Cơn mưa cuối mùa

Cơn mưa chiều bất ngờ đổ xuống, không dự báo làm cho đất nở ngay ra khi vừa gặp nước. Lão Sùng đi thăm nương ngô vừa tra trong tết đứng ngây như người mộng du vừa chợt tỉnh. Lão sung sướng, lào khào trong cổ họng: – Mưa rồi! mưa rồi!
Mưa xuân lây phây kịp ướt đất là mùa tra hạt. Tiết trời ấm, gặp mưa ẩm kiểu gì hạt cũng nảy mầm nhanh. Lạ. Năm nay mùa xuân vẫn lạnh, hanh như ngày đầu đông. Hết giêng hai, hạt ngô vẫn ngủ ngon trong đất. Từ sau trận ốm, không đi rừng được nữa, tuần đôi lần lão xách dao, thuổng lên nương thăm ngô, đào măng. Mũi dao nhọn của lão cắm vào góc hố đẩy nhẹ hạt ngô vừa nứt vỏ:
– Giá được cơn mưa thì mười hạt sẽ nảy cả mười.
Tay mân mê hạt ngô nứt vỏ, mặt ngửa lên trời lão tự nói với mình. Ông trời chắc cũng thấy nhột mỗi lần lão nhắc, sập sùi mãi cũng có cơn mưa ướt người rát mặt. Gió nhẹ, hơi lạnh mới chạy dọc sống lưng đã thấy mây dồn từ phía Phong Thổ về Cổng Trời. Thế là mưa.
Ở trên núi, mỗi năm trồng một vụ cả ngô, cả lúa. Trời không thương thì măng rừng cũng không có mà đào. Lão nhận ra điều ấy, một mình đục đá làm đường đưa nước từ con suối trong rừng về tận mấy thửa ruộng bậc thang trồng lúa cạnh nhà. Nương lúa có nước, cũng ra mùa ra vụ mà nương ngô thì vụ được vụ mất. Lão canh cánh trong lòng khi trồng thêm cả mấy trăm gốc đào, lê, mận trên nương ngô của mình. Cuối xuân, cây lê, cây đào nẩy chồi non, hoa xuân chưa rụng hết nên từng mảng, từng mảng những thảm trắng, thảm hồng loang lổ trên nền xanh. Đợi ngô mọc là cả quả đồi kín màu xanh.
Lão Sùng vốn là phu đào. Gần chục năm nay, lão sống bằng cái nghề ấy. Những năm đầu lặn lội rừng sâu chặt đào rừng bán cho xe tải ở Hà Nội, Hải Phòng lên tận nơi chở. Dân Bắc cũng sành chơi, tết đến nhất nhất phải có cành đào trong nhà. Cái giống đào Nhật Tân người ta không còn mê mấy nữa. Họ thích đào tự nhiên, màu hồng thắm, nụ hoa chi chít, thơm thơm hương rừng thì mới sang. Chặt mãi, lão nghĩ đến lúc rừng hết đào, lão già yếu mẹ con thằng Chính biết dựa vào ai? Thế là lão trồng nương đào, lê, mận để có về đất lão cũng yên tâm.
Năm đầu không chạy đào rừng, lão vừa ươm hạt, nhập giống vừa chuyển sang đào mốc. Lão cậy đôi chân đi rừng nhiều, biết nhiều bản xa mà mò đến tận những gốc đào mấy chục năm tuổi, mốc thếch, gân guốc gửi về xuôi. Người ta lại mê đào mốc. Lão ngắm cây đào ông bố trồng ở góc vườn, xòe cành ôm kín cả ngôi nhà gỗ bên hàng rào đá và những khóm hoa rum trắng muốt dưới gốc. Ông bố bảo, ông đi rừng lấy cây đào về trồng từ ngày chưa lấy vợ. Giờ ông bố theo mẹ, theo tổ tiên, một mình lão với cái nhà trình tường lạnh như gờ đá suối Thần lúc nào cũng thấy vắng hơi người. Con dao nhọn cắm chặt trong bao, cái nhà đất rơi lồi lõm với gốc đào già là những thứ còn giữ được vân tay của bố mẹ. Lão băn khoăn mấy đêm rồi vẫn quyết định chặt. Đầu tiên là cành đẹp, cành hoa dày năm sau khan đào mốc, lão cưa trơ gốc. Cây xót ngủ luôn trong đất mặc kệ mưa xuân lây rây cả tháng Giêng. Bếp củi nhây ướt khói mù căn nhà mốc ẩm, lão mới nhận ra cây đào năm nay không nẩy lộc….
