Mai gia đình tôi tổ chức bữa cỗ lên nhà mới, rất bận rộn cắt đặt nhiều công việc, nhưng bố tôi vẫn dứt ra để làm một việc ý nghĩa. Góc sân, giáp bờ rào xây ngăn cách với đường thôn, bố để một ô đất vuông xây gạch bốn xung quanh tạo thành một cái bồn. Bố đi sang nhà chú Thục bứng cây trứng gà con còn nguyên bầu đất mang về trồng vào đó. Sau khi tưới cho cây, bố dùng sáu thanh tre cắm xung quanh tạo thành hình chóp nón rồi lấy đoạn dây dù buộc chắc chắn để bảo vệ. Mẹ tôi đang tất bật cơm tối đi qua nhìn thấy nói với bố, “Ông vẽ chuyện, bây giờ còn ai ăn quả trứng gà nữa đâu mà trồng”. Tôi thì không nghĩ như mẹ rằng bố định trồng cây để lấy quả ăn mà có ý nghĩa khác.
Bố tôi là con thứ hai, trên là chị gái đã đi lấy chồng. Sau khi cưới mẹ tôi, bố mẹ được ông nội chia đất dựng căn nhà nhỏ ở cuối thôn giáp cánh đồng. Cũng không muốn ở riêng, nhưng vì căn nhà của ông bà quá nhỏ lại còn ba chú sau bố tôi ở cùng nên rất chật chội. Tuy là ở riêng nhưng công việc đồng áng bố mẹ tôi vẫn đỡ đần cho ông bà vì thương các chú còn nhỏ, lại đang đi học. Thóc lúa, rau cỏ, hoa mầu cũng vẫn trồng chung cho cả nhà ông bà nội dùng chứ không chia rành mạch. Bố tôi có đánh được con cá ngoài sông hay mẹ tôi bắt được mớ tép ngoài đồng cũng mang về chia cho nhà ông bà nội. Còn chúng tôi khi còn nhỏ ở nhà thì ít mà ở với ông bà nội nhiều hơn vì bố mẹ còn bận mải đi làm. Có những hôm bố mẹ đi tát nước đêm cả ba chị em không dám ngủ ở nhà một mình lại dẫn nhau sang ngủ với ông bà nội.
Hồi đó vườn nhà ông bà nội tôi có cây trứng gà to năm nào quả cũng sai lúc lỉu. Ông nội bảo cây được trồng từ khi bố tôi mới đẻ, hồi đó có phong trào trồng những cây ăn quả có nguồn gốc miền Nam như dừa, vú sữa, lê ki ma… Ông đăng ký với hợp tác xã xin giống thì được phát một cây lê ki ma. Nghe nói giống cây được gửi hạt từ huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu, nơi quê hương chị Võ Thị Sáu ra miền Bắc để gieo ươm. Ông tự hào về cây lê ki ma lắm, còn chúng tôi thì yêu cây với những tình cảm rất giản dị. Những trái lê ki ma được chúng tôi gọi tên dân dã theo người làng là quả trứng gà vì cái màu vàng như lòng đỏ trứng mỗi khi chín của chúng.
Ngày đó cái đói, cái nghèo cứ đeo đẳng các gia đình nên trẻ em đâu có được nhiều quà bánh. Được ăn bất kỳ thứ hoa quả nào cũng là niềm vui rồi. Những trưa hè oi ả, chúng tôi đứng dưới gốc nhòm kỹ lên từng vòm lá xem có quả trứng gà nào đã vàng chưa với ánh mắt đầy thèm thuồng. Ông nội thì dặn phải chờ đến mùa thu trái mới chín. Nhưng với những đứa trẻ đang tuổi lớn ăn không đủ no thì những quả xanh cũng luôn khiến chúng tôi khát thèm. Đợi đến khi ông bà ngủ trưa chúng tôi lén hái trộm vài quả xanh mang ra lũy tre ngoài cổng làng. Những quả trứng gà xanh được khứa vài đường trên vỏ cho nhựa chảy ra rồi mang xuống mương rửa cho bớt chát. Sau đó bổ chia nhau mỗi đứa vài miếng chấm muối ăn ngấu nghiến.
Đợi mãi thì mùa cũng sang thu, những quả trứng gà ruộm vàng lấp ló trên tán lá xanh bắt đầu chín. Mỗi buổi trưa tan học chúng tôi đều mau mỏi về nhà ông bà nội để được thưởng thức những quả trứng gà ngọt dẻo. Đã thành thói quen, cứ giờ đó ông bà ngồi chờ chúng tôi ngoài chõng tre. Có quả chín ông đã hái sẵn để vào cái rổ, chỉ đợi các cháu về chia nhau ăn. Hôm nào trứng gà không chín ông sẽ luộc khoai, luộc sắn hoặc tìm trong vườn có quả khế, nải chuối, quả bưởi làm quà cho chúng tôi. Cứ như vậy cây trứng gà sai trĩu quả cứ chín dần từ mùa thu, vắt ngang những ngày đông giá rét, đến đầu xuân vẫn còn vấn vương vài quả muộn, là món quà nuôi dưỡng tuổi thơ chúng tôi suốt những năm tháng học trò.
Thời gian qua mau mới ngày đó đến nay đã mấy chục năm trời. Các chú nhà tôi có người đi công tác cơ quan nhà nước lấy vợ ở xa quê. Chỉ còn chú Thục là út vẫn làm nông, lấy vợ cùng làng ở với ông bà nội. Chúng tôi lớn lên, đi học hành phương trưởng ngoài thành phố. Mảnh vườn quê với cây trứng gà vắng những tiếng cười đùa. Cứ dịp tết về thăm quê, ra nhà ông bà thấy những quả trứng gà chín rụng vàng gốc nỗi nhớ tuổi thơ lại ùa về. Khi chú Thục khởi công xây nhà mới phải chặt bỏ cây trứng gà đi, bố tôi tiếc lắm. Suốt cả tuần bố ít nói, ít cười, cứ buồn rười rượi. Dẫu biết rằng giờ đây rất ít người còn ăn quả trứng gà, nhưng không phải vì vậy mà cái cây ân nghĩa ngày nào giờ thành kẻ vô dụng. Bởi suốt bao nhiêu năm trời cây trứng gà như là người bạn thân thiết của cả gia đình tôi suốt ba thế hệ. Cũng có lúc tôi nghĩ xa xôi cây còn như sợi dây tình cảm kết nối mọi người lại với nhau bằng một khoảnh ký ức đẹp nơi góc sân nhà. Vậy mà giờ đây cây không còn nữa. Kỷ niệm đâu chỉ là nỗi nhớ vu vơ, muốn tồn tại lâu bền thì kỷ niệm phải gắn với những kỷ vật hữu hình cụ thể.
Mùa xuân năm ngoái vườn sau nhà chú Thục mọc lên mấy cây trứng gà con giáp bờ rào. Tôi đi xin rau phát hiện ra chúng liền về nhà kể ngay cho bố. Nghe thấy vậy bố mừng ra mặt chạy ngay sang nhà chú Thục xem, rồi dặn dò kỹ chú thím không được nhổ bỏ cây đi, phải chăm sóc chúng để sau xây nhà bố tôi đánh về trồng. Và hôm nay cây trứng gà đã được bố tôi đánh về trồng ở góc sân nhà đầy trìu mến
TRƯƠNG HUY