CƠN MƯA THÁNG MƯỜI MỘT

Hạnh mang thai tháng thứ năm mà đã khệ nệ lắm rồi. Cô đợi chờ một bé gái ra đời. Mọi người đếu nói: con gái mà giống cô và anh thì sẽ xinh xắn lắm. Cô mỉm cười hạnh phúc. Cuộc sống đủ đầy, Hưng – chồng cô là người trách nhiệm, anh chẳng để cô thiếu thốn điều gì bao giờ.           Đến cả đi làm, từ khi có bầu bé Gạo, anh cũng lái xe đưa cô đi. Những khi đi công tác, anh lại dặn cô gọi taxi đi làm. Khi công việc của anh càng thuận, càng phát triển thì anh lại càng đi công tác nhiều. Anh muốn thuê cho vợ một người giúp việc. Nhưng cô thấy nhà cũng chỉ có cô với anh, chẳng có ai bày biện mà bẩn. Nấu nướng thì có đáng gì. Nhất là khi anh đi thì có mỗi mình cô, ăn uống lại càng đơn giản. Nên cô không đồng ý.

Ở trường dạo này nhiều việc quá, Hạnh đi sớm về muộn, thấy cũng oải. Trường Đại học cô dạy hiện giờ mở thêm ngành mới, tuyển dụng thêm nhiều lớp. Mà cô là giảng viên cơ hữu của ngành đó, không thể không tham dự. Chỉ đến khi nghỉ thai sản, cô mới được bàn giao cho người khác, hết sáu tháng thai sản lại tiếp nhận lại công việc. Cô vốn yêu nghề, chỉ là mệt quá nên có lúc muốn nghỉ. Có những hôm một mình, cô chẳng thiết ăn uống gì, chỉ nằm thở cũng không xong. Nhưng nghĩ đến bé Gạo trong bụng, cô lại lách cách ăn uống.  Hưng đợt này đi suốt. Cô gọi điện cho anh, anh hẹn cuối tuần sau mới về được. Hưng lo lắng, cứ bắt cô tìm người giúp việc. Nhưng giờ thuê giúp việc có phải dễ đâu. Cô đợi anh về rồi bàn tiếp. Hạnh là người phụ nữ nhã nhặn, cô không trách móc, đòi hỏi chồng bao giờ. Cô luôn ủng hộ, đồng thuận miễn sao tốt cho công việc của chồng. Hưng còn trẻ, nhưng được cấp trên ghi nhận, đồng nghiệp tín nhiệm, nên anh càng muốn phấn đấu cho công việc hơn nữa. Sự nghiệp với đàn ông quan trọng nên Hạnh không cản, luôn ủng hộ anh hết lòng. Ở một mình, không có chồng bên cạnh, nhiều lúc cũng thấy tủi thân, nhất là khi bầu bí thế này. Nhưng cô vẫn cố gắng nên dần cũng quen với hoàn cảnh

Hôm nay, thứ hai, mà Hạnh có năm tiết, dạy từ tiết một sáng tinh mơ tới tiết năm, mười một rưỡi mới xong giờ dạy. Lớp học khoá mới, lại ở trên tầng năm. Giảng đường không có thang máy. Nghĩ tới xách cái cặp to xụ đựng máy tính lên tận tầng năm là cô đã không muốn bước.

– Em chào cô! Cô để em mang cặp lên lớp cho cô nhé?

Hạnh đang bất ngờ vì chưa biết là ai, định hỏi thì cô bé xinh xắn đã giới thiệu ngay:

– Em là Điêu Linh, học lớp du lịch khoá mới. Cô là cô Hạnh phải không ạ?

– Đúng rồi. Cô là cô Hạnh.

Hạnh nói dứt thì cô bé cũng cúi xuống lấy chiếc cặp to nặng từ tay Hạnh xách dần lên cầu thang. Hạnh nói cám ơn rồi bước từng bước nặng nhọc đi lên. Hạnh nghĩ con bé sao mà ngoan thế. Hồi Hạnh đi học là sợ các thầy cô lắm, chẳng dám đến gần.