Mưa nặng hạt hơn, xối thẳng vào người lão. Đất dưới chân mới chốc lát đã bê bết dính nặng gót ủng. Cuối xuân, hoa rụng để quả đậu mà mưa như ném đá, nát cả phiến lá thì mấy thứ quả vừa phôi thai sẽ chẳng kịp chào đời. Đám đào trồng để chơi hoa, còn lê, mận lão chọn toàn giống dự án, quả ngọt và to. Năm ngoái đã có quả bói, mùa quả cũng chặt cứng lu cở theo thằng Chính xuống huyện. Năm nay thời tiết thuận lợi thì lão khỏi phải đi rừng… Lão Sùng lê từng bước nặng nhọc ra phía con đường. Cố gắng tránh những hố đã tra hạt. Đất ướt nhẹp, không may giẫm vào thì cả mảng đất lẫn hạt sẽ bị nhấc lên. Lão cắm cúi nhìn rõ hốc ngô qua làn nước mưa phủ trên mặt. Bỗng lão nhận ra mẹ thằng Chính khoác áo mưa, giơ cái túi bóng trắng trong không trung ra hiệu gọi lão.
Mẹ thằng Chính bị câm. Nhưng đẹp. Đẹp như bông hoa táo mèo ngủ quên mùa xuân nên tháng ba mới bung nở. Cây táo mèo cô đơn ở cuối rừng chè cổ năm nào cũng kết trắng một góc trời. Chẳng ai để ý, chỉ có mẹ thằng Chính vẫn thường ra đó đợi lão mỗi bận đi rừng dài ngày. Năm lão lấy vợ, mẹ thằng Chính vẫn còn lẫm chẫm quanh sân để người lớn đi nương. Sùng thương nó câm, nhớp nháp, lấm lem mà hay cho con cua, con cá mỗi lần đi suối về. Thời gian như cây nứa chẻ sắc lịm cắt đứt cổ con gà ngày tết. Lão chẳng khác gì con gà vừa cắt tiết khi vợ đi theo người đàn ông khác. “Con trâu, con bò khỏe mà không nhân được giống thì chỉ tốn cỏ, tốn rơm”. Vợ lão hằn học ném vào mặt lão như thế trước khi ôm quần áo ra khỏi nhà. Năm ấy, mẹ thằng Chính vừa tròn mười tám tuổi. Cái thang gỗ gác bờ rào gãy, đá đổ ào ào, lăn lóc khi lão Sùng rút con dao nhọn trong bao đuổi theo vợ. Cái thang không nặng nhưng những tảng đá xếp bờ thì chèn cả nửa thân dưới, mẹ thằng Chính ú ớ trong cổ họng bất lực nhìn lão Sùng lao qua mặt. Khi quay trở lại, lão không khác gì con hổ đói bị chọc tiết. Điên dại chém tan nát mấy khóm hoa rum trắng muốt ngày xuân. Có lẽ, lão sẽ không thể dừng tay nếu không thấy mẹ thằng Chính sợ hãi, co rúm dưới đống đá ngơ ngác chuyện đời. Mẹ thằng Chính vừa rút được chân ra khỏi nỗi sợ hãi lại run cầm cập như con nai bị dồn vào đường cùng trước họng súng của bác thợ săn. Người đàn ông bị chạm vào giới hạn của lòng tự tôn, tuyệt vọng đổ ập thân hình vạm vỡ dày vò người đàn bà câm yếu đuối. Lão Sùng dốc kiệt sức trên thân thể, cổ họng gầm gừ, hằn học, bên tai vẫn văng vẳng lời xỉa xói của vợ: “Con trâu, con bò khỏe mà không nhân được giống thì chỉ tốn cỏ, tốn rơm”. Lão là con trâu rừng, lão là con bò rừng. Con trâu rừng, con bò rừng lang thang khắp rừng sâu, suối xa tại sao việc ai cũng làm được mà lão lại không? Ngày xuân, trai gái vẫn tìm nhau trên nương, trên đồi, tiếng sáo, tiếng khèn cứ réo rắt cắm vào lòng lão những mũi chông nhọn hoắt. Như con thú bị sập bẫy, càng quẫy đạp càng đau, vết thương càng sâu… Tiếng rú của người đàn bà câm đã đẩy vật lão nằm bất động trên đám hoa dập nát, tả tơi. Giống hoa như thân khoai, mọng nước nên lá non mơn mởn giờ chỉ còn thảm lá xanh nhàu nát, ướt át dưới lưng. Giờ lão mới nhận ra, người lõa lồ bên cạnh mình cũng đang chết lặng, cứng đơ, bất động. Lão ngồi bật dậy, người run bần bật bởi vết máu loang loáng trên những bông hoa trắng muốt, ngã rạp.
