Chiến lược chuyển đổi số

Ngày nay, bạn đi đâu chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là bạn có thể kết nối với cả thế giới. Quá trình toàn cầu hóa thông tin đã mang thế giới về bên cạnh bạn. Trong guồng quay công nghệ, hoạt động báo chí cũng ngày càng mở rộng, phát triển đa dạng, đáp ứng cảm xúc và nhu cầu thông tin của người đọc. Vì vậy, ngày 03/4/2019, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 theo Quyết định số 362/QĐ-TTg với nội dung: “Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có 01 cơ quan báo thuộc Đảng bộ cấp tỉnh, 01 cơ quan tạp chí thuộc hội văn học – nghệ thuật tỉnh” và khuyến khích các tạp chí có phiên bản điện tử và chuyển dần từ hình thức tạp chí in sang tạp chí điện tử.
Khoảng trên dưới 10 năm, chúng ta đã không ít lần nghe cụm từ “cái chết của báo in” từ các ông trùm truyền thông. Ở đây, chúng ta cần phải hiểu “cái chết của báo in” là cái chết của tư duy làm báo truyền thống, lỗi thời, lạc hậu. Bởi cho đến hôm nay báo in vẫn tồn tại song song với báo điện tử, chứ chưa thoái trào. Nhiều độc giả trung thành với thói quen đọc báo giấy. Đối diện với kỉ nguyên công nghệ số, các tạp chí văn nghệ hẳn nhiên cũng phải thay đổi, có phiên bản tạp chí điện tử để bắt nhịp với xu thế chung, đảm bảo được số lượng phát hành, thu hút người đọc, hấp dẫn các doanh nghiệp quảng cáo.
Vấn đề muôn thủa là câu hỏi làm thế nào để duy trì sự tồn tại, nâng cao cả về số lượng lẫn chất lượng, uy tín của tạp chí? Đó đã thực sự là sân chơi có giá trị, đặc thù, chuyên sâu và lan tỏa cho anh em văn nghệ sĩ chưa? Thời buổi công nghệ phát triển, bạn đọc được cập nhật thông tin, bài vở nhanh chóng, liên tục, trong khi tạp chí in phải chờ 1/2 tháng hoặc 1 đến 2 tháng mới có 1 hoặc 2 số đến tay bạn đọc. Bởi vậy, tính cập nhật, nóng hổi của tạp chí điện tử luôn thu hút nhiều bạn đọc. Trong tình thế “tay đôi”, song hành giữa tạp chí in và tạp chí điện tử, buộc các tòa soạn không ngừng kiếm tìm giải pháp, cách thức thích nghi, vừa đảm bảo sự tồn tại của báo in vừa phải phát huy hiệu quả của tạp chí điện tử.
Đối với tạp chí in, cần quan tâm duy trì và nâng cao chất lượng nội dung của các chuyên mục, tạo được nét riêng, phong cách, thu hút sự quan tâm, đón đợi của bạn đọc. Cần lập kế hoạch, chuẩn bị các chủ đề lớn, các sự kiện văn học, tránh rơi vào tình thế bị động. Hình thức phải đổi mới, ấn tượng, hài hòa, không bị lẫn với bất kì tờ nào. Để tạp chí in phát hành được, các tòa soạn thường tạo sự chênh lệch về mặt thời gian, bài vở đưa lên tạp chí điện tử sẽ muộn hơn. Nếu đưa cùng lúc sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến doanh thu của tạp chí in.
Tâm thế tiếp nhận giữa tạp chí điện tử và tạp chí in khá chênh lệch. Nói như nhà phê bình Inrasara, chúng ta có 2 tâm thế: tâm thế mạng và tâm thế giấy. Ở tâm thế mạng, chúng ta vừa đọc vừa làm được nhiều việc cùng một lúc, nên cảm xúc, tư duy ít nhiều bị chi phối. Ở tâm thế giấy, chúng ta tập trung hơn, dồn mọi sự chú ý lên câu chữ và có sự chiêm nghiệm, suy nghĩ. Do vậy, tạp chí in dù ít dù nhiều vẫn được bạn đọc yêu mến và chờ đợi. Tất nhiên, để tạo niềm tin cho sự chờ đợi của độc giả, các tạp chí phải thay đổi tư duy làm tạp chí, đảm bảo bản sắc văn hóa vùng miền nhưng phải xác lập được phong cách khác biệt.