Cứ như thế Linh cứ đợi cô ở chân cầu thang mỗi khi có tiết. Có hôm Linh đi một mình, có hôm rủ thêm một bạn cùng lớp. Quá trình dạy khiến Hạnh hiểu rõ hơn về Linh. Cô bé tận vùng cao xuống học, người dân tộc Thái. Thấy bảo đường xá xa xôi, đi lại khó khăn lắm. Cô bé đi học được thế này là cả gia đình đã rất cố gắng. Hạnh rất quý Linh từ ấn tượng buổi đầu. Khuôn mặt trong trẻo, hiền lành mà có phần sáng sủa, không giống với tưởng tượng của Hạnh về người dân tộc ở nơi địa đầu của tổ quốc. Quả thực Linh học rất thông minh, nói năng linh hoạt. Hạnh hay động viên: em cố gắng học tốt rồi về làm hướng dẫn viên du lịch cho các khu du lịch ở vùng Tây Bắc của em thì quá tuyệt vời. Hạnh khuyên Linh học thêm tiếng Anh là sau này có thể làm thêm, có thể làm hướng dẫn viên du lịch quốc tế. Linh rụt rè em chỉ tự học thôi. Chứ giờ đi học thêm, em không có tiền.

Ở thành phố này, Hạnh cũng không có họ hàng nào. Chỉ có hai vợ chồng ở lại thành phố lập nghiệp. Thi thoảng rảnh rảnh, buồn buồn, Hạnh lại gọi Linh tới ăn cơm cùng cho vui. Hai cô trò đi chợ xong nấu nấu nướng nướng cũng vui lắm. Chứ Hạnh thấy Linh ở trọ tuềnh toàng quá, ăn uống thì tiết kiệm. Nên có một thời gian ngắn mà thấy Linh gầy đi, da xanh xao. Mà con bé ngoan đáo để. Đến nhà Hạnh thấy có việc gì là tự xắn tay làm, Hạnh cứ bảo để đấy, không cần làm gì cả. Nhưng con bé cứ làm. Có lúc mệt quá, Hạnh chưa kịp giặt bộ váy bầu, chưa kịp rửa cái cốc… thế là Linh thoắng cái đã xong. Nó bảo: cô có việc gì cứ bảo em, ngoài giờ học, em có làm gì đâu, ở phòng trọ cũng chơi với các bạn xóm trọ hết ngày thôi mà. Cứ thế, Linh thi thoảng lại qua chơi với Hạnh. Có lúc Hạnh đi đâu về thì con bé đã dọn dẹp cơm nước xong xuôi, nhà cửa ngăn nắp, quần áo phơi phong đâu vào đấy. Hạnh trêu: cứ như nhà có cô Tấm ấy nhỉ. Linh cười tít mắt. Hạnh đánh cho Linh một chìa khoá cổng riêng, khi nào thích tới thì tới.

Có hôm Hạnh tới lớp không thấy Linh đâu. Hết giờ dạy, Hạnh rẽ qua phòng trọ, thấy con bé ngồi trong xó phòng khóc thút thít, sợ hãi. Hạnh hỏi chuyện thì thấy Linh kể chuyện không có tiền trả tiền phòng trọ, ông chủ nhà đuổi đi. Rồi Linh ấp úng: ông còn bảo nếu không thì lên phòng ngủ với chú. Thế là con bé sợ quá, hét ầm lên. Ông chủ đóng cửa sầm cái rồi đi, hẹn mai quay lại lấy tiền không thì đừng có ở thêm giây phút nào. Linh bảo em gọi điện cho bố mẹ rồi mà bố chưa lấy được tiền đi phụ làm nhà, mẹ thì chưa đến mùa bán ngô. Hạnh ái ngại. Bỗng nhiên, Hạnh thấy thương và muốn có một phần trách nhiệm với Linh. Không đơn thuần chỉ là tình cô trò, mà còn là tình thương quý như với một người thân. Mọi quyết định đến với Hạnh rất nhanh và tự nhiên, Hạnh bảo Linh dọn đồ đến ở với cô. Đằng nào cô cũng ở một mình suốt. Nhà thì nhiều phòng không ở đến. Em ở cùng thì cô trò cùng giúp nhau. Mặt Linh rạng rỡ hẳn lên. Nó hỏi lại:

– Cô nói thật ạ? Nhưng em ngại phiền cô và gia đình. Chắc mấy nữa mẹ em gửi tiền xuống thì em sẽ đóng đủ tiền thôi cô ạ.

– Nhưng tháng này rồi còn tháng sau, tháng sau nữa… Bố mẹ em thì vất vả. Thôi, em cứ về ở cùng cô một thời gian rồi tính.