Lão đi như lao lại phía mẹ thằng Chính, giật phắt cái áo mưa được rạch ra từ bao nilon đựng hàng của mấy nhà buôn hay đổ hàng cho bản:
– Không thấy mưa à?
Mẹ thằng Chính kéo tay lão giở tấm áo mưa. Lão gắt:
– Đi về! Đằng nào chả ướt.
Cục súc đến mấy cũng không thể cưỡng lại được sự dịu dàng của đàn bà. Mẹ thằng Chính không còn ú ớ như trước nữa. Im lặng như cây táo mèo ngủ đông sau lần ngã bờ rào. Ánh mắt sâu như đêm nhìn thẳng vào lão. Đôi tay mềm như thân hoa rum giữ chặt khuỷu tay trơ xương của lão khiến lão dừng chân, để mẹ thằng Chính khoác chiếc áo mưa lên người. Mẹ thằng Chính cúi đầu nhìn xuống chân khi thấy lão tủm tỉm cười…
Mùa mưa ở núi cao dài dẳng như cọng rau bí già nhai mãi trong miệng. Mẹ thằng Chính lầm lũi trong nhà với cái bụng lù lù trong váy áo thênh thang. Vạt hoa luých cạnh bờ đá đã lên lại, giờ cũng xanh um, kín cả lối đi. Lão Sùng chờ ngày mẹ thằng Chính lên nương xếp lại bờ đá cẩn thận hơn. Chiếc thang gỗ gác bờ được thay bằng bậc đá chắc chắn, nhẵn thín chân người. Một mái nhà gỗ xiêu vẹo, một phên nhà trình tường chắc chắn đứng cạnh nhau như hai cái bóng. Dù nắng sớm hay xế chiều, sức nắng không nghiêng đủ để bóng hai mái nhà chạm được vào nhau.
Những ngày xuân ấm áp, hoa rum nở trắng dọc tường rào. Bướm ong dập dìu tìm về hút mật, kết đôi. Mẹ thằng Chính vẫn ngồi cạnh bờ đá thêu áo váy để chợ phiên đổi muối, đổi đồ. Lão Sùng đi suối, đi rừng kiếm có cá, con cua cũng có thêm chút đường, chút sữa cho thằng Chính lớn lên. Lão Sùng như bóng cây tống quán sủ đã già, tán xum xêu nhưng cành lá dễ gãy, dù vậy, vẫn bền bỉ bám vào đất để sinh tồn. Đối với lão, mẹ con thằng Chính chính là đất.
Theo lí của người Mông, đã là vợ thì tốt xấu vẫn là vợ. Vợ lão là người được cưới hỏi tử tế, dòng họ nhận mặt rồi thì có bỏ, nó vẫn là vợ lão. Còn mẹ thằng Chính… Cứ mỗi lần nghĩ đến lão cũng đầy những băn khoăn trong lòng. Lúc thằng Chính còn bé, nó vẫn hay hỏi lão: Bố đâu? Lão chưa lần nào dám nhìn vào mặt nó.
Đến khi học cấp một, nó vẫn hỏi:
– Bác có biết bố cháu đi đâu không?
Học cấp hai, nó càng tò mò về bố. Nó quyết tâm dạy mẹ nó học chữ, để hỏi mẹ về bố. Nét chữ ngệch ngoạc của mẹ nó trên vách nhà nhắc nó chờ đợi.
– Con sẽ tìm bố về. Mẹ khổ quá rồi!
Nó nói chắc nịch với lão như thế khi nó lên huyện học cấp ba. Càng lớn, niềm khao khát có bố của nó càng mãnh liệt, lão không từ chối nó theo chân lão đi rừng những ngày cuối tuần. Chặt cây, bổ củi, đặt đó, giăng lưới, nó làm không thiếu việc gì. Thằng Chính không khác gì lão, tuổi mười lăm nó cũng như con trâu rừng, con bò rừng, lăn lộn để bao bọc mẹ nó. Có lúc ngồi một mình trên lán nương, nghĩ về thằng Chính lão lại tủm tỉm cười một mình.