Xu hướng mỗi tạp chí có một ấn phẩm điện tử là tất yếu, hợp với xu thế. Hiệu ứng kết hợp nhiều chiều và sự trân trọng những cuộc đối thoại với bạn đọc hứa hẹn sự đổi mới, đi lên của tạp chí điện tử. Hiện tại, nhiều tạp chí địa phương đã có tạp chí điện tử. Theo sggp.org.vn, tính đến ngày 31/12/2020, cả nước có 779 cơ quan báo chí. Trong đó: 142 báo (Trung ương: 68, địa phương: 74, 112 báo có hoạt động báo điện tử); 612 tạp chí (Trung ương: 520, địa phương: 92, có 98 tạp chí có hoạt động tạp chí điện tử); 25 cơ quan báo chí điện tử độc lập (9 báo điện tử và 16 Tạp chí điện tử). Đây là một lợi thế để tạp chí địa phương vươn ra bên ngoài và phủ sóng trong nước lẫn nước ngoài.
Tạp chí điện tử so với tạp chí in có nhiều lợi thế hơn, đáp ứng được nhu cầu nhanh, tiện lợi và đọc được ở nhiều thời điểm, vị trí. Sự “thoải mái” về màu sắc, đường nét, giao diện, âm thanh,… của tạp chí điện tử khiến các bài viết được bù đắp tính hiện đại, tươi mới, bắt mắt, ấn tượng, đảm bảo 3 tiêu chí nghe, nhìn và đọc. Tạp chí điện tử tạo ra sự tương tác giữa bạn đọc và tòa soạn, bạn đọc có quyền bình luận, trao đổi trực tiếp ngay trên nội dung đang đọc. Nghĩa là tạp chí điện tử giúp chúng ta mở rộng kênh, liên kết ở nhiều chiều: bạn đọc – tòa soạn, bạn đọc – bạn đọc, bạn đọc – nhân vật văn học. Trong chừng mực nào đó, cuộc đối thoại của bạn đọc có ảnh hưởng đến chất lượng của tạp chí. Với lợi thế này, tòa soạn nắm bắt được thị hiếu, hứng thú của bạn đọc và kể cả việc đúc rút cho các biên tập viên trong cách xử lý, biên tập bài vở.
Do ấn phẩm điện tử không bị gò bó về mặt không thời gian, dung lượng, sức chứa nên người đọc thoải mái lựa chọn theo sở thích của mình, chủ động tải về và lưu trữ những gì quan tâm,… Bạn đọc có thể ngồi một chỗ truy tìm thông tin bài vở, tư liệu từ những năm trước thay vì đến tòa soạn lần giở, mất thời gian và công sức. Thuận lợi nữa là nhiều bài dung lượng quá khổ, không dùng được ở tạp chí in thì có thể đẩy nó lên tạp chí điện tử.
Tạp chí điện tử mở rộng biên độ, phá bỏ mọi khoảng cách về thời gian, không gian, về văn hóa vùng miền và văn hóa thế giới. Tuy nhiên, mặt trái của tạp chí điện tử không phải không có. Đó là cuộc chiến ngầm với các cao thủ hacker, khiến bài vở nhiều khi bị thay đổi hoặc mất trắng. Các comment trực tiếp công khai phản hồi ngay trên trang cũng gây một áp lực không hề nhỏ đối với tòa soạn. Nếu sự sai sót nằm về phía tòa soạn nhiều khi rất khó để thu hồi, thậm chí bị lợi dụng để phục vụ cho những mục đích không tốt đẹp. Thứ nữa, trang nhiều màu mè hoặc đơn điệu cũng ảnh hưởng không nhỏ đến sự quan tâm, hứng thú của bạn đọc.