Hạnh chưa thấy quý ai như với Linh. Con bé vùng xa mà ngoan, mà biết ý bằng mấy những đứa con gái thành phố gần nhà Hạnh. Ở phố, trẻ con được chiều, chẳng biết làm gì, chỉ ích kỉ biết bản thân, làm được chút việc nhà giúp bố mẹ thì khó khăn. Thế mà Linh thì cố gắng, như thể hiểu là cô nuôi ăn học, thì nó trả ơn vậy. Nhiều lúc cuối tuần, Hạnh còn phải giục nó đi chơi, rồi có lúc cho tiền về thăm bố mẹ. Tuổi của Linh, các bạn điện thoại nhoay nhoáy suốt ngày, mà Hạnh có đưa cho cái iphone 6 cũ cũng không thấy con bé lướt Facebook mấy khi.

Hưng đi công tác về, thấy Linh ở nhà thì bất ngờ lắm, nhưng cũng tôn trọng và chiều vợ. Với lại đằng nào anh chẳng đi suốt. Chắc một tháng, anh về nhà được mười hôm đến nửa tháng. Đợt này các dự án của anh đang cần giải quyết cho kịp tiến độ. Anh thấy con bé Linh cũng nhanh nhẹn, sáng sủa, thật thà. Tính nó vậy hợp với Hạnh là đúng rồi. Anh chu cấp toàn bộ mọi chi phí sinh hoạt cho hai cô cháu ở nhà. Anh dặn Linh giúp cô việc gì cô cần, vì cô đang bầu bí những tháng cuối, đi lại ì ạch, vất vả. Mấy nữa sinh em bé, chú sẽ tìm thêm một bà giúp việc ở dưới quê lên.

Ngày Hạnh trở dạ, Hưng vội trở về, lúc anh về tới nơi thì cũng là lúc Hạnh đang trong phòng cấp cứu. Hạnh sinh khó với ngôi ngược, rau thai cuốn cổ, lại còn bị băng huyết. Bác sĩ bảo may mà Hạnh tới sớm không thì không biết thế nào. May mà con bé Linh đêm hôm mà vẫn tỉnh giấc, đưa vội cô đi viện. Chứ nhiều đứa bằng tuổi nó, chỉ lăn ra ăn với ngủ như bí, sấm chớp còn không biết, chứ nói gì tới việc nửa đêm biết ai trong nhà thế nào. Như hồi bằng tuổi nó, Hạnh ngủ mà sáng ra thấy cây cối ngoài đường gẫy đổ, mới biết đêm qua mưa bão, chứ cả đêm qua cô chẳng nghe thấy gì. Linh bảo: em ở nhà quen dậy sớm nấu cám lợn, đi nương quen rồi cô. Nhà gianh nên mưa là cả nhà thức luôn cô ạ. Sau ca mổ, cả ông bà nội, ông bà ngoại cũng có mặt. Mọi người đều cám ơn Linh nhiều lắm. Hưng thay mặt gia đình cám ơn Linh và bế bé Gạo trong tay, khuôn mặt đầy hạnh phúc, mãn nguyện.

Linh vừa đi học, vừa ở cùng gia đình giúp Hạnh chăm sóc bé Gạo. Ai cũng khen Linh ngày càng phổng phao, xinh xắn. Ở cùng cô giáo có khác: ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, tiện nghi. Da Linh cứ trắng bóc như quả trứng gà, lại còn hồng hồng phân phấn dù nó không trang điểm gì. Tóc thì cứ dài bóng mượt ra. Mà con bé khéo lắm. Bé Gạo có lúc chẳng theo ai thế mà chị Linh bế thì im thin thít. Linh ở cùng như một điều quen thuộc trong gia đình Hạnh, thậm chí như người nhà, không có khoảng cách và không cần giữ ý. Chẳng khi nào Hạnh phải to tiếng, có gì khó thì Hạnh hướng dẫn một đôi lần là Linh làm được. Có đồng nghiệp, hàng xóm gở miệng bảo Hạnh mang mỡ treo miệng mèo rồi có ngày hối hận. Hạnh cười và chẳng bao giờ tin vào điều đó. Hưng như thế nào cô biết, Điêu Linh như nào cô cũng biết. Con người ta không thể vì cái “con” trong mình mà chà đạp, mà phản bội, mà giẫm đạp lên những điều tốt đẹp được. Có Linh ở cùng, cô thấy vui, thoải mái, chồng thì thi thoảng mới về nhà. Nhất là sau đợt mang thai và sinh nở, sức khoẻ cô không tốt, nên anh kiêng cữ cho cô nhiều lắm. Anh chẳng đòi hỏi gì. Nhiều lúc cô cũng thương chồng, rồi cũng lo lắng. Cô đùa anh:

– Em yếu thế này, anh có dối em ra ngoài không đấy?

