cũng “tâm phục khẩu phục” sự tinh tế, sáng tạo của người nhạc sỹ này.

          Không chỉ gói trọn trong những sáng tác của dân tộc Thái, nhạc sỹ Vương Khon “vượt biên” sang “lãnh địa” nhạc dân tộc Mông và có những sáng tác nổi bật, được đông đảo người đọc, người nghe yêu chuộng như ca khúc “Khi mặt trời lên”, “Say Mông dạy chữ”… Ngay những đoạn hát nhanh, nhạc nhí nhảnh, tươi vui và lồng ghép cả lời đọc nhấn nhá: “Gầu Mông làm cô giáo, dạy chúng em tập viết này, tập vẽ này, tập múa tập hát, dạy chúng em hiểu biết nhiều thứ, dạy chữ thật nhiều” càng khiến bài hát trở nên gần gũi với dân tộc Mông hơn. “Khi mặt trời lên” là bài hát viết trong giai đoạn lịch sử dài: “Còn nhớ ngày xưa bản làng khổ lắm. Như con hươu con nai rừng lạc giữa đêm đông. Đêm tăm tối biết về nơi đâu, dòng Nậm Na đôi bờ sâu thẳm. Dốc Pha Din cao vút tầng mây”. Lời bài hát đẹp buồn cộng với khuông nhạc êm dịu đưa bạn đọc vào thời kỳ quá khứ lầm than của người dân vùng cao. Thế rồi cách mạng soi đường, nhạc điệu trở nên tươi vui trong trẻo: “Như sao trời lấp lánh, ánh sáng Đảng soi đường. Bản làng em no ấm trong iếng khèn ngân”. Điểm cộng là tính tuyên truyền vẫn đảm bảo nhưng không khiên cưỡng mà rất thấm, rất ngấm. Từng câu hát vén mở màu trời tương lai: “Ngập tràn trong nắng mới, tiếng khèn vang vách núi, tiếng khèn gọi mùa xuân đến trong ta”. Câu từ trong ca khúc của nhạc sĩ được chọn lọc, dù giản dị nhưng vẫn đong đầy hình tượng nghệ thuật, sinh động bức tranh vùng cao và tấm lòng người miền núi vững một lòng tin theo Đảng. Có lẽ vì thế mà bài hát có sức sống bền vững, dù đã trải qua hai mươi năm sáng tạo nghệ thuật, vẫn vang lên tại các hội diễn, hội thi, liên hoan của tỉnh và vẫn khiến khán giả rung động mỗi khi giai điệu được cất lên.

          Điểm đáng học hỏi ở nhạc sỹ Vương Khon chính là sự tôn trọng tiếng nói mỗi dân tộc, dù là bài hát dân tộc Thái hay dân tộc Mông, ông đều chú trọng phần tiếng dân tộc, lúc là cả bài, lúc là một đoạn nhưng dễ dọc, dễ nhớ và phần nào khiến thế hệ trẻ thêm yêu quý vốn từ của dân tộc mình. Những bài hát của ông khi tham gia ở các hội thi từ cấp trường, cơ quan, đơn vị đến cấp ngành, huyện, tỉnh, có những “ca sỹ không chuyên” tuy không phải là người dân tộc nhưng vì yêu thích, ấn tượng với bài hát của Vương Khon nên đã học thuộc cả lời tiếng Việt cũng như lời tiếng Thái, Mông để thể hiện trên sân khấu. Từ những hoạt động thiết thực ấy, góp phần bảo tồn vốn văn hóa mỗi dân tộc và đưa tiếng nói dân tộc đến các sân khấu.

          Với những đóng góp không ngừng nghỉ và nỗ lực sáng tạo tuyệt vời của người nhạc sỹ đã đưa tên tuổi Vương Khon vươn xa đến các tỉnh, thành, trở thành nhạc sỹ Tây Bắc nổi bật ý trong Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Các bài hát của ông được các đoàn đưa đi thi ở các hội thi gặt hái nhiều giải thưởng và cá nhân ông cũng được ghi nhận ở những giải thưởng trong và ngoài tỉnh. Song đối với Vương Khon, đáng quý nhất là dù không phải ở những hội thi mà trong cuộc sống đời thường, những người yêu thích nhạc ông vẫn thuộc, vẫn nghe những sáng tác của ông và nhớ đến nhạc sỹ tài hoa dân tộc Thái qua những ca khúc gắn với mảnh đất, con người Lai Châu.

HẢI YẾN

 

>> Xem thêm: Tạp chí Văn nghệ Lai Châu

 


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.