Từ khi có tạp chí điện tử thì việc quảng cáo điện tử giúp tòa soạn tăng thêm doanh thu, lợi nhuận hơn. Song sự cạnh tranh quảng cáo với các mạng xã hội cũng khiến tạp chí điện tử đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Đó là chưa kể sự cạnh tranh ở nhiều phương diện khác như độ phân giải, giao diện, người xem, chiến lược kinh doanh,… Tuy nhiên, thước đo cho sự tồn tại của tạp chí điện tử không phải chỉ tìm cách bám vào quảng cáo mà là chất lượng nội dung. Nếu chất lượng nội dung tốt, chuyên sâu, tạp chí điện tử sẽ giữ được bạn đọc. Việc trong chờ duy nhất vào một nguồn thu quảng cáo dễ dẫn đến độ rủi ro, khi tài chính eo hẹp, giảm sút, các doanh nghiệp tất yếu phải thắt lưng buộc bụng. Vì vậy, bản thân các tạp chí điện tử phải kiếm tìm cách thức tăng thêm nguồn thu, không ngồi chờ doanh thu từ quảng cáo. Ví dụ, hình thức đọc tạp chí trả tiền, tức là lấy thêm nguồn thu từ phía độc giả, thay đổi thói quen đọc miễn phí. Việc đọc free tạp chí điện tử từ trước đến nay là nguyên nhân dẫn đến sự sa sút của tạp chí in. Người đọc thay vì bỏ tiền ra mua tạp chí, cứ ngồi chờ tòa soạn đẩy lên trang là vào đọc và thậm chí tha hồ tải về làm tài sản riêng. Cần thay đổi thói quen này. Cần xem bạn đọc là trung tâm của tạp chí và là trung tâm của nguồn thu. Ngày 29/3/2021, Tạp chí điện tử Ngày Nay (ngaynay.vn) là tạp chí điện tử đầu tiên ở Việt Nam thực hiện báo thu phí trực tuyến. Các bài thu phí luôn được đầu tư về mặt chất lượng, xứng đáng với đồng tiền mà người đọc bỏ ra. Với hình thức này, chúng ta có quyền hi vọng vào tương lai không xa về sự khởi sắc của các tòa soạn.
Người Việt dành gần 7 tiếng mỗi ngày để truy cập Internet, nếu chậm trễ chuyển đổi số, báo chí sẽ đánh mất độc giả và có nguy cơ bị suy giảm (vtv.vn). Thiết nghĩ, để báo chí phát triển bền vững, đồng hành xu hướng công nghệ hiện nay, báo chí phải vào cuộc chơi chung: cùng vươn đến không gian số.
Ngày 11/6/2022, Viện Đào tạo Báo chí và Truyền thông phối hợp với Tạp chí Thông tin và Truyền thông đã tổ chức hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số báo chí Việt Nam – Những vấn đề lý luận và thực tiễn” nhằm tìm giải pháp, chiến lược cho sự tồn tại, phát triển của báo chí Việt Nam. Điều này cho thấy tính cấp bách của việc chuyển đổi số báo chí. Theo đó, các tạp chí cũng cần có chủ trương, kế hoạch để bắt kịp quá trình chuyển đổi số. Chuyển đổi số trên nhiều phương diện, chứ không phải chỉ chăm chắm đầu tư vào công nghệ. Theo ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí, việc có một trang web, một tờ báo điện tử, đó mới là bề nổi của quá trình chuyển đổi số. Hay nói như Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng: “Chuyển đổi số một cơ quan báo chí là tất cả mọi người trong cơ quan đó phải có tư duy số, có kỹ năng số, có cách làm số”. Chuyển đổi số mang đến quy trình vận hành mới bắt buộc cả tòa soạn đều phải thay đổi. Như các biên tập viên, ngoài giỏi về chuyên môn, họ đồng thời phải giỏi về công nghệ thông tin, nắm vững kiến thức chuyển đổi số mới theo kịp xu hướng phát triển của thời đại.
Như vậy, công nghệ số là điểm mấu chốt cấp bách để chuẩn hóa mô hình tòa soạn và đổi mới hình thức kinh doanh ở cả ba mặt: công nghệ, vốn đầu tư và con người. Có thể khẳng định, đây là một thách thức nhưng cũng là một cơ hội đối với báo chí Việt Nam.
Tính đến thời điểm hiện tại, không ít tạp chí vẫn chưa có trang thông tin điện tử. Trong thời đại 4.0, đây quả là một sự thiệt thòi, vô tình giới hạn sự lan tỏa của tạp chí. Cuộc sống như dòng sông không ngừng chuyển động. Nếu chỉ dừng chân một chỗ, an phận, chúng ta sẽ xơ cứng, lỗi thời, tụt hậu và bị bỏ quên. Mong rằng, các tạp chí hãy vượt qua nỗi sợ công nghệ thông tin, chuyển đổi cách thức vận hành tòa soạn và sớm vận dụng chuyển đổi số vào mô hình kinh doanh tạp chí.

HOÀNG THỤY ANH


Bài viết liên quan


Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.