– Yêu em còn không hết, sao lại làm thế với em và bé Gạo.

Hỏi thì hỏi vậy thôi. Hỏi để nghe anh khẳng định và yên tâm nhiều hơn. Thấy Hưng yêu và chiều con gái, Hạnh cũng cảm thấy hạnh phúc. Anh hớn hở ra mặt vì con gái giống anh. Vì “ruộng sâu, trâu nái không bằng con gái đầu lòng”. Nhưng cũng có lúc Hạnh thấy mất tự tin. Sinh xong, cơ thể sồ sề, xấu xí, người lúc nào cũng đầy mùi sữa, chăm con bận rộn nên cô cũng chẳng muốn gần gũi chồng. Thế mà Hưng thì cứ ngày một phong độ, phơi phới như kia.

 

***

Một ngày, Linh ấp úng xin Hạnh về nhà. Rồi Linh không quay trở lại nữa. Hạnh liên lạc kiểu gì cũng không được. Hạnh nhờ bạn bè cùng lớp Linh liên hệ giúp mà cũng không được. Hạnh định sẽ lên tận nhà tìm Linh, nhưng giờ con nhỏ thế này. Rồi mùa hè đến, Linh nợ mất một, hai môn. Thôi cứ để con bé nghỉ hè về với bố mẹ, chắc ở cùng mình lâu cũng mệt mà không được thoải mái. Con bé đang tuổi ăn tuổi chơi. Sang năm học mới, nếu nó không thích thì mình hỗ trợ tiền ở trọ cho con bé, rồi sắp xếp lịch học lại một hai môn đã bỏ là được. Nghĩ vậy rồi bận chăm sóc bé Gạo, Hạnh không thực hiện được dự định. Cô bảo Hưng sắp xếp đi xem Linh thế nào thì thấy anh lảng sang chuyện khác. Chắc do anh bận công việc, chắc do anh không muốn can dự chuyện của hai cô trò…

 

***

Sang năm học mới, cũng là lúc Hạnh hết thời gian nghỉ thai sản, cô đi làm trở lại. Lớp học không có Linh, Hạnh thấy trống vắng và ái ngại. Hạnh hỏi giáo viên chủ nhiệm nên biết địa chỉ nhà chính xác của Linh. Cô bảo với Hưng:

– Anh đưa em đi tìm xem Linh thế nào. Chứ không em áy náy lắm.

Hưng trầm ngâm:

– Thôi để anh tự đi! Đường xá xa xôi, cách trở lắm. Bé Gạo còn nhỏ quá! Em với con cứ ở nhà.

– Nếu cần giúp đỡ về kinh tế thì anh giúp Linh với vì nhà mình cũng đâu có thiếu thốn mà Linh giúp mình bao việc. – Hạnh nói thêm. Hưng không phản đối gì và đánh xe ra khỏi gara. Dạo này, thấy Hưng già hơn, gầy hơn, Hạnh cũng thương chồng lắm mà không biết giúp gì, chỉ cố ở nhà chăm con, nhà cửa chu đáo cho anh trở về nghỉ ngơi…

 

***

Hưng trở về nhà vào một ngày mùa đông giá rét, đưa theo cả Linh. Hạnh vui ra mặt, cười rồi gọi tên Linh từ xa. Nhưng cũng không kém phần bất ngờ khi thấy Linh béo hơn rất nhiều. Và, và đặc biệt là… trên tay bế một đứa bé.

– Đây là? – Hạnh ướm hỏi. Linh ngước mắt nhìn Hạnh vừa như muốn khóc, vừa như muốn quay đi.

– Cô cho em ở nhờ ít hôm.

– Ừ, không sao đâu. Em cứ ở đến khi nào cũng được. Giờ có thêm bà giúp việc rồi. Em không phải làm thêm việc gì trong nhà nữa. Nhưng, đây là…?

– Vâng, em sẽ kể với cô sau.

Ở lại mấy hôm rồi Linh lại đi mất. Nhưng Linh để lại đứa bé. Hưng quỳ gối: “Anh thật là đốn mạc”. Hạnh không hiểu chuyện gì đang xảy ra trong ngôi nhà, trong cuộc đời mình.

 

***

Một ngày mệt mỏi, Hưng trở về nhà. Dự án không thành, anh mang chai rượu tây ra ngồi nhâm nhi một mình. Rượu tây nóng rát cổ, anh thấy nhức đầu.

– Cô Hạnh đâu rồi Linh? – Anh hỏi khi thấy Linh phơi quần áo xong đang từ trên tầng đi xuống

– Dạ, cô sang nhà cô Loan rồi ạ. Cô không biết hôm nay chú về đột xuất.