Con đường về bản ngập ngụa mưa rừng. Mưa xuân mà gió nghiến kẽ răng kèn kẹt, phì phò hơi thở người say mất kiểm soát. Chiếc nón trên đầu mẹ thằng Chính ngả nghiêng, chơi vơi. Dưới chân, đất đá, bùn rác và nước cứ ào ào như lũ. Lão Sùng cuộn tấm áo mưa hầm hầm đi đằng trước, cách một quãng xa như những lần đi rừng khác.
Thằng Chính còn bé, mỗi lần lão chuẩn bị cho chuyến đi xẻ gỗ cưa rừng cả tháng sẽ dành vài ngày đi tận mấy đỉnh núi cao phía mặt trời lặn kiếm con cầy, con nhím về treo gác bếp để mẹ con nó ăn dần. Không nhận con, chẳng lấy vợ nhưng lão lang bạt khắp nơi chỉ để thằng Chính có cơm ăn, có áo mặc mà mẹ nó cũng không phải vất vả đi nương xa như bận chưa có bầu. Theo lệ, mẹ nó đếm mùa trăng để chuẩn bị nồi rượu ngô ủ men lá, ít mèn mén với gạo nương thơm cho lão mang theo. Dân bản người ta cũng mang chuyện nhà lão làm vui đôi lần khi thấy mẹ thằng Chính tham gia mấy cuộc chơi ngày xuân, lão rút con dao nhọn trong bao cắm phập xuống đất khiến mấy người đàn bà rôm rả cắm cúi ngồi thêu không nghe cả tiếng thở.
Có lần, thằng Chính học bài xong, ra bếp sưởi lửa cùng nó bảo:
– Bác làm bố cháu đi.
Mặt lão đỏ hơn hòn than trong bếp, đôi mắt ngầu đỏ hơi men giật giật liên hồi nhổ toẹt bãi nước bọt vào gio rồi cầm chai rượu tu như uống nước suối khi vừa cưa xong cây gỗ lim già. Mẹ thằng Chính kéo tay áo nó vào ngủ để lão với bếp lửa cháy lèo xèo trong đêm.
Từ ngày làm phu đào, lão kiếm được nhiều tiền nên không đi rừng sâu xẻ gỗ nữa. Cuối năm vào rừng tìm đào, bán đào. Giáp tết tra hạt, gieo trồng, quẩn quanh làm cỏ, thu hoạch lại đốt nương mùa mới. Hai nếp nhà, hai con người cách nhau một hàng rào đá, thằng Chính chờ bao mùa nước chảy mà đá không mòn. Nét than đen thằng Chính viết bảng cửu chương trên tường trình nhà lão cũng bắt đầu mờ dần. Nó kiên định không khác gì lão:
– Bác không phải bố cháu. Sao bác lại lo cho mẹ con cháu?
Lão suýt hất mặt vào cột nhà nó khi nó đi học về thấy lão loay hoay thay cái bóng điện trong nhà.
– Mày không có nhà. Tao thay không được à?
– Được. Nhưng sao bác không lấy mẹ cháu.
Mẹ thằng Chính ngoài vườn nghe con nói, ôm gọn nắm rau cải đã lên ngồng hoa vàng trong vào ngực lập cập chạy vào đẩy nó ra khỏi cửa. Mặt đỏ nhừ chỉ vào chiếc can đã khô cong cả tuần ý bảo nó đi cõng nước. Thằng Chính láu cá xoay người mẹ đẩy về phía gian nhà, nơi lão Sùng đứng ngây ra với cái bóng điện vặn chưa chặt nên cứ nhấp nháy như đèn led ở mấy cửa hàng ngoài huyện ngày tết. Căn nhà gỗ hẹp của mẹ con thằng Chính tự nhiên rộng hơn mọi ngày. Trong nhà, bóng tối ùa vào như bị ma đuổi, mấy khe sáng lọt qua vách ván khiến lão thấy ngài ngại. Tiếng bước chân của mẹ thằng Chính bên ngoài rộn ràng như mấy con gà nhảy chuồng tìm chỗ ngủ lão mới giật mình tìm cái đèn pin ở vách đeo lên đầu rồi vặn lại cái bóng điện cho chắc. Bếp đã bén củi. Củi tống quán sủ cháy bùng bùng, vạt lửa sang sát cột nhà. Mẹ thằng Chính vội rút bớt củi ra khỏi bếp để giảm lửa. Lão Sùng tắt đèn pin, lật trên đầu xuống định treo lại lên cột thì thấy mẹ thằng Chính luống cuống với củi lửa, lão dùng chân gạt đống gio bên cạnh hất vào mép bếp đang cháy:
– Củi này đốt mà không trông có ngày không có nhà mà ở.