– Thế à? Cứ để cho cô thoải mái. Linh lấy giúp chú mấy viên đá cho vào cốc rượu. Rượu này nặng quá.

– Đây chú! Nhà cháu cũng nấu rượu, cháu cũng biết thế nào là rượu nặng đấy.

Thế rồi hai chú cháu say lúc nào không biết. Hưng cũng không hiểu chuyện gì đã xảy ra khi anh không thể kiểm soát được mình. Và giờ anh phải chịu trách nhiệm về điều đó.

Hạnh khuỵ xuống, cô không thể ngờ những người cô thương yêu nhất lại lừa dối cô. Nếu vào người khác, người ta sẽ chửi rủa, khóc lóc. Nhưng Hạnh thì chỉ thấy bủn rủn, không thể nói được gì, không thể đứng vững. Cô nhặt tờ giấy bên cạnh đứa bé và đọc. Ôi, đây là sự thật ư? Nhưng Linh đi rồi. Bên cạnh tờ giấy là một tờ giấy kết quả bệnh viện trả. Tế bào bất thường, K

Hạnh sốc. Cô gầy rộc đi, bé Gạo không đủ sữa bú, khóc đêm suốt. Hưng nhẫn nại bế con. Bà giúp việc bế con của Linh. Mãi sau thì Hạnh cũng ngồi suy nghĩ lại. Hạnh thấy con bé ở cùng vô tư lắm, dường như nó không hề biết là nó mang thai. Vì còn trẻ lại được rèn luyện, chịu khổ quen rồi, không thấy nó ốm nghén kêu mệt mỏi gì. Chỉ thấy nó béo lên. Thì Hạnh nghĩ là điều kiện ăn ở tốt hơn, béo cũng phải. Duy chỉ có điều, hồi đầu Hạnh còn thấy con bé đến tháng. Sau bận cũng không để ý nữa mà hình như Hạnh không thấy. Rồi khi phát hiện ra khi một lần đi kiểm tra sức khoẻ, do cứ bị đau đầu (vì tế bào ung thư não), nó hoang mang, nghỉ học, về nhà đúng dịp hè rồi mấy tháng sau sinh con. Đứa bé sinh tháng mười một, nhỏ hơn bé Gạo gần chín tháng.

– Anh cầm lấy cho Linh đi chữa bệnh. – Hạnh đưa cho Hưng một tập tiền và nói với giọng nhỏ nhẹ, điềm tĩnh. Hưng không thấy sự ghê rợn hay ác ý, hay cay cú, dỗi hờn nào trong đó. Hưng đã cầu xin sự tha thứ, đã thành khẩn, vì anh rất yêu Hạnh và gia đình này. Anh không muốn Hạnh đi mất khỏi cuộc đời anh. Giờ Hạnh nói gì anh cũng nghe. Nhưng anh bất ngờ, không hiểu Hạnh đang dự định gì thì Hạnh tiếp:

– Em sẽ nuôi bé Ken, coi nó như bé Gạo. Vì dù sao nó cũng là em của bé Gạo. Hưng ôm Hạnh vào lòng và khóc. Những giọt nước mắt lần đầu tiên từ khi anh trưởng thành:

– Cả đời này anh không trả hết nợ cho em.

– Không ai mong muốn anh ạ. Em nghe tin Linh tới giai đoạn ba rồi. Linh không còn nhiều thời gian. Khi nào anh đưa Linh về đây chơi với Gạo và Ken.

*

Linh trở lại lần cuối, còn đâu má phấn, tóc xanh hôm nào. Da xanh nhợt. Mắt hốc hác. Tóc rụng hết phải đeo khăn. Linh khóc và vẫn sợ hãi. Cô bé cứ lặng câm mà Hạnh cũng đau lòng theo. Linh đi. Lần này đi thật xa, không trở lại. Nó để lại một bưu thiếp chúc mừng 20/11: Cô mãi là cô giáo đáng kính nhất trong lòng em. Hạnh khóc, thương cho Linh nhiều hơn là cho chính mình. Hạnh cho cả hai đứa bé bú bằng dòng sữa nóng hổi trong cô. Ngoài kia, những cơn mưa tháng mười một bắt đầu rơi. Trời đã lạnh lại càng thêm lạnh. Hai đứa trẻ cuộn tròn trong chăn ấm, ngủ ngon lành, như không hề biết mùa đông đã về./.

Thuỳ Giang


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.