Thằng Chính cõng nước vừa về đến nơi, đứng ngoài cửa phụ thò đầu vào:
– Vậy từ giờ bác canh lửa cho mẹ đi.
Lão Sùng tránh ánh mắt của nó. Mẹ thằng Chính chất thêm mấy thanh củi chắc để lấy than. Lu cở lạc thu hoạch vụ trước, phơi đã khô, giờ vùi gio thì thơm bùi như ăn thịt nai, thịt hoẵng rừng. Lão Sùng ngồi im lặng bên bếp lửa, cơi từng củ lạc vùi trong gio ấm đã lấm tấm đen chấm vỏ ngoài. Lão định nói gì đó mà cổ họng cứ cứng lại.
Mùa về, Mao Sao Phìn vào xuân. Năm nay, tiết trời là lạ. Mùa đông không lạnh, nắng rực như tiết trời tháng ba nên đào đơm hoa sớm hoặc nở không đúng vụ. Tết đến nơi, có những cây không hé được môi hồng. Những ngày cận tết, trời lại rét tê tái, sương muối ủ trắng cả nương đào mới chúm nụ xuân. Thân thể cường tráng của lão bắt đầu giở chứng. Hốc mắt trũng xoáy, làn da nâu giòn giờ bủng lại như úng nước, bụng lão chướng lên làm đám da căng bóng như xoa mỡ… Lão đã già. Dù không muốn cũng khó cưỡng lại thời gian, lão thở dài thườn thượt mỗi khi nghĩ đến thằng Chính. Bác sĩ bảo, bệnh xơ gan của lão giờ chỉ chờ ngày về ngủ cùng gốc đào mục trong vườn. Lão cũng từng nghĩ đến ngày lão sống cùng giun, cùng dế nhưng không nghĩ là lúc này. Thằng Chính còn chưa học xong cấp ba, lão cũng chưa nhận nó.
Con đường lão vẫn chở đào, chở lê mỗi mùa xa lạ hơn khi lão biết bệnh. Chiếc xe Win chồm lên mỗi khi gặp ổ gà. Mẹ thằng Chính choàng tay níu lấy dây lưng áo lão chứ không nắm giá đỡ phía sau như lúc xuống huyện. Gió xuân trên núi vẫn lành lạnh, gai ốc nổi khắp người lão bởi bàn tay cấu chặt bên hông.
Suốt dọc đường cho đến khi về nhà, trong đầu lão, biết bao ý nghĩ mông lung. Con trâu, con ngựa đi rừng mãi cũng đến ngày chồn chân. Chân lão chưa chồn mà số lão sắp tận. “Giàng bắt chết phải chết! Giàng cho sống thì được sống”, lão nói với mẹ thằng Chính như để an ủi nhưng dường như lão nhận ra mình đã nói thừa. Mẹ nó chủ động xiết chặt đôi bàn tay khô không khốc của lão, chỉ vào nhà nghỉ ngơi… Trời chiều, nắng vàng vọt bíu vào mái đá, mẹ thằng Chính đỏ bếp, lão ngồi trên chiếc ghế mây cạnh bếp.
Một năm thất bát, đào không nở đúng vụ.
Lão bắt chuyện với mẹ thằng Chính. Lão thấy yên tĩnh quá! Tự nhiên, lão muốn được trò chuyện. Lão sợ. Sợ không có cơ hội để nói. Mẹ thằng Chính ngồi đối mặt với lão, khuôn mặt có nét buồn nhưng trong ánh mắt có cả bếp lửa đang bập bùng cháy. Bên ngoài, lá rừng xào xạc khi đêm buông màn.
“Tết đến nơi rồi, còn bệnh với tật”. Thi thoảng lão vùng vằng văng vài câu chửi bậy. Lão giắt lưng được ít nhiều, hi vọng ngày thằng Chính học xong cấp ba có tiền cho nó vào đại học. Giờ tiền cũng sắp hết mà không biết lão có đợi được đến lúc đó không?
Lão có những ngày miên man nóng sốt, mệt mỏi tưởng chừng thêm cái nhón chân là về với tổ tiên. Lúc mê, lúc tỉnh, nhưng lão luôn cảm nhận được có đôi bàn tay đang hướng về phía lão, giữ lão ở lại. Sức con trâu rừng, con bò rừng giờ như chẳng thấm vào đâu với bệnh tật. Nhưng còn mẹ con thằng Chính? Không lẽ, lão cứ thế mà đi?
Lão nằm thoi thóp trên giường. Thằng Chính xin nghỉ học về thăm lão. Nó xếp ngay ngắn mấy hòn đá làm bếp, viết vách trình tường những thứ lão cần phải kiêng, giờ uống thuốc. Nó về. Lão cố gượng ngồi dậy, thành quen, lão ốm cuối tuần nó về nhiều hơn. Lão sợ, lão đi bất thình lình lúc nào không hay nên thằng Chính về lão chỉ muốn khỏe để đưa nó đi rừng. Lão chưa dạy hết cho nó cách bẫy chuột, bắn chim hay đi rừng đêm mà tránh con rắn, con rết. Cái tục cúng cơm mới, lễ Gầu Tào nó cũng chưa biết hết… không dạy thì không kịp mất. Bao nhiêu mùa trăng lão đi mòn lối rừng, cũng không nghĩ đến ngày, lão phải dựa vào mẹ con thằng Chính. Đúng là, “Giàng cho sống thì được sống”! Lão lại sức ngay trước tết mấy ngày.
Gần tết, thấy lão đi lại được, nó bảo:
– Mẹ đưa bác đi khám lại. Con đợi đón bác ngoài huyện.
Đúng là dòng máu của lão, lời nó nói như cọc rào nương xa. Con trâu, con ngựa có muốn cũng khó vào vườn mà phá nương, phá rẫy. Bình thường mẹ nó vẫn chân trần giờ lại gượng gạo trong đôi giày vải nó mua để mẹ nó đưa lão đi khám. Bệnh không khỏi nhưng duy trì tốt cũng chưa thể chết ngay được, lão vỗ vỗ vai nó trước khi về bản:
– Học đi, nghỉ tết thì về.
Cơn mưa cuối xuân ngớt hạt khi lão về đến nhà. Mẹ thằng Chính về sau lão một đoạn đường. Chiếc áo ướt nhẹp cả trong cả ngoài được lão giũ bớt nước rồi vắt lên sào. Thằng Chính thò đầu qua bờ rào đá:
– Cháu nấu cơm rồi.
Lão không đáp lời nhưng từ ngày lão ốm, mẹ thằng Chính lo luôn chuyện ăn uống của lão. Lão vẫn thấy ngài ngại nhưng không tránh thằng Chính như trước nữa. Đợi mẹ về đến nhà, nó xăm xăm dọn bữa cơm chiều. Giữa chiếc bàn gỗ cũ, có chỗ đã mủn nó đã chuẩn bị mấy vốc lạc vùi gio, đĩa rau cải xào thịt treo thơm phức, nó lấy bom rượu ngô mẹ cất từ lâu ủ ở xó nhà, trịnh trọng chắt vào bát mời lão:
– Bố nhận cho con không mồ côi.
Lão Sùng bưng bát rượu mà mắt long song sọc. mồ hôi lão vã ra từ trán, chảy dòng xuống mặt. Mồ côi. Con lão cơ mà. Lão sống sờ sờ mà nó bảo mồ côi. Rồi nước mắt lão từ đâu túa ra. Lão ực một hơi, bát rượu cạn đáy chao đảo:
– Ai bảo mày mồ côi? Đứa nào? Tao là bố mày. Tao là bố mày đấy.
Mẹ thằng Chính nắm chặt cái bát chưa bới cơm trong tay. Hết nhìn nó, lại nhìn lão Sùng. Mẹ nó không nói nhưng nó mười mươi thế này thì có nghĩa là nó đã quyết nhận lão rồi. Thằng Chính bóp mấy củ lạc kêu bọp bọp trong tay rồi thả vào bát của lão những hạt lạc… Về khuya, trong gian nhà gỗ, bếp lửa vẫn rạo rực cháy, củi lửa lách tách lẫn trong tiếng cười của đêm.

CHÂM VÕ


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.